Theo Chỉ thị Số 23 -CT/TW ngày 27 tháng 3 năm 2003 của Ban Bí thư Khoá đảng IX về “đẩy mạnh nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới” thì Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng (năm 1991) đã khẳng định "lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng và kim chỉ nam cho hành động" nên việc giáo dục tòan đảng phải kiên định lập trường là điều cần thiết.Nhưng sau 12 năm, theo lời đảng: “Việc tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh còn một số hạn chế, yếu kém. Nội dung giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh chưa thống nhất và chưa đạt được chiều sâu tư tưởng, lý luận. Chậm đưa tư tưởng Hồ Chí Minh thành môn học trong các trường đại học, cao đẳng, các trường trung học chuyên nghiệp, dạy nghề và chưa có chương trình thích hợp trong các bậc phổ thông. Nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền tư tưởng Hồ Chí Minh thiếu sinh động; chưa giúp cán bộ, đảng viên gắn việc học tập tư tưởng Hồ Chí Minh với giải quyết những vấn đề thực tiễn; chưa tạo được phong trào học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh sâu rộng trong Đảng và trong nhân dân. Việc đấu tranh bảo vệ tư tưởng Hồ Chí Minh chưa chủ động, kịp thời và sắc bén.”
Tại sao lại lung tung như thế " Theo giải thích của Ban Bí thư thời bấy giờ: “ Nguyên nhân của những yếu kém, khuyết điểm nói trên chủ yếu là do không ít cấp uỷ, tổ chức đảng chưa nhận thức sâu sắc về vai trò, vị trí tư tưởng Hồ Chí Minh…”, trong khi đảng phải lo đối phó với các “âm mưu, thủ đoạn, luận điệu của các thế lực thù địch và bọn cơ hội nhằm hạ thấp, bôi nhọ, cắt xén, xuyên tạc, phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh”. Vì vậy Phan Diễn, Bí thư Trung ương đảng Khóa IX đã chỉ thị các cấp phải: “Cần kịp thời phát hiện âm mưu, thủ đoạn, luận điệu phản tuyên truyền về Hồ Chí Minh và tư tưởng Hồ Chí Minh; tổ chức nghiên cứu để cung cấp các luận cứ khoa học phản bác những luận điệu xuyên tạc phản tuyên truyền đó, kịp thời phổ biến trong Đảng, trong các đoàn thể và trong hệ thống trường học; kịp thời cung cấp cho các cơ quan tuyên truyền, giáo dục, báo chí để các cơ quan này có cơ sở đấu tranh bảo vệ tính đúng đắn của tư tưởng Hồ Chí Minh; lựa chọn các hình thức phù hợp trong đấu tranh công khai và tuyên truyền đối ngoại.”
Tưởng đâu lệnh này đã thấm vào đầu các cấp lãnh đạo, nào ngờ chỉ một năm sau, Ban Bí thư đã vội vã phải ra Thông báo (số 134- TB/TW) để điều chỉnh vì việc học hành “vẫn còn một số hạn chế”.
Thông Báo ngày 11 tháng 02 năm 2004 phê bình: “Cách làm (giáo dục, tuyên truyền) chưa được đổi mới, còn dừng lại ở mức tuyên truyền bề rộng, học lý luận chưa gắn với việc liên hệ tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành, đoàn thể, địa phương, đơn vị và tình hình tư tưởng, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, chưa tạo được sự chuyển biến thực sự trong hành động. Hoạt động nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh chưa tập trung triển khai có hệ thống. Chất lượng đội ngũ báo cáo viên còn hạn chế... Việc tổ chức học tư tưởng Hồ Chí Minh cho đảng viên và các tầng lớp nhân dân ở một số đơn vị, địa phương còn lúng túng về phương thức tiến hành, nên chất lượng chưa cao.”
Cũng nên nhắc lại trong khỏang thời gian từ khi các nước Xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và khối Liên bang Sô viết sụp đổ (1989-1992) tình hình chính trị nội bộ đảng CSVN đã có những xáo trộn, hoang mang nghiêm trọng giữa hai phe Đổi mới và Bảo thủ. Sự rạn nứt về tư tưởng xoay quanh vấn đế có nên duy trì Chủ nghĩa Cộng sản để tiếp tục Trung ương tập quyền hay phải tản quyền, cởi mở để tồn tại nên buộc lòng Bột Chính trị đảng phải đem lá bài hộ mạng “Tư tưởng Hồ Chí Minh” với chủ trương "độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội" để bảo vệ đảng.
Nhưng vì tư tuởng Hồ cũng chỉ là Cộng sản của Mác-Lênin nên hiểm họa “chệch hướng tư tưởng” trong hàng ngũ cán bộ, đảng viên -- kể cả lãnh đạo nồng cốt – đã lan nhanh, tỏa rộng nên Phan Diễn phải ra lệnh cho Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương (bây giờ là Ban Tuyên Giáo Trung ương) “Phối hợp với Ban Khoa giáo Trung uơng, Ban cán sự đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ban Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minn sớm nghiên cứu, biên soạn hệ thống giáo trình, tài liệu giáo dục, giảng dạy tư tưởng Hồ Chí Minh trong các trường của hệ thống giáo dục quốc dân và cho đoàn viên, thanh niên. Đổi mới mạnh mẽ nội dung, hình thức, phương thức giáo dục, tuyên truyền nói chung và giáo dục, tuyên truyền tư tưởng Hồ Chí Minh nói riêng. Tăng cường bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ nghiên cứu, giảng viên, báo cáo viên, đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên báo chí, xuất bản, đội ngũ văn nghệ sĩ về tư tưởng Hồ Chí Minh để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, tuyên truyền tư tưởng Hồ Chí Minh.”
Chỉ thị còn yêu cầu các cấp phải tiếp tục: “ Đấu tranh phê phán, bác bỏ có hiệu quả các quan điểm sai trái phủ định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.”Nhưng sau ba năm “Giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh” mà cán bộ, đảng viên, học sinh, sinh viên và các thầy, cô giáo vẫn “trơ ra như gỗ” không học “Bác” được bao nhiêu nên Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương khoá IX đã quyết định thay đổi chiến lược, tung ra cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" trong toàn Đảng, toàn dân, bắt đầu từ ngày 03-02-2007 và sẽ tổng kết vào ngày 03-02-2011,trước khi có Đại hội đảng khóa XI.
Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 7/11/2006 của Bộ Chính trị Khóa X nói việc "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" “Là một chủ trương lớn, vừa mang tính cấp bách trong bối cảnh tình hình hiện nay, vừa có ý nghĩa lâu dài đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc….Làm cho toàn Đảng, toàn dân nhận thức sâu sắc về những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng đạo đức và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tu dưỡng, rèn luyện và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh sâu rộng trong toàn xã hội, đặc biệt trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, thanh niên, học sinh... nâng cao đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các tệ nạn xã hội…”
Chỉ thị của Nông Đức Mạnh, Tổng Bí thư đảng viết tiếp : “ Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn liền với việc triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X của Đảng, với cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí và đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, với các phong trào thi đua yêu nước.”
Những khẩu hiệu tuyên truyền như:"Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân", "cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư", “đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các tệ nạn xã hội” ra rả ngày đêm khắp làng trên xóm dưới tưởng đâu đã ăn sâu vào đầu óc đảng viên để mang lại kết qủa khả quan.Nhưng chỉ một năm sau, Nông Đức Mạnh đã than: “Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, chúng ta cần thấy việc triển khai Cuộc vận động trong năm qua còn nhiều hạn chế, yếu kém, khuyết điểm. Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, từ Trung ương đến cơ sở, một số nơi còn chưa quan tâm đúng mức đến việc quán triệt mục đích, yêu cầu, ý nghĩa, tầm quan trọng của Cuộc vận động. Việc hướng dẫn và tổ chức triển khai thực hiện Cuộc vận động lúc đầu còn có sự lúng túng, thiếu đồng bộ. Sự phối hợp, lồng ghép nội dung Cuộc vận động trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của các ngành, các địa phương, với các phong trào thi đua còn chưa tốt, do vậy ở nhiều nơi vẫn tiến hành thực hiện Cuộc vận động như một đợt học tập chính trị, không mang tính liên tục và rộng khắp.” (Phát biểu của Nông Đức Mạnh tại Hội nghị sơ kết một năm thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” ngày 23-12-2007)Mạnh phê bình tiếp : “Chưa có sự phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương và địa phương trong chỉ đạo và thực hiện Cuộc vận động. Chưa huy động được nhiều lực lượng trong hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan đảng, chính quyền, đoàn thể trong việc triển khai. Nói chung, các cơ quan thuộc bộ máy quản lý hành chính nhà nước chưa thật chủ động, tích cực tham gia. Sự phối hợp giữa công tác tư tưởng, công tác tổ chức - cán bộ, công tác kiểm tra, giám sát, thi đua, khen thưởng... chưa chặt chẽ. Do vậy chưa phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị triển khai Cuộc vận động.”
“Một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ chủ chốt ở các ngành, các cấp, chưa nêu cao trách nhiệm trong học tập. Một số bí thư cấp ủy, cán bộ chủ trì, chủ chốt của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chưa thật sự coi trọng và chưa dành thời gian cần thiết cho việc chỉ đạo; bản thân chưa trực tiếp tham gia và gương mẫu thực hiện Cuộc vận động cùng cán bộ, đảng viên, công chức…”.
“…Nhìn chung”, Mạnh kết luận, “việc tuyên truyền, học tập tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã được triển khai khá rộng rãi, nhưng chưa thực sự thấm nhuần sâu sắc vào nhận thức, tư tưởng; chưa trở thành hành động tự nguyện tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức.. .”
“…Trong thời gian qua chúng ta chưa huy động được tất cả các thành viên trong hệ thống chính trị tham gia và phát huy vai trò, ưu thế của từng thành viên của hệ thống chính trị đó. Chưa có cơ chế phối hợp giữa công tác tư tưởng, công tác tổ chức - cán bộ, công tác kiểm tra, giám sát và các lĩnh vực kinh tế - xã hội, văn hóa ở các cấp, các ngành trong thực hiện Cuộc vận động, do vậy chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của toàn bộ hệ thống chính trị ở từng ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị. Từ Trung ương tới cơ sở, Ban Chỉ đạo giao việc cho cơ quan tuyên giáo là chính; trong khi các cơ quan tổ chức - cán bộ, kiểm tra, giám sát, quản lý nhà nước các cấp chưa thực sự vào cuộc. Trong tuyên truyền, chưa huy động được đông đảo đội ngũ văn nghệ sỹ, trí thức tham gia...”
Như thế thì học hành cái gì hay là chẳng có gì để học về tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh nên cán bộ, đảng viên từ trên xuống dưới và các ngành, các cơ sở, nhà nước lẫn tư nhân và ngay cả nghệ sỹ, trí thức là lớp người nhậy cảm cũng không tha thiết gì đến học tập hay chỉ đứng từ xa nhìn vào"
XUỐNG CẤP THÊ THẢM
Nhưng chuyện nội bộ đảng ruỗng nát, trên nói dười không nghe là chuyện nhỏ. Hãy nghe Phó Trưởng ban Tuyên Giáo Trung ương Đào Duy Quát chứng minh với Báo Tuổi Trẻ ngày 3/2/2007: “ Đại hội Đảng lần X đã xác định nhiệm vụ lịch sử quan trọng trước hết là phải làm sao phấn đấu đưa nước ta phát triển nhanh và bền vững trong một thời gian ngắn, có thể phải là 3-4 năm tới. Muốn vậy, Đảng phải thật sự nâng cao năng lực lãnh đạo, nâng cao sức chiến đấu của Đảng, cũng có nghĩa là phải nâng cao đạo đức và trí tuệ của toàn Đảng, bắt đầu từ mỗi đảng viên. Sau 20 năm lãnh đạo công cuộc đổi mới, Đảng đã đưa dân tộc giành được những thành tựu hết sức to lớn về kinh tế - xã hội, nhưng đồng thời Đảng cũng đang đứng trước nguy cơ phải đối mặt với sự suy thoái về đạo đức lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ Đảng. Nếu không giải quyết được nguy cơ này, sẽ đụng đến sự tồn vong của Đảng, của chế độ.” Đại tá, Tiến Sy Đặng Nam Điền,Phó Chính ủy Bộ Tư Lệnh Bảo vệ Lăng Hồ Chí Minh viết trong Tạp chí Xây Dựng Đảng ngày 11/7 (2008): “Một năm thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, nhiều ngành, nhiều địa phương đã tổ chức tốt các cuộc thi kể chuyện về tấm gương đạo đức Bác Hồ. …Có thể khẳng định tất cả những câu chuyện về Bác tuy nhỏ nhưng ý nghĩa rất lớn. Song có điều, tôi cứ băn khoăn là mọi người kể chuyện về tấm gương đạo đức của Bác rất hay, nhưng chưa nhiều người đề cập đến làm theo Bác như thế nào" Chính vì thế nên bên cạnh thành công lớn của cuộc vận động, chúng ta thấy còn hạn chế: Làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ chưa được tổ chức thực hiện một cách cụ thể, thiết thực…Trong tình hình hiện nay, trước tác động của mặt trái cơ chế thị trường, nhiều giá trị, chuẩn mực đạo đức bị phai nhạt. Một bộ phận cán bộ, đảng viên tha hóa, biến chất, tham nhũng, lãng phí, ăn chơi hưởng lạc...”
Đến phiên Nguyễn Quang Tuyến, Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh kể chuyện thì ta thấy tình hình đảng viên ở hạ tầng cơ sở còn bi thảm hơn nhiều. Ninh viết: “Trong điều kiện hiện nay, bên cạnh những ưu điểm, thì một trong những khuyết điểm, yếu kém mà Đảng ta mạnh dạn chỉ ra là: “Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, khả năng nhận thức, vận dụng, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và cấp ủy cấp trên của nhiều tổ chức cơ sở đảng còn yếu, chưa đủ sức phát hiện, giải quyết những vấn đề phức tạp xảy ra ở cơ sở; có tổ chức cơ sở đảng bị mất sức chiến đấu... cá biệt có tổ chức cơ sở đảng mờ nhạt, có nơi chỉ tồn tại trên danh nghĩa; một số cấp ủy, cán bộ đảng viên còn làm theo, ủng hộ cho những việc làm sai trái, vi phạm pháp luật của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp...” (Báo Điện tử đảng CSVN, ngày 4/9/2008).
Tuyến viết tiếp : “Một thực trạng đáng buồn hiện nay là: một bộ phận cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất về chính trị, tư tưởng, về đạo đức, lối sống; giữa “lời nói không đi đôi với việc làm” gia trưởng, quan liêu, xa dân, lợi dụng chức quyền tham ô, tham nhũng, làm giàu bất chính. Tệ hại hơn còn có những cán bộ, đảng viên có cương vị lãnh đạo hẳn hoi miệng luôn nói lời cao đạo, giáo huấn, mị dân nhưng tư tưởng và việc làm thì cầu danh, trục lợi, chuyên quyền, độc đoán, đứng trên tập thể, trên quần chúng, đầu óc mang nặng tư lợi cá nhân, việc gì có lợi cho mình tìm đủ mọi cách để chiếm đoạt, việc gì không có lợi thì thờ ơ, lãnh đạm; lợi dụng dân chủ để kéo bè, kết cánh, mưu toan đấu đá, thanh lọc lẫn nhau làm rối loạn kỷ cương... đã đem lại không ít vấn đề làm cho toàn xã hội và chúng ta phải băn khoăn lo lắng.”Như vậy có phải càng học theo ‘Bác” thì con, cháu “Bác” càng u tối, hay ngay đến gương “Bác” cũng đã vỡ ra nhiều mảnh nên không ai muốn soi nữa "
Phạm Trần (09-08)