LGT: Nhân dịp sắp đến ngày kỷ niệm 3 năm sự ra đi của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, 13/5/2008, tác giả Triết Giao (Tiền Đạo - Thể Thao), có viết tăng Sàigòn Times một bài viết về người nhạc sĩ kiêm ca sĩ tài hoa mang đậm đà tâm hồn lính này. SGT chân thành cảm ơn tác giả và sau đây, xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả bài viết của ông.
*
Trong bối cảnh cuộc chiến tranh tự vệ của quân dân miền Nam chống lại sự xâm lược của Bắc quân Cộng sản vào đầu thập niên 1960, dòng nhạc Tình ca Quê Hương bắt đầu xuất hiện, với những âm điệu êm dịu nhẹ nhàng lồng trong lời ca đơn sơ nhưng không kém phần trữ tình qua những ca khúc được thể hiện theo nhiều chủ đề đa dạng như bộc lộ cảm xúc luyến ái lứa đôi, diễn tả phong cảnh hữu tình đặc sắc của từng vùng địa danh đất nước, cuộc sống thôn quê bình dị hồn nhiên và đặc biệt nhất là những tác phẩm nói về người lính của quân đội Việt Nam Cộng Hòa nơi vùng tuyến đầu khói lửa, ngày đêm bảo vệ từng tấc đất miền Nam, giữ gìn cuộc sống an lạc cho người dân.
Âm hưởng của dòng nhạc Tình Ca Quê Hương đã đóng góp một phần quan trọng trong việc phát triển văn hoá, bồi đắp nghệ thuật của miền Nam Việt Nam, đồng thời cũng là dòng suối trong mát ngọt ngào, tuôn chảy theo suốt dòng lịch sử cận đại của một thời binh lửa chiến chinh, luôn thấp thoáng hình ảnh hào hùng của những người lính VNCH trong mỗi ca khúc . Và một trong những nhạc sĩ tài danh qua nghệ thuật sử dụng âm thanh để sáng tác những tác phẩm “buồn vui đời lính” chính là Trần Thiện Thanh.
Chào đời ngày 12 tháng 6 năm 1942 tại tỉnh Phan Thiết với tên thật là Trần Thiện Thanh, người nhạc sĩ tài hoa kiêm ca sĩ Nhật Trường lại có tiếng hát đặc biệt ở âm vực khá cao của giọng Nam, pha trộn âm chất tương đối của giọng mũi nhưng không kém phần trau chuốt, mượt mà, được thể hiện xuất sắc qua những tác phẩm do ông sáng tác.
Vốn là tác giả của khoảng 100 ca khúc trữ tình rất được thính giả yêu chuộng, những tình khúc của Trần Thiện Thanh lại không mang tính chất triết lý mơ hồ đầy ảo tưởng, hay ủy mị , u uẩn sầu đau, sáo ngữ như Trịnh Công Sơn; cũng không mảnh khảnh bay bướm, mượt mà như Ngô Thụy Miện, Từ Công Phụng hay da diết đam mê như Lê Uyên Phương v.v.. là những nhạc sĩ vang danh cùng thời bấy giờ. Dòng nhạc của Trần Thiện Thanh luôn là những khuôn phách bình lặng, lững lờ như những dòng sông hiền hòa nơi quê nhà chia ra nhiều nhánh cùng đổ về biển rộng bao la, kết hợp với những lời thơ của thể văn tự thuật, vừa bình dị nhẹ nhàng vừa thân mật chân tình, tạo thành một trường phái riêng biệt nơi lối sáng tác đặc dị của riêng ông: ca ngợi tình yêu quê hương và đưa hồn nhạc vào đời lính !
Chính vì những yếu tố này mà hầu hết những ca khúc tiêu biểu của ông đều được chuyển đi bằng nhịp chậm vừa phải trên một nền nhạc ung dung thanh thản, ghi dấu những kỷ niệm trân quý thời niên thiếu với hình ảnh của ngày “Đám Cưới Đầu Xuân”, hay nhìn từng làn khói thuốc lá trên tay trong giây phút xôn xao hồi hộp đợi chờ người yêu với “Chuyện Hẹn Hò”, hoặc trầm lắng tâm hồn trăn trở cùng tiếng sóng vỗ về của đại dương để cảm thấy thấm thía hơn nỗi đau quê hương chưa một ngày được ngủ yên trong giấc mơ hòa bình, đất mẹ bị bom đạn cày nát , mồ hôi tuôn ướt trên đường hành quân thành “Biển Mặn” trên môi, hay cùng người lính chiến phong sương trên đường hành quân nơi rừng hoang gió núi bất chợt ngắm nhìn loài hoa dại bên đường mà ngộ ra thế giới thần thoại trong những câu chuyện mẹ kể năm xưa, rồi liên tưởng đến ngày thanh bình cùng người yêu vui khúc hoan ca bên cành “Hoa Trinh Nữ” .
Sau khi chuyển cư vào Sài Gòn từ năm 1958, Trần Thiện Thanh đã có nhiều nỗ lực trong những hoạt động âm nhạc nên chỉ một thời gian ngắn sau đó tiếng hát ngọt ngào khoan thoai, đầm ấm chân tình của ông với tên Nhật Trường đã hoàn toàn chinh phục giới yêu nhạc thủ đô miền Nam tự do. Hơn nữa, đây cũng là thời điểm bắt đầu cho sự phát triển tài năng sáng tác của ông qua loại nhạc Tình Ca Quê Hương với nhiều bút hiệu khác nhau như Trần Thiện Thanh Toàn, Anh Chương, Anh Thy qua hàng loạt tình khúc nổi tiếng lần lượt ra đời, như: “Khi Người Yêu Tôi Khóc”, “Ai Nói Yêu Em Đêm Nay”, “Anh Về Với Em”, “Bảy Thế Kỷ Tình Yêu”, “Chuyện Một Người Đi”, “Bóng Nắng”, “Anh Nhớ Về Thăm”, “Trên Đỉnh Mùa Đông”, “Mùa Đông Của Anh”, “Chiều Trên Phá Tam Giang” v.v…
Do ảnh hưởng âm điệu thổ ngữ của vùng Phan Thiết, những tác phẩm Tình Ca Quê Hương của Trần Thiện Thanh thường được cấu trúc bằng một chất nhạc dựa trên nền tảng những hợp âm biến đổi đảo nghịch âm giai ngũ cung của thể điệu dân ca miền Nam qua các bài hát điển hình là “Rừng Lá Thấp”, “Biển Mặn” và “Chiếc Áo Bà Ba” vốn là ba ca khúc nổi tiếng trong vô số những tác phẩm của ông.
“Rừng Lá Thấp” là ca khúc đặc biệt viết về một “Anh Hùng Mũ Xanh” từng nổi danh nơi chiến trường Bình Lợi là Cố Đại Úy Vũ Mạnh Tùng thuộc Trung Đoàn 3 binh chủng Thủy Quân Lục Chiến Việt nam Cộng Hòa. Được khởi đi bằng đoạn phiên khúc với những nốt nhạc vang lên ở nhịp mạnh ngay từ câu nhập đề kèm theo biến chuyển hợp âm ở nửa nhịp của khuôn nhạc đầu như một chuyển động đột phá bất ngờ về tiết tấu với phần kỹ thuật biên soạn tài tình và sáng tạo, “Rừng Lá Thấp” đã đem đến cho người nghe một cảm giác lâng lâng khi cuối khuôn nhạc đầu là phần hợp âm nghịch đảo đưa thế giới của những khu rừng xanh lá vào trong cõi mênh mang của dòng nhạc quê hương ngọt ngào giàu âm hưởng dân ca, dàn trải tâm sự của người lính giữa khu rừng già khuất lấp, bỏ lại sau lưng ánh đèn mầu rực rỡ với những âm thanh cuồng nhiệt sinh động của thành phố mà anh có nhiệm vụ phải bảo vệ. Chỉ cần qua một đoạn của phiên khúc 1, bài hát đã nói lên được nỗi niềm của người trong cuộc, tức những chiến binh ngày đêm trấn thủ nơi chiến tuyến, ước mong một mai khi quê hương hòa bình. Tâm sự của người lính Mũ Xanh nay đã trở thành người hùng bất tử như đồng cảm với tiếng hát của người nữ ca sĩ vang vọng từ chiếc máy thu thanh, để rồi bâng khuâng nhìn lại thân phận mình giữa rừng già cô độc, thầm ước mong cho tiếng nhạc lời ca được gửi đến những chiến sĩ trực diện quân thù, những bà mẹ tần tảo từng đêm nhớ mong con yêu, những người vừa oanh liệt nằm xuống cho đất mẹ nở hoa.
Xuyên xuốt bài hát này là những dòng hợp âm biến hóa lúc trầm lúc bổng làm nổi bật sự liên kết giữa hình ảnh và ý tưởng một cách nhẹ nhàng, hài hòa và không kém phần linh động nơi các thanh âm gợi cảm.
Nhạc phẩm “Rừng Lá Thấp” thể hiện tâm sự của người lính chiến VNCH chiến đấu gian khổ để bảo vệ miền Nam, ghi đậm nét tấm gương hy sinh của những anh hùng vị quốc vong thân như cố Đại úy Vũ Mạnh Tùng.
Trong khi đó, tác phẩm “Biển Mặn” lại là một thông điệp nói lên khía cạnh chan chứa bao la của lòng biển thâm sâu bát ngát như tình mẫu tử vốn là một sợi dây thiêng liêng kết chặt lương tâm và lương tri loài người vào ý niệm của đạo đức. Và cũng với nét bình thản giản dị cố hữu nơi phong cách tác khúc của Trần Thiện Thanh, ca từ nhập khúc của “Biển Mặn” đã xoáy thẳng vào thính giác người nghe về lý lẽ tuần hoàn bất biến của vũ trụ, đồng thời ngộ ra thân phận kiếp người qua hình ảnh những nhánh sông nhỏ tuôn chảy về nguồn biển lớn của lòng mẹ được ôm ấp trong tình cha cao cả tựa dãy Trường Sơn sừng sững giữa trời mây. Tiếp đến, từ tiền đề nhập khúc này tác giả đã khéo léo khởi dụng lối hành văn nhân cách hóa khi diễn tả một cách sắc sảo hình ảnh của những đợt sóng vỗ về như ru giấc ngủ trên quê hương mến yêu, đề cao truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam trong nhân sinh quan đối với gia đình và tổ quốc.
“Cao ngất Trường Sơn, ôm ấp tình thương nước ra sông nguồn
Tìm về biển Đông, tình yêu thành sóng Thái Bình Dương
Rồi từng đêm sương, sóng vỗ về ru giấc quê hương
Nhưng quê hương chưa ngủ, khi bom đạn tơi bời còn nhục nhằn dưới ruộng trên nương.
Tôi thức từng đêm thơ ấu, mà nghe muối pha trong lòng
Mẹ là mẹ Trùng Dương, gào than từ bãi trước ghềnh sau
Tuổi trời qua mau, gió biển mặn nuôi lớn khôn tôi
Nên năm hăm mốt tuổi, tôi đi vào quân đội mà lòng thì chưa hề yêu ai…”
*
Đặc điểm phối âm trang trí cho nền nhạc của tác phẩm “Biển Mặn" cũng là giai điệu ngũ cung mang hương vị ngọt ngào của dân ca miền Nam phảng phất trong suốt 2 câu phiên khúc mở đầu bằng chủ âm thứ, rồi lại được chuyển tiếp một cách tài tình qua phần điệp khúc thanh thoát tươi sáng của những âm giai hợp âm trưởng rất thú vị. Lối dàn dựng biến đối chủ âm này tuy chỉ là những trình tự tuân theo quy tắc nhạc lý Tây Phương, nhưng điểm khởi sắc và tài tình của tác giả chính là những nốt nhạc nơi khuôn cuối phiên khúc 1 đã được biến hóa linh động khéo léo để thăng âm lên những giai tầng phù hợp với âm vực trưởng.
Qua “Biển Mặn”, Trần Thiện Thanh đã bộc lộ tâm sự và chia xẻ với người nghe về nhân sinh quan của ông, hoặc nói khác đi ông đã tự thuật cuộc đời của chính bản thân.
Ngoài lĩnh vực tác khúc, Trần Thiện Thanh còn thành lập nhóm “Tứ Ca Nhật Trường” với sự tham gia của những giọng hát quen thuộc trong làng nhạc đương thời gồm Như Thủy tức em gái của ông, cùng Vân Quỳnh và Diễm Chi vốn được mệnh danh là “Du Ca Chi Bảo”, vào những năm đầu thập niên 1960. Trần Thiện Thanh cũng là người thành lập và điều hành trung tâm thâu băng, phát hành nhạc “Tiếng Hát Đôi Mươi” thường xuyên thực hiện những băng nhạc chủ đề do chính ông hoặc nhóm “Tứ Ca Nhật Trường” trình bày được giới ái mộ thưởng thức nồng nhiệt.
Sau khi Trần Thiện Thanh tốt nghiệp trường Hạ Sĩ Quan Thủ Đức, kể từ năm 1965 cho đến ngày Sài Gòn thất thủ 30/4/1975, ông được biệt phái đến làm việc tại Cục Tâm Lý Chiến thuộc Bộ Tổng Tham Mưu của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa qua những công tác phụ trách đài phát thanh, đài truyền hình Quân Đội. Có lẽ vì đã trải qua cuộc sống quân ngũ với những giờ phút sát cánh bên những người lính tác chiến trong công việc thực hiện các phóng sự chiến trường nên đa số những nhạc phẩm của người “nhạc sĩ quân nhân” Trần Thiện Thanh đều viết về đời lính với nguồn cảm hứng vô tận lồng trong những nốt nhạc đầy sinh khí lạc quan, lãng mạn yêu đương, khi thì bồng bềnh phiêu lãng cùng mây trời với binh chủng Không Quân qua ca khúc “Tuyết Trắng”, lúc thì đùa vui nhởn nhơ lướt sóng cùng những chàng thủy thủ của binh chủng Hải Quân như nhạc phẩm “Hoa Biển” v.v… Qua những ca khúc này, chân ý nổi bật nhất mà Trần Thiện Thanh muốn gửi gấm đến chúng ta là: dù ở trong bất cứ màu áo nào của quân đội, người lính VNCH vẫn một lòng chiến đấu cho quê hương , mong chờ ngày chiến thắng trở về dệt mộng xe duyên cùng người yêu ở hậu phương.
Chủ đề Xuân cũng không thể thiếu vắng trong dòng nhạc trữ tình của Trần Thiện Thanh khi những ” Đồn Vắng Chiều Xuân”, “Phút Giao Mùa”, “Đám Cưới Ngày Xuân”, “Mùa Xuân Lá Khô” v.v…đã trở thành những ca khúc phổ biến quen thuộc và mãi cho đến nay vẫn luôn được nhiều ca sĩ hải ngoại lẫn quốc nội trình diễn vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc như thể hiện một sự ưu ái trân trọng đặc biệt đối với những danh tác được liệt vào hàng tiêu biểu của ông. Trong những khúc Xuân Ca này, “Đồn Vắng Chiều Xuân” là một tác phẩm mang kích thước đặc biệt nhất vì nó tổng hợp được những cảm ý đặc sắc, tuy trừu tượng phản ảnh trung thực tâm trạng của người lính trong giây phút thiêng liêng của thời khắc giao mùa, đất trời hòa hợp.
Bài hát này được trải lót nhẹ nhàng bằng thể điệu Rhumba Boléro chuẩn nhịp cho chủ âm trưởng với tiết tấu âm thanh du dương, tăng nét thanh nhã trong phần nhập khúc qua ý tưởng: dù mọc lên hoang dại bên ven rừng trong lửa đạn ngập trời nơi miền hỏa tuyến, hoa mai vàng vẫn nở rộ với mùa Xuân mới, đưa hương Xuân bay tỏa khắp trời như một thông điệp hòa bình đơn giản nhất gửi đến cho muôn loài . Có lẽ đây cũng là một tín hiệu duy nhất để người chiến sĩ vô danh biết rằng Xuân vẫn còn hiện hữu nơi tiền đồn vắng, và những cánh hoa mai vàng gợi nhớ kỷ niệm êm đềm của mùa Xuân năm xưa khi chia tay cùng người yêu để lên đường thực hiện sứ mạng người trai đất Việt trong cơn quốc biến.
Dòng suy tư này được chuyển âm thành những bức tranh rực rỡ màu sắc của “rừng mai vàng” giữa khung cảnh một buổi chiều Xuân thanh vắng. Tuyệt dịu nhất là hình ảnh của “ánh trăng thề” phản chiếu trên dòng sông được vớt lên để viết tên người tình, đã đưa thính giả đi vào thế giới tình cảm của người chiến sĩ , dù trên bước đường hành quân gian khổ vẫn không phai nhạt nét lãng mạn, mơ mộng qua những vần thơ gửi gấm tâm tình:
“Đầu xuân năm đó anh ra đi
Mùa xuân này đến anh chưa về
Những hôm vừa xong phiên gác chiều
Ven rừng kín hoa mai vàng
Chợt nhớ tới sắc áo năm nào em đến thăm gác nhỏ
Mùa hoa năm đó ta chung đôi
Mùa hoa này nữa xa nhau rồi
Nhớ đêm hành quân thân ướt mềm
Băng giòng sông loang trăng đầy
Lòng muốn vớt ánh trăng thề viết tên em…”
*
Trong cùng thể loại nhạc về đời lính, Trần Thiện Thanh còn là người nhạc sĩ duy nhất có nhiều sáng tác vinh danh các vị anh hùng vị quốc vong thân với những chiến tích oanh liệt còn vang dội hùng khí cho đến nay, tô đậm thêm nét vàng son rực rỡ trong những trang sử oai hùng của quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Đó chính là những bài hát nêu cao tấm gương kiên cường bất khuất của những người cầm súng chiến đấu vì tổ quốc được Trần Thiện Thanh khởi biên từ khoảng năm 1968. Đa số các ca khúc viết về lính của ông mang nội dung đề cao chính nghĩa và vinh danh gương tuẩn tiết của các chiến sĩ anh hùng vốn rất cần thiết cho tinh thần chiến đấu của người lính trong bối cảnh đất nước lúc bấy giờ. Chính vì vậy mà các ca khúc viết về lính của Trần Thiện Thanh đã hình thành một cực tương phản với lối sáng tác mang nội dung yếm thế, trăn trở, u trầm và buông thả cuộc sống theo chủ thuyết hiện sinh, phê phán chiến tranh nhưng lại không hề đề cập đến nguyên nhân của cuộc chiến thể hiện trong một số ca khúc của Trịnh Công Sơn như” “Hát Trên Những Xác Người”, “Gia Tài Của Mẹ”, “Đại Bác Ru Đêm”. “Tình ca Người Mất Trí” hay Phạm Duy với “Kỷ Vật Cho Em v.v…
Đến đầu thập niên 1970 tình hình chiến cuộc gia tăng cường độ khốc liệt, những đứa con thân yêu của đất nước lần lượt ra đi như Đại Úy Nguyễn Văn Đương Pháo Đội Trưởng B-3 binh chủng nhảy dù đền nợ nước tại mặt trận Khe Sanh trong cuộc hành quân Hạ Lào năm 1971, và “Thiên Thần Mũ Đỏ” Trung Tá Nguyễn Đình Bảo của khóa 14 Trường Võ Bị Đà Lạt tử thủ ngọn đồi Charlie vào thời điểm mùa hè đỏ lửa năm 1972. Hai cái chết anh hùng của hai người sĩ quan quân lực VNCH đã trở thành nguồn cảm hứng cho 2 danh khúc vĩnh viễn đi vào lịch sử của những bản Anh Hùng Ca Việt Nam: “Anh Không Chết Đâu Em” và “Người Ở Lại Charlie”.
Nếu “Anh Không Chết Đâu Em” là những nốt nhạc thương cảm tưởng nhớ đến người anh hùng tuy đã ra đi nhưng vẫn sáng ngời hồn phách tinh anh trong lòng cô phụ từng đêm thao thức thì nhạc tính của “Người Ở Lại Charlie” chất chứa nhiều phần bi tráng qua những âm thanh trầm hùng đậm nét tiếc thương gương dũng cảm quyết tử của người sĩ quan xả thân đền nợ nước. Những ca khúc lính của Trần Thiện Thanh in dấu những địa danh lạ lẫm, mà nếu không có sự hy sinh cao cả của những người lính VNCH, có lẽ sẽ không bao giờ được người dân thị thành nghe đến như: Toumorong, Dakto, Krek, Snoul, Dambe, Charlie, v.v....
Sau ngày tang thương 30 tháng 4/1975 phủ trùm lên vận mệnh toàn thể dân tộc, cũng như tất cả những văn nghệ sĩ của Việt Nam Cộng Hòa, nhạc sĩ Trần Thiện Thanh bị bạo quyền Việt cộng cấm đoán hoạt động văn nghệ và đương nhiên những nhạc khúc của ông cũng không được lưu hành. Đến năm 1984 ông được cấp giấp phép tái hoạt động nhưng với khí tiết trung cang của một cựu quân nhân từng nêu cao chính nghĩa bảo vệ tự do qua hình ảnh những người lính VNCH, Trần Thiện Thanh đã cương quyết không cộng tác với bạo quyền Cộng sản dù là trong lãnh vực văn nghệ.
Đến năm 1993, Trần Thiện Thanh chuyển cư sang Hoa Kỳ theo diện đoàn tụ gia đình. Ở hải ngoại, ông thực hiện dĩa nhạc với chủ đề “Đôi Tiếng Tự Do” tổng hợp những ca khúc 1 thời vang bóng từng được ban Tứ Ca Nhật Trường trình diễn ở Sàigòn năm xưa, và xuất hiện trên sân khấu hải ngoại trong những chương trình ca nhạc.
Ở tuổi 63, sau những ngày tháng chống chọi với căn bệnh ung thư phổi, nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đã từ trần tại nhà riêng ở thành phố Westminster Quận Cam vào ngày 13.5.2005, để lại nỗi đau buồn thương tiếc vô hạn cho người thân và nhất là giới yêu nhạc Trần Thiện Thanh lẫn tiếng hát Nhật Trường.
Trong khuynh hướng nền tân nhạc Việt Nam đang ngày càng mất đi những ngôi sao Bắc Đẩu thuộc thế hệ dòng nhạc tiền chiến và dòng nhạc Tình Ca Quê Hương, sự ra đi của Trần Thiện Thanh lại tạo thêm một khoảng trống to lớn trong lãnh vực tác khúc soạn lời mang tính đặc thù Việt Nhạc, khiến ta càng ngậm ngùi nghĩ đến những công lao đóng góp tận tụy và quý hiếm của người nhạc sĩ thiên tài được mệnh danh “Nhạc Sĩ Của Lính” qua các ca khúc tha thiết, trữ tình, dồi dào âm điệu quê hương của một thời chinh chiến đã trải qua hơn 4 thập niên.
Riêng đối với những tâm hồn yêu nhạc Trần Thiện Thanh, có lẽ những giai diệu bình dị và ca từ đơn giản nhưng tiềm ẩn nhiều triết lý cùng cảm quan của ông vẫn vang lên những âm thanh bất tử đúng như lời nhạc ông từng viết: “Anh không chết đâu em, anh chỉ về với Mẹ mong con…” hoặc: “Anh về với em như chim liền cánh như cây liền cành..” mang ý nghĩa của “Thiền Ngôn “ mà chính bản thân ông đã được giác ngộ qua ý niệm “Hợp -Tan” vô thường của kiếp người dẫy đầy tục lụy. Và qua chân lý tiềm tàng trong những Thiền Ngôn này, là nhận thức về sinh và tử trong đời sống: sinh là nhập thế tùy duyên, chết là quy giới vĩnh hằng!
Xin được dâng nén hương lòng gửi đến người nhạc sĩ tài hoa đã cống hiến một đời tận tụy cho nền âm nhạc Việt Nam, cùng với ước nguyện cầu mong ông luôn thanh thản trong thế giới mà ông đã được “trở về” để chứng nghiệm chân lý: “Con người sinh ra để bắt đầu cho một cuộc hành trình trở về cội nguồn bản thể của mình”.