Thủ hiến NSW, ông Morris Iemma đã thực sự đi vào lịch sử: Là thủ hiến Lao động thứ nhì trong suốt gần 100 năm qua bị đại hội đại biểu toàn tiểu bang – cơ cấu dân chủ có trách nhiệm hoạch định chính sách của đảng – thông qua nghị quyết chống đối dự định tư hữu hóa điện lực của chính phủ Lao động NSW. Tệ hại hơn nữa, nghị quyết được thông qua với 802 phiếu chống tư hữu hóa và 107 phiếu ủng hộ tư hữu hóa, một tỷ số lớn hơn tỷ số phỏng đoán trước đó là 750-150. Tuy vậy, trong một cuộc họp báo vào trưa Chủ Nhật 4/05/08 vừa qua, sau khi đại hội thông qua nghị quyết chống đối thì thủ hiến Iemma vẫn khẳng định rằng dự án tư hữu hóa điện lực sẽ vẫn được tiến hành, vì ông đã cân nhắc quan điểm của “700 đại biểu” so với nhu cầu của “7 triệu cư dân NSW” để cuối cùng đi đến quyết định ông phải nghĩ đến “trách nhiệm hiến định của ông đối với dân chúng”. Thế nhưng, sự thực như thế nào"
Theo ký giả Andrew Clenell qua bài nhận định trên nhật báo Sydney MorningHerald ngày 5/5/08, tựa đề “Iemma Bet The Lot In Ego Clash” – Ông Iemma tố xả láng chỉ vì tính tự cao – thì lý do chính yếu của sự việc này chính là sự tự cao và danh vọng mà thôi.
Ông John Robertson, tổng thư ký liên đoàn lao động Unions NSW và ông Bernie Riordan, tổng thư ký nghiệp đoàn thợ điện ETU kiêm chủ tịch khu bộ đảng Lao động NSW, không muốn bị lịch sử ghi danh như những nhà lãnh đạo nghiệp đoàn đã cho phép điện lực bị tư hữu hóa ngay khi chính đảng Lao động đã chống lại chuyện này.
Nếu chuyện tư hữu hóa xảy ra thì điều này có nghĩa là họ nắm quyền lèo lái công đoàn và đảng trong thời điểm mà thế lực của công đoàn cũng như của đảng đối với chính phủ Lao động tiểu bang bị vô hiệu hóa lần đầu tiên trong lịch sử.
Trong khi đó, cũng theo ký giả Clenell, thì ông Michael Costa, bộ trưởng kinh tế tiểu bang, lại muốn được lịch sử ghi danh như kẻ đã thành công trong việc mà một người tiền nhiệm của ông là ông Michael Egan, đã thất bại: tư hữu hóa điện lực cho dù bị công đoàn chống đối.
Còn về phần thủ hiến Iemma, sau gần 3 năm bị nhiều người cho là ươn hèn, yếu đuối, muốn được miêu tả như một nhà lãnh đạo cứng rắn, mạnh mẽ đã đi vào lịch sử với việc tư hữu hóa điện lực và dùng tiền thâu được vào những dự án phát triển kiến thiết như thiết lập hệ thống xe điện cho thành phố. Ông tuyên bố trong cuộc họp báo “Nếu khi nắm được chính quyền mà người ta chỉ đưa ra các quyết định dễ dàng thì người ta đã không chu toàn được bổn phận của mình”.
Đặc biệt, bài viết trên Sydney Mornig Herald ngày 5/5/08 vừa qua của hai ký giả Andrew West và Andrew Clennel, tựa đề: “Costa Obscene Outburst At Unions” đã mô tả những căng thẳng trong hậu trường trước khi diễn biến lịch sử xảy ra cuối tuần qua. Bài viết được lược dịch như sau.
Mặt đỏ gay, hai tay nắm chặt, Michael Costa sồng sộc tiến đến sát ông John Robertson, tổng thư ký Unions NSW và hét lớn: “Đ.M. tụi bay. Tới sáng thứ Hai thì tụi bay sẽ được người ta xem như một lũ đần độn”.
Ngài bộ trưởng kinh tế tiểu bang phẫn nộ giận dữ vì các bộ trưởng đồng liêu của ông cùng giới lãnh đạo nghiệp đoàn đang thương lượng để sửa đổi giấc mơ của ông về việc tư hữu hóa kỹ nghệ điện lực tiểu bang.
Bà Sarah Kaine, phó chủ tịch cuả khu bộ đảng Lao động NSW, người đã chứng kiến toàn bộ sự việc, sau đó bảo ông Robertson, "Tôi cứ nghĩ lúc đó Costa đang tính giộng cho anh một trận”.
Sự việc trên là điểm bùng nổ trong một tấn tuồng hết sức gay cấn tại đại hội đại biểu thường niên của khu bộ đảng Lao động NSW vào cuối tuần qua, khi ông John Robertson và bộ trưởng thâm niên là ông John Della Bosca cố gắng thương lượng để thảy một cái phao nhằm giữ thể diện cho thủ hiến Morris Iemma, không để ông bị nhục nhã là chính đảng của ông lại ra quyết nghị chống dự án tư hữu hóa của ông.
Sự đụng độ này xảy ra khoảng 2g00 trưa thứ Bảy, trong một phòng họp tại Sydney Convention Centre.
Một phát ngôn nhân của ngài bộ trưởng kinh tế sau đó nói: “Cuộc thảo luận được diễn ra trong phong cách rất hoa mỹ thông thường của đảng Lao động (conducted in the usual colourful Labor fashion) với những ngôn từ hoa mỹ được phát xuất từ cả hai phe”.
Ông Della Bosca và bạn đồng liêu của ông là bộ trưởng bộ Năng Lực Ian Macdonald, đã họp kín trong phòng từ 12g00 trưa với ông John Robertson, ông Bernie Riordan, chủ tịch đảng kiêm TTK nghiệp đoàn ETU, ông Stephen Turner, đại diện nghiệp đoàn công chức PSA, bà Lorraine Usher, đại diện CFMEU (nghiệp đoàn Xây Dựng, Lâm Nghiệp, Hầm Mỏ và Năng Lực), ông Paul Bastian, đại diện MWU (nghiệp đoàn Sản Xuất) và ông Ben Kruse, đại diện USU (nghiệp đoàn dịch vụ).
Có đôi lúc, tổng thư ký khu bộ đảng là ông Karl Bitar, cùng bộ trưởng Lục Lộ, ông Eric Roozendaal và người đồng minh thân cận nhất của ông Costa là bộ trưởng Bến Cảng Joe Tripodi, tất bật chạy ra, chạy vào phòng họp.
Khi sự căng thẳng trong phòng ngày càng gia tăng thì ông Roozendaal mở cửa phòng cho thấy giấy gói bánh mì hamburger nằm la liệt trên bàn. Ông Roozendaal nói đùa với các ký giả chực chờ ngoài phòng rằng “chúng tôi chỉ ăn McDonalds thôi”.
Sự thương lượng điều đình bao gồm điều kiện rằng ông Iemma sẽ chấp nhận sự chống đối của đảng về vấn đề tư hữu hóa. Và ngược lại, cái đảng đã đưa ông Iemma vào quốc hội cùng với guồng máy đã mang cho ông chức thủ hiến sẽ nhân nhượng cho phép ông sửa đổi lại kế hoạch về điện lực của ông.
Theo như sự hiểu biết của các ký giả từ SMH thì hai ông Della Bosca và Macdonald bắt đầu cuộc điều đình thương lượng với sự đồng ý của thủ hiến Iemma, thế nhưng, đòi hỏi nhân nhượng của đảng cuối cùng lại không thể chấp nhận được và ông Costa là người đã bảo họ như thế.
Một nguồn tin cao cấp từ phe chính phủ cho biết: “Thỏa hiệp đang được thảo luận thì ông Costa nói chuyện với thủ hiến và nói rằng “đấy là điều mà họ đưa ra”. Ông ta nói về những điểm chính và Morris (Iemma) nói “không, vô trong đó và bảo họ rằng chuyện ấy là chuyện không chấp nhận được”"
Và rồi, vào khoảng 2g30 trưa Chủ Nhật 4/5/08, ông Iemma đã tổ chức cuộc họp báo để tuyên bố rằng ông vẫn tiến hành việc tư hữu hóa nhưng ông sẵn sàng để thảo luận với công đoàn. Tuy thủ hiến Iemma đã khước từ không thỏa thuận, nhưng một nguồn tin cao cấp trong đảng Lao động cho biết rằng họ sắp sửa ngã ngũ trong một thỏa hiệp nhằm cứu vãn danh dự cho ông Iemma thì bị ông Costa can thiệp một cách hung tợn như đã nêu trên. Nguồn tin này giơ bàn tay có ngón trỏ và ngón cái cách nhau một ly và nói “còn tí xíu nữa là thỏa hiệp xong rồi".
Nghị quyết được thương lượng sẽ giúp cho hai phe chính phủ và công đoàn tiếp tục thảo luận. Nó sẽ chừa cho ông Iemma một khoảng cách để ông có thể rút lui từ quan điểm cứng nhắc mà ông Costa luôn giữ vững.
Đến 3g00 trưa thì cuộc thương thuyết với ông Costa bị bế tắc. Ông và ông Robertson cùng xuất hiện thật ngắn ngủi trên thang cuốn, miệng cười thật gượng ép và vẻ thân mật rõ ràng rất giả tạo. Sau đó thì ông Tripodi thủ vai người trung gian cho ông Costa. Ít nhất ba lần ông Tripodi chạy lên chạy xuống cái thang cuốn nằm giữa hai tầng – một tầng có phòng họp nơi giới lãnh đạo công đoàn cùng các bộ trưởng Della Bosca và Macdonald hội họp, còn tầng trên là nơi ông Costa cô độc ngồi một mình.
Một nguồn tin từ phe chính phủ cho biết: “Từ khi cuộc thương thuyết bắt đầu thì có rất nhiều lần người ta sắp đi đến thỏa hiệp, nhưng mỗi lần ông Costa đều can thiệp và ngăn chận nó lại. Ông ta đơn phương nhảy vào từ trên cao. Ông Della Bosca và ông Mcdonald liên tục bị ngăn cản. Sự ngờ vực mà ông Costa dành cho phong trào công đoàn đã trở thành sự thật qúa rõ rệt mà ai ai cũng biết”.
Sau khi mọi chuyện kết thúc thì một nhân viên chính phủ cho biết nghị quyết cuối cùng chỉ được trình làng 20 phút trước khi được biểu quyết. Giới công đoàn chỉ lần lượt mang từng đoạn của bản nghị quyết vào phòng thương thuyết. Nhân viên chính phủ này cho biết rằng, qua hành động nói trên, giới công đoàn đã thăng thừng bảo chính phủ rằng: “Chúng tôi sẽ đâm thủng tim mấy anh ngay trên sân khấu giữa đại hội”.
Trong suốt một tuần lễ trước đại hội, ông Robertson, ông Della Bosca và ông Macdonald đã cố gắng tìm được một giải pháp trung dung nhằm hòa giải và tìm được một sự thỏa hiệp giữa quyết định khăng khăng tư hữu hóa của ông Costa và ý chí của phe công đoàn cực lực giữ kỹ nghệ năng lượng trong tay chính phủ và quần chúng.
Hai phe gặp gỡ vào tối thứ Ba 29/4, rồi sau đó lại họp vào khuya thứ Năm 1/5. Càng đến gần đại hội thì thủ hiến Iemma càng bị áp lực nặng nề hơn từ các dân biểu bạch đinh để họ có thể né tránh được một vấn nạn cực kỳ khó khăn - tuân theo lệnh của thủ hiến, bộ trưởng kinh tế cùng nội các để yểm trợ tư hữu hóa hoặc tuân thủ đảng quy cùng chính sách của đảng vốn đã đưa họ vào nghị viện tiểu bang.
Sự bùng nổ đầu tiên xảy ra vào tối thứ Năm, khi các ông Robertson, Riordan, Bastian và ông Kruse nhóm họp với các bộ trưởng DellaBosca, Macdonald và ông Costa trong phòng họp của ông Iemma trên tầng 40 của Governor Macquarie Tower. Phe công đoàn đang cố thúc đẩy cho một thỏa hiệp vốn sẽ “giữ phần lớn các nhà máy điện trong tay quần chúng” (keep the overwhelming portion of base-load electricity generation in public ownership) nhưng cho phép tư nhân được dự phần.
Hai ông Costa và Iemma dẫn nhau trở về phòng riêng của ông Iemma nhưng người ta vẫn có thể nghe ông Costa quát to: “Làm sao anh lại chấp nhận quyết định của đại hội đại biểu chứ" Anh sẽ được xem như là một thằng hề”.
Cuối cùng thì hôm thứ Bảy 3/5/08, ông Costa bước lên diễn đàn. Ông quơ tay lung tung trong lúc giọng ông càng ngày càng lên cao. Đài truyền hình ABC miêu tả phong cách của ông “như Mussolini” (LND: nhà độc tài phát xít Ý trong Thế Chiến II). Và ông đã bị chống đối với tỷ số là 802-107.
Ngay trước khi cuộc thương thảo chấm dứt thì ông Tripodi đứng bên ngoài phòng họp nói với những đại biểu công đoàn đang đúng tụ họp ở đấy: “Đàng nào thì chúng ta cũng chết” (“We’re dead, anyway”).
Khi được ký giả hỏi rằng, ông Tripodi ám chỉ công đoàn hoặc chính phủ, thì một người trong số đại diện công đoàn nói: “Tôi nghĩ anh ta muốn nói tất cả. Cả đại hội, lẫn cả đảng. Tất cả!”