Hoa Thịnh Đốn.- Vật giá leo thang, tiền mất giá, làm không đủ sống, cuộc sống bấp bênh là những vấn đề người dân Việt Nam đang lao đao đối phó, nhưng Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng, lại không đưa ra biện pháp cụ thể nào để giải quyết mà chỉ báo cáo “khơi khơi” với Quốc hội như đã làm trong phiên họp ngày 6-5 (2008).
Dũng nói : “ Những tháng cuối năm 2007 tình hình kinh tế thế giới diễn biến rất phức tạp; giá dầu thô, giá lương thực và giá nguyên vật liệu, máy móc thiết bị tăng cao tạo thêm những thách thức gay gắt cho việc điều hành nền kinh tế và tác động tiêu cực đến ổn định kinh tế vĩ mô; giá tiêu dùng trong nước quý IV tăng rất mạnh, làm cho chỉ số giá tiêu dùng cả năm 2007 tăng 12,63%; kim ngạch nhập khẩu cả năm tăng 39,6%, nhập siêu tăng cao, bằng 29% tổng kim ngạch xuất khẩu và gấp hơn 2,7 lần năm 2006.”
“Trước tình hình đó”, Dũng nói tiếp, “trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2008, Chính phủ đã tập trung sức chỉ đạo theo dõi sát các diễn biến của tình hình, phát hiện và xử lý những vấn đề mới phát sinh. Nhiều chính sách, biện pháp đã được khẩn trương triển khai thực hiện nhằm kiềm chế lạm phát; tăng cường quản lý thị trường, giá cả và ổn định thị trường tiền tệ, thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho phát triển sản xuất, đầu tư; đẩy mạnh xuất khẩu, hạn chế nhập siêu và bảo đảm cân đối các hàng hoá thiết yếu; hỗ trợ thiết thực để ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân, nhất là nông dân, ngư dân, người nghèo, người bị thiệt hại, khó khăn do thiên tai, dịch bệnh và giá cả tăng cao.”
Đó là nói theo kiểu Nhà nước “muốn nói sao cũng được”, nhưng ai cũng biết tình hình kinh tế khó khăn, lạm phát tăng nhanh hiện nay của Việt Nam không chỉ do những yếu tố đột biến khó khăn của kinh tế thế giới mà còn do những tồn tại, khuyết điểm lâu dài của chính sách kinh tế của Nhà nước Cộng sản Việt Nam.
Những khuyết tật kinh tế “bẩm sinh” của Việt Nam giống như thân thể con người có bệnh nan y kinh niên mà không chịu chữa đến nơi đến chốn cho dứt bệnh mà chỉ “uống thuốc lang băm”, gặp đâu chữa đó nên vẫn èo uột không chống nổi “chứng bệnh ngặt nghèo” khi bị tấn công.
Xin kể ra đây một số nguyên nhân :
1) Nhà nước tiếp tục độc quyền kinh tế, làm công việc ngoài khả năng của mình.
2) Dành ưu tiên, đặc quyền, đặc lợi cho các Doanh nghiệp và Tập đòan kinh tế Nhà nước, nhưng phần đông đã thất bại vì thiếu kinh nghiệm, không đủ chuyên viên điều hành.
3) Thiếu kiên quyết giải tán các Doanh nghiệp nhà nước tiếp tục làm ăn thua lỗ, không kiểm soát được kế họach Cổ phần hoá để cho các cán bộ, đảng viên tham nhũng cấu kết mua, bán để rút ruột ngân sách Nhà nước.
3) Dùng ngân sách nhà nước đầu tư vào các dự án không thực tế, thiếu khả dụng nên để mất nhiều vốn, bỏ dở nhiều chương trình mà không ai biết đã mất bao nhiêu tiền !
4) Phí phạm ngoại tệ để nhập cảng nguyên liệu và trang bị chế tạo sẵn.
5) Không xây dựng được kỹ nghệ cung cấp dịch vụ và đồ phụ tùng cho các Công ty nước ngoài nên để mất nhiều nguồn lợi.
6) Chỉ biết sử dụng công nhân để phục vụ cho nền “kinh tế gia công” hay “làm mướn” cho nước ngoài.
7) Hàng xuất cảng không cạnh tranh được với hàng nước ngoài vì sản phẩm kém, không hội đủ tiêu chuẩn kỹ thuật hay mất vệ sinh, vi phạm tiêu chuẩn ý tế như thực phẩm, hải sản.
Tất cả những khó khăn trên không được Nguyễn Tấn Dũng nói cho dân biết nên ai cũng “ù u, cạc cạc” nghe báo cáo như như vịt nghe sấm, chả biết mô tê đâu mà mò !
Ngay đến vấn đề lạm phát cũng chỉ thấy nhà nước nói qua, nói lại cả tháng trời mà không ai biết đồng bạc đã mất giá đến mức nào. Người dân chỉ biết họ phải trả thêm nhiều tiền cho thực phẩm và đồ dùng cần thiết hàng ngày, hay không có đủ tiền mua, trong khi tiền lương không tăng hay có làm đầu tắt mặt tối cũng không chạy theo kịp vật gía leo thang.
NGUYÊN NHÂN LẠM PHÁT
Nhưng có ai cho dân biết nạn lạm phát do đâu mà có không "
Dũng giải thích với Quốc Hội lạm phát xẩy ra vì nhà nước phạm những lỗi lầm như : "Thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng trong nhiều năm, nhất là trong năm 2007, làm tổng phương tiện thanh toán và tổng dư nợ tín dụng tăng cao gây áp lực trực tiếp đến lạm phát.”
Nói như thế là quá chuyên môn, người dân không tài nào hiểu nổi.
Nhưng Ủy ban Tài chính - ngân sách Quốc đã tìm ra nguyên nhân.
Theo báo Tuổi Trẻ, trong cuộc họp ngày ngày 5-5 , “Các chuyên gia kinh tế cho rằng việc Chính phủ chi tiêu quá mức là một yếu tố gây lạm phát và cần được cắt giảm. Chính phủ đã chi tiêu vượt quá mức tiền thu vào tới 6,6% GDP (tổng sản lượng Quốc gia), không phải ở mức 5% như Quốc hội cho phép, theo cách tính của Quĩ Tiền tệ quốc tế (IMF).”
"Nguyên nhân của lạm phát cao có một phần quan trọng của chính sách tài khóa lỏng lẻo trong những năm qua, thể hiện ở bội chi ngân sách tăng liên tục qua các năm" - tiến sĩ Lê Quốc Lý, vụ trưởng Vụ Tài chính tiền tệ (Bộ Kế hoạch - đầu tư), cho biết tốc độ tăng bội chi ngân sách trong tám năm trở lại đây giữ ở mức cao 17-18%/năm.
Bộ Kế hoạch - đầu tư nói lạm phát có một phần đóng góp của bội chi ngân sách. Năm 2001, chi ngân sách 26,5% GDP, đến nay xấp xỉ 40%, tăng rất cao. Ông Lý nhấn mạnh: "Vấn đề đặt ra hiện nay là việc rà soát, cắt giảm chi tiêu ngân sách nhà nước chưa cần bằng việc đề ra các tiêu chí, tiêu chuẩn để cắt bỏ, đình hoãn những công trình đầu tư kém hiệu quả”.
Như vậy rõ ràng thủ phạm gây ra tham nhũng là nhà nước, nhưng Nguyễn Tấn Dũng vẫn báo cáo sai với Quốc hội rằng: “Tỷ lệ bội chi ngân sách ở mức 5% được giữ liên tục trong nhiều năm trong khi quy mô nền kinh tế ngày càng lớn nhưng chưa đặt ra kế hoạch phấn đấu giảm dần bội chi; do đó không tạo được áp lực đối với việc kiểm soát và tiết kiệm chi tiêu ngân sách.”
Biết phải ngưng chi tiêu bừa bãi để tránh khổ cho dân mà các cơ quan nhà nước cứ phung phí thì Dũng là người đứng đầu Chính phủ lại không bị Bộ Chính trị kỷ luật thì có lạ không "
Tuy nhiên Dũng đã nhìn nhận kinh tế Việt Nam đang trên đà tụt hậu vì : “Nhập khẩu tăng cao chủ yếu là do số lượng nhập khẩu các nhóm hàng nguyên nhiên vật liệu, thiết bị máy móc phục vụ sản xuất tăng nhanh và phải chịu mặt bằng giá cao hơn nhiều so với cùng kỳ; nhưng nguyên nhân sâu xa là cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm và còn nhiều yếu kém, công nghiệp sản xuất tư liệu sản xuất và công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển, hàng công nghiệp xuất khẩu chủ yếu là gia công lắp ráp (khoảng 70% nguyên liệu và linh kiện phải nhập khẩu) và hiệu quả đầu tư thấp, còn nhiều lãng phí trong sản xuất và tiêu dùng.”
“Chính phủ xin đề nghị Quốc hội xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng cả năm 2008 ở mức khoảng 7%; tích cực phấn đấu kiềm chế lạm phát và tốc độ tăng giá; bằng các giải pháp tổng hợp đưa tốc độ tăng giá tiêu dùng theo hướng giảm dần.”
Trong kỳ họp Quốc hội kỳ 2 trước đây, Nhà nước dự đoán kinh tế có thể tăng đến 8.5 hay 9 phần trăm.
DŨNG BỊ HÀNH HẠ
Tuy nhiên, báo chí trong nước cho biết : “Nhiều đại biểu QH cho rằng, Chính phủ tỏ ra lúng túng trước những biến động trong thời gian vừa qua. Đại biểu yêu cầu Chính phủ làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, thậm chí của cá nhân các Bộ trưởng trong việc để xảy ra lạm phát.” (VNNET, 6-5-08)
Báo điện tử VNNET viết tiếp : “Đại biểu Phạm Thị Loan, đoàn Hà Nội bày tỏ: "Tôi thấy mừng vì Chính phủ đã nhận ra nhiều thiếu sót, những yếu kém của nền kinh tế, tuy nhiên, các giải pháp đưa ra mới chỉ dừng lại ở trạng thái xử lý tình huống và giải quyết những vấn đề khó khăn trước mắt chứ chưa triệt để, lâu dài…”
Bà Loan yêu cầu : “Quốc Hội phải bàn thật sâu vấn đề các tập đoàn kinh tế đã bỏ một lượng vốn lớn của Nhà nước vào bất động sản và chứng khoán, trong khi đó không phải là chức năng của họ. Chính phủ phải kiểm tra xem họ mua vào mấy "chấm", nay không còn "chấm" nào thì lỗ bao nhiêu, ai chịu".
“Không khí ở tổ Hà Nội mỗi lúc một nóng khi đại biểu Nguyễn Ngọc Đào (Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia) hỏi: "Thị trường chứng khoán là một thất bại thảm hại, lỗi quản lý thuộc về ai" Báo cáo Chính phủ nêu các khó khăn khách quan như thị trường thế giới, thiên tai... Nhưng chả lẽ cứ lấy lý do mãi như thế""
Ông Đào thẳng thắn: "Chính phủ phải làm rõ nguyên nhân chủ yếu khiến lạm phát là gì, trách nhiệm các bộ, ngành, thậm chí của cá nhân các Bộ trưởng ra sao, không thể cứ thỏa hiệp thế này mãi…Chính phủ tỏ ra lúng túng trước những biến động trong thời gian vừa qua, mà chủ yếu do dự báo kém. Chúng ta có đủ các viện nghiên cứu nhưng không dự báo nổi biến động, có lẽ phải đầu tư nhiều vào công tác này.”
“Viện trưởng Viện Kinh tế TP.HCM Trần Du Lịch đề xuất phải làm rõ trách nhiệm cụ thể của từng bộ, đặc biệt Bộ Công thương, Tài chính và Ngân hàng Nhà nước. Ông Lịch nhấn mạnh, báo cáo Chính phủ có những dòng "giật mình" khi nhận định về chính sách tiền tệ đã gây áp lực trực tiếp lên lạm phát "nhưng lại không nêu rõ trách nhiệm".
Báo Tin nhanh Việt Nam (VNEXPRESS,6-5-08) viết : “ Đại biểu Nguyễn Văn Bé cho rằng từ đầu năm đến nay, khi giá cả tiêu dùng tăng chóng mặt thì niềm tin của người dân vào Chính phủ đã suy giảm. "Chính phủ cần quy trách nhiệm cụ thê cho từng thành viên. Nói dự báo không tốt, vậy phải chỉ ra ai. Làm không được thì nghỉ. Phải chọn cán bộ tốt để làm việc".
VNEXPRESS viết tiếp : “Lê Thanh Bình, Phó giám đốc Công an TP HCM bày tỏ quan điểm khi thảo luận báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội sáng 6/5. Ông cho rằng, công tác dự báo kém chứng tỏ còn có sự quan liêu, chưa gần dân, chưa sâu sát tình hình.”
“Vị phó giám đốc công an TP HCM dẫn chứng, ngay từ kỳ họp cuối năm 2007, đại biểu đã phản ánh ý kiến cử tri rằng giá cả leo thang, đình công gia tăng, nhưng Chính phủ không tiếp thu, vẫn khẳng định kiểm soát được. "Cử tri có lần đã mắng chúng tôi là nghị gật. Bản thân thấy rất có lỗi khi sự phản ánh của mình không được tiếp thu, sửa đổi".
Ít ra thì cũng phải như thế thì mới không bị mang tiếng là bù nhìn chứ " Nhưng tại sao Chính phủ lại không chịu nghe yêu cầu của các Đại biểu Dân, như Lê Thành Bình đã than phiền mới là điều đáng nói.
Ngay đến Đại biểu dân mà còn bị coi thường như thế thì dân có quyền gì mà đảng vẫn cứ huênh hoang : “ Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền…của dân, do dân và vì dân” "
Phạm Trần
(05/08)