Từ ngôn từ đến tâm lý, và tai họa...
Kinh tế Hoa Kỳ có bị suy trầm hay chưa"
Nêu câu hỏi là có thể bị hiểu lầm là ngớ ngẩn khi hàng ngày ta nghe hay đọc thấy tin tức dồn dập về khủng hoảng hay suy thoái. Nào khủng hoảng nhà đất, khủng hoảng tín dụng thứ cấp (loại sub-prime), khủng hoảng tài chánh với hàng loạt ngân hàng hay cơ sở đầu tư tài chánh bị lỗ lã, hay phá sản, chỉ số tin tưởng của giới tiêu thụ sa sút tới mức thấp nhất kể từ 26 năm nay, v.v...
Từ thế kỷ 19, người ta thường nói rằng kinh tế học là một khoa học u ám, dismal science. Thiên hạ chỉ để ý đến sinh hoạt kinh tế khi tình hình kém khả quan, chứ trong thời thịnh đạt thì kinh tế học là chuyện trừu tượng xa vời của ai đó. Phần mình, sự thành đạt là kết quả của tài năng.
Từ cả năm nay, hầu như ai cũng nghe nói đến tình hình kinh tế kém sáng sủa và những chữ như suy trầm (recession), suy thoái (depression) hoặc khủng hoảng (crisis), v.v... xuất hiện hàng ngày trên mặt báo hay màn ảnh truyền hình. Năm nay, Hoa Kỳ lại có tổng tuyển cử để bầu lại các chức vụ dân cử cao nhất, từ Tổng thống đến (tất cả) Dân biểu, (chừng một phần ba) Nghị sĩ, Thống đốc v.v... Trong một năm tranh cử, vấn đề thiết thực của áo cơm tất nhiên đã trở thành đề tài của giới chính trị và được truyền thông khuếch đại mỗi ngày.
Cho nên, khi hỏi rằng kinh tế Mỹ có bị suy trầm hay không, mọi người đều tin rằng có.
Thật ra, chúng ta đang bị bệnh "tự kỷ ám thị", tự gây ra cho mình vì thiếu quan tâm tìm hiểu cho rõ ràng.
Khởi đầu là định nghĩa hay ngôn từ.
Mức độ sa sút của sinh hoạt kinh tế có nhiều cấp khác nhau, cho nên khi đọc, hay nói hay viết, ta cần thấy ra sự khác biệt ấy. Nhẹ nhất là nạn suy trầm, nặng hơn là nạn suy thoái, và nếu suy thoái lan rộng, đào sâu và kéo dài thì ta gặp nạn khủng hoảng. Khủng hoảng từ một khu vực hay quốc gia mà hoành hành qua nơi khác thì mới là "Tổng khủng hoảng".
Hầu hết báo chí Hoa Kỳ - và vì vậy, báo chí Việt ngữ - đã không phân biệt chuyện đó và vô tình gây ra tâm lý hốt hoảng.
Theo định nghĩa phổ biến nhất - của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF - được nhiều quốc gia áp dụng, suy trầm xảy ra khi đà tăng trưởng kinh tế bị giảm sút trong hai quý (hai tam cá nguyệt) liên tiếp. Đà tăng trưởng kinh tế ấy được đo lường ở mức gia tăng của Tổng sản lượng Nội địa, thường gọi tắt là GDP, là tổng số trị giá gia tăng (value added) của các đơn vị kinh tế của một lãnh thổ, trong một thời hạn nhất định. "Trị giá gia tăng" là sự sai biệt giữa xuất lượng (số lượng sản xuất ra) khấu trừ đi nhập lượng (là các nguyên nhiên vật liệu hay công sức cần thiết cho sản lượng đó), sau khi gia giảm ảnh hưởng của vật giá (thực giá, real price, ta tạm gọi là "thuần").
Hoa Kỳ thấy định nghĩa này quá thô thiển vì không kể tới nhiều yếu tố như thất nghiệp (nhân dụng) hay sức mua, lượng hàng bán lẻ, v.v... nên áp dụng một định nghĩa khác do National Bureau of Economic Research đề xướng.
NBER là một cơ quan nghiên cứu độc lập, phi chính trị, và giao cho Ủy ban Lượng giá Chu kỳ Kinh doanh (Business Cycle Dating Committee) theo dõi và đo lường tình hình ở một số thống kê kinh tế, căn cứ trên định nghĩa của mình.
Định nghĩa của NBER về suy trầm là: "Một sự sút giảm đáng kể và lan rộng của sinh hoạt kinh tế trong thời gian kéo dài nhiều tháng, được đo lường ở Tổng sản lượng GDP thuần, lợi tức thuần, số nhân dụng, sản lượng công nghiệp và hàng hoá bán sỉ và lẻ. Suy trầm bắt đầu khi sinh hoạt kinh tế lên tới đỉnh cao và chấm dứt khi đụng đáy".
Thật ra, định nghĩa có vẻ rộng lớn và mơ hồ hơn của NBER cũng chẳng giúp ích gì cho chúng ta, cho truyền thông hay người dân bình thường. Nôm na thì mình nên hiểu suy trầm là khi đà tăng trưởng sản xuất cí bị chậm lại, có tăng trưởng nhưng chậm hơn.
Khía cạnh quan trọng cần để ý ở đây là yếu tố "thời điểm", là khi nào: các cơ quan hữu trách đều thu thập thống kê thực tế của một thời khoảng đã qua, một tháng hay một quý, một bán niên hay một năm. Nghĩa là dù là một cơ quan có khả năng và thẩm quyền thì cũng chỉ có thể cho biết về tình hình sinh hoạt kinh tế của quá khứ, sau khi đã xảy ra và được kiểm tra - rồi cỏn điều chỉnh - cho xác thực.
Vì khía cạnh ấy, NBER chỉ có thể thông báo là suy trầm có xảy ra trong quá khứ, và nhiều lần thông báo sai hay trễ - sau khi suy trầm đã chấm dứt trong thực tế mà họ chỉ biết về sau. Hai lần cuối là vụ suy trầm năm 1991 và 2001. Nói cho dễ hiểu, nhiều khi ta đọc tin thấy kinh tế bị suy trầm... trong quý trước mà không biết là kinh tế đã ra khỏi suy trầm rồi, chỉ tới quý sau mới biết.
Bước sang suy thoái, depression, định nghĩa lại còn mơ hồ hơn nữa.
Trước vụ Tổng khủng hoảng 1929-1933 (bên trong là hai đợt suy thoái), người ta đã lẫn lộn suy trầm với suy thoái, cứ gọi chung là suy thoái. Sau vụ khủng hoảng đó mới phân biệt mức độ trầm cao thấp khác nhau. Suy thoái là khi suy trầm kéo dài và sinh hoạt kinh doanh suy sụp nặng hơn. Nói vậy thì chẳng ai hiểu gì cả - tất nhiên - nên giới kinh tế mới đặt ra một quy ước tính nhẩm: suy thoái xảy ra khi kinh tế không tăng trưởng - dù thấp hơn hay chậm hơn - mà suy giảm, đo lường ở chỉ số GDP bị giảm từ 10% trở lên.
Định nghĩa đó không soi sáng gì hơn nên ta mới có sự so sánh hài hước: suy trầm là khi người khác mất việc và suy thoái là khi chính mình mất việc. Yếu tố then chốt là tâm lý chủ quan!
Người viết phải dài dòng trình bày vài chi tiết rắc rối về chuyên môn để ta cùng hiểu là giới kinh tế thường hay nói... vuốt đuôi. Họ không thể tiên đoán sinh hoạt kinh tế một cách chính xác vì kinh tế học không là một khoa học chính xác, như vật lý học chẳng hạn. Do đó mới bị chế diễu là đã dự báo sai chín trong sáu đợt suy trầm đã xảy ra trong quá khứ! Nhưng, lời dự báo ấy vẫn có thể tác động vào tâm lý quần chúng, và được các chính trị gia thổi phồng, khiến sự bi quan của dân chúng hay thị trường có khi lại gây ra suy trầm hay suy thoái thật.
Đó là ý nghĩa của "tự kỷ ám thị" - tự mình che mờ mắt của chính mình và vì sợ hãi vu vơ mà gây ra tai họa thật.
Bây giờ, ta trở lại thực tế.
Hôm 30 tháng Tư, bộ Thương mại Hoa Kỳ công bố thống kê kinh tế của ba tháng đầu năm (từ tháng Giêng qua tháng Ba, gọi là quý một, viết tắt là Q1): GDP tăng trưởng 0,6%. Tin đó lập tức khiến thị trường chứng khoán tăng vọt vì mức gia tăng ấy cao hơn mọi dự báo của thị trường, của giới kinh tế. Nói nôm na dễ hiểu là kinh tế Hoa Kỳ không bị suy trầm như người ta đã báo động từ năm ngoái.
Suốt năm ngoái, người ta đã căn cứ trên kinh nghiệm quá khứ là cứ sáu năm một lần thì kinh tế sẽ rơi vào một chu kỳ đình trệ và suy trầm. Từ năm 2001 đến nay, kinh tế chưa bị suy trầm dù Mỹ đã bị khủng bố vào tháng Chín (vụ 9-11 năm 2001), bị nạn khủng hoảng của hàng loạt doanh nghiệp bất lương và bất cẩn vào cuối năm đó (vụ Enron, v.v...), rồi gặp chiến tranh, mở ra hai mặt trận, dầu thô lại bắt đầu tăng giá mạnh, v.v... Cho nên, nếu sinh hoạt kinh tế có sa sút trong năm 2007 thì cũng là điều bình thường. Huống hồ 2007 là năm đầu của sự sa sút trên thị trường gia cư và tới giữa năm còn bị khủng hoảng vì hệ thống tín dụng thứ cấp sub-prime.
Nhưng trong năm 2007, kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng, quy ra toàn năm thì GDP tăng 0,5% vào quý một, gần 4% vào quý hai, 4,9% vào quý ba và 0,6% vào quý bốn: không có sự sa sút trong hai quý liền - như định nghĩa phổ thông của suy trầm. Qua quý một năm nay, sản lượng kinh tế vẫn tăng được 0,6% như quý trước (Q4 của 2007).
Nếu GDP của Mỹ mà tăng 0% hoặc giảm dưới 0% (số âm, sa sút so với quý trước) thì mình còn có thể nói đến suy trầm. Hoặc giảm mất -10% thì hãy nói đến suy thoái!
Người dân Mỹ vốn đã sống quen với tâm lý là GDP hàng năm phải tăng chừng 3% trở lên mới là bình hòa (tỷ lệ 3% ấy là ước mơ của các nước kỹ nghệ như Âu châu hay Nhật Bản). Bây giờ, khi nghe nói GDP chỉ tăng 0,6% thì ai cũng có thể nghĩ rằng đúng là kinh tế bị đình trệ. Nhưng cũng chỉ đình đọng như hồi đầu năm 2007: từ mức tăng trưởng hơn 2% vào quý bốn của cuối năm kia lại chỉ còn 0,5% vào quý một của 2007. Thật ra, đà tăng trưởng lại vọt lên gần 4% vào quý hai!
Chúng ta đang chứng kiến một hiện tượng tâm lý là đa số đều chờ đợi tin xấu và khi được tin không đến nỗi tệ (tăng 0,6% thay vì 0%), người ta vẫn cho là tin xấu. Vì vậy không thấy rằng dù hàng ngày cứ nghe nói kinh tế đang hay đã bị suy thoái, suy trầm, thực tế là suy trầm chưa xảy ra. Kinh tế có bị ngưng trệ trong sáu tháng liền (từ tháng 10 năm ngoái tới hết tháng Ba năm nay) với đà tăng trưởng là 0,6%, nhưng vẫn chưa bị suy trầm, và càng không bị suy thoái!
Hôm qua, người ta còn được biết thêm rằng mức sa thải nhân viên không tăng như nhiều người e ngại và nhiều kinh tế gia đã dự đoán. Thực tế là mức thất nghiệp có giảm, từ 5,1% xuống 5%, một tỷ lệ khiến các nước Âu châu phải thèm thuồng! Đấy là lý do khiến thị trường chứng khoán không sụp đổ mà còn đang chinh phục lại những đỉnh cao đã mất.
Nhưng dù kinh tế không hay chưa bị suy trầm - và càng không bị suy thoái - tình hình nói chung vẫn có vài góc tối đặc biệt kém khả quan. Đó là thị trường gia cư và hệ thống tài chánh.
Sau giai đoạn tăng trưởng ngoạn mục đầy tính chất hồ hởi sảng, thị trường gia cư Hoa Kỳ phải tự điều chỉnh và phải vượt qua được một khó khăn mà thị trường này tự gây ra trong thời kỳ thịnh đạt là loại tín dụng thứ cấp. Ngày xưa, trên cao trào của thị trường, cả doanh giới lẫn chính giới đều khuyến khích việc tư hữu hóa gia cư, mua nhà để làm chủ mái ấm của mình. Khuyến khích đến độ vét xuống thật sâu để người bình thường ra không có khả năng tài chánh cũng vẫn có thể vay tiền mua nhà.
Ngày nay, khi tình hình sa sút, người ta đổ lỗi cho nhau. Cho giới địa ốc hay các ngân hàng tài trợ... Loại tin tức đó chỉ gây thêm ấn tượng là tình hình quá sức trầm trọng, và dội ngược vào tâm lý giới tiêu thụ, ảnh hưởng đến sinh hoạt kinh tế.
Thật ra, các cơ sở tài chánh bất cẩn và hồ hởi nhất trong thời thịnh đạt đều đã bị thị trường trừng phạt, khi gặp lỗ lã chồng chất. Nhiều cơ sở đã phá sản và người ta nói đến khủng hoảng của thị trường tài chánh. Tuy nhiên, hãy nhìn lại xem: thị trường gia cư đã sa sút từ đầu năm ngoái và khủng hoảng tài chánh đã bùng nổ từ giữa năm ngoái, vậy mà kinh tế vẫn chưa bị suy trầm!
Điều ấy không có nghĩa là kinh tế Hoa Kỳ sẽ không bị suy trầm trong những tháng tới.
Giá dầu thô đã vượt mọi kỷ lục; lạm phát vẫn là một nguy cơ, trên toàn thế giới và ở cả Hoa Kỳ; giá thương phẩm và lương thực đang đe dọa toàn cầu và ảnh hưởng đến sức xuất cảng của Hoa Kỳ dù đã được lợi thế hàng rẻ nhờ Mỹ kim sụt giá, v.v... Và trong đà tăng trưởng 0,6% vừa qua, ta có một yếu tố không bền vì bao gồm cả một lượng tồn kho khá lớn - lớn hơn nhu cầu kinh doanh bình thường nên có thể giảm nay mai.
Ngần ấy yếu tố bất trắc vẫn đang mai phục trên thị trường...
Vì vậy, kinh tế Hoa Kỳ vẫn có thể bị suy trầm. Nhưng nhiều phần không phải là trong quý hai, từ tháng Tư đến tháng Sáu. Các đợt cắt giảm lãi suất liên tục của Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ từ tháng Chín cho đến tuần này, và cả biện pháp trả lại thuế để kích cầu (được bộ Ngân khố Hoa Kỳ gửi cho người dân từ tuần này) sẽ kích thích cỗ xe kinh tế tiếp tục lăn bánh, ít ra trong ba tháng tới.
Tình hình chỉ có thể nguy ngập hơn từ sau quý hai, từ tháng Bảy trở đi.
Sở dĩ nguy ngập vì cuộc tranh cử Hoa Kỳ đi vào giai đoạn gay go nhất, và các chính trị gia đều đồng thanh dọa nạt người dân để hốt phiếu những kẻ nhẹ dạ. Kinh tế Hoa Kỳ lệ thuộc vào tiêu thụ tới 70% nên sự thịnh suy tùy thuộc vào giới tiêu thụ. Nếu hàng ngày mà cứ nghe nói là kinh tế suy thoái - dù chẳng cần hiểu thế nào là suy thoái, suy trầm, v.v... - giới tiêu thụ sẽ chột dạ và gây ra suy trầm thật!
Trình độ cao hay thấp của một nền dân chủ tùy thuộc vào trình độ dân trí, trong đó có trình độ hiểu biết tối thiểu về kinh tế và... kế toán vì ở đời không có gì là miễn phí cả.
Nếu không hiểu, chúng ta sẽ bị khẩu hiệu của giới chính trị và các tựa đề sai lạc của truyền thông lung lạc và tự gây họa cho mình. Sau đó, còn dại thêm một lần nữa là cho phép chính quyền tăng thuế để cứu nguy kinh tế. Chuyện ấy, và nạn suy trầm, có thể xảy ra cuối năm nay và đầu năm tới.
Lúc đó, hãy ngó vào trong gương là thấy ra thủ phạm. Và nếu lại trông đợi vào sự cấp cứu hay trợ cấp của nhà nước thì ta lẳng lặng bước vào vòng nô lệ của các chính khách mị dân.