Hôm nay,  

Hồi Ký Đoàn Duy Thành: Làm Người Là Khó!

25/06/200500:00:00(Xem: 6024)
Trong thời gian gần đây, có một tập hồi ký được lưu truyền ở trong nước mang tên là "Làm Người Là Khó." Tác giả của cuốn hồi ký dầy khoảng 500 trang này là ông Đoàn Duy Thành, một cán bộ cao cấp của đảng cộng sản nay đã hồi hưu. Ông Thành nguyên là bí thư thành ủy Hải Phòng, phó chủ tịch hội đồng bộ trưởng (tương đương như phó thủ tướng), và được dự định cất nhắc lên làm tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam thay thế Nguyễn Văn Linh, nhưng công việc này không thành vì phe Đỗ Mười thắng thế. Ông Thành cũng được biết đến qua biện pháp "mua vàng để chữa bệnh lạm phát" trong thời gian làm bộ trưởng ngoại thương. Trong tập hồi ký này, ông Thành đã dùng tấm khiên Hồ Chí Minh để che chắn hầu thuật lại những chính sách bóc lột và hành động tàn ác của CSVN đối với người dân, tiết lộ những tài liệu thuộc loại "thâm cung bí sử" của CSVN về những biện pháp đấu đá trong nội bộ của đảng, cũng như vạch ra những thủ đoạn thâm độc mà phe nhóm Đỗ Mười đã từng áp dụng đối với ông. Chúng tôi xin gửi đến qúy độc giả trích đoạn một số chương chính của tập hồi ký này qua nhiều phần như sau. (VNN)

(Tiếp theo kỳ trước)
Tôi nhớ lại khi tôi làm Bộ trưởng Kinh tế đối ngoại, Luật đầu tư nước ngoài đã được thông qua Quốc hội cuối năm 1987. Chẳng ai triển khai. Đến khi thành lập Bộ Kinh tế đối ngoại, lại giao tôi phụ trách. Khi có Luật đầu tư nước ngoài, các nhà doanh nghiệp nước ngoài nộp hồ sơ hàng đống chờ đợi, chẳng ai giải quyết, đùn đẩy nhau. Tôi phải đứng ra làm. Tập hợp một số cán bộ, trời nóng bức, không có điều hòa, cởi trần ra làm hơn 2 tháng trời mới chọn được 25 doanh nghiệp. Tôi ký giấy phép cho 25 doanh nghiệp đầu tiên vào đầu tư ở Việt Nam (....) Khi đã đi vào nề nếp, Vụ Đầu tư của Bộ Kinh tế đối ngoại lo công việc này rất chu đáo. Nhưng chưa được bao lâu thì có quyết định Bộ Đầu tư đối ngoại tách ra khỏi Bộ Kinh tế đối ngoại (nhập vào Bộ Kinh tế đối ngoại chưa đầy một năm lại tách ra"). Tôi nghĩ đây là một ý định không tốt đẹp gì với tôi. Nhưng không sao cả, mình không vụ lợi, vì đất nước, vì nhân dân mà làm chả việc gì phải bực. Nhưng ngầm nghĩ cũng thấy người đời lắm mưu mẹo mà quá đơn giản, không có chiều sâu. Đến cán bộ bình thường ở Bộ tôi lúc đó cũng nhìn thấy bước đi của các đồng chí cấp trên muốn gì ở Bộ trưởng của mình. Các đồng chí hỏi tôi, tôi bảo: "Các đồng chí nhìn thấy vấn đề rồi còn hỏi tôi làm gì nữa!"
Đến tháng 9-1990, đồng chí Nguyễn Đức Tâm gặp tôi, bảo tôi về làm Viện trưởng Nghiên cứu Kinh tế trung ương thay anh Nguyễn Văn Trân về hưu. Tôi bảo để tôi suy nghĩ đã. Anh cứ đi tìm đồng chí khác, tôi còn xem anh em ở Viện có muốn tôi về hay không" Nếu cất nhắc anh em tại chỗ lên được thì tốt. Anh Tâm bảo tôi: "Đã tìm tại chỗ và nơi khác không có. Anh suy nghĩ kỹ và phản ứng tích cực nhé!"
Sau khi đi chuyến tàu hoả vào miền Nam họp, tôi lại gặp anh Nguyễn Đức Tâm. Anh Tâm gặp tôi lần trước đã hơn 2 tháng rồi. Anh lại hỏi: "Anh đồng ý về Viện cho nhé." Tôi bảo: "Nếu tổ chức không tìm được ai và anh em ở Viện đồng ý tôi về, tôi sẽ nhận." Sau một tuần, tôi nhận được quyết định của Thủ tướng Đỗ Mười ký cử tôi về làm Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý trung ương. Tôi đến họp Hội đồng Bộ trưởng trở lại. Anh Mười tuyên bố: "Anh Thành sẽ làm Bộ trưởng-Viện trưởng để làm việc trong Hội đồng Bộ trưởng cho thuận lợi." Rồi Văn phòng chuẩn bị đề nghị với Hội đồng Nhà nước bổ nhiệm tôi làm Bộ trưởng-Viện trưởng. Khi đưa ra Hội đồng Nhà nước phê chuẩn, có ý kiến của đồng chí Nguyễn Việt Dũng đưa vấn đề đồng chí Tô Duy ra yêu cầu cần phải xác minh, nên Hội đồng Nhà nước do dự, đề nghị làm rõ. Anh Mười về phổ biến lại với tôi và nói: "Chính phủ đã đề nghị nhưng Hội đồng Nhà nước không duyệt..." Tôi đứng dậy nói với anh Mười một câu: "Là âm mưu của chúng nó cả," rồi tôi đi chỗ khác (Chuyện này xảy ra trong giờ giải lao của cuộc họp Hội đồng Bộ trưởng).

Tr 359 - Mồng 2 Tết, anh Oanh đến chúc Tết tôi, phàn nàn rằng: "Hôm tôi đến báo cáo anh Đỗ Mười, trước khi vào báo cáo anh Linh, anh Mười tỏ ý không vui và bảo tôi vào báo cáo anh Linh, nói anh ấy ở lại làm khoá nữa." Tôi suy nghĩ tại sao anh Mười lại có thái độ như vậy" Khi đến gặp anh Linh mới biết các ông ở nhà đã bàn, anh Linh nghỉ, anh Mười thay làm Tổng bí thư. Tôi nghĩ anh Mười sợ tôi vào khuyên anh Linh ở lại làm khoá nữa, có nghĩa anh Mười sợ mất chân Tổng Bí thư. Thế đấy anh Thành ạ!" Tôi chỉ cười không bình luận gì.
Tr 360 - Trong những tháng đầu năm 1991, chuẩn bị Đại hội VII, những người có ý định xấu với tôi lại tung ra những dư luận xuyên tạc để loại tôi khỏi Trung ương khoá VII. Tôi đã tiên liệu trước tình hình này nhưng không ngờ các đồng chí đó dùng đủ mọi hành động không tốt đẹp đến thế đối với tôi. Đến Đại hội Hải Phòng, anh Mười và tôi cùng một số đồng chí khác về ứng cử đại biểu đi dự Đại hội toàn quốc. Ngày khai mạc, anh Đạt, đại tá, đứng lên tố tôi khai man lý lịch và một vài việc lặt vặt khác. Đại hội phải cho thẩm tra, lấy bản kêt luận của đồng chí Võ Chí Công ra đọc và đồng chí Trưởng ban kiểm tra tư cách đại biểu khẳng định việc tố cáo của anh Đạt là không đúng. Nhưng khi bầu cử tôi cũng bị mất hơn một trăm phiếu.
Còn ở Trung ương, Bộ Chính trị không giới thiệu tôi vào danh sách Trung ương khoá VII. Đồng chí Nguyễn Thanh Bình và đồng chí Nguyễn Đức Tâm gặp tôi để đả thông tư tưởng. Anh Bình nói: "Lá thư anh gửi cho các giám đốc công ty trực thuộc về việc thôi làm Bộ trưởng là có ảnh hưởng không tốt." Tôi nói lại: "Thư của tôi chẳng có gì làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng cả, chỉ có một câu: Trong 44 tháng tòng chính ở Thủ đô Hà Nội, tôi mới hiểu thế nào là nhân tình thế thái. Chỉ có thế thôi. Lúc này một số dư luận không tốt về tôi, xuyên tạc Hội nghị tổng kết của Bộ tại Hội trường Thống Nhất thành phố Hồ Chí Minh, các anh chẳng ai bảo vệ tôi, tôi phải viết thư nói rõ việc đó." Hai anh Bình và Tâm không nói gì. Hôm đó có cả anh Văn Phác, cũng là người được làm tư tưởng để thôi Trung ương khoá VII. Tôi hiểu đây chỉ là cuộc gặp mang tính thủ tục, tôi không nói gì thêm, vì việc đã "an bài" ở chỗ khác rồi. Thế là kết thúc cuộc gặp giữa anh Nguyễn Thanh Bình, anh Nguyễn Đức Tâm với tôi và anh Văn Phác.
Ngay trong cuộc họp Trung ương chuẩn bị Đại hội, anh Linh gọi tôi bảo: "Tôi vẫn giới thiệu anh vào Trung ương khoá VII, nhưng anh Đỗ Mười bảo để Ban Cán sự Chính phủ bàn thêm. Hai lần tôi nhắc, bên Chính phủ đều đề nghị anh thôi không ứng cử khoá VII." Tôi cảm ơn anh Linh và nói: "Tôi biết rõ ý định của các đồng chí dó lâu rồi. Anh đừng bận tâm đến việc của tôi, ảnh hưởng đến công việc của anh." Anh Linh lại khóc.
Một sức ép khác, là căn nhà của tôi ở Hải Phòng, tôi đã trả thành phố. Còn căn nhà số 4 Nguyễn Khắc Cần tôi mướn ở tạm, khi Nhà nước chưa xếp nhà cho tôi theo tiêu chuẩn. Cái nhà số 4 Nguyễn Khắc Cần do tôi xây dựng bằng số tiền đền của Công ty Du lịch vì xây nhà làm ảnh hưởng đến nhà tôi đang ở, cộng thêm 10 triệu kinh phí của Bộ, xây dựng làm chỗ làm việc cho Bộ trưởng. Nhưng lúc đó không hiểu sao Ủy ban Kiểm tra trung ương cử cán bộ đến thúc giục tôi phải di chuyển ngay vì Đại hội đến nơi rồi... Tôi biên thư trả lời, đại ý nói: Khi việc tày đình đối với tôi là chuyện vu khống bỉ ổi việc tôi bị bắt, bị tù... sao các đồng chí không giải quyết" Còn cái nhà nó sù sù ra đấy, không cho tôi ở, tôi sẽ đi nơi khác. Nay chưa có nhà, tôi ra đường đứng hay sao" Các đồng chí không nên giục tôi. Tôi là người "trí sĩ," không táng tận lương tâm cướp nhà của Nhà nước đâu. Mà cướp cũng không được với các đồng chí."
Thế mới yên. Cho đến khi có công văn chính thức của Bộ Thương mại giải quyết cho tôi xây nhà, tôi đi ngay, không chần chừ một ngày. Nghĩ lại cái khẩu hiệu "Mình vì mọi người, mọi người vì mình," tôi thấy nó "rỗng," ngay cả giữa đồng chí với nhau.
Nhưng nhà tôi, cô Phí Thị Tâm không giữ được bình tĩnh, đã đem đốt hết Huân chương, Bàng khen của cả hai vợ chồng, một bó to bằng bắp đùi. Khi tôi biết chuyện liền trách nhà tôi: "Sao em vội vàng thế" Làm thế có ích gì" Có khi người ta lại hiểu lầm..." Nhà tôi to tiếng: "Sắp ra đứng đường còn nhà đâu mà treo Huân chương, Huy chương, Bằng khen. Em đốt đi để dọn nhà cho nhanh gọn." Rồi nhà tôi khóc. Tôi bảo: "Khóc là không có bản lĩnh. Họ đối với mình như vậy, mình bình tĩnh xử lý, chân lý sẽ thuộc về mình. Nếu mình làm khác thì mình cũng như họ thôi. Em nên bình tĩnh. Còn anh Mười đối với anh, anh đã bảo em là "Nhân dục vô nhai." Nhà tôi lại to tiếng với tôi: "Anh đừng lấy anh ra để an ủi em. Em ở với anh gần 50 năm, đã có 4 mặt con, em hiểu anh không bao giờ làm những điều thất đức như các anh khác đâu. Anh đừng lấy việc đó ra nói với em, để em bớt giận. Anh hy sinh cho đất nước thế nào, dám chết, dám bỏ chức vụ nhường quyền cho người khác, không hề tranh chấp với bất cứ ai về quyền lợi, em biết rõ chứ. Sao anh tự hạ thấp anh xuống, ví anh cũng như họ là thế nào! Mai em sẽ đến chất vấn anh Nguyễn Văn Linh về việc này." Tôi nói: "Anh Linh quí anh lắm, em đứng làm phiền anh Linh và làm ồn ào sự việc. Chẳng hay ho gì cho Đảng, cho các anh ấy khi đang lãnh đạo đất nước.. "
Từ đó nhà tôi phát bệnh. Hết bệnh này đến bệnh khác. Đến 3-5-1999 (tức 18/3 Quí Mão) nhà tôi qua đời, chưa được đến ở ngôi nhà mới 216 Đội Cấn mà cách mạng đem lại hạnh phúc cho chúng tôi.
Trong những tháng nhà tôi ốm đau, không rõ đồng chí Lê Đăng Doanh báo cáo với anh Mười thế nào, một hôm đồng chí Lê Đăng Doanh bảo tôi: "Chiều hôm nay khoảng 5 giờ, anh Mười đến thăm chị Tâm. Anh ở nhà đón ông ấy một tí." Tôi trả lời: "Tất nhiên tôi ở nhà đón anh Mười." Tôi đợi gần 6 giờ không thấy anh Mười đến. Tôi nghĩ chắc lại có việc đột xuất. Lúc đó tôi có điện thoại của ông lang Chấn, ở Hoàng Hoa Thám gọi đến lấy thuốc. Tôi đi đến nhà ông lang Chấn lấy thuốc xong về ngay. Về đến nhà thì anh Mười đến thăm nhà tôi vừa về. Tôi hỏi qua nhà tôi, nhà tôi bảo: "Em không dậy được, chỉ ngồi nói chuyện với anh Mười một vài câu, rồi anh Mười về." Tôi vội đi xe lại nhà anh Mười để cảm ơn và nói rõ sự vắng mặt, kẻo anh hiểu lầm. Anh bảo tôi sang ngay anh Trần Vỹ, nguyên Chủ tịch UBND Hà Nội hỏi về chữa bệnh tiểu đường. Anh Mười lại gọi điện cho anh Trần Vỹ để tôi đến đỡ bất ngờ. Tôi cảm ơn anh Mười đã đến thăm nhà tôi, rồi tôi vội đi ngay đến nhà anh Trần Vỹ. Anh Vỹ hướng dẫn tôi chữa bệnh tiểu đường bằng cách uống nước chè tươi. Giã chè tươi, pha với nước sôi để nguội rồi uống ngày 3 lần...


Khi nhà tôi qua đời, anh Đõ Mười công tác tại thành phố Hồ Chí Minh, cũng gửi điện chia buồn với gia đình tôi.
Khi Đại hội VII họp, một số đoàn vẫn giới thiệu tôi ứng cử vào BCH. Tôi nghĩ Trung ương khoá VI không giới thiệu tôi, nên tôi gặp báo cáo với anh Nguyễn Văn Linh xin rút khỏi danh sách ứng cử cho đúng ý thức kỷ luật. Anh Linh bảo tôi: "Cứ để vậy, đừng rút." Khi bầu, tôi được hơn 260 phiếu, đạt hơn 25% số đại biểu đi dự Đại hội. Các đồng chí ứng cử tự do không ai trúng cử. Hai đồng chí Trung ương giới thiệu cũng không trúng.
Trước khi họp Đại hội VII, vấn đề tiểu sử của anh Văn cũng lại được đem ra thảo luận, có thêm một vài việc mới, thiếu cứ liệu. Có một hôm anh Văn họp Trung ương khoá VI, anh Văn phải đứng lên thanh minh cho mình và nói: "Một vị tướng cầm quân đánh thắng ở Điện Biên Phủ mà còn bị nghi ngờ thân Pháp..." Giọng nói của anh vừa rung động vừa chân thành. Tôi thực sự không cầm được nước mắt. Tôi nghĩ nội bộ với nhau, cứ thẳng thắn bảo nhau, ai làm thì làm, ai nghỉ thì nghỉ, giữ sao cho được tình cảm chân thành là chính, chả thế mà một nhà thơ đã viết:
"Tất cả trên đời đều trôi nổi,
Còn lại non sông một chữ tình.."
Với tinh thần đó, trong khoá VI đã 2 lần tôi phát biểu tại phiên họp toàn thể của Trung ương là: "khi cần, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh cứ gọi điện cho tôi, là tôi nghỉ ngay, không cần phải giải thích vì sao."

***

Tr 365 - Cuộc đối chất có một không hai trong lịch sử Đảng ta
Suốt hai năm ròng rã, từ khi tôi thôi Ủy viên khoá VII, hằng tháng hoặc hai tháng tôi biên thư cho Bộ Chính trị và Ban Bí thư xin đối chất với những người có đơn vu khống chính trị tôi. Tôi nghĩ những người này không những loại được tôi ra khỏi chính trường, họ còn muốn làm nhục tôi nữa. Nên họ rêu rao do tôi khai man lý lịch phải ra khỏi các chức vụ. Nếu làm rõ ràng thì tôi còn phải khai trừ và đưa ra toà về tội làm gián điệp cho Pháp. Bởi vậy tôi phải kiên quyết đề nghị đối chất với họ. Đối với người làm hại mình, bên ngoài lại tỏ vẻ hàm ơn cho mình, bao dung cho mình, tôi cũng cần phải làm rõ trắng đen. Tôi nói rõ trong đơn, nếu lý lịch của tôi có chỗ khai man, tôi xin được "xử bắn." Còn người vu khống tôi, chỉ cần thề trước khi đối chất là: "Nếu vu khống tôi, xin làm con chó là đủ."
Nhưng nguyện vọng ấy mãi không được chấp nhận. Anh Đỗ Mười và một số đồng chí bảo tôi: "Lý lịch anh đã có văn bản của anh Võ Chí Công kết luận rồi, Đảng có đánh giá gì anh đâu mà phải đòi đối chất." Tuy nói vậy, nhưng một số người vẫn vu khống, họ cũng không chịu cùng tôi đối chất. Họ nói: "Vì bảo vệ Đảng mà họ nói thôi. Đối chất mất hết tình nghĩa giữa chúng tôi và anh Thành." Họ nói đạo lý "xanh rờn" như vậy nghe có "thấu tình đạt lý không" (!") Tôi viết thư cho anh Lê Đức Anh, nói: "Đề nghị anh chủ trì giúp, vì anh Mười đối với tôi và anh Tô Duy cũng khó nói..." Anh Lê Đức Anh gặp tôi ở Quốc hội nói: "Việc này đã rõ quá rồi, không làm không được, tôi sẽ nói với Mười chủ trì giải quyết sớm." Nhưng mãi cũng không thấy tổ chức đối chất. Anh Đỗ Mười gặp tôi bảo phía bên kia họ không đối chất.
Một hôm nhà tôi và tôi đến thăm anh Mười. Lúc đó nhà tôi thấy bức xúc quá, nên cứ vừa khóc, vừa đập bàn nói: "Anh phải chủ trì giải quyết cho nhà em. Nhà em phải hy sinh vào đất địch gian khổ, bị bắt, bị tra tấn, giam cầm khổ như thế nào. Nay họ vu khống cho nhà em là gián điệp quốc tế, các cháu đều là đảng viên cả, chúng sẽ nghĩ về Đảng ra sao" v.v..." Anh Mười quay sang bảo tôi: "Tại sao anh Thành lại nói việc này với chị ấy" Việc này để tôi giải quyết. Cô ốm nên yên tâm chữa bệnh. Tại sao anh Thành lại nói với chị ấy trong lúc ốm đau." Tôi hơi khó chịu, nói: "Thưa anh Mười, việc này cả nước cùng biết, tôi sao giấu được nhà tôi. Anh bảo với Tô Duy có đào mả bố hắn lên cũng không tìm được tài liệu tôi bị bắt tháng 2-1951." Anh Mười đứng phắt dậy đi ra tủ sách xem, không nói chuyện với chúng tôi nữa. Tôi rỉ tai nhà tôi: "Chạm nọc rồi." Khoảng 5, 7 phút sau đi vòng xem các tủ sách như tìm cái gì, anh Mười tỏ ra bực tức, nhưng không nói. Sau trở lại ngồi xuống nói với chúng tôi: "Cô cứ yên tâm để việc này tôi giải quyết." Chúng tôi đứng dậy xin phép anh Mười ra về.
Tôi nghĩ phải kéo những người này ra trận tiền, không để họ cứ ở chỗ tranh tối, tranh sáng trong xó tối, nhân danh bảo vệ Đảng để tiếp tục vu khống, làm nhục mình. Tôi bèn viết một lá thư gửi anh Mười và gửi rộng rãi các đồng chí Ban Bí thư, Bộ chính trị, các ban của Đảng. Tôi thôi không xin đối chất nữa, chỉ cần xác minh cho tôi bị bắt tháng 9-1951 không phải tháng 2-1951 là đủ. Lá thư đó lọt đến tay những người vu khống tôi, họ yên trí là tôi sợ đối chất, vì họ có nhân chứng sống như Hoàng Chữ, đã có thư gửi anh Đỗ Mười (phần trên đã nói nội dung bức thư). Họ hí hửng cho rằng chỉ một nhân chứng sống Hoàng Chữ cũng đủ để đánh gục tôi. Còn ngày bị bắt tháng 2 hoặc tháng 9-1951 không còn ý nghĩa nữa. Lập tức những người vu khống ký tên xin đối chất với tôi, gồm 12 người. Sau anh Nguyễn Văn Bút, Phó Bí thư thành ủy xin rút. Vì hôm họp anh em kháng chiến Đèo Voi, anh Bút gặp tôi giơ tay bắt tay, tôi không bắt tay. Anh Bút vẫn nài tôi bắt tay. Tôi nói: "Anh phải hứa với tôi từ nay không tham gia với nhóm vu khống tôi." Anh Bút đồng ý, tôi bắt tay anh Bút. Từ đó anh cự tuyệt và không tham gia với nhóm này nữa. Quan hệ giữa tôi và anh Nguyễn Văn Bút trở lại bình thường. Hôm 19-6-2004 vừa qua, trong bữa cơm Thành ủy và UBND thành phố Hải Phòng chiêu đãi chúng tôi, anh Bút lại kể lại tình bè bạn thân thiết giữa tôi và anh Bút cho mọi người nghe (trong đó có đồng chí Trịnh Văn Sử, Phó Bí thư thường trực, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng cùng nghe). Anh Bút kể lại câu chuyện khi chúng tôi về chuẩn bị nhận chức Bí thư Quân ủy Bạch Đằng và Ngô Quyền: "Trong lúc chờ đợi ở Đèo Voi, sống khổ sở, mỗi bữa có một con cá phèn nướng, sáng tôi ăn đầu, anh Thành ăn đuôi, chiều ngược lại. Có mấy cọng rau muống cũng chia đôi..." Mọi người nghe rất xúc động.
Mãi đến ngày 26-2-1993, Ban Bí thư mới quyết định cho tổ chức cuộc họp đối chất do anh Đỗ Mười, Tổng Bí thư chủ trì, có anh Nguyễn Đình Hương, Ủy viên trung ương đảng, trưởng ban Bảo vệ Chính trị nội bộ và 8 cán bộ vụ trưởng, vụ phó Ban tổ chức trung ương. Ban Bảo vệ chính trị nội bộ cùng tham gia cuộc đối chất xác minh vấn đề bị bắt, bị tù của tôi, và những đơn tố giác. Hải Phòng có đồng chí Lê Danh Xương, Bí thư Thành uỷ, đồng chí Trần Huy Năng, ủy viên thường vụ, trưởng Ban tổ chức thành ủy cùng dự.
Về phía những người tố giác có 11 đồng chí:
Tô Duy, nguyên Bí thư tỉnh ủy Kiến An, ủy viên thường vụ, Phó chủ tịch UBND Hải Phòng, chủ nhiệm Ủy ban vật giá trung ương.
Lê Quang Tuấn, nguyên Bí thư thành ủy Hải Phòng 1948, Giám đốc Công an khu III, Bí thư tỉnh ủy Hà Bắc, Viện trưởng Viện Thi đua khen thưởng.
Trần Đông, nguyên UVTƯ đảng, Bí thư thành ủy Hải Phòng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an).
Nguyễn Mạnh Ái, nguyên Bí thư Quận ủy Ngô Quyền, Cục phó Cục Bảo vệ Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam
Và 7 đồng chí khác là Nguyễn Thắng, Vũ Kính, Phạm Điệt, Vũ Tiến Long, Hoàng Hải, Hoàng Chữ, Phùng Văn Vể.
Về phía nhân chứng cho tôi có 10 đồng chí:
Đồng chí Lê Nghiêm, Quận ủy viên quận Ngô Quyền, hoạt động trong nội thành, người trực tiếp đón tôi vào nội thành công tác:
Đồng chí Nguyễn Văn Nhuận, Bí thư chi bộ khu 7 thuộc quận Ngô Quyên, là người đưa đón tôi đi hoạt động ở nội thành; Cô Trần Thị Định cùng với chồng là đồng chí Bảo, là cán bộ của khu 7, nơi tôi qua lại ăn ở. Cô Định, và chú Bảo còn ứng cho tôi mượn một cây vàng lấy tiền lo thẻ căn cước của tôi và đồng chí Đào Ái cho chúng tôi có giấy tờ của địch, đi lại trong nội thành hoạt động.
Đồng chí Lê Công Thiện, Phó bí thư huyện ủy Kim Thành, Huyện đội trưởng, đã giúp đỡ tôi về chữa bệnh ở Kim Thành.
Các đồng chí: Nguyễn Xuân Sâm, Nguyễn Văn Nghĩ, Nguyễn Tân, Vũ Quang Đạo, là những đồng chí cùng bị bắt và cùng bị tù với tôi ở nhà tù Đoạn Xá, Côn Đảo...
Đồng chí Nguyễn Văn Linh, nguyên Quyền trưởng ty Y tế Hải Phòng (cưới chị Phụng Dương ngày 8-7-1951, cưới tập thể với đám cưới anh Tô Duy cưới chị Lê Thu); Anh Nguyễn Đình Hân, chuyên viên Văn phòng thành ủy, tháng 7-1951 còn ăn cơm với tôi ở Văn phòng thành ủy tại Hồ Lao Son Động Bắc Giang, trước khi tôi vào nội thành công tác.
Đến hội nghị đối chất vẫn còn vu khống trắng trợn.
Đúng 8 giờ ngày 26-2-1993, Hội nghị họp, đồng chí Đỗ Mười chủ trì hội nghị, tuyên bố: "Hôm nay tôi là Bao Công. Ai có ý kiến gì nói cho hết." Sau đó anh Mười nói: "Bị bắt tháng 2 hay tháng 9 có gì quan trọng nhỉ" Vấn đề bị khai báo ra sao, trong tù hoạt động thế nào, mới là quan trọng chứ!" Tôi đứng lên báo cáo với anh Mười: "Các anh đây không tìm thấy khuyết điểm của tôi khi bị bắt, khi bị tù, các anh ấy xoay sang việc tôi bị bắt tháng 2-1951. Trong lý lịch tôi khai bị bắt tháng 9-1951, như vậy chênh lệch nhau 7 tháng. Bảy tháng ấy tôi đi đâu" Chắc đi huấn luyện làm tình báo cho địch. Không đơn giản như anh nói đâu, anh Mười ạ!"
Ban tổ chức báo cáo là còn thiếu anh Hoàng Chữ. Tức thời anh Nguyễn Thắng, anh Vũ Tiến Long đứng dậy nói: "Anh Hoàng Chữ không dám lên Hà Nội họp vì sợ anh Thành giết." Anh Nguyễn Mạnh Ái cũng nói là anh Hoàng Chữ nói với anh Ái như vậy. Có mỗi một nhân chứng sống lại vắng mặt. Nhân chứng này viết thư trực tiếp cho anh Mười, nếu không có mặt thì chứng lý gì để đối chất" Trong lúc đó, một cán bộ Ban tổ chức đứng dậy báo cáo với anh Mười: "Anh ta trốn đấy! Chứ ai giết mà anh ta sợ." Anh Mười bảo anh Lê Danh Xương cho người tìm và dẫn bằng được anh Hoàng Chữ lên Hà Nội. Đồng chí Lê Danh Xương điện về Hải Phòng yêu cầu tìm mọi cách đưa anh Hoàng Chữ lên Hà Nội họp ngay.
(Còn tiếp)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Sky River Casino vô cùng vui mừng hào hứng tổ chức chương trình Ăn Tết Nguyên Đán với những giải thưởng thật lớn cho các hội viên Sky River Rewards. Chúng tôi cũng xin kính chúc tất cả Quý Vị được nhiều may mắn và một Năm Giáp Thìn thịnh vượng! Trong dịp đón mừng Năm Mới Âm Lịch năm nay, 'Đội Múa Rồng và Lân Bạch Hạc Leung's White Crane Dragon and Lion Dance Association' đã thực hiện một buổi biểu diễn Múa Lân hào hứng tuyệt vời ở Sky River Casino vào lúc 11:00 AM ngày 11 Tháng Hai. Mọi người tin tưởng rằng những ai tới xem múa lân sẽ được hưởng hạnh vận.
Theo một nghiên cứu mới, có hơn một nửa số hồ lớn trên thế giới đã bị thu hẹp kể từ đầu những năm 1990, chủ yếu là do biến đổi khí hậu, làm gia tăng mối lo ngại về nước cho nông nghiệp, thủy điện và nhu cầu của con người, theo trang Reuters đưa tin vào 8 tháng 5 năm 2023.
(Tin VOA) - Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) vào ngày 13/9 ra thông cáo lên án Việt Nam tiếp tục lạm dụng hệ thống tư pháp để áp đặt những án tù nặng nề với mục tiêu loại trừ mọi tiếng nói chỉ trích của giới ký giả. Trường hợp nhà báo tự do mới nhất bị kết án là ông Lê Anh Hùng với bản án năm năm tù. RSF bày tỏ nỗi kinh sợ về bản án đưa ra trong một phiên tòa thầm lặng xét xử ông Lê Anh Hùng hồi ngày 30 tháng 8 vừa qua. Ông này bị kết án với cáo buộc ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước’ theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự Việt Nam
Từ đầu tuần đến nay, cuộc tấn công thần tốc của Ukraine ở phía đông bắc đã khiến quân Nga phải rút lui trong hỗn loạn và mở rộng chiến trường thêm hàng trăm dặm, lấy lại một phần lãnh thổ khu vực đông bắc Kharkiv, quân đội Ukraine giờ đây đã có được vị thế để thực hiện tấn công vào Donbas, lãnh phổ phía đông gồm các vùng công nghiệp mà tổng thống Nga Putin coi là trọng tâm trong cuộc chiến của mình.
Tuần qua, Nước Mỹ chính thức đưa giới tính thứ ba vào thẻ thông hành. Công dân Hoa Kỳ giờ đây có thể chọn đánh dấu giới tính trên sổ thông hành là M (nam), F (nữ) hay X (giới tính khác).
Sau hành động phản đối quả cảm của cô trên truyền hình Nga, nữ phóng viên (nhà báo) Marina Ovsyannikova đã kêu gọi đồng hương của cô hãy đứng lên chống lại cuộc xâm lược Ukraine. Ovsyannikova cho biết trong một cuộc phỏng vấn với "kênh truyền hình Mỹ ABC" hôm Chủ nhật: “Đây là những thời điểm rất đen tối và rất khó khăn và bất kỳ ai có lập trường công dân và muốn lập trường đó được lắng nghe cần phải nói lên tiếng nói của họ”.
Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam cử hành Ngày Quốc tế Nhân Quyền Lần Thứ 73 và Lễ Trao Giải Nhân Quyền Việt Nam lần thứ 20.
Sau hơn 30 năm Liên bang Xô Viết sụp đổ, nhân dân Nga và khối các nước Đông Âu đã được hưởng những chế độ dân chủ, tự do. Ngược lại, bằng chính sách cai trị độc tài và độc đảng, Đảng CSVN đã dùng bạo lực và súng đạn của Quân đội và Công an để bao vây dân chủ và đàn áp tự do ở Việt Nam. Trích dẫn chính những phát biểu của giới lãnh đạo Việt Nam, tác giả Phạm Trần đưa ra những nhận định rất bi quan về tương lai đất nước, mà hiểm họa lớn nhất có lẽ là càng ngày càng nằm gọn trong tay Trung quốc. Việt Báo trân trọng giới thiệu.
Tác giả Bảo Giang ghi nhận: “Giai đoạn trước di cư. Nơi nào có dăm ba cái Cờ Đỏ phất phơ là y như có sự chết rình rập." Tại sao vậy? Để có câu trả lời, mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của nhà văn Tưởng Năng Tiến.
Người cộng sản là những “kịch sĩ” rất “tài”, nhưng những “tài năng kịch nghệ” đó lại vô phúc nhận những “vai kịch” vụng về từ những “đạo diễn chính trị” yếu kém. – Nguyễn Ngọc Già (RFA).. Mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của phó thường dân/ nhà văn Tưởng Năng Tiến để nhìn thấy thêm chân diện của người cộng sản.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.