Theo Sandra Block của USA Today, nếu con của bạn được nhận vào trường Yale năm nay, bạn sẽ không phải mượn một xu nào để trả tiền học phí nhờ Yale tăng mức tài trợ cho sinh viên con em các gia đình có thu nhập trung bình và thấp. Tuy nhiên, chỉ có một phần nhỏ số sinh viên đặc biệt mới chiếm được tài trợ của Yale, vì Yale đã không tăng số lượng sinh viên năm thứ nhất trong suốt 40 năm qua, kể cả khi đơn xin nhập học tăng vọt. Đó là điều thực tế cũng diễn ra tương tự tại các trường khác công khai hóa kế hoạch tài trợ của họ. Trường Harvard hứa hẹn sẽ tài trợ cho các gia đình có thu nhập cao nhất là 180,000 đô, đã nhận được 27,000 đơn xin, trong khi số sinh viên năm thứ nhất chỉ vào khoảng 1,650.
Đơn cử trường hợp của Nancy Smerkanich đang làm việc tại một công ty dược ở Wayne, Pa. Con gái của bà là Natalie, bắt đầu vào trường đại học cộng đồng vào mùa thu này, đã thu hẹp sự lựa chọn ở một vài trường đại học công ở ngoài tiểu bang. Natalie dự tính xin học bổng để nhẹ chi phí trong khi mẹ cô, Smerkanich, cũng dự tính xin tài trợ từ liên bang. Nhưng điều hy vọng của cô thật khó lòng được đáp ứng.
Một số nhà phân tích lo rằng các trường tư sẽ cố cạnh tranh với quỹ học bổng khác để thu hút các sinh viên xuất sắc, mà các sinh viên này thường xuất thân từ các gia đình giàu có.
Người ta còn lo sợ khi kinh tế suy thoái sẽ buộc các tiểu bang cắt tài trợ các trường cao đẳng và đại học của tiểu bang, dẫn tới việc tăng học phí. Trên 65% sinh viên chưa tốt nghiệp - đa số thuộc các gia đình có lợi tức thấp - hiện đang theo học các trường cao đẳng và đại học các tiểu bang. Cuộc nghiên cứu xúc tiến năm 2006 của Trung Tâm Nghiên Cứu Chính Sách Giáo Dục của trường đại học tiểu bang Illinois khám phá rằng số sinh viên học lên cao đã giảm 8.6%. Một số tiểu bang khác còn đang lo sự thâm thủng ngân sách có thể làm ngân sách giáo dục bị cắt giảm thậm tệ.
Năm 2004, trường đại học Harvard đã không nhận chi phí của các sinh viên mà gia đình có lợi tức từ 40,000 đô trở xuống, đến năm 2006 tăng lên 60,000 đô. Chỉ có khoảng 8% sinh viên xuất thân từ gia đình có thu nhập thấp như thế, theo tài liệu phân tích của liên bang.
Tác giả bài báo còn nhắc tới trường Cao Đẳng Blackburn, một trường tư nhỏ ở Carlinville, Ill đã giảm học phí 15%, trong khi hầu hết các trường cao đẳng để đẩy học phí lên cao hơn cả tốc độ lạm phát. Ông Miriam Pride, hiệu trưởng trường Blackburn nói rằng để có thể làm được như thế, Blackburn đã phải giảm trợ cấp có giá trị và không cam kết gì lâu dài với các sinh viên học giỏi hàng đầu.
Trong niên khóa 2008, học phí ở Blackburn sẽ là $13,500. Blackburn còn được gọi là trường cao đẳng việc làm, có nghĩa là sinh viên được yêu cầu làm việc trong trường để kiếm tiền bù đắp học phí của họ. Họ làm việc ít nhất 160 tiếng đồng hồ mỗi học kỳ, từ nấu thức ăn cho tới việc làm cỏ...
Một trường khác, Colby College, trường cao đẳng tư ở Waterville, Maine, loan báo hồi tháng rồi sẽ bỏ cho sinh viên vay, và thay vào đó là học bổng. Colby ước lượng chương trình này sẽ giúp sinh viên giảm gánh nặng nợ nần trên 14,000 đô, trong suốt 4 năm học. Không như nhiều trường khác, Colby không có quỹ vốn rộng rãi. Tới ngày 30-6-2007, quỹ vốn của trường là 599 triệu đô, so với 34.6 tỉ của trường Harvard và 22.5 tỉ đô của trường Yale.
Bài báo cũng lập luận rằng các trường tư đang tìm cách để thu hút các sinh viên có lợi tức thấp và trung bình bằng cách giữ học phí cũ cho tới việc trả tiền lãi vốn vay cho cha mẹ sinh viên. Trường Đại Học California Lutheran ở Thousand Oaks, Calif., đã loan báo rằng trong năm nay các sinh viên năm thứ nhất được nhận vào cả hai trường California Lutheran và University of California, Los Angeles hoặc trường UC-Santa Barbara có thể vào trường CLUvới cùng một học phí như các trường đại học công lập.
Các viên chức nhà trường nói rằng họ hy vọng các bước khởi đầu này sẽ giúp sinh viên và cha mẹ của các em vượt qua cơn sốc vì tỉ lệ học phí tăng vọt ở các trường tư.