Một bản tin từ Phòng Thông Tin Phật Giáo Quốc tế gửi từ Paris hôm 1-2-2008 đã cho biết “Hàng trăm nhân sĩ, trí thức quốc tế, giáo sư đại học và dân biểu các Quốc hội Châu Âu, Hoa Kỳ, Pháp, Ý... đề cử Đại lão Hoà thượng Thích Quảng Độ lãnh giải Nobel Hoà bình năm 2008.”
Bản tin trích như sau:
“Hôm qua thứ năm, 31 tháng Giêng 2008, là ngày Ủy ban Nobel Hòa bình tại thủ đô Oslo, NaUy, khóa sổ chấm dứt việc nhận đơn đề cử Giải Nobel Hòa bình năm 2008.
Năm nay Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, Viện trưởng Viện Hóa Đạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, đã được hàng trăm nhân sĩ, trí thức quốc tế, giáo sư đại học từ Á châu sang Châu Âu, Châu Mỹ, hay các dân biểu thuộc nhiều Quốc hội tại Đông Âu, Bắc Âu, Tây Âu, Trung Đông, Hoa Kỳ, v.v... viết thư đề cử.
Tại Quốc hội Châu Âu đã có 60 Dân biểu ký tên hậu thuẫn. Những tên tuổi đáng chú ý là năm vị Phó chủ tịch Quốc hội Châu Âu : Edward Mc-Millian Scott (Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo), Diana Wallis (Đảng Xanh), Luigi Cocilovo (Đảng Tự do, Dân chủ và Cải cách Châu Âu), Gerard Onesta (Đảng Xanh), và Mario Mauro (Đảng Bình dân Châu Âu và Dân chủ Châu Âu). Ngoài ra còn có những Dân biểu nổi tiếng như ông Graham Watson (Chủ tịch Đảng Tự do, Dân chủ và Cải cách Châu Âu), ông Daniel Cohn-Bendit và bà Monica Frassoni (Đồng chủ tịch Đảng Xanh), ông Bronislaw Geremek (cựu Ngoại trưởng Ba Lan), ông Marco Pannella (Chủ tịch Đảng Cấp tiến Bất bạo động Liên quốc gia và Liên đảng), ông Marco Cappato (Báo cáo viên Nhân quyền tại Quốc hội Châu Âu), ông Charles Tannock (Anh quốc), ông Paolo Casaca (Bồ Đào Nha), ông Richard Czarnecki (Ba Lan), bà Pia Locatelli (Chủ tịch Quốc tế Phụ nữ thuộc Đảng Xã hội), bà Bá tước Sarah Ludford (Phó chủ tịch Phân ban Nhân quyền Quốc hội Châu Âu), v.v...
Trong bản Thông cáo báo chí đánh đi từ Quốc hội Châu Âu ở thủ đô Brussels, Dân biểu Marco Cappato tuyên bố : “DDề cử Giải Nobel Hoà bình cho Đại lão Hoà thượng Thích Quảng Độ, chúng tôi không chỉ tôn vinh nhân cách xứng đáng và giá trị mà phần lớn cuộc đời Hoà thượng phải chịu vòng lao lý qua bao chế độ, mà chúng tôi còn thừa nhận giá trị chính trị với tính hiệu quả của phương pháp bất bạo động của Hoà thượng như con đường thiện hảo làm thăng tiến dân chủ và nhân quyền”.
67 Dân biểu Quốc hội Ý đủ mọi khuynh hướng từ tả sang hữu, kể cả Đảng Cộng sản, hậu thuẫn Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ. Qua thông cáo báo chí đánh đi từ Roma, Dân biểu Bruno Mellano phát biểu: “Tự do tôn giáo là chìa khoá cho dân chủ tại Đông Nam Á. Đại lão Hoà thượng Thích Quảng Độ là biểu tượng cho cuộc đấu tranh bất bạo động cho tự do tôn giáo và nhân quyền”...”