Kỷ Niệm Năm Thứ 62 Ngày Quốc Tế Nhân Quyền Trên Thế Giới Và Tại Việt Nam
Đoàn Thanh Liêm
Ngày 10 Tháng 12 Năm 2010 sắp tới là kỷ niệm lần thứ 62 ngày Liên Hiệp Quốc ban hành Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền (1948 – 2010). Nhớ lại vào ngày đó trong năm 1948, Bà Eleanor Roosevelt Nguyên Đệ Nhất Phu Nhân của nước Mỹ đã đại diện Liên Hiệp Quốc đề tuyên đọc Bản Tuyên Ngôn lịch sử này tại thành phố Paris thủ đô nước Pháp.
Và sau đó không lâu, Liên Hiệp Quốc đã công nhận ngày 10 tháng 12 hằng năm là ”Ngày Nhân Quyền” (Human Rights Day). Trong những năm gần đây, thì Liên Hiệp Quốc còn chọn chủ đề cho ngày Nhân Quyền nàytrong mỗi năm. Riêng cho năm 2010 này, thì chủ đề là : “Người bênh vực Nhân quyền mà hành động để chấm dứt nạn kỳ thị” (Human Rights Defenders who act to end discrimination). Mục đích của Liên Hiệp Quốc là nhằm cổ võ cộng đồng thế giới vinh danh và bênh vực những người tranh đấu chống lại những vi phạm nhân quyền mà điển hình là sự kỳ thị lọai bỏ, áp bức, bạo hành đối với những kẻ yếu thế trong xã hội.
Ngày Nhân Quyền năm 2010 sẽ đề cao và quảng bá những thành tích của các chiến sĩ bảo vệ Nhân quyền, dù họ là người nổi danh hay ít được công chúng biết đến. Nhân dịp này, LHQ cũng nhắc nhở đến nghĩa vụ của các chánh phủ là phải tạo điều kiện cũng như bảo vệ cho các người đã hy sinh đứng ra tranh đấu vì lý tưởng nhân quyền trong khu vực xứ sở của họ.
Cũng vào ngày 10 tháng 12 năm 2010 này, thì tại thủ đô Oslo của Vương quốc Na uy bên Âu châu, Giải thưởng Nobel về Hòa Bình năm nay sẽ được trao cho người đại diện của nhà yêu nước Lưu Hiểu Ba, mà hiện vẫn còn bị chánh quyền cộng sản Bắc kinh giam giũ ở trong tù.
Và cũng riêng trong năm 2010 này, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã công bố chọn ngày 1 tháng 12 là” Ngày Nhân Quyền Helsinki” (Helsinki Human Rights Day) để kỷ niệm lần thứ 35 ngày ký Hiệp Định Helsinki năm 1975 về sự tôn trọng nhân quyền và các tự do căn bản giữa các quốc gia Mỹ, Canada, Liên Xô và Âu châu. Từ đó mà thành lập được một cơ chế có tên là “Cơ quan An ninh và Hợp tác tại Âu châu” (Organization for Security and Cooperation in Europe OSCE). Như ta đã biết, chính Hiệp Định Helsinki này đã góp phần quyết định vào sự thắng lợi của cuộc tranh đấu cho tự do và nhân quyền tại khắp các nước Đông Âu cũng như tại Liên Xô dưới sự kềm kẹp tàn bạo của chính quyền cộng sản. Và cuối cùng đã đưa tới sự sụp đổ của tòan bộ hệ thống Xô viết tại Âu châu.