CHÀO EM THÁNG MƯỜI 2010
Trần Củng Sơn
Tháng 10 đã về với mùa bão lụt bắt đầu ở các tỉnh phía bắc miền Trung là Nghệ An, Hà Tĩnh , Quảng Bình , Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Đã có mấy chục người chết và hình ảnh tin tức cho thấy nước ngập cao ở Quảng Bình. " Mỗi năm quê em miền Trung, bão lụt tràn về tàn phá, làng xóm phố xá tan hoang…" câu hát gợi lên nỗi đau thiên tai hàng năm của người dân sống bên dãy Trường Sơn của đất nước. Dân số ngày càng nhiều và nạn phá rừng bừa bãi ở đầu nguồn càng làm những cơn lũ hung bạo hơn khi mùa mưa đến. Người ta còn chờ đợi đến hết tháng 11 mới biết tình hình bão lụt miền Trung năm nay ra sao.
Tháng 10 , Hà Nội tưng bừng đại lễ Ngàn Năm Thăng Long bắt đầu vào ngày thứ sáu 1/10/2010 và kết thúc vào ngày chủ nhật 10-10-2010. Đã có những chỉ trích của người dân về ngày khai mạc đại lễ trùng với ngày quốc khánh của Trung Quốc, trong một hòan cảnh mà sự ảnh hưởng quá nhiều của đế quốc đàn anh này lên đất nước Việt Nam về nhiều lãnh vực chính trị, văn hóa, kinh tế.
Bộ phim Lý Công Uẩn- Đường Về Thăng Long với phí tổn mấy chục triệu đô la đã bị cấm chiếu nhân dịp đại lễ này vì phản ứng dữ dội của công chúng cho là bộ phim Tàu nói tiếng Việt Nam với trường quay phim, đạo diễn, đa số diễn viên phụ, y phục tòan là người Trung Quốc. Từ bao lâu nay, giới điện ảnh Việt Nam đều mơ ước thực hiện được một bộ phim lịch sử nói về những trận chiến đấu oai hùng của tiền nhân trước những cuộc xâm lăng của ngọai bang như trận Bạch Đằng Giang, Aûi Chi Lăng, Quang Trung giải phóng Thăng Long mùa Xuân Kỷ Dậu 1789 nhưng không có điều kiện tài chánh. Mà cũng thật khó khăn vì những thành tích chiến đấu của dân tộc Việt Nam thời xưa đều dính tới kẻ thù đến từ đế quốc phương bắc. Nhắc lại chuyện cũ là mất hòa khí, là ảnh hưởng xấu đến quan hệ hai nước. Cách đây vài năm, một tạp chí ở Hà Nội có viết một bài về chiến thắng Đống Đa trong số Xuân và lập tức đại sứ quán Trung Cộng gọi điện thọai trách móc rằng tại sao lại nhắc đến chuyện này; và tác giả bài viết bị chuyển công tác.
Nhìn hình ảnh của quân đội CSVN diễn tập duyệt binh chào mừng đại lễ thấy các bộ quân phục giống quân đội Trung Quốc y hệt, nếu không có ghi chú thì người xem cứ tưởng cả hai là một.
Với sự chuẩn bị gần mười năm, chi phí đại lễ hơn 4 tỉ đô la, trong lúc đất nước còn nghèo thì quả là hoang phí. Nhưng cán bộ phụ trách tha hồ vẽ ra nhiều thứ để cùng với giới làm ăn móc ngoặc chia nhau bỏ túi riêng.
Qua đại lễ Thăng Long Ngàn Năm mới thấy ảnh hưởng của văn hóa Tàu quá nhiều. Nhìn tượng Lý Thái Tổ liên tưởng tới một ông vua Tàu thường thấy trong phim bộ Hồng Kông với y phục và cái mũ đội trên đầu. Triển lãm thư pháp tại Văn Miếu thì thấy các ông đồ viết chữ Hán các câu đối làm nhiều người không hiểu. Ngay cả các bia tiến sĩ ở đây cũng viết bằng chữ Tàu.
Và lá cờ đỏ một sao vàng của Việt Cộng cũng giống lá cờ đỏ năm ngôi sao vàng của Trung Cộng.
Sự kiện văn hóa Việt Nam bị ảnh hưởng Tàu không là chuyện mới nhưng dân tộc Việt Nam cũng có nét riêng của mình trong suốt ngàn năm qua như chữ Nôm là một cố gắng và hiện tại chữ Quốc ngữ bằng mẫu tự A,B, C là một chứng minh. Phải có trình độ văn hóa căn bản thì mới phân biệt được cái nào của Tàu, cái nào của VN. Tiếc thay những cán bộ lãnh đạo chính quyền và cán bộ lãnh đạo văn hóa lại kém hiểu biết về văn hóa dân tộc nên mới để xảy ra chuyện.