Trung Đông Biến Chuyển Mới
Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh
Tình hình Trung Đông đang có biến chuyển mới. Đó là vai trò của Iran có vẻ tích cực hơn trước. Đầu tuần này, Thủ tướng Iraq Al-Maliki đã qua thăm Iran và được tiếp đón niềm nở. Mục tiêu cuộc viếng thăm này là Maliki muốn được sự ủng hộ của các nước lân cận để ông có thể tiếp tục giữ cương vị Thủ tướng sau hơn 7 tháng tình hình chính trị trở nên rắc rối vì cuộc bầu cử Quốc hội vẫn không có kết quả rõ rệt. Lãnh tụ tối cao của Iran Đại trưởng lão Ayatollah Ali Khameini đã tiếp Maliki và sau đó đã kêu gọi các phe phái Iraq giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị. Theo Đài TV Iran, Khameini đã nói với Maliki: "Việc thành lập chính phủ càng sớm càng tốt cũng như việc thiết lập an ninh hoàn toàn là nhu cầu quan trọng cho Iraq, bởi vì việc phát triển và tái thiết Iraq không thể nào thiếu hai điều kiện đó".
Thứ trưởng Ngoại giao Iran nói Maliki là "một trong những sự lựa chọn thích ứng nhất" để lãnh đạo chính quyền kế tiếp của Iraq, trong thời gian Mỹ rút quân chiến đấu. Trong tình thế hiện nay ở Iraq có một giáo sĩ Hồi giáo nổi tiếng chống Mỹ dữ dội là al-Sadr, có những toán dân quân riêng vẫn đòi phải có những người của ông ta được nắm giữ những địa vị then chốt trong chính phủ mới. Nhưng sự ủng hộ của Đại trưởng lão Iran đã làm al-Sadr mất thế đứng. Về phía Mỹ, cho đến nay Mỹ không chính thức ủng hộ phe phái nào ở Iraq, nhưng Mỹ vẫn nhấn mạnh nhiều lần "Iraq cần phải có một chính quyền kế tiếp đại diện các phe phái. Điều này ám chỉ chính quyền đó phải gồm cả các phe được hệ phái Sun-ni ủng hộ. Thiết tưởng cũng nên ghi nhận Maliki thuộc hệ phái Shi-a, cũng nhưng toàn bộ Hồi giáo Iran thuộc hệ Shi-a.
Cũng đầu tuần này một cuộc họp quốc tế cấp cao đã diễn ra ở Roma thủ đô Ý về vấn đề Afghanistan. Iran cũng đã tham dự sau khi Mỹ nói không thấy có trở ngại. Cuộc họp các nhóm "tiếp xúc" ở Roma giữa lúc có những nỗ lực nhằm chấm dứt cuộc chiến ở Afghanistan, trong đó có việc đưa nhóm phiến loạn Taliban vào cuộc hòa đàm. Tại Kabul từ tuần trước Tổng Thống Karzai đã thiết lập Hội đồng Hòa bình và quân đội NATO cho biết đã sẵn sàng cấp giấy thông hành cho các tay cầm đầu Taliban đến dự hội đồng. Các đại diện các tổ chức quốc tế nói Iran đã được mời đến dự vì được coi như một phần của chương trình tìm sự thông cảm của các nước trong khu vực địa phương này để thảo luận về tương lai của Afghanistan.
Iran là nước có vị trí khá quan trọng. Nếu phía Tây của Iran tiếp giáp Iraq, biên giới phía Đông Bắc của Iran lại tiếp giáp với Afghanistan và biên giới phía Đông Nam tiếp giáp với Pakistan. Richard Holbrooke,đặc phái viên Mỹ tại Afghanistan nói rõ Washington được hỏi về việc Iran tham dự nên đã nói không có vấn đề gì, nhưng ông và các đại diện khác nhấn mạnh cuộc họp chỉ bàn trong giới hạn vấn đề Afghanistan, ngoài ra không đề cập đến một việc đang tranh cãi giữa Mỹ và Iran là âm mưu chế tạo bom nguyên tử của Iran.
Holbrooke nói: "Đây là cuộc họp về Afghanistan và chỉ giới hạn trong vấn đề này, Các cuộc thảo luận trong cuộc họp không bị ảnh hưởng bởi và cũng không sẽ ảnh hưởng tới các vấn đề song phương đang được thảo luận với Iran". Tuần trước Iran đã xin nói chuyện lại với Mỹ về vụ thanh lọc chất Uranium, trong khi LHQ làm áp lực đòi trừng phạt Iran. Iran đã cử đặc phái viên về Afghanistan và Pakistan là Mohammed Ali Ghanazadeh đến Roma tham dự hội nghị quốc tế. Ngoài ra hội nghị Roma cũng mời 10 đại biểu của các nước trong Tổ chức Nghị hội Hồi giáo.
Chương trình hội nghị Roma sẽ có cuộc thảo luận về vấn đề làm thế nào gia tăng trách nhiệm giữ an ninh của quân đội Afghanistan, đi song song với tiến trình hòa giải hoặc với các nhóm phiến loạn, kể cả Taliban. Đại tướng Tư lệnh Mỹ David Petraeus, hiện đang tham gia cuộc thảo luận Roma, tuần trước đã nói các lực lượng đồng minh đã cho phép các đại diện Taliban về thủ đô Kabul của Afghanistan mở cuộc hòa đàm với chính phủ của nước này, mặc dù một phát ngôn nhân của Taliban đã gạt đi và nói đây chỉ là mánh khóe tuyên truyền. Tại Kabul, theo một bản tuyên bố được loan báo cuối tuần trước, Tổng Thống Karzai nói ông thấy có nhiều hy vọng để Hòa hội mới thương thuyết với các lãnh tụ Taliban mà ông đã từng gặp gỡ.
Đầu tuần này Holbrooke nói "cánh cửa mở ở Afghanistan cho bất cứ ai muốn hòa giải". Ông nhấn mạnh các điều kiện (coi như một lằn vạch đỏ) mà các lực lượng đồng minh và chính phủ Afghanistan vạch ra là quân phiến loạn phải buông vũ khí, từ bỏ al-Qaida, gia nhập tiến trình tranh đấu chính trị và tôn trọng Hiến pháp, kể cả quyền của những nhóm thiểu số. Ông còn nói "đây không phải là chấp nhận bại trận. Chúng tôi không phải chỉ chiến thắng bằng sức mạnh quân sự".
Holbrooke nói thêm: "Cuộc chiến này không kết thúc trên chiến hạm ở Vịnh Tokyo, hay ở Dayton, Ohio. Nó sẽ kết thúc qua một hình thức tiến trình khác". Câu nói này nhắc lại một lời tuyên bố của Đại tướng Petraeus hồi sáng thứ Hai với một nhóm người. Cuộc họp hôm thứ Hai tuần này cũng là một cuộc họp chuẩn bị trước cho Đại hội NATO vào tháng tới ở Lisbon để thảo ra một kế hoạch trao lại cho người Afgha quyền kiểm soát đất nước của họ. Nhưng Holbrooke nói "sẽ không có lời loan báo đặc biệt về con số các tỉnh của Afghanistan được trao lại quyền kiểm soát lãnh thổ. Chúng tôi chỉ nói đến đại cương tiến trình trao lại quyền kiểm soát". Và ông cũng không quên nhấn mạnh đến một điểm chúng tôi coi như khá quan trọng: "Huấn luyện quân sự là chính yếu, các nước tham gia cuộc họp ở Roma có thể làm, nhưng Tổ chức Quân lực Quốc tế Hồi giáo thì không".
Thứ ba tuần này lại có thêm một tin bất lợi cho Iran. Trung Quốc cam kết áp dụng lệnh trừng phạt của LHQ đối với Iran về vụ âm mưu chế tạo bom nguyên tử. Quyết định này là do chính phủ Mỹ dưới sự lãnh đạo của TT Obama đã yêu cầu Bắc Kinh bảo đảm các Công ty của Trung Quốc không giúp Iran cải tiến kỹ thuật bắn phi đạn hoặc chế tạo vũ khí hạt nhân. Ma Zhaoxu, phát ngôn nhân bộ Ngoại giao Bắc Kinh, tuyên bố trong một cuộc họp báo: "Phía Trung Quốc luôn luôn chủ trương mọi quốc gia cần phải thi hành các nghị quyết của LHQ về vấn đề hạt nhân của Iran một cách bao quát, chính xác và nghiêm chỉnh". Ma còn nói thêm: "Chúng tôi nghĩ không những cần phải giữ đúng quyết định không cho phép sự lan tràn của vũ khí nguyên tử mà còn phải giữ vững cả hòa bình và ổn định ở Trung Đông".
Xét những diễn biến trên, chiến lược mới của Mỹ đánh khủng bố đã bắt đầu có hiệu quả.