Việt Nam Giữa Mỹ Và Tầu
Trọng Nghĩa RFI - Nguyễn Xuân Nghĩa
Xuất khẩu VN vào Mỹ có nguy cơ bị «vạ lây» vì Trung Quốc
Hoa Kỳ vừa quyết định tăng cường các biện pháp điều tra chống trợ giá hoặc bán phá giá đối với hàng nhập vào Mỹ. Chiều hướng khắt khe này đe dọa ngành xuất khẩu Việt Nam. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn có thể bị cáo buộc là cho Trung Quốc mượn tên để xuất hàng của họ vào Mỹ, né tránh các sắc thuế chống bán phá giá.
Như tin RFI đã loan, mới đây, nhân hai ngày họp tại Tổ chức Thương mại Thế giới WTO ở Genève, Việt Nam đã kêu gọi Mỹ xét lại việc điều tra chống trợ cấp và chống bán phá giá vì các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam ngày càng gặp nhiều vụ kiện của nước ngoài, trong đó Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu là hai thị trường đã kiện cáo nhiều nhất.
Tuy nhiên khó khăn của Việt Nam dường như không chỉ có vậy. Giới tư vấn về luật thương mại còn cảnh báo là Việt Nam nên thận trọng khi tiếp nhận đầu tư từ Trung Quốc để chế biến hàng hóa xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ. Lý do là phía Mỹ còn có thể cáo buộc Việt Nam bán phá giá vào thị trường của họ các sản phẩm của Trung Quốc. Mà không chỉ có Hoa Kỳ, dường như Liên hiệp Âu Châu cũng đang chú ý tới việc này do quy chế gọi là "kinh tế phi thị trường" của Trung Quốc và Việt Nam.
Về hai vấn đề có liên can với nhau nói trên, báo chí Việt Nam trong những ngày qua đã liên tiếp lên tiếng báo động về điều được gọi nôm na là «14 hàng rào» mới được dựng lên tại thị trường Mỹ, gây khó khăn vô kể cho các quốc gia như Việt Nam, Trung Quốc hay các nước chưa được Hoa Kỳ công nhận quy chế "kinh tế thị trường" khi xuất hàng vào Mỹ.
Các rào cản này nằm trong các đề xuất do Bộ Thương mại Mỹ loan báo hồi cuối tháng 8 vừa qua, nhằm tăng cường việc áp dụng Luật thương mại và hỗ trợ cạnh tranh cho các doanh nghiệp Mỹ. Cụ thể, có tới 14 đề xuất thay đổi luật lệ và thủ tục hành chính để thúc đẩy việc thực thi các biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp của Hoa Kỳ. Một phần nội dung các đề nghị này liên quan đến quy trình và cách thức điều tra đối với các nước có nền kinh tế phi thị trường, theo hướng thắt chặt và gây bất lợi hơn cho doanh nghiệp xuất khẩu nước ngoài nhằm tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp Hoa Kỳ.
Khi được mời giải thích thêm về các rào cản này, ngày 29/09 vừa qua, luật sư Mỹ William H. Barringer, một chuyên gia trong các vụ kiện chống bán phá giá, tiết lộ rằng mục tiêu của những chính sách của Hoa Kỳ thực ra nhắm vào Trung Quốc, nhằm “giảm thâm hụt thương mại ngày càng gia tăng giữa hai bên”. Thế nhưng, vấn đề đặt ra là các doanh nghiệp Việt Nam đã bị vạ lây, vì thị trường xuất khẩu của Việt Nam bị doanh nghiệp Mỹ coi là mối nguy cơ tiềm tàng bởi vì giới xuất khẩu Trung Quốc đang có xu hướng đầu tư và đặt nhà máy ở Việt Nam để làm ra hàng hóa xuất qua Hoa Kỳ dưới nhãn hiệu «Made in Vietnam», qua đó trốn được thuế chống bán phá giá mà Mỹ áp dụng cho hàng nhập từ Trung Quốc.
Báo chí Việt Nam nêu lên cụ thể trường hợp của một loại mắc áo, sản xuất tại Trung Quốc, lắp ráp tại Việt Nam, xuất qua Hoa Kỳ và bị kiện bán phá giá để nhắc lại khuyến cáo do Phòng thương mại Việt Nam đưa ra, theo đó Việt Nam phải hết sức thận trọng tiếp nhận đầu tư từ Trung Quốc.
Để tìm hiểu rõ thêm về các khó khăn mà hàng xuất khẩu Việt Nam có nguy cơ gặp thêm tại thị trường hàng đầu của mình, RFI đã nhờ chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa tại California (Hoa Kỳ) giải thích thêm.
Các biện pháp áp thuế cao trên hàng nhập từ Việt Nam và Trung Quốc xuất phát từ quy chế "Kinh tế phi thị trường" của hai nước
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Khi xin gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, xứ nào cũng phải thỏa mãn từng quốc gia thành viên ở trong tổ chức này từ trước. Khi Trung Quốc xin gia nhập sau 13 năm lập hồ sơ, họ thương thảo với Mỹ để được một số điều kiện đặc miễn về yêu cầu cải cách vì vẫn có nền kinh tế chưa hẳn là thị trường, gọi là kinh tế "phi thị trường". Năm 2001, và trước sự chứng giám của WTO, đôi bên thỏa thuận là Trung Quốc vẫn có nền kinh tế phi thị trường trong vòng 15 năm. Phía Việt Nam cũng vậy, đã yêu cầu và năm 2007 được Mỹ đồng ý là có nền kinh tế phi thị trường trong thời hạn 12 năm. Sau thời hạn ấy là phải tôn trọng luật chơi bình đẳng như mọi xứ khác. Cùng Hoa Kỳ, các quốc gia Liên Âu thành viên của WTO cũng đồng ý với khái niệm đặc biệt này, đặc biệt vì tuyệt đại đa số hội viên WTO đều đã có nền kinh tế thị trường.
- Mặt trái của vấn đề là khi còn kinh tế phi thị trường, hội viên mới của WTO có thể bị cứu xét khắt khe hơn để tránh tình trạng trợ giá xuất khẩu và bán phá gia. Từ năm 2006, Liên Âu đã nêu vấn đề với Việt Nam sau khi nêu vấn đề với Trung Quốc. Từ năm 2008, đến lượt Mỹ cũng dùng luật lệ này để kiện doanh nghiệp Trung Quốc và Việt Nam và đòi trả đũa bằng thuế nhập nội.
Vì sao Việt Nam và Trung Quốc là hai nước hiếm hoi không được Mỹ công nhận là đã có nền kinh tế thị trường"
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thật ra, chẳng quốc gia nào lại có nền kinh tế thị trường 100%, nhưng phía Mỹ đưa ra ý niệm phi thị trường cho các nước xưa kia là cộng sản đã từng có chế độ tập trung kế hoạch và hiện nay họ còn áp dụng cho vài quốc gia Trung Âu, Trung Á, nhất là Trung Quốc và Việt Nam.
- Mỹ định nghĩa "phi thị trường" là khi nhà nước đặt ra chỉ tiêu hay định mức về bảy lãnh vực chính là sản lượng, giá cả, phí tổn, nguyên liệu, lương bổng lao động, ngoại thương và phân bố đầu tư, trong đó có cả đất đai. Nói chung là khi nhà nước can thiệp vào tình hình cung cầu của kinh tế quốc dân. Về thực chất thì Trung Quốc lẫn Việt Nam đều đang ở trong tình trạng này.