Thoạt nghe, ai cũng có thể nghĩ đoạn văn trên miêu tả về vụ án Schapelle Corby, vốn đang là đề tài nóng bỏng từ nhiều tuần lễ qua, đặc biệt là kể từ sau khi cô bị tuyên án 20 năm tù ở. Việc Schapelle bị kết tội và bị tuyên án đã đem đến nhiều phản ứng mang tính tiêu cực từ một số không ít dân chúng Úc, phần lớn được khích động bởi những tay xướng ngôn viên thuộc loại “shock jock”, chẳng hạn như Malcolm T. Elliot của đài phát thanh 2GB với câu nói bất hủ, miêu tả ba vị quan tòa như một lũ khỉ: “Mấy thằng quan tòa chẳng biết nói tiếng Anh gì cả, tụi nó vẫn còn leo cây - xin lỗi phải nói thế - nhưng thẩy cho tụi nó mấy trái chuối là tụi nó nhẩy cỡn lên thôi”.
Giới truyền thông chính mạch cũng không khá hơn, luôn nhắc đến những chuyện với hàm ý rằng hệ thống pháp luật và công lý Nam Dương đầy dẫy sự tham nhũng, móc ngoặc, và “hoàn toàn không có tí thiện cảm nào đối với người ngoại quốc”.
Chính vì thế mà dân chúng Úc đã có nhiều hành động phi lý xuyên suốt vụ án, chẳng hạn như đòi hỏi chính phủ Úc phải trực tiếp can thiệp cho cô Schapelle, kêu gọi tẩy chay không du lịch Bali, lên tiếng đòi lại tiền đã quyên tặng cho nạn nhân sóng thần, buộc tổ chức từ thiện Đạo Quân Chúa Cứu Thế lên tiếng thừa nhận rằng tiền thâu được từ chiến dịch quyên góp thường niên Thuẫn Đỏ vừa qua sẽ không được dùng để cứu tế cho Nam Dương. Và độc hại nhất là việc một kẻ vô danh gởi bột trắng hù dọa tòa đại sứ Nam Dương ở Canberra.
Có lẽ nguyên nhân chính yếu thầm kín nhất đằng sau những phản ứng như thế là quan niệm duy ngã độc tôn vẫn còn nằm sâu trong tiềm thức của một số dân Úc da trắng, một thứ quan niệm đầy tính kỳ thị, nặng tính thực dân của thế kỷ 18, 19 rằng Tây Phương vượt trội hơn hẳn Đông Phương, rằng chỉ có Tây Phương mới thông minh, linh động, hợp lý, tự do, bao dung, ngay thẳng và văn minh còn Đông Phương thì ngu dốt, ù lì, mê tín, nô lệ hóa, thiếu bao dung, nhũng lạm và man rợ.
Trở lại với người thiếu phụ được nhắc đến trong phần đầu của bài viết này, cô ta không phải là Schapelle Corby. Cô là Chika Honda, một trong số những người được mệnh danh là “Japanese Five”, nhóm du khách người Nhật bị tóm bắt ở phi trường Melbourne vào năm 1992 vì nhân viên công lực tìm thấy 13kg bạch phiến - lúc ấy trị giá khoảng $30 triệu Úc Kim - giấu trong ngăn rỗng của vali của họ.
Vào năm 1992, Chika làm việc trong một quán nhậu ở một tỉnh lẻ phía Bắc Đông Kinh. Một hôm, cô được một người khách thường lui tới quán nhậu - Mitsuo Katsuno - rủ cô đi du lịch theo đoàn cùng với ông và mấy người anh em ruột của ông. Cô nhận lời vì chưa bao giờ cô có dịp đi du lịch ngoại quốc cả. Và thế là bắt đầu cơn ác mộng kéo dài đằng đẵng từ lúc ấy đến bây giờ.
Theo Chika và những người đồng nạn - Mitsuo Katsuno, Masahara Katsuno, Kiichiro Asami và Yoshio Katsuno - thì chuyến du lịch ấy được một tay thương gia người Mã Lai sắp xếp và tặng cho họ, như một cách bồi thường thiệt hại cho Yoshio Katsuno khi ông này sang Kuala Lumpur trước đó và bị tai nạn lưu thông phải nằm nhà thương mất 2 tuần. Đối với văn hóa của cả Mã Lai lẫn Nhật Bản thì việc tặng quà như một hành động xin lỗi và nhận quà như một cách chấp nhận lời xin lỗi là một việc bình thường. Tay thương gia này đề nghị Yoshio nên rủ một số bạn bè cùng đi cho vui.
Họ dự trù một tour ngắn hạn 5 ngày ghé ngang Kuala Lumpur, Melbourne, Sydney rồi trở về Đông Kinh. Lịch trình của họ, sau này bị công tố viên cho là một thứ lịch trình láo, thực ra là một lịch trình bình thường của du khách Nhật ít tiền, ít thời giờ. Thế rồi, theo lời khai của nhóm, họ được tay thương gia dặn nên gặp y ở Kuala Lumpur một ngày trước khi bay sang Melbourne để y cùng đi du lịch với họ. Tay thương gia này đến đón họ ở phi trường và chở họ đi ăn tối.
Câu chuyện của họ từ điểm này trở đi lại liên tục bị công tố viên nhạo báng cho là chuyện bịa đặt rất phi lý và vô cùng ấu trĩ, thế nhưng, xuyên suốt hơn một thập niên rồi, những nạn nhân người Nhật vẫn khăng khăng một mực khẳng định, chuyện xảy ra đúng như thế.
Ngoại trừ Yoshio để đồ trong cốp xe hơi, bốn người còn lại để hành lý của họ trên xe van. Trong lúc họ ăn tối thì xe van bị đánh cắp mất. Vì không nói được tiếng Anh hay Mã Lai nên họ lắng nghe lời khuyên của tay thương gia. Hắn cho biết hắn sẽ tìm cách tìm lại xe và hành lý. Họ được đưa về khách sạn nghỉ đêm. Sau đó, Yoshio cùng tay thương gia cho họ biết đã tìm thấy xe và hành lý.
Sáng hôm sau, họ thấy toàn va li mới và được Yoshio cho biết rằng mấy cái vali bị bọn trộm phá hư nên tay thương gia đã mua va li khác cho họ, một hành động mà họ cho là phát xuất từ lòng tốt của tay thương gia ấy. Oái oăm thay, họ không biết được rằng những cái va li này có đáy giả và trong ngăn rỗng ấy có chứa bạch phiến.
Tay thương gia sau đó nói rằng y bận việc bất thình lình nên không đi được hôm đó với họ, nhưng y sẽ bay theo sau. Họ tiếp tục cuộc du lịch. Khi họ đáp xuống phi trường Melbourne thì giới thẩm quyền Úc, vốn đã được thông báo trước rằng có một lượng bạch phiến lớn sắp được buôn lậu vào Úc, đã chực chờ sẵn. Và họ bị tóm bắt.
Họ không đủ trình độ Anh Ngữ để đối thoại nhưng trong suốt cuộc thẩm vấn cảnh sát không hề cung cấp thông dịch viên cho họ, khiến họ bị nhiều thiệt thòi bất lợi. Ngay cả chánh án cũng không nói được tiếng Nhật!
Giống như Schapelle Corby, Chika và những người đồng nạn khăng khăng cho rằng họ là nạn nhân vô tội bị gài bẫy. Và cũng như trường hợp của Schapelle, vị chánh án chủ tọa phiên xử cũng không tin lời họ. Chika, Mitsuo Katsuno, Masahara Katsuno và Kiichiro Asami bị tuyên án 10 năm tù ở và phải thọ án tại Úc cho đến khi mãn án, và sau đó bị trục xuất về nước. Yoshio bị tuyên án 20 năm tù vì bị cho là chủ mưu. Tất cả cho đến bây giờ vẫn không ngừng tuyên bố rằng họ vô tội.
Luật sư đại diện cho họ, sau khi kháng án lên đến tận Tối Cao Pháp Viện Úc nhưng vẫn không thành công, đã từng nộp đơn kháng án lên đến tận ủy Ban Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc cho rằng nhân quyền của họ đã bị chà đạp qua phiên tòa xét xử vì sự thiếu thốn thông dịch viên ảnh hưởng đến quyền được xét xử một cách công bằng của họ.
Cho đến bây giờ Chika Honda vẫn tiếp tục tranh đấu để rửa sạch thanh danh cho mình. Hiên nay, hai chuyên gia luật pháp hàng đầu của Úc đang chuẩn bị một thỉnh nguyện thư để gởi đến Tổng Toàn Quyền Úc, yêu cầu ông thực thi đặc quyền Ân Xá (Royal Prerogative of Mercy) và tuyên bố vô hiệu hóa cái án của cô dựa trên một số bằng chứng mới chưa được tiết lộ.
Nếu dân Úc cho rằng hệ thống pháp lý Nam Dương quả thật là bán khai và dã man thì dân Nhật đã nghĩ như thế nào về hệ thống pháp lý Úc"
Vấn nạn của Chika Honda đã được một nhà nghệ sĩ tạo hình dàn dựng thành một chương trình nghệ thuật đặc biệt, bao gồm nhiều đoạn phim thời sự về vụ án, nhiều đoạn phim phỏng vấn riêng cô kèm theo hình ảnh của cô trong tù và một số vũ công miêu tả lại nội tâm của cô qua những màn vũ đặc sắc. Chương trình này đã được biểu diễn ở Melbourne vào tháng 2/05 vừa qua.