Xem Phim Inception: Thế Giới Ảo Hay Thật"
Bích chương phim Inception.
Ngân Giang
Thử tưởng tượng có một cái máy cho phép nhiều người cùng chia sẻ một giấc mơ. Giấc mơ sẽ kết thúc và mình tỉnh thức khi mình chết trong giấc mơ ấy. Nếu sở hữu máy đó mình có thể thấy được tiềm thức của bất cứ ai mình cùng chia sẻ giấc mơ qua cái máy này. Và không chỉ dừng ở đó, mình còn có thể cấy tư tưởng vào người khác!
Đó là bối cảnh của bộ phim đang ăn khách nhất ở các rạp chiếu phim trên nước Mỹ hiện giờ. Trong bài này người viết chỉ luận bàn đôi chút về ý tưởng của bộ phim chứ cố gắng không kể lại nội dung phim vì như thế sẽ làm mất cơ hội thưởng thức phim này cho những ai chưa xem.
Giống như bao nhiêu tiểu thuyết khác, câu truyện được xây dựng trên nhiều hư cấu lồng trong bối cảnh thật trong xã hội đương đại. Ba hư cấu quan trọng làm nền tảng cho câu truyện là có một cái máy cho phép nhiều cùng chia sẻ một giấc mơ khi ngủ. Hư cấu thứ hai là mình chỉ tỉnh giấc khi mình chết. Và cuối cùng là người làm chủ cái máy thần diệu này có thể biết được mình đang mơ trong giấc ngủ và có thể làm chủ được mình. Đạo diễn Christopher Nolan đã nảy sinh những ý tưởng này khi ông mới 16 tuổi và băn khoăn về giấc mơ và những bí ẩn của nó.
Câu truyện xoay quanh thách thức làm cách nào để cấy một tư tưởng mới vào người khác. Để làm được điều này, nhân vật chính, diễn viên Leonardo DiCaprio, phải cùng các cộng sự khác cùng ngủ một lúc với mục tiêu của mình là tân giám đốc của một tập đoàn năng lượng xuyên quốc gia.
Bắc đầu từ đây phim đưa mình bồng bềnh vào trong trí tưởng tượng của tác giả. Đây là một điệp vụ phức tạp, trong đó nhân vật chính không phải chỉ đánh cắp suy nghĩ của mục tiêu mà là gieo mầm một ý tưởng mới, và để hoàn thành nó đòi hỏi phải dùng tới 5 giấc ngủ trùng điệp! Nghĩa là trong giấc mơ, mình lại ngủ và nằm mơ, và trong giấc mơ đó mình lại mơ và tiếp nối như vậy đến "tầng" thứ 5!
Đến đây mình có thể thấy câu truyện phảng phất triết lý tôn giáo. Gần nhất là thuyết luân hồi của Phật giáo, trong đó con người đầu thai kiếp này đến kiếp khác (cho đến khi giác ngộ). Cuộc sống là hư vô và chỉ đến khi "tỉnh thức" mình mới thoát khỏi vòng trầm luân đó. Thiên Chúa giáo không xem cuộc sống trần thế này là hư vô mà chỉ là cuộc sống tạm bợ, và chỉ khi mình "chết" đi mình mới thực sự trở về với cuộc sống thực thụ vĩnh hằng (có thể là thiên đàng hay hỏa ngục).
Rõ ràng tác giả lấy ý tưởng cho bộ phim dựa trên những tư tưởng hiện hữu trong đời sống. Và câu truyện cũng phản ánh quy luật ấy: tư tưởng không thể thai nghén (inception) từ khoảng không mà phải nảy mầm từ môi trường bao bọc và nuôi dưỡng nó. Nhưng qua ống kính camera và kỹ xảo công nghệp thế kỷ 21, câu truyện không chỉ là những dòng chữ thầm lặng trên giấy mà nó trở thành một cơn gió mãnh liệt cuốn tung người xem lên khỏi mặt đất, lơ lửng trên không, và ở đó mình được nhìn thấy thế giới mình đang sống ở một góc độ khác, một tầng cao mới, được khám phá trí tưởng tượng của chính mình. Bộ phim với ngân sách khổng lồ 160 triệu đã tạo ra một sản phẩm thật xứng đáng. Kết thúc phim, người xem như "phải" trở lại mặt đất, nhưng giống một tư tưởng hay, một ý đẹp, bộ phim đã cho phép mình du ngoạn vào cái thế giới sâu thẳm của trí tưởng tượng của chính mình.