Tháng Giêng Về Phan Thiết Xem Hò Bả Trạo Trong Lệ Cúng Ông Nam Hải
MƯỜNG GIANG
Tháng giêng tháng hai ở Bình Thuận trời hay hờn dỗi, nên thường bất chợt có những cơn dông biển hải hùng. Kinh nghiệm trên đã được người bản địa thu vén làm thành bài ca dao truyền khẩu cho tới ngày nay :
'' tháng giêng động dài,
tháng hai động tố,
tháng ba nồm rộ,
tháng tư nam nôm,
tháng năm có gió hợp Hòn,
thổi lòn nam Cú.. ' ' '
Thời gian này tuy còn trong mùa tết nhưng cũng là giao điểm của những cơn gió bấc se lạnh và ngọn gió nồm bắt đầu phây phẩy. Đây cũng là lúc mà những đàn cá mòi, cá nục, di chuyển trên mặt nước tìm nắng ấm và đàn sếu biển trốn đông, đã trở về nơi cư ngụ trên hòn Nhỏ nằm sát bờ biển Phan Thiết, cất lên những tiếng hát vang trời khi bay qua phố thị.
Bình Thuận lại sửa soạn vào mùa cá theo truyền thống của ông bà đã có từ khi theo chân các Chúa Nguyễn vào lập nghiệp tại miền đất hoang dã nổi tiếng 'cọp Khánh Hòa, ma Bình Thuận'. Sinh và lớn lên trên một vùng đất được mệnh danh là rừng tiền biển bạc, rồi nhìn lại những biến chuyển lịch sử qua dòng thời gian, ta mới thấy nặng nợ ân tình với tiền nhân buổi trước, suốt một thời gian dài đã phải gánh chịu tai ương của biển khơi, rừng núi, ác thú và sự thù hận chủng tộc trùng trùng mà tới nay hầu như vẫn không có gì thay đổi.
Chết chóc triền miên khi hành nghề hạ bạc trên sóng nước, chung đụng thường xuyên với hoàn cảnh khắc nghiệt hiểm ác, khiến cho người dân ở đây lúc nào cũng cảm thấy bơ vơ sợ hãi. Ấn tượng trên đã nãy sinh niềm tin tuyệt đối vào các vị thần linh vô hình nhưng lại luôn luôn phù trợ họ. Đây cũng là lý do, khiến cho ngư dân Trung phần, sống dọc theo miền duyên hải từ phía nam đèo Ngang vào tới tận Hà Tiên, thờ cúng ông Nam Hải và bao đời đã trở thành nếp sống cũng là tín ngưỡng huyền thoại của người Bình Thuận.
Là một tỉnh ven biển có chiều dài hơn 192 km, với nhiều làng mạc, thị trấn, ngư cảng hành nghề đánh cá, nên các nơi này đâu đâu cũng có miếu, chùa, dinh, lăng, vạn.. thờ cúng ông Nam Hải nhưng qui mô hơn hết vẫn là bốn vạn chài Thủy Tú (Đức Thắng), Nam Nghĩa (Đức Nghĩa), Hiệp Hưng (Bình Hưng) và Hưng Long tại Phan Thiết. Các vạn chài trên đã được thành lập từ lâu đời. Vạn Thủy Tú xây dựng từ thời Lê Trung Hưng, đã có nhiều bằng sắc phong tặng của triều Nguyễn. Ngoài ra vạn còn lưu giữ hơn 100 bộ ngọc cốt của ông Nam Hải suốt bao năm qua, kề từ ngày thành lập. Riêng nghi lễ cúng kiến Ông tại các vạn chài trong tỉnh ở Phước Thể, Long Hương, Phú Quý, Phan Rí Cửa, Phú Hài, Mũi Né, Phan Thiết, La Gi.. không thống nhất ngày cúng, cho nên nhiều nơi vẫn noi theo qui luật cổ truyền 'nhất niên tứ lệ'.
Nói chung các vạn chài đều tổ chức cúng Ông vào ngày đầu năm và mãn mùa cá. Nghi thức hành lễ rất trang trọng như rước linh, xô giàn, hát bội, hò bá trạo và đua thuyền trên sông Cà Ty, Phan Thiết. Tất cả hoà điệu vào nhau, làm thành một tín ngưỡng riêng của người Bình Thuận
1 - CÁ ÔNG : NAM HẢI CỰ TỘC, NGỌC LÂN THƯỢNG ĐẲNG THẦN
Theo học giả người Pháp là Gamichon có bài viết trên tạp chí Indochine, thì sự phù trợ của Cá Ông đối với con người, nhất là giới ngư phủ và những ghe thuyền bị nạn trên biển Đông là chuyện có thật. Sự kiện cá Ông cứu người, không riêng gì ở VN mà ngay tại phương tây cũng đã xãy ra.
Chính sử gia Herodote của cổ Hy Lạp đã bị quân cướp vứt xuống biển nhưng được cá ông cứu sống đem vào bờ. Nhiều huyền thoại về Ông đã lưu truyền trong dân gian Bình Thuận, vì vậy ngư dân mỗi lần đi biển đều cầu nguyện cũng như khi Ông bị chết trôi giạt vào bờ đều được ngư dân tổ chức tang lễ rất trọng thể. Đặc biệt một thành viên trong tổ chức VASC đã ghi lại một bài ký sự về việc Ông cứu một ngư dân tại làng Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, Bình Thuận vào ngày 12-9-1993 khi cơn bão số 9, làm chìm chiếc thuyền đánh cá của người này trong lúc đang hành nghề ngoài khơi .
Trên thực tế, trãi qua hàng ngàn năm, không có một động vật nào kể cả khủng long, đã đem lại sự tưởng tượng phong phú cho bằng cá voi. Với danh hiệu vua của đại dương, cá Ông đã tạo nên nhiều thành tích kỳ bí, hiện tuợng huyển hoặc được người đời sùng kính và thờ cúng như một vị thượng đẳng thần. Với kích thước khổng lồ, sức mạnh vô địch, cá ông khi vô cớ bị tấn công, chỉ cần một cái vẫy đuôi, cũng làm tan gan vỡ mật bon săn cá đang hiện diện chung quanh.
Đến nay, xuất xứ của loài này đối với các nhà khoa học vẫn còn mù mờ. Theo các nhà nghiên cứu thí cá voi thuộc loại lưỡng thể, mà tổ tiên có thể xuất xứ từ loài thú Mesonya, có móng vuốt ở chân như chó sói. Loài thú này cách đây hơn 50 triệu năm, sống trong những đầm lầy trên các bờ biển Á Phi. Thế rồi theo đà biển xâm thực đất liền, loài thú trên đã thay đổi tập quán để thích nghi cuộc sống, nên rời đất liền xuống biển sinh sống. Do trên cơ thể cũng phải biến dạng theo môi trường mới, thân hình dài hơn, trong lúc tứ chi thì teo lại biến thành vi, còn da thêm lớp mở dầy bao bọc, bảo vệ thân thể. Mắt mũi cũng thay đổi cho đời sống của thủy tộc, ngâm mình dưới nước. Sự tiến hóa trên đã kéo dài hằng triệu năm mới hoàn thành như ngày nay. Vì là loài lưỡng thể, cá voi có thể rời biển lên cạn để giao phối và sinh con.
Bộ cá voi hiện nay có 38 chi với 7 họ, 83 loài nhưng vẫn nằm trong hai nhóm chính: cá voi có răng và cá voi sừng hàm. Cá voi có răng mà đại diện là cá voi xanh, có chiều dài gần 30m, nặng trung bình trên 150 tấn, hiện là loài động vật lớn nhất địa cầu. Răng cá voi có kích thước đồng nhất, dùng để săn mồi. Cá voi sừng hàm không có răng nhưng lại được thay thế bằng các tầng sừng dính vào hàm trên, có tác dụng lọc lấy thức ăn trong nước. Nhờ vậy khi cá voi hớp một lượng nước biển vào miệng, sừng hàm sẽ giữ lại ruốc, cá mực, còn nước biển được tống ra ngoài.
Vì thân thể to lớn nên cá voi bơi lội rất chậm, lặn sâu chừng 100m và trong nửa giờ lại phải ngoi lên lên mặt nước để thở hít chừng 4-5 phút. Đây là một khuyết điểm và là sự bất hạnh thê thảm nhất của cá voi, vì càng có mặt trên sóng nước, càng dễ lộ mục tiêu cho bọn săn cá đến sát hại. Để cứu nguy cho loài cá biển hiền lành và linh thiêng này, tổ chức săn cá voi quốc tế IWC (Internatonal Whaling Commission), đã quyết định đưa cá voi vào danh sách động vật ưu tiên, cần được bảo vệ . Tuy nhiên dù đạo luật đã được biểu quyết thi hành vào năm 1976 nhưng các nước Tích Lan, Na Uy và cả Nhật Bổn là một quốc gia theo Phật giáo 90%, vẫn lén lút ngoan cố, tiếp tục săn cá voi. Chuyên vô nhân đạo trên khiến cho cả nước Nhật, phản đối dữ dội bọn săn cá voi bất hợp pháp.
Nhưng dù có sưc mạnh kinh thiên bạt ngàn xẽ núi, kích thước khổng lồ nhưng tâm tư lại Bồ Tát, bản tính hiền lành nên cá voi đã được các hảng du lịch quốc tế, nhất là tại Hoa Kỳ (Hawaii) chọn làm đối tượng để giới thiệu với các du khách. Cá voi khi bơi, tạo được một lực đẩy chừng 50 mã lực và nhờ bộ vẫy đuôi dựng đứng như đuôi tôm, có diện tích chừng 10 m2, mà cá voi có thể thay đổi tư thế bơi lội cũng như chuyển hướng và vượt qua sóng dữ một cách dễ dàng.
Đặc biệt có loài cá voi Mũi Khoắm, hiện đang giữ chức vô địch thế giới về tài lặn sâu trên 200m. Cá voi có một lỗ đạo nằm trên đường xương sọ, cũng là vòi để phun nước. Lỗ đạo ăn thông với xương mũi và được đậy lại khi cá lặn. Luồng nước mà cá voi phun ra là một hỗn hợp gồm có nước, khí, chất nhầy từ phổi và chất dầu trong hốc mũi. Chính sụ phun nước làm cá voi có khứu giác thấp kém nhưng ngược lại thính giác cá voi rất bén nhạy, có thể phóng ra những sóng âm thanh, để định hướng, rà đường. Nhờ vậy cá voi có thể quen thuộc đường đi lối về, trên những lộ trình có thể xa hơn mấy ngàn cây số, một cách rất dễ dàng.
Ngoài các đặc điểm trên, loài cá voi xanh với tiếng kêu khi ở tần số thấp, chừng 188 dicibel (đơn vị đo độ ồn), kéo dài chừng nửa phút nhưng tương đương với giọng opéra mạnh nhất của con người. Lại có loài cá voi lưng gù với giọng kêu the thé, kéo dài chừng 10 phút, khi muốn tỏ tình với bạn gái trong mùa giao phối. Những âm thanh trên đối với người đi biển, vẫn là những tiếng hát tuyệt vời trên đại dương.
Với người Việt Nam có sự phân biệt rõ ràng giữa cá voi hay cá ông, cũng như quan niệm 'tại bắc vi ngư, tại nam vi thần'. Theo kinh nghiệm của các bậc lão thành vùng duyên hải, thì đuôi của cá voi chỉ có hai chia, còn cá ông tức Nam Hải đại tướng quân thì đuôi có ba chia, da láng bóng như lãnh, khi chết không có mùi dù để lâu ngày, ruồi, muỗi, kiến và các loài sâu bọ vẫn không dám bén mảng tới. Cá ông đã đi vào huyền sử tín ngưỡng lâu đời của người VN như một ân nhân độ mạng. Để tỏ lòng thành kính, mọi người không dám gọi cá voi là cá, mà trang trọng gọi là ông Khơi, ông Lộng, ông Kim, ông Thông, ông Mán, ông Bền.
Tôn kính cá ông khi sống và lúc bị lụy (chết). Do trên ngư phủ nào gặp ông đầu tiên, phải thọ tang ba năm và được vạn chài địa phương hay vạn Thủy Tú tại Phan Thiết, lo lắng việc chôn cất. Mộ phần của ông cũng tuỳ theo hình dạng to nhỏ, để có thể tống táng trong khuông viên của các Dinh ông, vạn chài hoặc neo xác ông trong vùng đăng cạnh bờ như tại Khánh Hòa. Sau ba năm mãn tang, các vạn chài đưa ngọc cốt vào phụng thờ trong dinh, vạn.
Theo Việt sử vào tháng 2 năm Nhâm Dần (1782), Nguyễn Vương trong khi đang vây hãm thành Bình Thuận, thì bị thủy quân Tây Sơn từ Bình Định vào đánh đuổi. Nguyễn Vương thua trận và bị Tây Sơn truy sát. Lúc thuyền hai bên gặp nhau tại giang khẩu Xoài Rạp, là một khúc sông Đồng Nai giữa Gia Định và Gò Công, thì đột nhiên bảo tố nổi lên dữ dội, khiến cho tàu thuyền của hai phía bị đắm chìm rất nhiều. Ngay lúc thuyền chở Nguyễn Ánh lâm nguy, thì bỗng có một cặp cá ông nổi lên đỡ và dìu thuyền vào bờ làng Vàm Láng, tổng Kiến Phước, tỉnh Gò Công.
Sau khi đất nước thống nhất, vua Gia Long lên ngôi năm 1802, nhớ ơn xưa đã truy phong cho cá voi, tước Nam Hải đại tướng quân, Cự Lộc Ngọc Lân Thượng Đẳng Thần, đồng thời hạ chiếu phong tặng, cho các làng xã lân cận nơi bị đắm thuyền năm xưa, trong đó có Cần Giờ (Gia Định), Kiến Phước (Gò Công), Vũng Liêm (Vĩnh Long) và ra lệnh cất đền thờ Cá Ông. Kể từ đó, vùng phía nam Đèo Ngang trở vô đều thờ Ông Nam Hải. Ở miền bắc VN, do ảnh hưởng của phong tục và tập quán Tàu, nên không tin Cá Ông nhưng ngư dân tại Đồ Sơn (Kiến An), vẫn chôn cất Cá Ông rất trọng thể khi Ngài bị lụy, dù không lập miếu thờ như tại miền Nam.
Với Phật giáo, Ông là hiện thân của Phật Bà Quan Âm, vị Phật hiền từ, nhân ái, chuyên cứu khổ, cứu nạn mọi người. Đức Phật Quan Âm một lần tuần du trên biển Nam Hải, cảm động trước sự chết chóc của nhân loại, vì thiên tai, bảo tố nên Phật Bà đã xé mãnh cà sa của mình thành trăm mảnh, ném xuống mặt biển hóa thành đàn Cá Voi, lại ban cho thân thể to lớn và phép thần thông, để Ông có sức khỏe vạn năng và bơi lội nhanh lẹ, hầu kịp thời hộ trì cứu giúp những người bị tai nạn trên biển.
Cá Ông thích ăn cá mòi, mực và ruốc. Vùng biển Bình Thuận tại Phước Thể, Phan Rí, Mũi Né, Phan Thiết, La Gi có rất nhiều ruốc, mực và cá mòi, nên cũng có nhiều Cá Ông. Bình Thuận có bốn vạn lớn : Thủy Tú, Nam Nghĩa, Hưng Long và Hiệp Hưng. Các nơi khác trong tỉnh cũng đều có Dinh Vạn Đình Miếu thờ cúng cá Ông.
Song song với niềm tin Ông Nam Hải, ngư dân còn thờ hoặc kính nể một vài thủy tộc khác, có liên hệ đến đời sống hằng ngày của họ, khi hành nghề trên mặt biển như: