Nhân Quyền Thế Giới
Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh
Đầu tuần này Mỹ lần đầu tiên tham dự Hội Đồng Nhân Quyền LHQ ở Geneva, sau một lần vắng mặt và đã có lần chỉ trích nặng nề cơ quan này. Hồi tháng 6 vừa qua, Mỹ đã được chính thức bầu lại vào Hội đồng hiện gồm có 47 hội viên. Giới chức cao cấp nhất của Mỹ đến tham dự là ông Esther Brimmer, Phụ tá Ngoại trưởng về các Tổ chức quốc tế, điều này có nghĩa là dưới chính quyền Obama, Mỹ đã trở lại cuộc tranh đấu cho nhân quyền trên khắp thế giới.
Năm 1948, sau khi bản Tuyên ngôn Nhân quyền được LHQ công bố, một cơ quan gọi là Ủy hội Nhân quyền đã được thành lập, nhưng đây là một tổ chức chỉ được ủy nhiệm theo dõi tình hình Nhân quyền trên thế giới để báo cáo. Chính vì thế khả năng của nó có giới hạn, không có quyền lực gì. Năm 2006, Ủy hội này được thay thế bằng một Hội đồng, có nhiều quyền hạn hơn. Nó cũng ngang với một thứ Hội đồng khác của LHQ là Hội đồng Bảo An. Nhưng năm 2008, dưới quyền TT George W. Bush, Mỹ đã bỏ họp, vì Hội đồng tố cáo Israel và bỏ qua các vụ vi phạm nhân quyền ở những nơi khác, chẳng hạn các vụ vi phạm nhân quyền ở Cuba, Ai Cập và Pakistan. Trong thời gian 3 năm qua Hội đồng đã họp khẩn cấp 5 lần vì những vi phạm của Israel và ra tuyên bố lên án Israel đã hành hạ dân Palestine. Nên nhớ Israel là địa bàn của Mỹ để ổn định tình hình đầy biến động ở Trung Đông. Ngoài ra Hội đồng cũng có 4 lần họp khác vì tình hình đặc biệt về vi phạm nhân quyền ở Miến Điện, Dafur (Sudan), Tích Lan và Congo. Hội đồng Nhân quyền hiện nay do các nước Á châu và Phi châu nắm đa số, đã có lần ngăn chặn sự chỉ trích đối với các đồng minh của họ như Zimbabwe, Sudan và Tích Lan.
Vậy tại sao chính phủ Obama trở lại Hội đồng Nhân quyền và sự tham gia của Mỹ lần này có mức độ nông sâu như thế nào" Sự thật việc ông Brimmer tham dự chỉ là tạm thời vì trước đây ông đã từng làm Đại sứ Mỹ, đại diện thường trực tại Ủy Hội Nhân quyền cũ. Bây giờ cử ai là việc còn tùy ở Ngoại trưởng Hillary Clinton và ông Michael Posner, đã được Obama bổ nhiệm làm Giám đốc Văn Phòng Nhân quyền của bộ Ngoại giao nếu ông được Thượng viện chấp nhận trong những tuần lễ sắp tới. Chỉ có điều chắc chắn là vị Đại diện thường trực của Mỹ tại Hội đồng Nhân quyền sẽ không phải là một nhà triệu phú mà là một nhân vật chuyên về nhân quyền trên thế giới. Việc Mỹ trở lại Hội đồng Nhân quyền có mục đích gì" Sự thật Mỹ không thể nào thay đổi sự cấu trúc của tổ chức này hiện do nhiều nước Á-Phi chiếm đa số. May ra Mỹ chỉ có thể dựa trên đa số đó để có tiếng nói rõ rệt và có những quyết nghị dứt khoát trừng phạt những nước nào vi phạm nhân quyền, bất cứ nước đó là nước nào.
Nhưng hãy trở lại câu hỏi Hội đồng Nhân quyền với 47 hội viên sẽ có hiệu năng như thế nào" Người ta đã nói đến một Hội đồng khác rất quan trọng của LHQ là Hội đồng Bảo an. Bởi vậy tôi muốn có một câu hỏi thêm: Cho đến nay Hội đồng Bảo an đã có hiệu năng như thế nào" Từ khi LHQ được thành hình sau Thế Chiến II, người ta đã thấy Hội Đồng Bảo an có 5 nước thường trực có quyền phủ quyết (veto) là Mỹ, Nga, Anh, Pháp và Trung Quốc. Đó là 5 đại cường trên thế giới cầm vận mệnh cho sự sống còn của tổ chức LHQ. Cho đến nay thế giới chỉ thấy những sự nản lòng bởi vì rất ít khi năm anh to đầu đó đồng ý với nhau về mọi chuyện trên thế giới.