Hôm nay,  

Tội Ác: Ai Là Thủ Phạm Án Mạng Versailles?

15/03/200900:00:00(Xem: 2836)

Tội ác: Ai là thủ phạm án mạng Versailles" - Marilyn Z. Tomlins

(Tiếp theo.... và hết)

Bà Taylor quyết định chống lại lệnh giải giao. Bà dọn về hạt Santa Cruz rồi sau đó bà định cư tại một “condo’ ở Capitola gần thương xá Capitola Mall. Rồi giáo sư Anthony D’Amato thuộc trường đại học Northwestern University tình nguyện giúp đỡ bà. Ông chuẩn bị để kháng kiện lên Ủy Ban Nhân Quyền Âu Châu (European Commission on Human Rights) tại Strasbourg, Pháp. Ông muốn nước Pháp phải thu hồi việc truy tố bà với tội sát nhân. Ông tuyên bố rằng nhân quyền của bà đã bị giới tư pháp của nước Pháp chà đạp. Chẳng những bà đã bị giam cầm qua lâu mà cách đối xử với bà trong thời gian bị giam giữ ấy cũng hết sức tồi tệ: thông ngôn viên quá kém cỏi, thiếu khả năng, và các loại thuốc trị chứng trầm thống cùng chứng lo âu sợ sệt của bà cũng bị tước đoạt. Bà còn bị hãm hiếp nhiều lần liên tiếp nữa. Những lời cáo giác về việc bị hãm hiếp đã được bà Taylor xác nhận trong cuộc phỏng vấn với tờ Los Angeles Times. Bà cho biết bà bị những người nữ tù nhân khác cưỡng hiếp trong phòng tắm, và bà bị hãm hiếp “với nhiều loại đồ vật”. Bà cũng nói rằng viên thẩm phán điều tra vụ án đã từ chối không bắt tay với bà.(!") Theo lời bà thuật lại thì thẩm phán Chapier đã nói với bà, “Tôi không bắt tay những kẻ giết người, đặc biệt nếu là người Mỹ”.
Bà Taylor có thể không biết được rằng ở Pháp, vì lý do an ninh, các viên chức tư pháp và hành pháp, ngay cả trong trường hợp là một cảnh sát công lộ, không hề bắt tay một ai trong lúc thi hành nhiệm vụ. Và vì những lý do tương tự, trong những cuộc thẩm vấn, bị cáo luôn luôn phải ngồi dựa lưng thẳng vào tường và không hề được ngồi hoặc đứng trong tầm tay với của nhân viên công lực thẩm vấn họ.
Trong lúc mà giáo sư D’Amato chuẩn bị hồ sơ vụ bà Taylor để kiện cáo lên Ủy Ban Nhân Quyền Âu Châu thì thẩm phán Chapier vẫn tiếp tục cuộc điều tra của ông và đến tháng 12/1998 thì ông quyết định rằng ông đã thu thập đầy đủ bằng chứng đễ bắt đầu xét xử bà Taylor. Tuy vậy, phải thêm 18 tháng nữa thì phiên tòa mới được diễn ra ở tòa án Versailles.
Vào ngày thứ Ba 23/6/2000, gần 7 năm kể từ sau khi bà Roxanne bị sát hại, một chánh án mới tuyên phán rằng Taylor là kẻ có tội và tuyên án khiếm diện 30 năm tù ở. Phiên tòa, với sự hiện diện của 3 người con của nạn nhân, chỉ kéo dài có 2 giờ đồng hồ. Ông Philippe Pavageau không có mặt. Tòa đã không chấp nhận lời giải thích mà bà Taylor đã khai với cảnh sát Versailles là bà chỉ đánh bà Roxanne để tự vệ. Một cảnh sát viên cho ký giả biết như sau: “Bà Roxanne Pavageau bị đập ít nhất là 20 cái, có thể là 21 hoặc 22 cái. Có thể lên đến 25 cái. Và như thế thì không phải là hành động tự vệ. đấy chính là hành động sát nhân!”
Có một số điều mà giáo sư D’Amato tuyên bố với ký giả Hoa Kỳ có thể được diễn giải để cho thấy rằng ông đồng ý với câu tuyên bố trên. Ông nói: “Thân chủ của tôi không phải chỉ giết bà ta mà đã làm thịt bả. Cô ấy đập bả nhiều lần”.
Tuy nhiên, ông cho rằng đấy là trường hợp cần giảm khinh. Ông so sánh hành động của bà Taylor với hành động của một người vợ thường xuyên bị chồng đánh đập (battered wife). Ông nói: “Họ phải chắc chắn rằng đối phương thật sự chết rồi. Cô Barrie Taylor hoàn toàn có đầy đủ lý do để tự vệ, nhưng sau đó thì cô đi quá đà”.
Mặc dù tòa án Versailles đã tuyên án bà Taylor 30 năm tù, nhưng họ đã thất bại trong việc xác định rõ rệt những gì đã xảy ra giữa hai người đàn bà Hoa Kỳ này vào buổi sáng định mệnh ấy. Và họ cũng đã không thành công trong việc xác định được bằng cách nào mà một người đàn bà nhỏ thó như bà Taylor có thể mang được cái thi thể của một người to lớn hơn bà rất nhiều từ trong nhà ra ngoài vườn. Tuy nhiên, qua những cuộc giảo nghiệm y lý (forensic test), họ đã xác định được rằng trong lúc bà Roxanne nhận lãnh phần lớn những cú đập bằng búa khủng khiếp đó thì bà đang ngồi tại chỗ. Và vì có rất nhiều vệt máu còn đọng lại ở phòng ăn, họ đã xác định được rằng đó là nơi mà vụ tấn công đã xảy ra.
Vào thời điểm mà bà Taylor bị tuyên án thì bà vẫn còn đang ở California kháng kiện lệnh giải giao. Và rồi, vào ngày thứ Bảy 20/11/2003, bà vô cùng ngạc nhiên khi thấy hai cảnh sát tư pháp liên bang (federal marshals) đến nhà bà ở Capitola Mall. Bà bị câu lưu và giam giữ tại nhà tù Dublin ở ngoại ô San Francisco.
Trong suốt bốn năm tiếp theo, tuy ở trong tù nhưng bà Taylor tiếp tục kháng kiện lệnh giải giao. Bà thay đổi luật sư bốn lần. Thậm chí, có nhiều lúc bà phải tự biện hộ cho mình. Cuối cùng thì vào tháng 10/2007, thẩm phán Hoa Kỳ là bà Elizabeth Laporte chấp thuận thông qua việc giải giao bà Taylor cho chính quyền Pháp.
Đúng ra thì vào tháng 11/2005, thẩm phán Laporte đã tuyên phán rằng bà Taylor sẽ bị giải giao, nhưng luật sư thứ tư của bà Taylor là ông John Philipsboro yêu cầu bộ ngoại giao Hoa Kỳ cứu xét về tình trạng sức khỏe và tâm thần của bà. Ông tuyên bố rằng bà Taylor vẫn còn chưa vượt qua được những ám ảnh hãi hùng từ hoàn cảnh vô nhân đạo mà bà Taylor phải trải qua trong thời gian bị giam giữ ở các nhà tù của Pháp. Sự kết thúc của vụ kháng kiện cũng bị trì trệ thêm vì chính quyền Pháp phải chứng minh với bộ ngoại giao Hoa Kỳ rằng họ có thẩm quyền xét xử vụ án, rằng tội ác này thực sự nằm trong phạm vị hiệp ước giải giao mà Pháp và Hoa Kỳ đã ký kết với nhau, rằng bà Taylor đã sát hại bà Roxanne. Chính quyền Pháp đã chậm chạp trong việc này.


Năm 2007, khi ông Philipsboro biết rằng ông đã thua cuộc và bà Taylor sẽ bị giải giao thì ông cho biết rằng ông cảm thấy rất hài lòng khi án lệnh do chánh án Laporte đưa ra – một văn kiện dài 17 trang với tựa là “Certificate of Extraditability & Order of Commitment” (Chứng Chỉ Về Sự Khả Thi trong việc Giải Giao cùng Lệnh Giam Giữ) – có nhắc đến vấn đề sức khỏe yếu kém của bà Taylor, cũng như tuổi tác của bà ta (lúc ấy 53 tuổi), và có thể bà sẽ không được xét xử một cách công bình ở Pháp.
Cũng vào thời điểm ấy, bà Taylor cũng thua vụ kiện cáo chính phủ Pháp tại Ủy Ban Nhân Quyền Âu Châu. Nếu bà thành công trong việc kháng kiện lệnh giải giao thì bà sẽ không bao giờ có thể đặt chân lên nước Pháp hoặc bất kỳ một quốc gia nào thuộc khối European Union vì bà sẽ bị bắt giam ngay lập tức.
Vào ngày Thứ Sáu, 26/10/2007, dưới sự canh gác của cảnh sát liên bang Hoa Kỳ, bà Taylor quay lại nước Pháp. Phi cơ chở bà đáp xuống phi trường Charles de Gaulle Airport tại Roissy, phía bắc Ba Lê. Báo chí Pháp tường thuật rằng bà cố tự sát trong chuyến bay này nhưng không thành công.
Bà Taylor được chở đến nhà giam Fleury-Mérogis Prison, 25 cây số về phía Nam của Ba Lê. Bà sẽ phải qua một phiên xử mới. Luật sư Olivier Morice đại diện cho ba người con của bà Roxanne Pavageau - lúc ấy thì Marc đã lên 33, Elizabeth 36 và Laurent 38 – tuyên bố với ký giả: “Họ đang chờ đợi bà ta giải thích về tội ác mà bà ta đã gây ra”.
Ông cũng cho biết thêm rằng ba người con của bà Pavageau cũng muốn biết được rằng người đàn bà Mỹ này thực sự là ai, vì bà tự xưng là luật sư nhưng thật ra thì bà ta đã sống một “cuộc sống quyến rũ lường gạt” tại Ba Lê.
Và lần này thì không ai lãng phí thời gian trong việc đưa bà Taylor ra trước công lý cả. Chỉ 5 tháng, 1 tuần sau khi bà bị giải giao cho Pháp thì phiên xử thứ nhì của bà được bắt đầu tại tòa án Versailles vào ngày 7/4/2008. Công tố trưởng Anne-Marie Chapelle kết luận bằng lời yêu cầu tòa tuyên án 20 năm tù. Bà nói: “Chúng ta vẫn không biết vì sao, bằng cách nào và vào khi nào mà bà Barrie Taylor giết bà Roxanne Pavageau”.
Công tố trưởng Chapelle cũng nói thêm là bà Roxanne đã không chết ngay khi bị tấn công mà còn thoi thóp ngắc ngoải ít nhất đến một giờ đồng hồ sau mới trút hơi thở cuối cùng.
Những bác sĩ tâm thần khám nghiệm bà Taylor cho biết bà là người “dễ kích động lên cơ và hay cáu giận”, “nóng nảy” và “có khả năng trút giận một cách bạo tàn”. Ngược lại, bà Roxanne Pavageau được miêu tả như một người “lúc nào cũng lạc quan, và luôn muốn giúp đỡ người khác”.
Vào ngày thứ Sáu 11/4/2008, một ngày lạnh lẽo ẩm ước ở Versailles, bồi thẩm đoàn đi đến quyết định kết tội bà Taylor với tội cố sát (voluntary homicide). Bà bị tuyên án 18 năm tù. Sau khi phiên tòa kết thúc, bà bị chở về nhà giam Fleury-Mérogis.
Luật sư Morice thay mặt cho ba người con của bà Pavageau, cho biết rằng họ cảm thấy thật nhẹ nhõm khi kẻ giết hại mẹ họ cuối cùng cũng bị xét xử và bị kết tội cũng như sẽ phải chịu cái án 18 năm tù ở. Họ đã hiện diện trong suốt phiên tòa kéo dài 5 ngày. Một lần nữa, cha của họ lại không xuất hiện để xem xét xử. Ông Philippe Pavageau, 65 tuổi, đã về hưu và không còn sống ở Versailles nữa.
Năm 2000 khi tờ Los Angeles phỏng vấn bà Barrie Taylor và liên lạc với ông ở Ba Lê để xin phỏng vấn thì ông chỉ nói ”Chuyện mà cho đến bây giờ, 7 năm sau khi bi kịch ấy xảy ra, chúng ta vẫn nói về nó, thì quả thật là một bi kịch”.
Ông có nói lúc ấy rằng ông muốn biết “Vì sao mà Roxanna lại ghé vào căn nhà một lần nữa sau khi đã rũ áo ra đi trước đó 2 năm, và chuyện gì đã xảy ra giữa Barrie và Roxanne để đưa đến một bi kịch như thế”.
Nhà tù Fleury-Mérogis, nơi mà bà Taylor thi hành bản án của mình được xây trên một khu đất rộng 180 mẫu tây, được xây cất từ thập niên 1960 và được xem như rất “tân tiến”. Khu vực dành cho nữ tù nhân được khánh thành năm 1964. Một căn phòng giam trung bình có diện tích là 11 thước vuông, giam giữ 3 người. Giường nằm chồng chéo lên nhau. Mỗi phòng có bồn rửa mặt và bồn cầu. Nữ tù được sử dụng nước nóng trong lúc nam tù nhân thì không có tiện nghi này.
Bà Taylor có thể mua đồ ở căng-tin trong tù. Bà có thể mược sách từ thư viện của nhà giam. Thư từ của bà, những thư bà viết gởi đi cũng như thư mà bà nhận đều không bị kiểm duyệt vì một đạo luật được chính phủ Pháp ban hành năm 1983 công nhận quyền giao lưu thư tín mà không bị cản trở cho những người đã bị tuyên án cũng như những người đang chờ ngày xét xử. Bà Taylor có quyền có được một máy truyền thanh. Bà có thể có đuộc một máy truyền hình trong phòng giam, nhưng mỗi tháng phải trả vài euro. Bà có thể làm việc, các nữ tù nhân ở đấy thường làm việc may quần áo, thêu thùa, làm bao thư, đóng sách, chế tạo hoặc sửa chữa đồ chơi. Không ai bị bắt buộc phải làm việc cả. Bà cũng có thể học. Bà có thể rửa chén, lau nhà và nấu ăn. Và nếu quốc hội Pháp thông qua dự luật do bộ trưởng Tư Pháp đề ra thì hàng tháng, bà có thể nhận lãnh trợ cấp khoảng 67 đồng euro.
Vì bà Barrie đã từng bị giam giữ hơn 4 năm ở Pháp (trong khoảng thời gian từ 2/10/1993 đến 20/5/1998) trước khi bị tuyên án 18 năm;  cũng như 4 năm ở Hoa Kỳ (từ tháng 12/2003 đến 10/2007), tổng cộng là 8 năm, nên nhiều người tiên đoán, bà có thể được trả tự do có điều kiện (paroled) vào năm 2012. Tuy nhiên, nếu bà là một tù nhân gương mẫu, hoặc nếu tình trạng sức khỏe của bà suy kiệt đáng ngại, thì bà có thể được trả tự do một cách âm thầm lặng lẽ trong vòng một, hai năm tới mà không một ai, kể cả giới truyền thông, hay biết gì cả. Trong khi ấy, mọi người đều biết chắc chắn rằng, bà Roxanne Pavageau sẽ vĩnh viễn không thể nào được tái sinh. w

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Sky River Casino vô cùng vui mừng hào hứng tổ chức chương trình Ăn Tết Nguyên Đán với những giải thưởng thật lớn cho các hội viên Sky River Rewards. Chúng tôi cũng xin kính chúc tất cả Quý Vị được nhiều may mắn và một Năm Giáp Thìn thịnh vượng! Trong dịp đón mừng Năm Mới Âm Lịch năm nay, 'Đội Múa Rồng và Lân Bạch Hạc Leung's White Crane Dragon and Lion Dance Association' đã thực hiện một buổi biểu diễn Múa Lân hào hứng tuyệt vời ở Sky River Casino vào lúc 11:00 AM ngày 11 Tháng Hai. Mọi người tin tưởng rằng những ai tới xem múa lân sẽ được hưởng hạnh vận.
Theo một nghiên cứu mới, có hơn một nửa số hồ lớn trên thế giới đã bị thu hẹp kể từ đầu những năm 1990, chủ yếu là do biến đổi khí hậu, làm gia tăng mối lo ngại về nước cho nông nghiệp, thủy điện và nhu cầu của con người, theo trang Reuters đưa tin vào 8 tháng 5 năm 2023.
(Tin VOA) - Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) vào ngày 13/9 ra thông cáo lên án Việt Nam tiếp tục lạm dụng hệ thống tư pháp để áp đặt những án tù nặng nề với mục tiêu loại trừ mọi tiếng nói chỉ trích của giới ký giả. Trường hợp nhà báo tự do mới nhất bị kết án là ông Lê Anh Hùng với bản án năm năm tù. RSF bày tỏ nỗi kinh sợ về bản án đưa ra trong một phiên tòa thầm lặng xét xử ông Lê Anh Hùng hồi ngày 30 tháng 8 vừa qua. Ông này bị kết án với cáo buộc ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước’ theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự Việt Nam
Từ đầu tuần đến nay, cuộc tấn công thần tốc của Ukraine ở phía đông bắc đã khiến quân Nga phải rút lui trong hỗn loạn và mở rộng chiến trường thêm hàng trăm dặm, lấy lại một phần lãnh thổ khu vực đông bắc Kharkiv, quân đội Ukraine giờ đây đã có được vị thế để thực hiện tấn công vào Donbas, lãnh phổ phía đông gồm các vùng công nghiệp mà tổng thống Nga Putin coi là trọng tâm trong cuộc chiến của mình.
Tuần qua, Nước Mỹ chính thức đưa giới tính thứ ba vào thẻ thông hành. Công dân Hoa Kỳ giờ đây có thể chọn đánh dấu giới tính trên sổ thông hành là M (nam), F (nữ) hay X (giới tính khác).
Sau hành động phản đối quả cảm của cô trên truyền hình Nga, nữ phóng viên (nhà báo) Marina Ovsyannikova đã kêu gọi đồng hương của cô hãy đứng lên chống lại cuộc xâm lược Ukraine. Ovsyannikova cho biết trong một cuộc phỏng vấn với "kênh truyền hình Mỹ ABC" hôm Chủ nhật: “Đây là những thời điểm rất đen tối và rất khó khăn và bất kỳ ai có lập trường công dân và muốn lập trường đó được lắng nghe cần phải nói lên tiếng nói của họ”.
Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam cử hành Ngày Quốc tế Nhân Quyền Lần Thứ 73 và Lễ Trao Giải Nhân Quyền Việt Nam lần thứ 20.
Sau hơn 30 năm Liên bang Xô Viết sụp đổ, nhân dân Nga và khối các nước Đông Âu đã được hưởng những chế độ dân chủ, tự do. Ngược lại, bằng chính sách cai trị độc tài và độc đảng, Đảng CSVN đã dùng bạo lực và súng đạn của Quân đội và Công an để bao vây dân chủ và đàn áp tự do ở Việt Nam. Trích dẫn chính những phát biểu của giới lãnh đạo Việt Nam, tác giả Phạm Trần đưa ra những nhận định rất bi quan về tương lai đất nước, mà hiểm họa lớn nhất có lẽ là càng ngày càng nằm gọn trong tay Trung quốc. Việt Báo trân trọng giới thiệu.
Tác giả Bảo Giang ghi nhận: “Giai đoạn trước di cư. Nơi nào có dăm ba cái Cờ Đỏ phất phơ là y như có sự chết rình rập." Tại sao vậy? Để có câu trả lời, mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của nhà văn Tưởng Năng Tiến.
Người cộng sản là những “kịch sĩ” rất “tài”, nhưng những “tài năng kịch nghệ” đó lại vô phúc nhận những “vai kịch” vụng về từ những “đạo diễn chính trị” yếu kém. – Nguyễn Ngọc Già (RFA).. Mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của phó thường dân/ nhà văn Tưởng Năng Tiến để nhìn thấy thêm chân diện của người cộng sản.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.