Chuyện kể hành trình Biển Đông: Một Chuyến Đi – Văn Thơ
LTS: Trong suốt 8 thập niên kể từ khi thành lập vào năm 1930, CSVN đã gieo rắc không biết bao nhiêu tội ác trên quê hương Việt Nam. Có thể nói, trên từng tấc đất, ngọn cỏ, lá cây, hòn đá... của quê hương Việt Nam, dưới mỗi mái gia đình, trong mỗi thân phận người Việt, đều có những dấu ấn ghi lại những tội ác kinh tâm động phách do người cộng sản gây ra. Đặc biệt, sau khi ngang nhiên vi phạm Hiệp Định Geneva, xâm lăng và chiếm đóng Miền Nam kể từ 30 tháng 4 năm 1975, CSVN đã thực hiện hàng loạt chiến dịch đàn áp, khủng bố, thủ tiêu, bắt bớ... dã man trên khắp lãnh thổ Miền Nam, để một mặt ăn cướp trắng trợn tài sản của người dân, mặt khác nghiền nát mọi sức đề kháng, chống đối của những người yêu nước, khiến hàng triệu người dân Miền Nam phải vượt biển, vượt biên tìm tự do. Hậu quả, trong thời gian hơn hai thập niên kể từ sau 1975, hàng trăm ngàn người Việt, trong đó phần lớn là phụ nữ, trẻ em, ông bà già,... đã bị thảm tử trên biển cả, trong rừng sâu, ngoài hoang đảo.... sau khi phải trải qua những bi kịch kinh tâm động phách, muôn vạn phần đau đớn. Không những thế, ngay cả với những người sống sót, những bi kịch kinh tâm động phách đó vẫn còn mãi mãi tiếp tục ám ảnh, giầy vò, tra tấn họ, cho dù họ có sống trong bất cứ hoàn cảnh nào, có đi đến bất cứ chân trời góc biển nào... Để có thể tái tạo một trong muôn vàn tội ác của cộng sản Việt Nam đối với người vượt biên tìm tự do, Sàigòn Times trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả những đoạn hồi ký trích trong "Chuyện Kể Hành Trình Biển Đông". Hy vọng, qua những dòng chữ được viết bằng máu và nước mắt của chính những người trong cuộc, qúy độc giả, với tấm lòng xót xa và những giọt nước mắt đau đớn của những người tỵ nạn cộng sản cùng cảnh ngộ, sẽ hiểu được, tội ác của chánh phạm CSVN đằng sau muôn ngàn bi kịch rùng rợn của người vượt biển. Qua đó, chúng ta sẽ thức ngộ được, lần đầu tiên trong lịch sử bốn ngàn năm của dân tộc VN, và có thể nói lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, tội ác của một chế độ đối với chính người dân của chế độ, như chế độ CSVN, quả thực đã vượt khỏi biên cương quốc gia, tung hoành trong mỗi gia đình, mỗi cuộc đời, để rồi tiếp tục tràn lan trên khắp bề mặt địa cầu...
*
Chuyến đi của tôi là chuyến cuối cùng tại cửa biển Qui Nhơn. Rất nhiều người ra đi trước đây tại bờ biển khu một hay khu hai này đều trót lọt. Có lẽ tại vì nhờ có Ông phù trợ, vì ở tại khu hai có một lăng Ông (cá voi), dân đánh cá ở đây đã lập lên lăng này đã lâu, thờ cúng rất sùng bái và thường xuyên nên được ông phù hộ. Người ta nói thế, tôi cũng tin tưởng cho nên tôi đã được tới bến bờ.
Chiếc ghe chở chúng tôi ra đi trong một đêm tối trời, đã khuya, không có ai chú ý gì cả. Đi ra khỏi vùng kiểm soát của cửa biển Qui Nhơn cũng rất êm thắm. Có lẽ công an biên phòng không ngờ ngày giờ ấy lại còn có kẻ tìm đường ra đi. Ngày 14 tháng 3 năm 1989, Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc đã quyết định đóng cửa các trại tị nạn rồi, mà năm 1990 chúng tôi còn dám ra đi thì kể cũng gan thật. Đúng là điếc không sợ súng. Mặc kệ ai suy nghĩ sao cũng được, riêng tôi nghĩ mình chẳng có gan góc gì đâu, chẳng qua tại vì hôm đó có chút hơn men gặp dịp cũng quá giang đại thôi, chứ trước đó tôi và người bạn cũng đều xác định không thể đi được. Chiếc ghe có tí xíu. Ra khơi giống như chiếc lá giữa dòng.
Trời yên mát, thuyền cứ lướt sóng băng băng, nhắm hướng đông thẳng tiến. Ba anh em tài công là con của dân đánh cá chuyên nghiệp nên rất thành thạo. Tối đó vì hơi men còn nhiều nên tôi ngủ không còn biết trời trăng gì cả. Đến sáng mặt trời lên rõ, mọi người xôn xao tôi mới thức dậy. Cảm giác đầu tiên của tôi là thấy biển rộng bao la quá! Nhìn quanh chỉ toàn thấy một mầu xanh biếc, xa xa là muôn ngàn đợt sóng nhấp nhô, đường chân trời thì mù tít xa.
Suốt ngày dài quanh tôi lúc nào cũng là trời mây nước. Đến chiều, mặt trời lặn sau chân trời xa, màu nước loang loáng ánh vàng của mặt trời đã dịu cũng như phản chiếu từ những đám mây cao tạo cho trời mây nước thành một cảnh sắc rất đẹp. Xa nhà mới chưa được một ngày nên tôi chưa thấy gì buồn nhớ, tâm hồn vẫn còn thưởng thức bóng hoàng hôn chung quanh thật tuyệt diệu. Bỗng trước mặt tôi xuất hiện từng đàn cá chuồn từ biển vụt lên bay là là trên mặt nước một khoảng dài. Từng đám hàng trăm con cứ bay về một hướng nào đó một khoảng cách nhất định rồi lại rơi xuống biển, rồi đám khác lại bay là đà trên mặt nước, cách xa một chút, hay chung quanh chiếc thuyền làm thành âm thanh nghe rào rào vui tai. Đến lúc trời tối mịt chúng vẫn còn bay lẻ tẻ.
Chúng tôi ăn uống đại khái rồi nằm xuống sàn để ngủ. Giấc ngủ trong đêm không nhiều mộng mị nhưng cũng không êm thắm, cứ chập chờn như những đợt sóng nhỏ xô vào mạn thuyền, cũng bay bổng lãng đãng như những đàn cá chuồn. Ngày thứ hai cũng đến bình thường, chân trời vẫn xa xăm, sóng nước êm, con tầu vẫn lướt nhanh từ sáng đến chiều tối làm tôi hơi lo, thầm nghĩ con tàu cứ đi về một nơi vô định nào đó. Ban ngày chúng tôi gặp nhiều tàu lớn đi qua, có lẽ là tàu buôn của các nước. Chúng tôi đã nhiều lần vẫy tay, phất cờ trắng làm hiệu, nhưng chẳng có chiếc tàu nào chịu ngừng cả. Tất cả vẫn hững hờ lướt qua, như hàng trăm ngàn lần trước đây đối với những người ra đi trước kia. Tôi nghĩ tất cả đã lạnh lùng hờ hững để biểu hiện sự mệt mỏi, chán ngán vì quá nhiều cưu mang đến những người khốn khổ này rồi.
Chiều lại xuống, từng đàn cá chuồn vẫn bay, hoàng hôn trên sóng nước vẫn đẹp, nhưng tôi không còn thưởng thức nổi như chiều hôm qua. Rồi những cơn gió Nam thổi đến, ban đầu còn dịu mát nhưng đến nửa đêm về sáng thì thành gió lớn, người ta gọi là “gió nam cồ”. Gió thổi mạnh bên hông thuyền nhỏ thấp của chúng tôi. Sóng lớn quá tạt nước lên chỗ tôi nằm ướt lạnh vì tôi mặc chiếc áo mỏng, tôi lấy tấm vải bạt che đỡ và không thể nào ngủ được. Cầm cự cho đến trời sáng, tôi thầm nghĩ đây mới chỉ là Gió Nam Cồ mà đã như thế này, rủi mưa bão ập đến thì sao. Nhưng rất may cho chúng tôi là không có mưa bão xẩy ra trong tháng này. Trời dần dần sáng rõ, tôi ngồi dậy, nói với tài công nên cho máy ngừng để nghỉ vì sợ máy nóng, và một phần nữa gió nhiều thuyền chạy không được nhanh. Tài công tắt máy, chiếc thuyền trôi trên sóng nước.
Bỗng tôi thấy từ hướng đông đằng xa một chiếc tàu lớn chạy đến. Tôi đánh thức mọi người dậy, đàn bà trẻ em nằm la liệt trên sàn ghe, các thanh niên vẫy tay và phất sào ngắn có cột áo trắng. Nhưng chiếc tàu như không trông thấy, vẫn cứ chạy qua luôn. Chúng tôi chán nản đành ngồi xuống sàn để nghỉ và nhìn theo chiếc tàu.
Đột ngột chiếc tàu chuyển về hướng Nam cua một vòng rộng xa tít. Một lúc sau nó trở lại từ hướng đông đàng xa, nơi mà chúng tôi thấy nó xuất hiện lúc ban đầu. Sau này nói chuyện với viên hoa tiêu, tôi được biết lúc thấy thuyền chúng tôi, anh ta đánh thức thuyền trưởng dậy để xin lệnh, và viên thuyền trưởng đã ra lệnh cho chiếc tàu quay lại. Chiếc tàu từ từ đến, to dần, lúc còn cách chúng tôi khoảng 50 mét thì ngừng hẳn lại. Mọi người trên tàu đó đều ra bao lơn đứng nhìn về chúng tôi rất lâu mà không nói gì, cũng không tỏ dấu hiệu gì là sẽ cứu giúp cả. Tôi nghĩ chắc là họ chờ đợi mình phải nói lời cầu cứu thì họ mới giúp, chứ mình cứ yên lặng họ không biết mình đi đâu, làm gì, muốn gì... Nghĩ như thế tôi bèn ôn lại thật nhanh vốn liếng chữ nghĩa của mình đã quá lâu không dùng tới. Tôi bèn la to một câu ngắn gọn vì không biết nói gì hơn để nói: “Help me please!” Tôi lập đi lập lại câu này đến lần thứ ba thì thấy họ quăng dây xuống. Mấy anh em tài công lập tức bơi đến lấy hai đầu sợi dây về thuyền cột thật chặt vào hai đầu và đuôi thuyền xong thì họ kéo chiếc thuyền của chúng tôi đến sát bên hông tàu lớn. Rồi từ trên tàu ấy, một người thò đầu xuống nói vài câu, tôi hiểu đại khái họ hỏi lên tàu một người biết nói tiếng Anh mà thôi, và họ thòng thang dây xuống.