Bởi lẽ, Giáo sư Vũ Khiêu ở Việt Nam đã minh thị: “Đảng Cộng sản Việt Nam chính là một sản phẩm của văn hóa, là sự kết hợp giữa đỉnh cao của văn hóa nhân loại là chủ nghĩa Mác - Lênin với đỉnh cao của phong trào đấu tranh giải phóng của giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam. Văn hóa dân tộc sản sinh ra văn hóa đảng và văn hóa đảng tác động tích cực vào văn hóa dân tộc để văn hóa dân tộc phát triển theo chiều hướng tiến bộ của thời đại.” (Tạp chí Xây dựng Đảng 12/3/2006)
Giáo sư Vũ Khiêu có nhầm lẫn không" Điều đơn gỉan là văn hóa Mác-Lênin không dính dáng gì với văn hóa dân tộc Việt Nam và Văn hóa dân tộc cũng không có “họ hàng, bà con” gì với Văn hóa đảng. Do đó nếu nói thứ văn hóa “ngoại lai” Mác-Lênin của đảng CSVN đã “tác động tích cực vào văn hóa dân tộc để văn hóa dân tộc phát triển theo chiều hướng tiến bộ của thời đại” là có ý trộn “Vàng Dân tộc” với “Thau Cộng sản”. Và càng không đúng khi Giáo sư khẳng định “Văn hóa đảng là một sản phẩm của văn hóa dân tộc”, hay ông bảo: “ Sự khác nhau giữa văn hóa dân tộc với văn hóa đảng là sự khác nhau giữa người cộng sản với bộ phận còn lại của giai cấp công nhân và dân tộc. Văn hóa đảng thể hiện mặt tiên tiến nhất của dân tộc gồm: Nhận thức cách mạng và tình cảm cách mạng.”
Viết như thế là ông đã nói cùng giọng với đảng khi đảng này cố ý “đồng hóa dân tộc với đảng”, làm như đảng của 3 triệu đảng viên cũng là đảng của 83 triệu dân!
Giáo sư Vũ Khiêu càng sai lầm hơn khi ông viết: “Tuyên ngôn của Đảng cộng sản nói về đặc trưng của người cộng sản so với người khác là ở chỗ người cộng sản nhiệt tình hơn và sáng suốt hơn”, hay: “ Về Đảng cộng sản người ta cũng thường tôn vinh Đảng qua câu nói: Đảng là trí tuệ, danh dự và lương tâm của thời đại. “
Nhưng đảng Cộng sản của Giáo sư Vũ Khôi chưa bao giờ xứng đáng được coi như thế bởi vì từ xưa tới nay và từ trên thượng tầng Lãnh đạo xuống tận thôn bản, làng xã, đảng viên đã không ngừng vi phạm Điều lệ đảng để xâm phạm tài sản và quyền lợi của dân.
Những hành vi quan liêu, tham nhũng, lãng phí của công, chạy chức, chạy quyền, bao che cho nhau vi phạm luật pháp của cán bộ, đảng viên có kể ra cả một đời người cũng không hết.
NÓI VÀ LÀM PHI VĂN HÓA
Bằng chứng nhiều vô kể nhưng chỉ nêu ra đây những việc quan trọng trong số 19 điều Cấm cán bộ, đảng viên không được làm ghi trong Quy định số 115-QĐ/TW, ngày 7-12-2007 của Bộ Chính trị.
Đảng viên bị cấm:
1- Nói hoặc làm trái Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, kết luận của Đảng; làm những việc mà pháp luật không cho phép công dân, cán bộ, công chức làm.
Nhưng thực tế chứng minh, như Nông Đức Mạnh, Tổng Bí thư đảng nói nhiều lần rằng số đảng viên không làm theo lệnh đảng, vi phạm hàng hà sa số văn kiện đảng không phải là số nhỏ.
Điều 8 cấm đảng viên không được: “Quan liêu, thiếu trách nhiệm, bao che, báo cáo sai sự thật, để cơ quan, đơn vị, địa phương do mình trực tiếp phụ trách xảy ra tình trạng mất đoàn kết, tham nhũng, buôn lậu, lãng phí, thất thoát tài sản và các tiêu cực khác”, nhưng các quan chức vẫn tự do lấy tiền của dân, đòi lót túi, đưa phong bì cho nhau. Những kẻ có chức, có quyền quay lưng để cấp dưới lãng phí của công cả ngàn tỷ đồng mà vẫn không bị trừng phạt như đảng hứa mà còn được thăng quan, tiến chức.
Đến khỏan cấm ghi trong Điều 9 thì khả năng đảng “qủan lý” cán bộ, đảng viên của nhà nước coi như không còn nữa vì những vi phạm “chiếm nhà” và “ăn đất” của dân, của nhà nước không chỉ xẩy ra trong phạm vi nhỏ mà diễn ra khắp nước nên mới có các vụ khiếu kiện đông người và dai dẳng từ Huyện lên Trung ương, có vụ kéo dài cả chục năm.
Điều này bảo đảng viên không được : “ Làm trái quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước trong những việc: quản lý nhà, đất, quỹ, thuế; kinh doanh chứng khoán, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước; các hoạt động giám định quản lý và cấp phát các loại giấy đăng ky, giấy chứng nhận, giấy phép; cấp, sử dụng, chứng thực, xác nhận hồ sơ, tài liệu, văn bằng, chứng chỉ; thẩm định, phê duyệt, đấu thầu, giao, nhận dự án; giao đất; tuyển dụng, sắp xếp, bố trí, kỷ luật cán bộ, công chức và người lao động; kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.”
Thực tế, rất ít “công bộc” của dân, cán bộ kinh doanh và người đứng đầu các doanh nghiệp nhà nước không muốn làm tròn nhiệm vụ mà số này rất nhiều. Đám người này chẳng những làm ít phá nhiều mà còn bịa ra nhiều kế hoạch xây dựng rởm để lãng phí, gây thiệt hại cho ngân sách cả ngàn tỷ đồng mà không hề bị cách chức hay tru tố. Nhiều kẻ lại được tăng thưởng và cất nhắc lên các chức vụ cao hơn.
Đến Điều ngăn cấm 11 không được tự ý “ban hành các văn bản trái với quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước” thì đủ thứ cấp đảng lại không coi đó là việc không được phép làm mà cứ tự ý “đẻ” ra nhiều “luật miệng” và nhiều loại giấy tờ và thủ tục hành chính tùy tiện để hành dân móc túi.
Tiếp đến phải kể đến những vi phạm công khai từ điều 12 đến điều 19, nhưng nổi bật nhất là tính “bí mật” kê khai tài sản của cấp lãnh đạo ghi trong điều 13. Cho đến nay, các hồ sơ kê khai tài sản chỉ được lưu giữ tại các cơ sở đảng nhưng dân không có quyền được dòm tớiù, dù có nhiều Luật dành quyền cho dân được giám sát và kiểm tra. Ngay cả Mặt Trận Tổ Quốc mà Luật tổ chức Mặt trận này đã minh thị được quyền giám sát cũng không dám soi xét.
Nguyên văn các Điều cấm này như sau:
12- Đưa, nhận, môi giới hối lộ; môi giới làm thủ tục hành chính hoặc lợi dụng vị trí công tác để môi giới hưởng thù lao dưới mọi hình thức trái với quy định của pháp luật. Đưa, nhận hoa hồng hoặc môi giới đưa, nhận hoa hồng trái quy định của pháp luật.
13- Kê khai không đầy đủ tài sản, thu nhập theo quy định của pháp luật; trốn, trì hoãn nộp thuế; mở tài khoản ở nước ngoài trái quy định của pháp luật; tham gia hoạt động rửa tiền.
14- Dùng công quỹ xây dựng công trình, mua sắm trang thiết bị, phương tiện làm việc, đi lại, thông tin liên lạc vượt quá định mức và sử dụng trái quy định của pháp luật.
15- Dùng công quỹ để tiếp khách, tặng quà trái quy định của pháp luật hoặc để xây đựng các công trình vui chơi giải trí cho một số ít người. Cho thuê, cho mượn tài sản của Nhà nước được giao quản lý, sử dụng trái quy định của pháp luật.
17- Tổ chức, thạm gia đánh bạc, số đề, cá cược, cho vay trái quy định của pháp luật, sử dụng các chất ma tuý; uống rượu, bia đến mức bê tha, mất tư cách và các tệ nạn xã hội khác.
18- Mê tín, hoạt động mê tín (hành nghề đồng cốt, thầy cúng, thầy bói; lập đền, miếu trái phép; ủng hộ hoặc tham gia tôn giáo bất hợp pháp).
19- Tổ chức việc cưới, các ngày lễ, tết, sinh nhật, kỷ niệm ngày cưới; mừng thọ, mừng nhà mới, lên chức, chuyển công tác nhằm vụ lợi.
Nhìn chung thì tất cả nhựng vi phạm của đảng viên, đi ngược lại Quy định số 115-QĐ/TW ngày 7-12-2007, đều là những hành động phản văn hóa, dù văn hoá dân tộc hay văn hóa đảng của người Cộng sản theo quan điểm của Giáo sư Vũ Khiêu.
Nhưng tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ Năm, khoá VIII họp tháng 7-1998 “về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” đảng CSVN đã nhìn nhận tình trạng “vô văn hóa” lan tràn trong đảng.
Ban Chấp hành Trung ương đảng thời Lê Khả Phiêu nói: “Nghiêm trọng hơn là sự suy thoái về đạo đức, lối sống ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ có chức quyền. Nạn tham nhũng, dùng tiền của Nhà nước tiêu xài phung phí, ăn chơi sa đoạ, không được ngăn chặn có hiệu quả. Hiện tượng quan liêu, cửa quyền sách nhiễu nhân dân, kèn cựa địa vị, cục bộ địa phương, bè phái, mất đoàn kết khá phổ biến. Những tệ nạn đó gây sự bất bình của nhân dân, làm tổn thương uy tín của Đảng, của Nhà nước”.
Hà Văn Tải thể hiện tình trạng “vô văn hóa” này trong Tạp chí Xây dựng Đảng ngày 9/1/2008: “Đi vào thực tế, ở những địa phương, đơn vị xảy ra tham nhũng, đau lòng thay, đó không phải là ai khác mà hầu hết là đảng viên. Có nơi, kẻ tham nhũng là những cán bộ chủ chốt hay cấp uỷ, những người đứng đầu chính quyền, hay đơn vị kinh tế. Ở những nơi này, sự suy thoái về đạo đức, văn hoá, lối sống của những người tham nhũng đã và đang gây ra những tổn thương chưa lường hết cho mai sau.”
Tải viết tiếp: “Hành vi tham nhũng của họ ảnh hưởng xấu và chi phối lớn trong tổ chức đảng và xã hội nơi đó. Ở những nơi bị phanh phui và kết án về tham nhũng thì tình trạng trù dập người ngay, người trung thực để tâng bốc, bao che, đề bạt những người ăn cánh, cùng bè phái, cơ hội là rõ ràng. Quyền uy khi đã lọt vào tay những kẻ tham nhũng thì trắng đổi thành đen, vàng thau lẫn lộn, những bất bình vì oan trái trong một bộ phận nhân dân cứ ngấm ngầm. Bọn tham nhũng đã tung ra những mánh khoé mua chuộc, lôi kéo một số cán bộ và nhân dân đồng thời lại có những hành vi ức hiếp, đe doạ, cô lập những người đấu tranh. Không những thế, họ đã làm thương tổn đến cả đạo lý trong gia đình, tình cảm đối với đồng chí, bạn bè. Lẽ sống của họ là đồng tiền, là phương tiện vật chất choáng ngợp, là những tham vọng tầm thường, xa lạ với đạo đức, văn hoá của người cộng sản…”
“ …Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được tiến hành là dịp tốt để xây dựng môi trường văn hoá, đạo đức, thúc đẩy công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng, gạt bỏ những kẻ tham nhũng từ trong nội bộ, làm cho văn hoá đảng phát triển lên tầm cao mới…”
“ …Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng và đã thu được những kết quả nhất định. Nhưng cuộc đấu tranh này còn gay go, quyết liệt và lâu dài. Phải chăng cuộc đấu tranh này là “trận chiến đấu cuối cùng”; Đảng và nhân dân ta phải chiến thắng trong cuộc đấu tranh này thì mới bảo đảm được sự vững mạnh của Đảng, bảo đảm thắng lợi của công cuộc xây dựng CNXH. Phải khơi dậy, phát huy văn hoá đảng trong mỗi đảng viên, tổ chức đảng, trong quần chúng để chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu, chiến thắng tham nhũng. Đảng và Nhà nước khuyến khích đảng viên và nhân dân làm giàu chính đáng, làm giàu bằng văn hoá, bằng đầu óc thông minh và bàn tay sạch.”
Như vậy thì Văn hóa đảng là cái chi chi, hay đảng của Hồ Chí Minh không có văn hóa như người Cộng sản vẫn khoe nên cán bộ, đảng viên mới xuống cấp như ngày nay"
Phạm Trần
(09-08)