WWF nói rằng báo cáo thường niên của tổ chức “Statewide Landcover and Trees Study” (SLATS) đã tiết lộ rằng có 375,000 hectares rừng đã bị phát quang trong năm 2005-06, giết chết hai triệu động vật hữu nhũ (mammals), khoảng 9000 con gấu koalas, hàng triệu con chim và loài bò sát (reptiles).
Nhóm này kêu gọi một sự tạm ngưng việc phát quang để bảo vệ các loài động và thực vật hoang dã đặc thù của tiểu bang này không bị mất đi môi trường sinh sống và ngăn chặn những sự hủy diệt thêm nữa cũng như giúp chống lại sự thay đổi khí hậu.
Người đứng đầu chương trình WWF ở Queensland là Nick Heath nói rằng: “số lượng phát quang này là không thể chấp nhận được bởi công chúng Úc. Nó là một tai họa lớn cho động vật hoang dã của chúng ta, cho khí hậu của chúng ta, cho các sông rạch và vùng biển san hô của chúng ta. Các thú vật bị xóa sổ đã phải gánh chịu những sự đau đớn rất kinh khủng khi chúng bị đốt cháy hoặc đói ăn cho tới chết. Để có thể hoạt động điều hòa, hệ thống sinh thái của chúng ta lệ thuộc rất lớn vào tất cả các loại thực và động vật đã bị mất đi. Việc phát quang rừng cũng mở ngỏ làm cho khu vực Murray-Darling xuống cấp thêm nữa và đưa tới việc hàng triệu tấn đất bị xói mòn chảy qua các con sông này gây ô nhiễm đường thủy và môi trường hải dương”.
Việc phát quang đất đai đã gây ra 41.4 triệu tấn hoặc 24 phần trăm sự thải khí nhà kính ở tiểu bang này trong năm 2005-06, một yếu tố đóng góp cao thứ nhì sau khu vực năng lượng.
Ông Heath nói rằng: “Queensland sẽ thất bại trong việc hạ giảm sự thải khí nếu vẫn tiếp tục cho phép phát quang đất đai ở mức độ này. Việc tạm ngừng hành động này là phương cách rẻ tiền và dễ dàng nhất để giảm thiểu sự thải khí nhà kính”.
WWF nói rằng Chính phủ Queensland nên hành động ngay lập tức để chặn đứng tất cả mọi hành động phát quang hệ thống sinh thái đang gặp nguy hiểm, có thể bị tổn thương hoặc bị đe dọa của miền này. Việc phát quang cũng nên được ngăn ngừa trên những vùng đất đai có nguy cơ bị xói mòn, nhiễm mặn hoặc những hình thức nào khác của việc xuống cấp cũng như các bờ sông, những vùng đầm lầy và các hành lang đời sống hoang dã.
Nhóm này nói rằng, sự bảo vệ thường trực về hoa màu cũng nên được khuyến khích thông qua sự xử dụng các chương trình khích lệ “carbon-priced incentives” nhằm giảm thiểu sự thải khí carbon. Ông Heath nói rằng, Bộ trưởng có quyền lực để làm ra luật điều tiết về sự phát quang đất đai dưới đạo luật về quản lý thực vật, “Vegetation Management Act”. Chỉ cần có quyết tâm chính trị để can thiệp".