Cuộc khủng hoảng Georgia bùng nổ đã được một tháng, khi Liên bang Nga đưa quân vào hai khu vực Nam Ossetia và Abkhazia và hiện còn kiểm soát một số nơi tại Cộng hoà Georgia. Diễn đàn Kinh tế kỳ này sẽ tìm hiểu riêng về hậu quả của cuộc chiến đó với kinh tế của nước Nga. Cuộc trao đổi với kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa sẽ do Việt Long thực hiện sau đây.
Hỏi: Xin kính chào ông Nguyễn Xuân Nghĩa. Hôm nay, chúng tôi xin đề nghị là ta cùng tìm hiểu về khía cạnh kinh tế, cụ thể là hậu quả kinh tế, của việc Liên bang Nga đưa quân vào Georgia. Một tháng sau vụ xung đột, truyền thông thế giới loan tin là giới đầu tư quốc tế đang rút vốn khỏi thị trường Nga - khoảng hai chục tỷ đô la theo ước lượng của nhiều ngân hàng quốc tế. Ông nhận xét ra sao về việc đó"
- Tôi vẫn sẽ làm thính giả ngạc nhiên khi nói rằng việc đầu tư nước ngoài vào Liên bang Nga không là vấn đề khiến chính quyền xứ này phải quan tâm. Nhưng họ lại gặp nhiều khó khăn ở lãnh vực khác, đó là ngân hàng và ngân sách. Chúng ta cũng nên phân tích việc này để lãnh đạo các nước, kể cả Việt Nam, hiểu được cái giá của chiến tranh trong một thế giới toàn cầu hoá.
Hỏi: Đúng là ông hay nói ngược với dư luận! Ngân hàng BNP-Paribas của Pháp dự đoán là dòng tiền nước ngoài đổ vào thị trường Nga dưới dạng đầu tư đã giảm 25 tỷ đô la nội có ba tuần và thị trường chứng khoán Nga tuột giá chừng 30% kể từ khi Nga đưa quân xâm lăng Georgia. Vậy mà ông cho rằng đấy chưa là vấn đề. Nếu vậy, xin đề nghị ông phân tích việc đó trước khi ta nói đến hai lãnh vực ông cho là khó khăn hơn gấp bội là ngân hàng và ngân sách.
- Trước tiên là chuyện định nghĩa. Kể từ vụ khủng hoảng năm 1998-1999 khiến Liên bang Nga bị mấp mé vỡ nợ và cần các nước Tây phương trợ giúp và giảm nợ, tình hình ngày nay đã có cải thiện. Đầu tư nước ngoài theo định nghĩa của Chính quyền Vladimir Putin cũng đã gia tăng và năm ngoái lên tới khoảng 28 tỷ đô la. Bây giờ, khi nghe nói là giới đầu tư đã rút từ 20 tới 25 tỷ, ai cũng có thể cho rằng hiện tượng ấy báo hiệu sự suy sụp của thị trường Nga.
- Sự thật nó hơi khác. Số đầu tư đích thực là của tư doanh quốc tế, chủ yếu là Âu châu, đem vào thị trường Nga chỉ lên tới gần một phần tư ngạch số trên, cao lắm là bảy tỷ. Gần một phần ba là nguồn đầu tư của các chính quyền Âu châu, chủ yếu là Anh quốc và Hà Lan, để có tiền kinh doanh tại một thị trường thật ra còn bấp bênh trong cảnh tranh tối tranh sáng. Số còn lại, khoảng gần 10 tỷ là từ các cơ sở kinh doanh thiết lập tại các "thiên đường thuế khoá" để được hưởng thuế suất rẻ. Mà con số này chính là do doanh nghiệp Nga tẩu tán ra ngoài và đầu tư ngược vào trong. Bây giờ, nguồn vốn thực sự của tư doanh nước ngoài mà có rút khỏi thị trường Nga thì cũng chỉ khoảng 10 tỷ, và nếu có kể thêm khoản tiền của doanh nghiệp Nga lật đật tẩu tán ra ngoài, tức là trở lại các hậu cứ tránh thuế của thiên hạ, thì vẫn không là ngạch số đáng kể cho một nền kinh tế có sản lượng hàng năm là một ngàn tỷ và dự trữ ngoại tệ chừng 600 tỷ, đứng hàng thứ ba của thế giới sau Trung Quốc và Nhật Bản. Nạn rút vốn tháo chạy không thể đánh sập kinh tế xứ này, mà thị trường cổ phiếu Nga cũng chỉ là sân khấu tài chính không có ảnh hưởng trực tiếp và quyết liệt tới nền kinh tế thật, cho nên lãnh đạo xứ này không thấy sợ. Nhưng họ nên lo ngại chuyện khác là điều ta cần thấy ra.
Hỏi: Nếu vậy, chuyện khác đó là gì, là ngân hàng và ngân sách như ông trình bày ở trên"
- Thưa vâng, ta khởi sự từ hệ thống ngân hàng mà mình cần phân tích cho rõ, dù là hơi rắc rối, vì cũng là bài học cho Việt Nam.
- Ta thường quan niệm theo kinh tế thị trường, là hệ thống ngân hàng có nhiệm vụ chuyển hoá tài sản từ nơi dư dôi như tiết kiệm vào nơi có lợi là đẩu tư hay sản xuất vì mục tiêu lợi nhuận. Trong hệ thống đó, các ngân hàng làm ăn là phải có lời căn cứ trên quy luật kinh tế, nếu không thì lỗ và bị phá sản. Nhưng thế giới cũng có loại ngân hàng được thiết lập theo mục tiêu xã hội tại Á châu, là để tài trợ doanh nghiệp hầu tạo ra việc làm mà bất kể lời lỗ. Hậu quả tất yếu là phá sản, suy trầm và khủng hoảng như mình đã thấy năm 1997 vì vụ khủng hoảng Đông Á hay từ năm 1991 là nạn suy thoái tại Nhật làm hệ thống ngân hàng bị rung chuyển. Việt Nam cũng có xu hướng học theo Đông Á với các ngân hàng tài trợ theo diện chính sách và sẽ có lúc phá sản như vậy.
- Nhưng, thế giới còn có loại ngân hàng thứ ba, kiểu Nga, mà có khi một số thế lực tại Việt Nam cũng muốn học theo nên ta cần nói ở đây. Mục tiêu của hệ thống ngân hàng này là chính trị, nói cho dễ hiểu và đúng hơn, là quyền lực. Các ngân hàng được lập ra để kiểm soát những khu vực kinh tế trọng điểm như năng lượng, công nghiệp hay gia cư, hầu bảo đảm thế lực chính trị của chính quyền và của các trung tâm quyền lực đằng sau chính quyền. Nếu không nằm trong phe cánh cầm quyền thì doanh nghiệp không vay được tiền từ ngân hàng để tài trợ hoạt động đầu tư và sản xuất của họ.
Hỏi: Ông nêu ra một hiện tượng rất lạ, một mô hình ngân hàng gần như xây dựng cho băng đảng phe phái vậy. Nếu như thế, làm sao các doanh nghiệp có thể hoạt động được"
- Thưa đúng như vậy, ta nên nghĩ tới các hội kín hay băng đảng tội ác, hay bang hội được lập ra để yểm trợ phe cánh của mình. Thông thường, doanh nghiệp mà cần tiền khuếch trương hoạt động thì có thể hoặc dùng vốn tích lũy của mình, hoặc đi vay ngân hàng, hoặc phát hành trái phiếu qua trung gian ngân hàng để vay mượn thị trường. Tại Nga, doanh nghiệp khó sinh hoạt như vậy vì ngân hàng tư doanh thì quá nhỏ nên không thể tài trợ các dự án đầu tư lớn. Mà bước vào ngân hàng lớn thì hoặc là quốc doanh - trong 10 ngân hàng lớn nhất thì năm cái là quốc doanh - hoặc là của các tài phiệt, các nhóm quyền lực đang yểm trợ chính quyền để kiểm soát kinh tế và chính trị của nước Nga. Các ngân hàng quốc doanh hoặc tiếng là dân doanh mà của tài phiệt tỷ phú thì tập trung tài trợ các dự án của phe phái mình. Doanh nghiệp thiếu vốn mà không vay được tiền thì cũng chẳng phát hành được trái phiếu vì dân Nga chưa quen chuyện đó, nhất là phát hành qua các ngân hàng nhỏ yếu.
Hỏi: Nếu như vậy, họ phải làm thế nào và vụ tấn công Georgia có ảnh hưởng thế nào đến tổ chức ngân hàng quái lạ này"
- Sau khi ông Vladimir Putin lên cầm quyền và chấn chỉnh được phần nào tình hình kinh tế và nhất là từ năm năm nay, doanh nghiệp Nga bắt đầu tìm vốn ở nước ngoài để thay thế cho nguồn vốn rất cạn và lại tập trung vào quyền lợi phe phái bên trong. Với dầu thô lên giá khiến kinh tế Nga có lợi lớn, thị trường Nga có vẻ an toàn và có triển vọng hơn nên các ngân hàng Tây phương đã quay lại tài trợ sự bành trướng này. Khoảng 70% tổng số dư nợ trên thị trường Nga là của ngoại quốc. Bây giờ, vụ tấn công Georgia mới khiến Tây phương giật mình vì đặc tính hung bạo và bất chấp công luật của Chính quyền thực ra vẫn trong tay ông Putin. Theo ngân hàng BNP Paribas thì số nợ mà các doanh nghiệp Nga huy động được trong tháng Tám đã giảm 87% nếu so với tháng Bảy. Và trị giá cổ phiếu phát hành đã giảm từ 933 triệu vào tháng Bảy xuống còn ba triệu suốt tháng Tám. Khi mất nguồn tài trợ như vậy, các doanh nghiệp bắt đầu báo động, và các tài phiệt cũng vậy, họ sẽ tác động vào hậu trường chính trị để bảo vệ quyền lợi của vây cánh. Điều ấy mới là hậu quả đích thực của vụ Georgia vào kinh tế và chính trị Nga!
Hỏi: Bây giờ, ta bước qua lãnh vực thứ nhì mà ông cho là lãnh đạo Nga nên quan tâm sau ngân hàng, là ngân sách quốc gia. Vụ Georgia ảnh hưởng thế nào đến ngân sách xứ này"
- Từ khi dầu thô lên giá, ngân sách của Nga có được cải thiện và xứ này có thêm phương tiện bành trướng mà vẫn dư thừa ngân sách, kể từ năm 2000 trở đi. Ngân sách năm tới của họ dự trù sẽ tăng chi gần 40%, từ 261 tỷ đô la lên 360 tỷ vào năm 2009. Trong hoàn cảnh dư thừa ấy, chiến sự tại Georgia dù có tốn 17 hay 20 tỷ đô la thật ra cũng không nhiều, nhất là khi Nga còn dự trữ ngoại tệ 600 tỷ như ta vừa nói ở trên. Tuy nhiên, và đây mới là chuyện "cái khó nó bó cái khôn", các khoản dự chi ngân sách của Nga đều trù tính trên giả thuyết là giá dầu thô vẫn còn cao như trong mấy năm trước. Xưa kia, sau vụ sụp đổ tại Sàigon, Liên bang Xô viết đã từng bành trướng thế lực ra toàn cầu, vào Afghanistan, xuống Phi Châu và qua Nam Mỹ, là nhờ dầu thô lên giá. Khi dầu thô sụt giá vào thập niên 80, xứ này bị cái nạn là căng mỏng phương tiện quá sức và bị khủng hoảng kinh tế trước khi sụp đổ.
Hỏi: Bây giờ, dầu thô bắt đầu tuột giá như diễn đàn này đã trình bày trong một kỳ trước, và đấy mới là vấn đề phải không"
- Thưa đúng vậy, từ 147 đô la một thùng vào ngày 11 tháng Bảy, nay dầu thô đã mấp mé 100 đô la, và khi sụt thì sẽ còn sụt rất mạnh như ta đã thấy trong quá khứ. Với số xuất khẩu dầu và xăng một ngày gần 10 triệu thùng thì giá dầu cứ giảm 10 đồng một thùng, mỗi ngày xứ này lại thất thâu mất 100 triệu đô la. Trong khi ấy, Liên bang Nga đã tung ra nhiều chương trình chi tiêu và đầu tư tốn kém về công nghiệp, hạ tầng, năng lượng lẫn quốc phòng và bành trướng ngoại giao... Nếu dầu thô sụt giá, khiếm hụt ngân sách sẽ gây tranh luận về quyền lợi giữa các phe nhóm, ngành nghề và địa phương và tác động vào hệ thống chính trị có vẻ như ổn định mà thật ra rất mờ ám bấp bênh của họ. Chúng ta không nên ngạc nhiên nếu có nghe thấy nói phe này hay cánh nọ bỗng lên giọng hoà dịu và nói tới yêu cầu hoà giải với Tây phương!