“Đất giáo hội bị tịch thu để xây khách sạn...” Đó là nhan đề một bản tin trên Đài VOA hôm Thứ Tư 21-5-2008. Bản tin Đaì VOA viết như sau.
Tình trạng căng thẳng giữa Giáo Hội Thiên Chúa Giáo và chính phủ Việt Nam đang gia tăng sau khi chính quyền địa phương tại tỉnh Vĩnh Long loan báo kế hoạch xây cất một khách sạn trên một miếng đất bị tịch thâu ngay sau khi cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc.
Tin của Independent Catholic News và của Thông Tấn Xã Công Giáo Việt Nam cho hay Giám Mục Tô-Ma Nguyễn Văn Tân của giáo phận Vĩnh Long vừa gửi một văn thư tới các linh mục, tu sĩ và giáo dân trong giáo phận để tố cáo quyết định của chính quyền địa phương trong việc phá bỏ Tu Viện của Dòng Nữ Tu Thánh Phao Lồ.
Trong văn thư được đọc trong tất cả các buổi thánh lễ hôm cuối tuần vừa rồi, Giám Mục Nguyễn Văn Tân nói rằng ngày 7 tháng 9 năm 1977 được coi là ngày đại nạn của giáo phận Vĩnh Long. Văn thư cho hay vào ngày vừa kể, nhà cầm quyền địa phương đã sử dụng công lực để phong tỏa và khám xét Thánh Giá Học Viện, Dòng thánh Phao Lồ và Đại Chủng Viện, rồi bắt giữ tất cả những người phụ trách.
Giám Mục Nguyễn Văn Tân là một trong số những người bị bắt giữ này. Văn thư cho biết tiếp rằng kể từ đó, chính quyền đã chiếm hữu và sử dụng tất cả những tài sản vừa kể trong nhiều mục tiêu khác nhau. Tháng trước, nhà cầm quyền loan báo dự án xây cất một khách sạn trên phần đất rộng 10 ngàn 235 mét của Dòng Nữ Tu Thánh Phao Lồ.
Các nữ tu đã mở những vụ phản kháng ngay trên miếng đất này và một nhóm linh mục đã bầy tỏ thái độ chống đối tại trụ sở của Mặt Trận Tổ Quốc. Văn thư của Giám Mục Tô-Ma Nguyễn Văn Tân cho hay dầu vậy, chính quyền vẫn không thay đổi quyết định và thay vào đó, đã mở những cuộc họp dân phố, thông báo sẽ có những biện pháp mạnh đối với những ai dám cản trở công trình xây cất.
Văn thư của Giám Mục Nguyễn Văn Tân kêu gọi giáo dân cầu nguyện cho giáo phận và cho Dòng Thánh Phao Lồ mau vượt qua những khó khăn.
Trong khi đó, tin của Asia News được Spero News loan tải hôm thứ Tư cho hay miếng đất của Dòng Thánh Phao Lồ kể trên trước đây là một cô nhi viện, và chính quyền địa phương của tỉnh Vĩnh Long dự tính cho Công Ty Du Lịch Saigon xây cất một khách sạn 4 sao để thay thế cô nhi viện này.
Theo tin trên, Giám Mục Nguyễn Văn Tân nói với giáo dân rằng nhà cầm quyền đã khởi sự xây cất khách sạn trên miếng đất của Dòng Thánh Phao Lồ, và rằng không thể chấp nhận cách giải quyết có tính cách áp đặt của những người có quyền lực trong tay, đồng thời không được im lặng, vì im lặng trong lúc này là đồng lõa, là thỏa hiệp với bất công.
Asia News cho hay các nữ tu dòng thánh Phao Lồ đã có mặt tại Vĩnh Long từ năm 1871 và đã điều hành một nữ tu viện và một cô nhi viện trên đường Tô Thị Huỳnh ở Vĩnh Long cho tới năm 1975. Kể từ tháng 7 năm 1977, nhà cầm quyền bắt đầu tịch thu đất đai, nhà cửa, trong chiến dịch thay đổi xã hội để xây dựng xã hội chủ nghĩa.
Tin trên nói rằng tháng 9 năm 1977, nhà cầm quyền chiếm khu tu viện và cô nhi viện của các nữ tu, đuổi tất cả trẻ mồ côi, kể cả những em tàn phế, ra ngoài. Trong lúc đó, chính quyền cũng chiếm cứ các cơ sở khác thuộc giáo phận, giam giữ nhiều tu sĩ và đuổi vài chục người đang theo học trong tu viện ra khỏi nơi này.
Tin cho hay: theo nghị quyết 1958 của Ủy Ban Nhân Dân Tỉnh Vĩnh Long, khu này sẽ trở thành một bệnh viện của tỉnh, trong có một khu nhi đồng. Thế nhưng chuyện này chẳng bao giờ xảy ra.
Trong 6 năm qua, các nữ tu đã tìm cách lấy lại miếng đất và các cơ sở này để dùng vào mục tiêu nguyên thủy, nghĩa là dùng làm nơi trú ngụ và giúp đỡ trẻ em bị bỏ rơi và tàn tật. Tuy nhiên nhũng cố gắng của các nữ tu đã không nhận được một đáp ứng nào. Thay vào đó, một khách sạn 4 sao được dựng lên tại đây.
Một nông dân lớn tuổi than phiền là mỗi khi nhóm họp, Ủy Ban Nhân Dân đưa ra những khẩu hiệu của dân, vì dân, cho dân, nhưng tất cả đều cũ kỹ, rỗng tuếch, và chẳng có điều gì xảy ra. Nông dân này nói thêm rằng dân chúng đã chờ đợi 40 năm nay để có một chút đời sống tốt đẹp, nhưng vô ích.
Điều đáng kể hơn nữa là dân địa phương còn bị đe dọa bằng những biện pháp trừng phạt có thể áp dụng nhắm vào ai chống đối quyết định của chính quyền.