LGT: Tối Thứ Hai 7/04/08, chương trình Four Corners của đài ABC đã mở lại hồ sơ vụ án John Newman, đưa ra một số bằng chứng mới chưa từng được trưng ra trước tòa trong suốt ba phiên xử của vụ án. Chương trình cũng đã nêu lên nhiều nghi vấn quanh việc ông Ngô Cảnh Phương bị kết án tù chung thân, và cho rằng công lý đã không được thi hành đúng đắn trong vụ án được mệnh danh là "ám sát chính trị đầu tiên trong lịch sử Úc Đại Lợi". Sau khi lược dịch nội dung chương trình Four Corners qua 3 số báo, Sàigòn Times nhận thấy việc đi tìm câu trả lời cho những nghi vấn ở chính ông Ngô Cảnh Phương là điều quan trọng, nên Thứ Tư 23 tháng 4 vừa qua, LS Lê Đình Hồ, với tư cách cố vấn luật pháp, đã viếng thăm ông Ngô Cảnh Phương trong nhà tù Goulburn. Tuy đã ở tù 10 năm trời cho một án tù chung thân về một tội trạng được mô tả là "vô cùng oan ức", nhưng ông Phương vẫn hồng hào khoẻ mạnh, tinh thần vẫn lạc quan, yêu đời, và đặc biệt, ông vẫn luôn luôn tin tưởng vào công lý cũng như luật pháp của Úc. Ông khẳng định: "TÔI HOÀN TOÀN VÔ TỘI! TÔI BỊ TÙ OAN! Nhưng tôi luôn luôn tin tưởng vào công lý của Úc. Vì vậy, dù nỗi oan ức của tôi có không được cứu xét khi tôi còn sống, tôi vẫn tin tương lai, sự thật sẽ được phơi bầy, công lý sẽ được thực thi, và tôi sẽ được minh oan. Khi đó dù ở bên kia thế giới, chắc chắn tôi cũng vẫn sẽ mãn nguyện!" Sau đây, Sàigòn Times trân trọng giới thiệu cùng qúy độc giả những trao đổi giữa LS Lê Đình Hồ và ông Ngô Cảnh Phương trong thời gian trên dưới 2 tiếng đồng hồ về những nghi vấn, nhưng điểm vô lý quanh vụ án John Newman.
*
LĐH: Qua Chương Trình 4 Corners (CT4Cs) vừa trình chiếu tuần qua tôi muốn ông làm sáng tỏ một vài vấn đề, không biết có tiện để cho ông trả lời hay không"
NCP: Xin ông cứ hỏi tự nhiên.
LĐH: Trong một đoạn phim được trình toà làm bằng chứng trong vụ xét xử bà Marion Lê vào năm 2001, có hình ảnh cựu Nghị Viên HĐTP Fairfield tên là Albert Ranse. Tại tòa, bà Marion khai rằng bà thâu băng vì trong một lần trước đó, ông Ranse đã nói với bà, chính ông ta đã giết John Newman. Tuy nhiên, trong CT4Cs, ông Ranse đã phủ nhận điều này. Vậy xin ông cho biết, thái độ của ông Ranse đối với ông và đối với DB John Newman như thế nào"
NCP: Khi còn làm nghị viên tại Hội Đồng Thành Phố Fairfield, Nghị Viên Albert Ranse đối với tôi rất tốt. Tuy ông ta là người uống rượu nhiều và hơi táo bạo. Ông không ưa DB John Newman, lý do cũng dễ hiểu vì trong Đảng Lao Động DB John Newman là người thuộc cánh hữu còn Nghị Viên Albert Ranse là người thuộc cánh tả của Đảng. Bề ngoài thì không có gì xảy ra giữa hai người. Tuy nhiên, họ ngấm ngầm chống đối nhau và tranh chấp ảnh hưởng cũng như quyền lực chính trị. NV Albert Ranse có một người con trai bị bắt và bị tù thời DB John Newman còn tại chức, và ông ta nghĩ rằng DB John Newman là người đã hại con ông nên y bị tù. Vì thế, tình cảm và thái độ của NV Ranse đối với DB John Newman càng ngày càng tồi tệ.
LĐH: Ông nghĩ gì về lời cáo buộc của Bà Marion Lê rằng NV Ranse là người đã nói với bà chính ông ta đã giết DB John Newman"
NCP: Trên thực tế, cảnh sát có nhận được lời báo cáo của Bà Marion Lê rằng NV Ranse tuyên bố là ông đã giết DB John Newman. Khi nhận được lời báo cáo đó, thay vì cảnh sát phải điều tra hoặc chất vấn NV Ranse để biết rõ thêm về thực hư của sự việc như thế nào, thì cảnh sát đã không những không điều tra hoặc chất vấn NV Ranse, mà còn cáo buộc Bà Marion Lê về tội nghe lén như quy định trong Đạo Luật “Listening Devices Act”. Tuy vậy, cuối cùng Toà đã tha bổng Bà Marion Lê vì cho rằng bà có quyền ghi âm để bảo vệ an toàn cho chính cá nhân của bà.
Có điều tôi thấy rất vô lý là lúc cảnh sát thẩm vấn NV Ranse thì họ chỉ phỏng vấn một cách chiếu lệ. Mặc dầu NV Ranse đã trả lời là đêm đó ông ta ngủ ở đâu, ông ta cũng khai là trở về nhà ngủ sau khi nói chuyện với hàng xóm, tuy thế, cảnh sát vẫn không màng đến những câu trả lời của NV Ranse và cũng không thèm phỏng vấn hàng xóm để biết điều đó có thật sự xảy ra hay không, và khi nói chuyện với hàng xóm thì NV Ranse đã nói chuyện gì" Ông ta say hay tỉnh như thế nào" Điều lạ lùng nữa là trong 3 lần phỏng vấn, 2 lần NV Ranse khai là ngủ tại nhà khi vụ án mạng xảy ra. Còn một lần khác, NV Ranse khai với cảnh sát là đi uống rượu ở Pub khi xảy ra án mạng. Vậy mà hồ sơ của lần khai mâu thuẫn này đã không được trình toà, mà chỉ có hồ sơ của hai lần khai Ranse ngủ tại nhà thì được đưa ra trước Toà mà thôi. Tại sao lại như vậy"
LĐH: Vậy theo cá nhân ông, ông có nghĩ rằng ông Ranse đã giết DB John Newman không"
NCP: Khi tôi bị nhốt tại Silver Water được khoảng 3 ngày thì NV Albert Ranse vào thăm tôi. Vào thời gian đó con của ông ta cũng đang thụ hình tại Silver Water. Ông ta biết tôi bị tù oan. Tôi nhớ ông ta nói với tôi rằng: “You do not deserve to be here” (Mầy không đáng phải bị tù). Mặc dầu con của ông ta cũng đang ở tù tại đó, nhưng ông ta cho biết rằng sau khi thăm tôi, ông ta sẽ về chứ không thăm con ổng nữa. Vì thế, tôi thấy rằng ông là một người có lòng tốt đối với tôi. Riêng câu hỏi, tôi có nghĩ rằng ông Ranse đã giết DB John Newman không, tôi nghĩ trên đời này việc gì cũng có thể xảy ra. Tuy nhiên, tôi xin dành câu hỏi đó cho cảnh sát, toà án và chính bản thân ông Ranse. Có điều khi ông Ranse xác nhận, "tôi bị tù oan", thì không biết điều đó là do lòng tốt của ông đối với tôi, hay do ông tin tưởng ở tôi, hay do ông biết rõ thủ phạm của vụ án mạng là người khác"
LĐH: Theo ông thì những bằng chứng nào ông cho là quan trọng cần phải được triển khai đúng mức trong vụ án này"
NCP: Có rất nhiều nghi vấn về các bằng chứng được trưng dẫn trước toà, tuy nhiên, vì thì giờ eo hẹp tôi chỉ xin đề cập đến lời khai của một nhân chứng. Trước khi nói về nhân chứng này mình nên đặt một cái tên tạm gọi là nhân chứng XYZ để dễ dàng nói chuyện. Nhân chứng XYZ này đã khai với cảnh sát rằng tôi đã yêu cầu ông ta mướn người giết DB John Newman. Vậy mà từ năm 1995 cho đến năm 1998 cảnh sát chẳng kiếm được chứng cớ nào liên hệ đến cáo buộc này cả. Trong 3 năm đó chắc chắn sẽ có nhiều máy móc được lắp đặt, hoặc các cú điện thoại được nghe lén hầu tìm ra chứng cớ cho lời cáo buộc này, nhưng sau hơn 3 năm cảnh sát chẳng tìm được chứng cớ nào về việc này ngay cả tại MeKong Club.
LĐH: Khi XYZ khai với cảnh sát là ông nhờ ông ta kiếm người để giết DB John Newman, vậy XYZ có đi kiếm người cho ông hay không"
NCP: Thật ra đây chỉ là những bằng chứng ngụy tạo. Nhân chứng XYZ này khai rằng tôi yêu cầu nó kiếm người để giết DB John Newman, rồi sau đó nó gặp được một người Lebanese và nó mướn người này để giết DB John Newman.
LĐH: Vậy nhân chứng người Lebanese này có ra hầu toà để đưa ra bằng chứng hay không"
NCP: Có chứ! Nhân chứng Lebanese đã ra hầu toà và khai rằng XYZ mướn ông ta với giá là $500 để đến nói với DB John Newman là đừng ép nó nữa. Cảnh sát bèn cho nhân chứng Lebanese mang máy nghe lén trong người để đến gặp XYZ. XYZ có tâm sự với nhân chứng người Lebanese này rằng NV Ngô Cảnh Phương không thể nào dính líu đến vụ giết DB John Newman được vì tối hôm đó khi vụ việc xảy ra tôi đã cùng nhân chứng XYZ ăn cơm tối tại MeKong Club.
LĐH: XYZ có bao giờ tiết lộ thêm về những gì mà nhân chứng người Lebanese nói với ông ta hay không"
NCP: Ông phải biết rằng trong thời gian đó mỗi khi nói chuyện với XYZ, nhân chứng người Lebanese luôn muôn mang máy ghi âm của cảnh sát để ghi âm lén. Nhân chứng người Lebanese nói với XYZ rằng: “Cảnh sát đang quần tao dữ lắm... Tạm thời bây giờ tao cần vài ngàn để đi Lebanon lánh mặt.”
LĐH: XYZ có bao giờ cho ông biết sự việc này không"
NCP: XYZ chưa bao giờ nói cho tôi biết những điều này.
LĐH: Tại sao vậy"
NCP: Tại vì đó là những điều dối trá. Tuy nhiên, XYZ đã khai rằng ông ta chưa bao giờ nói điều đó cho tôi biết vì sợ tôi hiểu lầm.
LĐH: Hiểu lầm gì"
NCP: XYZ sợ rằng khi ông ta nói ra điều đó, tôi nghĩ rằng ông ta đang tống tiền tôi. Tôi thấy lời khai này của XYZ thật là ngây ngô. Nếu tôi nhờ XYZ kiếm người để giết DB John Newman thì nếu có chuyện gì xảy ra y phải nói cho tôi biết thì mới là hợp lý chứ!
LĐH: Ông có thể cho biết là nhân chứng XYZ đã khai những gì tại toà không"
NCP: XYZ khai rằng ông ta không hề quen biết tôi và chỉ biết tôi trong lúc đến làm việc tại Mekong Club thôi.
LĐH: Vậy ông có thể cho biết XYZ là ai" Tại sao y lại được nhận vào làm việc tại MeKong Club"
NCP: Trước năm 1991, nhân chứng XYZ làm việc tại một tiệm cá, sau đó y nghỉ làm khoảng chừng 1 năm [từ năm 1991-1992]. Vào năm 1993, XYZ xin vào làm việc tại MeKong Club. Làm tại Mekong Club cho đến giữa năm 1995 thì XYZ xin nghỉ và trở lại làm việc cho một tiệm cá khác. Tuy nhiên, XYZ đã khai tại phiên toà Inquest rằng khi ông ta đang làm tại shop cá thì gặp nhân chứng người Lebanese đi bán bột giặt và những thứ hóa chất dùng để chùi rửa fish shop. Một điểm quan trọng cần lưu ý là DB John Newman bị ám sát vào ngày 3 tháng 9 năm 1994. Khi gặp nhân chứng Lebanese, XYZ bèn hỏi rằng mầy có biết ai giết người không" Nhân chứng Lebanese bèn trả lời rằng, "Tao thì không làm điều đó nhưng tao biết có người làm". XYZ bèn móc túi đưa tấm hình của DB John Newman ra và bảo nhân chứng Lebanese kiếm người giết DB John Newman.
LĐH: Nếu ông nói như vậy thì bằng chứng này hoàn toàn mâu thuẫn, vì DB John Newman bị giết vào năm 1994, mà XYZ thì gặp nhân chứng Lebanese tại fish shop trước năm 1991 khi XYZ chưa biết ông, hoặc vào năm 1995, sau khi DB John Newman đã bị ám sát"
NCP: Đúng vậy! Chính vì những lời khai mâu thuẫn đó mà tôi phải trở về HĐTP Fairfield để xem lại hồ sơ của các fish shop này. Khi tôi xem lại hồ sơ tại HĐTP thì mới biết được rằng fish shop mà XYZ khai nằm trong Shopping Centre và Shopping Centre này chỉ mới xây dựng được 1 năm sau khi DB John Newman chết thì làm thế nào XYZ có thể mướn người để giết một người đã chết một năm trước đó được.
LĐH: Thế bằng chứng đó có bị phản bác trước toà hay không"
NCP: Có! Nhưng XYZ khai lại rằng XYZ nói lộn, vì ý của XYZ muốn nói là gặp nhân chứng Lebanese tại chỗ mà sau này biến thành shop cá. Tuy thế, khi đưa ra bằng chứng tại toà thì XYZ nói rằng lúc gặp nhân chứng Lebanese thì XYZ đang mặc bộ đồ bằng plastic để rửa shop cá. Không những thế, tại phiên toà lần thứ 2, XYZ đã khai là gặp nhân chứng Lebanese tại một factory ở vùng Smithfield. Trong lúc đó nhân chứng người Lebanese chỉ hầu toà một lần tại phiên xử thứ nhất. Sau đó, cảnh sát đã không gọi nhân chứng người Lebanese này nữa vì lời khai của ông ta mâu thuẫn với lời khai của XYZ.
LĐH: Thế ông còn nhớ những lời khai của nhân chứng người Lebanese tại phiên toà lần thứ nhất hay không"
NCP: Có chứ! Tại phiên toà lần thứ nhất, nhân chứng người Lebanese khai rằng một ngày nọ nó đi bán cleaning stuff cho fish shop, khi đến shop cá thì gặp XYZ, XYZ đang làm việc tại shop cá. Luật sư của tôi bèn hỏi: Lúc đó XYZ đang ở đâu và làm gì trong shop" Mặc đồ gì" Nhân chứng người Lebanese trả lời rằng XYZ đang lau chùi phía sau quầy hàng và đang mặc chiếc apron dành cho những người làm việc tại shop cá. Sau đó XYZ hỏi nhân chứng Lebanese rằng bồ có biết ai biết martial art không" Tôi muốn mướn một người như vậy để răn đe một người. Vừa nói XYZ vừa móc ở túi ra một tấm hình đưa cho nhân chứng Lebanese. Nhân chứng người Lebanese nói là không biết ai là người trong tấm ảnh cả, nhưng nói với XYZ rằng để từ từ nó kiếm người cho. Nhưng sau đó nó trả lời cho XYZ là nó không làm được vì người đó là DB John Newman.
LĐH: Xem ra những lời khai này hoàn toàn mâu thuẫn, vì nếu nhân chứng người Lebanese gặp XYZ tại shop cá thứ nhất thì sự gặp gỡ đó xảy ra trước năm 1991, khi đó XYZ chưa biết ông. Còn nếu nhân chứng người Lebanese gặp XYZ ở shop cá thứ 2 thì lúc đó là năm 1995 khi DB John Newman đã bị ám sát. Như vậy, luật sư của ông và ông đã nghĩ gì về những bằng chứng mâu thuẫn đó"
NCP: Thực ra, khi chứng cớ còn mập mờ, chưa rõ ràng, thì cảnh sát đã yêu cầu nhân chứng người Lebanese mang máy thâu âm để đi ghi âm lén những lúc chuyện trò với XYZ. Sau khi ghi âm, nhân chứng người Lebanese này đã trao lại cho cảnh sát và trong băng, XYZ đã xác nhận rằng tôi (NCP) hoàn toàn không dính dáng đến vụ ám sát DB John Newman. Điều này đã rõ ràng vì 7, 8 tháng sau khi xử dụng máy ghi âm, nhân chứng người Lebanese đã đến đồn cảnh sát tại Parramatta và nói rằng NV Phương Ngô không dính dáng đến vụ ám sát DB John Newman và cho cảnh sát biết rằng DB John Newman là do một người khác giết.
LĐH: Vậy những lời khai đó có được đưa ra trước toà hay không"
NCP: Tại phiên toà thứ nhất, có gọi cảnh sát lên bục nhân chứng. Cảnh sát đã xác nhận sự việc này và nói rằng nhân chứng người Lebanese cho biết rằng NV Phương Ngô không dính líu đến vụ ám sát John Newman và có đưa tên của một người khác ra.
LĐH: Luật sư của ông đã phản ứng như thế nào trước các bằng chứng đó"
NCP: Luật sư đã hỏi cảnh sát là tại sao không có running sheet hoặc notebook ghi chép lại các lời khai đó của nhân chứng người Lebanese" Cảnh sát trả lời rằng tại vì cảnh sát không tin vào những lời khai đó nên không giữ biên bản cũng như không ghi chép vào notebook.
LĐH: Nếu cảnh sát không tin vào lời khai của nhân chứng người Lebanese thì tại sao họ lại yêu cầu ông ta mang máy ghi âm để thâu lén các cuộc nói chuyện với XYZ hầu tìm ra sự thật"
NCP: Câu trả lời đó phải dành cho bồi thẩm đoàn! Những bằng chứng đưa ra để kết tội cá nhân tôi là hoàn toàn vô lý trong vụ xử án này! Nếu tôi bảo XYZ đi kiếm người để giết DB John Newman, thế thì khi nhân chứng người Lebanese buộc XYZ đưa tiền để ông ta tạm thời trốn sang Lebanon, chuyện quan trọng như thế, tại sao XYZ không cho tôi biết" Một người bình thường cũng phải hiểu được rằng nếu tôi là người yêu cầu XYZ làm việc đó thì chắc chắn rằng XYZ phải báo cho tôi biết chuyện đó chứ! Trong vụ xử án này, cảnh sát đã giấu đi những bằng chứng quan trọng. Nhất là khi luật sư đòi cảnh sát gọi nhân chứng người Lebanese ra trước toà thì cảnh sát cho biết là không thể truy tìm được nhân chứng này. Vì thế, ở các phiên toà thứ 2 và thứ 3, nhân chứng người Lebanese đã không ra hầu toà.
LĐH: Ông nghĩ gì về cây súng đã trình chiếu trong chương trình 4 corners"
NCP: Đầu tiên XYZ đã khai rằng Ông Quang và Ông Tuấn đã chở XYZ đến vùng Kingsford mua khẩu súng .22 calibre để giết DB John Newman. Luật sư đã hỏi XYZ rằng tại sao biết được đó là cây súng .22 calibre" XYZ trả lời rằng ông ta đọc báo và thấy báo chí nói về cây súng .22 calibre vì thế ông ta nghĩ rằng đó là cây súng .22 calibre. Thực ra, cảnh sát cho rằng đó là cây súng Beretta .35 calibre 1935. Vì 3 năm 9 tháng sau ngày DB John Newman bị ám sát, cảnh sát đã dẫn thợ lặn đến George River lặn và tìm thấy khẩu súng rỉ sét này tại đó.
LĐH: Ông có thể cho biết là vào thời điểm đó ông đang ở đâu"
NCP: Lúc đó tôi cùng Tuấn đang ở tù. Vì thế, bằng chứng về cây súng đã được tống đạt cho tôi và Tuấn. Sau đó Tuấn đã hợp tác với cảnh sát và khai rằng XYZ đã mua cây súng đó rồi đưa cho Tuấn để dùng vào việc ám sát DB John Newman.
LĐH: Ông có biết gì về các đặc điểm của cây súng đó hay không"
NCP: Cây súng mà cảnh sát đã tìm thấy được tại George River, nơi mà họ cho rằng tôi đã gọi cú điện thoại lần thứ 3 trong đêm đó, là cây súng Beretta. Cây súng này có một đặc điểm là có chữ B trên báng súng mà bất cứ ai cầm lên cũng phải thấy chữ B đó cả.
LĐH: Vậy XYZ và Tuấn có biết đặc điểm đó của cây súng không"
NCP: Tuấn khai là đã xử dụng cây súng đó qua. Còn XYZ thì khai là đã xử dụng cây súng đó nhiều lần. Vậy mà cả hai không thể nhận dạng được cây súng đó. Vì khi cảnh sát đưa ra 8 cây súng mẫu để trên bàn, trong đó có cây Beratta, để cho Tuấn và XYZ nhận dạng, nhưng cả Tuấn lẫn XYZ không thể nhận dạng được cây súng mà họ cho rằng đã từng xử dụng nó nhiều lần trước đây. Thế mà cảnh sát cứ quả quyết rằng cây súng rỉ sét đó la cây súng được xử dụng để giết DB John Newman.
LĐH: Đó có phải là bằng chứng độc nhất về vũ khí sát hại DB John Newman hay không"
NCP: Không phải chỉ có thế, Vì còn một bằng chứng khác do viên Quản Lý MeKong Club khai nữa.
LĐH: Xin ông cho biết đó là bằng chứng gì"
NCP: Viên Quản Lý MeKong Club đưa ra bằng chứng rằng, khi còn làm việc chung với Tuấn, một hôm Tuấn tự nhiên móc ra một cây súng cho Manager xem. Viên Manager này diễn tả cây súng này rất nhỏ, nằm gọn trong lòng bàn tay chiếu lên ánh sáng màu sáng bạc. Rồi Tuấn nói với viên Quản Lý rằng từ này mình đã có protection rồi, vừa nói Tuần vừa chỉ vào cây súng. Điểm quan trọng ở đây là cây súng nhỏ đó ánh lên màu bạc và nằm gọn trong lòng bàn tay, còn cây súng Beratta thì không thể nằm gọn trong lòng bàn tay được, và không thể là màu silver mà phải là màu black hoặc màu brown.
LĐH: Ông nghĩ gì về Chương Trình 4 Corners"
NCP: Trong suốt 10 năm qua giới truyền thông không bao giờ nói tốt về tôi. Bỗng nhiên Chương Trình 4 Corners trình chiếu lại một vài sự kiện của vụ án, đây có thể nói là the other side of the story. Từ trước đến nay mình chỉ bị cảnh sát cáo buộc thôi. Giờ đây sự thật từ từ rồi sẽ được phơi bày, những người ủng hộ mình đều là những giáo sư đại học, ngay cả chuyên gia về súng cũng đưa ra quan điểm để ủng hộ mình. Sau Chương Trình 4 Corners, một nghị sĩ thuộc Đảng Xanh tại Quốc Hội Tiểu Bang có đặt vấn đề với Bộ Trưởng Tư Pháp Tiểu Bang thì được trả lời rằng nếu tôi làm đơn khiếu nại thì Bộ sẽ duyệt xét. Vì những điểm đó nên tôi càng vững tin hơn, mặc dầu từ trước tới giờ tôi vẫn nuôi hy vọng.
LĐH: Sau Chương Trình 4 Corners được trình chiếu ông có bị đối xử khác biệt hơn trước không"
NCP: Những nhân viên cải huấn luôn xem tôi là người đàng hoàng. Sau khi họ được xem Chương Trình 4 Corners, sáng hôm sau mọi người đều chúc mừng tôi gặp nhiều may mắn. Họ nói “Justice will prevail mate!” (Công lý rồi sẽ sáng tỏ!).
LĐH: Sau khi bị giam cầm hơn 10 năm mà ông cho là vô lý, là oan ức, giờ đây ông có ý kiến nào về vụ án hay không"
NCP: Theo tôi thì nguyên tắc mọi người phải được bình đẳng trước pháp luật phải được áp dụng triệt để. Không ai có thể bị kết tội nếu công tố viện không thể trưng dẫn được bằng chứng rằng phạm nhân đã có tội mà không còn gì để nghi ngờ nữa. “Beyond a reasonable doubt” là nguyên tắc hình luật căn bản mà criminal justic system tại Úc cần phải áp dụng một cách triệt để. Thế mà tôi vẫn bị kết tội trong lúc những bằng chứng dùng để buộc tội tôi vẫn còn có quá nhiều nghi vấn.
LĐH: Ông có lời nào để nhắn gởi đồng hương"
NCP: Làm chính trị là điều tất yếu mà cộng đồng chúng ta cần phải tham gia nhằm phục vụ và bảo vệ quyền lợi cho cộng đồng. Làm chính trị không nên làm kiểng, làm vì, làm tôi mọi cho cá nhân hoặc một đoàn thể, một đảng phái nào đó. Khi được đồng hương tín nhiệm và bầu mình vào một chức vị dân cử nào đó, thì tự bản thân mình phải luôn luôn nhắc nhở với chính mình rằng đồng hương đã bầu mình vào chức vị này để làm gì" Và họ phải nói lên tiếng nói của đồng hương để bảo vệ quyền lợi chính đáng của đồng hương, chứ không thể lùi bước trước bất cứ áp lực nào. Làm chính trị ở đây không phải là làm để lấy tiếng là ông này ông nọ, không phải để vinh thân, phì da mà phải phục vụ quyền lợi đích thực và chính đáng cho cộng đồng.
LĐH: Ông có thể nhắc lại một vài việc mà ông đã làm cho cộng đồng trong thời gian ông được đồng hương tín nhiệm trong chức vụ nghị viên hay không"
NCP: Thực ra trong thời gian tôi làm nghị viên, cộng đồng mình còn quá non trẻ nhưng sức đấu tranh thì rất mãnh liệt. Tôi nói ra đây không phải để kể công, nhưng Tượng Đài Chiến Sĩ Úc-Việt tại Cabra Vale Park được dựng lên mà hằng năm cứ đến ngày Quốc Hận 30.4 là đồng hương tề tựu làm lễ chào quốc kỳ VNCH trước khi lên xe bus hướng về Canberra để biểu tình chống Cộng là do chính cá nhân tôi vận động tiền bạc trong thời tôi còn làm nghị viên. Tất cả tiền bạc để đúc tượng đài đó là do cá nhân tôi đi xin từ các mạnh thường quân tại các cộng đồng khác vì nghĩ rằng đồng hương của mình còn quá nghèo, nên tôi không dám xin đồng bạc nào từ đồng hương của chúng ta để đúc tượng đài đó cả. Ngay cả cái cổng tam quan tại Đường Park Road tôi đã yêu cầu để danh xưng của nước Cộng Hoà Trung Hoa Dân Quốc, Đài Loan, bất chấp sự chống đối của Đại Sứ Trung Cộng.
LĐH: Ông ở trong tù chắc cũng đã nghe qua việc HĐTH Fairfield chỉ cho phép cộng đồng chúng ta được quyền treo cờ VNCH tại Tượng Đài Chiến Sĩ Úc-Việt có vài lần trong năm. Ông nghĩ gì về điều đó.
NCP: Tôi không biết là các nghị viên người Việt do đồng hương bầu lên tại HĐTP Fairfield họ đang làm gì ở trong đó. Nếu tôi được trả tự do hôm nay thì ngày hôm sau tôi sẽ vận động để lá cờ vàng 3 sọc đỏ của VNCH được tung bay đúng mỗi năm 365 ngày. Điều đó là điều mà cá nhân tôi hứa là sẽ phải thực hiện cho bằng được.
LĐH: Trong 10 năm sống trong cảnh tù tội, ông cảm thấy sức khỏe của ông như thế nào"
NCP: Tôi vẫn cảm thấy rất khỏe, tôi nghĩ rằng tôi cần phải giữ gìn sức khỏe để chờ ngày sự thật của vụ án được phơi bày.
LĐH: Theo tôi thì ông nên vững tin vào tương lai vì ông còn quá trẻ. Tổng Thống Nam Phi Nelson Mendela đã nhậm chức vào lúc 75 tuổi, còn Thượng Nghị Sĩ John McCain thì năm nay đã xấp xỉ 71 tuổi rồi mà vẫn còn gân, không chừng ông ta sẽ trở thành Tổng Thống thứ 44 của Hoa Kỳ trong năm tới. Xin cám ơn ông về thời gian trò chuyện vừa qua, chắc cũng đã hết giờ. Xin hẹn lại một dịp khác.
NCP: Cảm ơn ông đã khuyên. Sự thực TÔI HOÀN TOÀN VÔ TỘI! TÔI BỊ TÙ OAN! Nhưng tôi luôn luôn tin tưởng vào công lý của Úc. Vì vậy, dù nỗi oan ức của tôi có không được cứu xét khi tôi còn sống, tôi vẫn tin tương lai, sự thật sẽ được phơi bầy, công lý sẽ được thực thi, và tôi sẽ được minh oan. Khi đó dù ở bên kia thế giới, chắc chắn tôi cũng vẫn sẽ mãn nguyện!
LĐH: Cảm ơn ông, và cầu chúc ông mọi sự may mắn.