Đà Nẵng Và Những Diễn Biến 35 Năm Trước (II): TT Thiệu: Kế Hoạch Tối Mật Bảo Vệ Miền Nam
Nguyễn Tiến Hưng
...Kissinger: Sao VNCH không chết phức đi cho rồi...
Khi chúng tôi hỏi thêm nữa về vụ ‘beachhead’ TT Thiệu giải thích về:
Một kế hoạch tối mật để bảo vệ Miền Nam
Ông nói là vào lúc bị áp lực ký Hiệp định Paris, ông đã tranh đấu thành công để Mỹ không những cam kết trên giấy tờ mà còn thiết kế một kế hoạch phòng thủ Miền Nam trong trường hợp bị tấn công. Kế hoạch này được bảo mật tối đa. Ông chỉ nói sơ qua là điều kiện Hoa Kỳ đặt ra để thi hành kế hoạch này là khi có tổng tấn công, quân đội VNCH phải giữ được ít nhất là hai tuần để Washington có đủ thời giờ sắp xếp. Trong cuốn hồi ký, Đại tướng Viên cũng viết về kế hoạch này (CVV, trang 81).
Để tìm hiểu cho rõ, ngày 10 tháng 10, 1985 chúng tôi đã phỏng vấn chính người có trách nhiệm trực tiếp thi hành kế hoạch này, đó là Tư lệnh Đệ thất Không lực Hoa Kỳ đóng ở Thái Lan, Tướng John W. Vogt. Tổng hợp lại cuộc phỏng vấn và các nguồn khác thì có thể tóm tắt như sau:
•Kế hoạch này lần đầu tiên được nói tới là do Tiến sĩ Henry Kissinger, khi ông họp với TT Thiệu vào ngày 19 tháng 10, 1972 để thuyết phục ông Thiệu ký Hiệp định Paris;
•Sau đó, nó được nhắc lại trong các văn thư do Tổng thống Nixon gửi Tổng thống Thiệu;
•Khi tiếp Phụ Tá Tổng thống Nguyễn Phú Đức tại Tòa Bạch Ốc ngày 29 tháng 11, 1972, TT Nixon cũng nhắc lại việc này. Trong cuốn 'The Vietnam Peace Negotiations – Saigon's Side of the Story,' tiến sĩ Đức thuật lại:
"Rồi Tổng thống Nixon nói với tôi: Hiệp định này chỉ là một miếng giấy. Điều quan trọng là quyết tâm của chúng tôi yểm trợ các ông. Tôi cam kết với quý ông những điều sau đây:
1. Quân viện và kinh viện cho Miền Nam sau Hiệp định;
2. Không lực Hoa Kỳ trấn đóng tại Thái Lan và trên các chiến hạm sẽ tái oanh tạc trong trường hợp Cộng sản vi phạm hiệp định được tình báo của chúng tôi phát hiện ra;
3. Chúng tôi nhất quyết ủng hộ TT Thiệu;
4. Hoa Kỳ đã đi tới thông cảm với Liên Xô và Bắc Kinh là họ sẽ giới hạn viện trợ cho Bắc Việt.
Ông Đức hỏi: "Trên căn bản luật pháp nào Ngài có thể tái oanh tạc""
Tổng thống Nixon: "Trên căn bản phải tôn trọng DMZ (vùng phi quân sự), tôn trọng ngưng chiến, và sự trung lập của Lào và Kampuchia."
Theo như sự sắp xếp thì Ngũ Giác Đài sẽ theo dõi các đơn vị, căn cứ của quân đội Bắc Việt. Bước đầu của kế hoạch là sẽ yểm trợ quân lực VNCH bằng không lực. Có bốn phần của kế hoạch này:
•Lựa chọn và cập nhật những mục tiêu oanh tạc tại Việt Nam;
•Sắp đặt sẵn sàng một ‘Forward Air Control Team’ (Đội Kiểm Không Tiền Vệ) với những nhân viên nói được tiếng Anh và đã làm việc cho Không lực Hoa Kỳ;
•Một điều kiện đặt cho phía VNCH là khi bị tấn công, quân lực VNCH phải cầm cự được từ 7 tới 15 ngày để Washington có đủ thời giờ phản ứng (nhất là làm việc với Quốc Hội, có thể là trên căn bản những mật ước với TT Thiệu- lời tác giả); và
•Thủ tục để VNCH yêu cầu Hoa Kỳ can thiệp bắt đầu từ Bộ Tổng Tham Mưu VNCH tới TT Thiệu, tới Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, rồi tới Tòa Bạch Ốc.
•Một hệ thống liên lạc nối liền không lực Hoa Kỳ tại căn cứ ở Nakhon Phanom (Thái Lan) với lãnh đạo quân sự Miền Nam. Các tư lệnh quân lực VNCH gồm Tư lệnh Không Quân và Tư lệnh các quân khu có thể trực tiếp liên lạc thẳng với Tướng Vogt. Tướng Vogt cũng được phép của Bộ Tổng Tham Mưu Liên Quân đi thăm các tướng tư lệnh Vùng của Việt Nam thường xuyên.
Trong cuộc phỏng vấn chính Tướng Vogt đã kể lại là vào mùa hè 1973, mặc dù Đại sứ Martin nói với ông: “Tôi không nghĩ rằng sự hiện diện của một vị tướng 4 sao, người phụ trách chiến dịch không tạc của chiến trường này, có lợi cho việc ổn định tình hình tại đây. Do đó, ông chỉ được trở lại xứ này nếu có lệnh của tôi.” Tướng Vogt vẫn cứ tiếp tục liên lạc, nhưng thay vì vào Miền Nam, ông mời các tướng lãnh sang gặp ông ở Thái Lan. Khi gặp, ông thường trấn an “là Vogt còn ở đây và kế hoạch can thiệp vẫn được điều chỉnh hằng ngày để sẵn sàng đem ra thi hành khi cần đến.”
Chỉ cần một điều kiện: ‘khi bị tấn công, phải giữ được ít nhất hai tuần’
Một trong những người hay được mời là tướng Trưởng. Ông Trưởng cũng xác nhận với chúng tôi về việc này, và nói ông bay sang Thái Lan thường xuyên để được cập nhật tình hình, “Tướng Vogt luôn nói với tôi là ‘vì việc dùng không lực Hoa kỳ cần phải có Quốc Hội chấp thuận nên phải cần ít nhất là hai tuần để làm việc với Quốc Hội.’” Có nghĩa là khi có tổng tấn công, quân đội VNCH phải giữ được ít nhất là hai tuần.
Sau 1975, khi biết về kế hoạch này tôi mới hiểu tại sao vào cuối năm 1974 - đầu 75, thỉnh thoảng tôi có nghe thấy ông Thiệu nói tới một ‘thời gian hai tuần cần thiết.’ Tại Luân Đôn, ông Thiệu cũng tâm sự: “Lúc tôi ở Mỹ (gặp TT Nixon vào tháng 4, 1973 tại San Clemente, California), họ đã giải thích thêm cho đầy đủ về kế hoạch này.”
Trong một chuyến đi Washington, chính bản thân chúng tôi cũng đã ghé thăm căn cứ của Tư Lệnh Thái Bình Dương (CINCPAC) ở Honolulu do Phụ tá Quốc Phòng Eric von Marbod hướng dẫn. Vào xem phòng tình hình, tôi thấy trang bị hệ thống hết sức tối tân, trên tường có nhiều bản đồ Việt Nam thật lớn, với những bóng đèn xanh, đỏ chớp tắt liên tục. Một nhân viên kiểm báo cắt nghĩa sơ sơ cho tôi về các tuyến phòng thủ mà CINCPAC theo dõi, nhưng vì cá nhân tôi chỉ để ý tới vấn đề viện trợ tổng quát nên không hỏi chi tiết về quân sự.
Xem như vậy, tôi có thể hiểu được là tại sao khi tôi hỏi TT Thiệu về lý do tử thủ Đà Nẵng thì ông đã trả lời là ngoài việc cần thời gian để sắp xếp lại quân đội, ông còn muốn giữ một ‘base’ ít nhất trong hai tuần theo điều kiện Mỹ đã đặt ra, như vậy là để phòng hờ trường hợp Mỹ giữ lời hứa là sẽ tiếp viện. Nhưng cuối cùng thì việc can thiệp là một hy vọng hão huyền và viện trợ cũng bị cắt hết.
Suy tư còn lại của Tổng thống Thiệu
Trong những cuộc đàm đạo với Tổng Thống Thiệu, riêng về vấn đề bỏ Huế và tử thủ Đà Nẵng, ông vẫn còn ưu tư về một vài điều:
Lãnh Sự Mỹ ở Đà Nẵng Albert Francis
Ông Thiệu thắc mắc về vai trò của ông này liên hệ tới việc Tướng Trưởng bỏ Đà Nẵng. Tôi biết rất ít về quân sự và luôn ngần ngại hỏi các tướng lãnh về vấn đề này, nhất là Tướng Trưởng vì ông rất ít tâm sự về việc chinh chiến. Nhưng có lần tôi nói chuyện với ông về việc này: “Tôi thấy ông Tổng thống cứ thắc mắc là tại sao cái anh Francis (đúng ra thì ông Thiệu dùng chữ xưng hô khác) anh ta cứ ôm sát ông Trưởng"” Dường như Trung tướng Trưởng hơi giật mình và hỏi lại tôi hai lần: “Tổng thống hỏi vậy hả"” Rồi ông nói sang chuyện khác. Như vậy, cũng có thể là ông Francis cũng đã nói với Tướng Trưởng về thông tin của tình báo Mỹ là tình hình đã tuyệt vọng chung quanh Đà Nẵng, và đã gợi ý với ông là không nên cố thủ. Đây hoàn toàn là suy nghĩ của cá nhân tôi mà thôi vì tôi thấy nó cũng có thể giống như việc Đại sứ Martin đã nói với TT Thiệu về tình hình nguy hiểm và tuyệt vọng chung quanh Sàigòn vào ngày 21 tháng 4, 1975 khi ông gặp ông Thiệu để cố vấn ông nên từ chức. Ông Francis lại là người tín nhiệm của đại sứ Martin.