Thời sự Úc: Nước Úc Kỳ Thị Chủng Tộc nhiều hay ít" - Hoàng Đ.Thư
Sau vụ thanh niên gốc Ấn bị thảm sát ở Melbourne gần đây thì giới truyền thông Ấn độ đã đồng loạt tấn công nước Úc, cho rằng Úc là một quốc gia vô cùng kỳ thị chủng tộc. Thậm chí, một nhật báo lớn, có uy tín của Ấn, tờ Daily Mail ở Tân Đề Li đã cho đăng một hí họa ví von cảnh sát Úc với tổ chức kỳ thị chủng tộc đã bị đưa ra ngoài vòng pháp luật ở Hoa Kỳ là Klu Klux Klan. Hí họa này đã tạo không ít sự bất bình trong chính giới cũng như quần chúng Úc. Thế nhưng, sự thật là sao" Có phải nước Úc vẫn còn là một quốc gia kỳ thị chủng tộc hay không" Có phải Úc đã thực sự là một quốc gia đa văn hóa mà mọi người dân đều chấp nhận và hãnh diện về sự thật này" Có phải những kẻ kỳ thị chủng tộc ra mặt hiện nay chỉ là một thiểu số nhỏ nhoi, như tại bất kỳ một quốc gia nào khác" Hay có thể nào những kẻ kỳ thị chủng tộc, kể cả các chính khách, đã quá thông minh để ra mặt kỳ thị như John Howard từng lên tiếng chống di dân Á Châu trong thập niên 80, và đang nép vào đàng sau sự chấp nhận bề ngoài mà thực ra trong lòng vẫn ngấm ngầm tìm đủ mọi cách để chống chọi, ngăn cản nước Úc trở thành một quốc gia thực sự đa văn hóa" Để biết thêm về vấn đề này, xin mời quý độc giả theo dõi bản lược dịch bài nhận xét của bỉnh bút Adele Horin được đăng tải trên nhật báo The Sydney Morning Herald hôm thứ Bảy 9/01/10 vừa qua, tựa đề “Smiling Faces Mask An Unease About Growing Ethnic Diversity – Những Nụ Cười Rạng Rỡ Che Đậy Sự Khó Chịu Về Sự Đa Dạng Sắc Tộc Ngày Càng Phát Triển".
*
Tấm hình chụp lớp 12 làm cho người coi ngạc nhiên vô cùng khi họ xem nó kỹ lưỡng: hơn 80% học sinh nhoẻn miệng cười trước ống kính là người Úc gốc Á. Đa số chào đời ở đây và có cha mẹ là những người đến từ Việt Nam, Trung Hoa, Hương Cảng, Ấn Độ và Phi Luật Tân. Trong cái thế giới nhỏ nhoi của trường tuyển trung học này, không ai có thể nhầm lẫn được khuôn mặt của một nước Úc đa văn hóa.
Hãy cứ thử đi dạo quanh khu thị tứ của thành phố Sydney vào giờ ăn trưa thì sẽ thấy. Qúy vị không cần phải biết được con số thống kê là 35% dân số Sydney được sanh ra ở ngoại quốc. Sự đa dạng về sắc tộc này rõ rệt tột độ. Hướng về phía Tây hoặc Tây Nam và đi đến những khu ngoại ô thì mầu sắc hương vị của cả thế giới bao trùm quý vị. Ở Fairfield thì gần 60% cư dân được sanh ra ở ngoại quốc, ở Bankstown là 40%.
Nước Úc từng có một thời được ngợi khen như một sự thành công vượt bực của nền tảng đa văn hóa, một ngọn hải đăng sáng ngời soi đường cho cả thế giới bài ngoại. Giờ đây thì nước Úc lại bị in hằn một dấu đóng kỳ thị. Sau những vụ tấn công sinh viên Ấn độ, đặc biệt là sau cái chết của anh Nitin Garg ở Melbourne thì uy tín của chúng ta, và kỹ nghệ đào tạo du học sinh, một trong những kỹ nghệ xuất cảng lớn nhất của chúng ta, đang gặp nguy hiểm tột độ.
Chúng ta không thể nào ỷ y quên lãng được khả năng kỳ thị của nước Úc. Người dân Úc không kỳ thị như các đài truyền hình Ấn độ ồn ào khẳng định. Chúng ta mê thích những lợi ích kinh tế mà người di dân mang đến với họ. Ngay cả trong thời điểm của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu thì chúng ta vẫn yểm trợ mức độ thâu nhận di dân cao. Khác hẳn với người Anh hoặc những người Âu Châu, chúng ta tự xem mình là một quốc gia của những người di dân. Thế nhưng, chúng ta cũng không rộng lượng, bao dung như chúng ta vẫn nỏ mồm tự xưng. Lịch sử đã chứng minh rằng chỉ cần một chính khách đầy ác ý hoặc vào thời điểm kinh tế khó khăn là những sự kỳ thị, định kiến tàng ẩn dễ dàng bị xách động và qua đó, khơi dậy những gì xấu xa nhất.
Theo kết quả của cuộc khảo cứu mang tầm vóc quốc thế là World Values Survey cho thấy thì trong tư cách một quốc gia, chúng ta ít chấp nhận sự đa dạng về sắc tộc như người Hoa Kỳ, người Ý hoặc người Thụy Điển, nhưng chúng ta vẫn còn hơn người Đức hoặc người Tây Ban Nha. Tuy chúng ta không nghiêm cấm xây dựng tháp gọi cầu nguyện (minaret) hoặc đền thờ Hồi Giáo (mosque), như Thụy Sĩ, hoặc nghiêm cấm khăn trùm đầu Hồi Giáo trong lớp học như ở Pháp, thế nhưng việc có nhiều nhóm người dân Úc vẫn chống lại chuyện xây trường Hồi giáo cùng với vụ bạo động Cronulla vẫn là những dấu hằn nhơ nhớp trong tâm khảm quốc gia của chúng ta.
Hiện vẫn còn nhiều sự e ngại về những người di dân siêng năng ham công tiếc việc, mở cửa tiệm của họ đến nửa đêm và giúp cho con em họ vào những trường tuyển. Chúng ta không tin rằng chúng ta tốt hơn “bọn da nâu” như những người Anh vẫn tin, nhưng chúng ta lại lo sợ rằng chúng ta kém cỏi hơn họ.