Đường Thốt Nốt Bảy Núi
Bạn,
Theo báo Sài Gòn, tại miền Tây Nam phần, đường thốt nốt là sản vật độc đáo của miệt Bảy Núi, tỉnh An Giang. Theo thống kê của trung tâm Khuyến công tỉnh An Giang, hiện nay toàn tỉnh có khoảng 30,000 cây thốt nốt đang cho thu hoạch với sản lượng hơn 6,000 tấn đường/năm, và để nấu được đường Thốt Nốt là cả một "công trình" vô cùng gian khổ như ghi nhận của báo Sài Gòn Tiếp Thị qua đoạn ký sự như sau..
Mùa này đi khắp vùng Thất Sơn, nơi nào cũng thấy các lò nấu đường thốt nốt thủ công của người dân Khmer đỏ lửa. Chau Dol, chủ lò đường ở chân núi Nam Quy thuộc xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn, nói hiện nay giá đường thô bán tại lò 14 ngàn đồng/kg, tăng 40% so với trước, nhưng nấu được một mẻ đường thốt nốt là cả một quá trình "đổ mồ hôi, sôi nước mắt". Những chủ lò đường ở Tri Tôn, Tịnh Biên cho biết, nguyên liệu để nấu đường thốt nốt là nước lấy từ bông thốt nốt. Cây thốt nốt trồng sau 15 năm mới cho thu hoạch, những người lấy nước thốt nốt nấu đường phải leo lên ngọn cây, cắt mặt bông thốt nốt và hứng những giọt nước rỉ ra từ vết cắt, mang về nấu đường. "Nước thốt nốt để qua 12 tiếng đồng hồ là hư, chua nên mỗi ngày thợ lấy nước phải leo lên, tuột xuống một thân thốt nốt bốn lượt", ông Dol cho biết như thế và ông kể: "Một cây thốt nốt chỉ có thể cho khoảng 20kg đường/mùa (từ tháng 11 đến tháng 4 âm lịch) nên muốn nấu được một mẻ đường, thợ lấy nước phải leo hàng trăm cây mỗi ngày, rất cực nhọc và nguy hiểm". Ông Nguyễn Văn An, một thợ leo thốt nốt ở xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, cho biết những cây thốt nốt đến tuổi thu hoạch đều cao tuốt trên trời, người làm nghề phải dùng những cây tre gai đực buộc vào thân thốt nốt làm cây đài mới có thể leo lên tới ngọn, rất dễ té khi giông gió.