![]() |
Vận động ở cả 3 nơi: Tòa Khâm Sứ Vatican, Bộ Ngoại Giao Mỹ và Ủy Hội Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế |
Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng, lãnh đạo Công An, đã phê phán Tổng Giám mục Hà Nội Ngô Quang Kiệt "đã làm tổn hại mối quan hệ giữa Giáo hội với chính quyền Hà Nội" và cho rằng các vụ việc đòi đất của Giáo dân là "phi pháp". Không những thế, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dùng cũng đã lên tiếng chỉ chính Đức TGM Ngô Quang Kiệt.
Trước tình hình sôi động đó, một phái đoàn hỗn hợp Mỹ Việt đã đến thủ đô Washington vào ngày 30-9 để vận động cho tự do tôn giáo tại Việt-Nam.
Buổi họp đầu tiên diễn ra tại văn phòng của Ủy Hội Hoa Kỳ về Tự Do tôn Giáo Quốc Tế (U.S. Commision for International Religious Freedom - USCIRF). TS Scott Flipse đã cho biết quan điểm của USCIRF là từ sau khi được rút tên ra khỏi danh sách những nước đáng quan tâm đặc biệt (country of particular concern – CPC) vào năm 2004, Việt-Nam đã không đạt được một tiến bộ nào cả. Ông cũng cho rằng chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ hiện nay thiếu cân bằng, quá thiên về kinh tế và chính trị và coi nhẹ vấn đề nhân quyền trong đó có vấn đề tự do tôn giáo.
Theo ông, cuộc biểu tình ôn hòa phản đối nhà cầm quyền Hà Nội chiếm đất của Giáo Hội Công Giáo đang lan rộng ra một số tỉnh. Phật Giáo, Tin Lành, Hòa Hảo cũng đã bị đàn áp. Tình hình không sáng sủa này tất nhiên làm cho nhà nước lo ngại. TS Flipse cũng cho biết Đặc Sứ đặc trách Tôn Giáo của Hoa Kỳ John Hanford sẽ trở lại Việt-Nam vào cuối năm 2008.
DB Trần Thái Văn và LS Nguyễn Quang Trung ủng hộ việc đưa Việt-Nam trở lại danh sách CPC như USCIRF đã khuyến cáo. Hai ông cũng đang chuẩn bị một cuộc hổi thảo bàn tròn về vấn đề Thái Hà nói riêng và tôn giáo nói chung khi ông Đại Sứ Hoa-Kỳ tại Hà Nội ghé thăm Little Saigon trong vài tuần sắp tới. TS Thắng cho rằng Bộ Ngoại Giao nên công khai hóa lộ trình cải thiện tình trạng vi phạm tôn giáo để biết rõ Việt-Nam đã phải thực hiện những gì để được ra khỏi danh sách CPC và hiện nay đã lại vi phạm những gì.
Trả lời một câu hỏi của ông Nguyễn Quốc Khải, TS Flipse nhận định rằng mặc dù đang bận rộn với cuộc bầu cử vào đầu tháng 11 sắp tới, Hoa Kỳ vẫn duy trì những hoạt động ngoại giao bình thường để không ai có thể lợi dụng sự bận tâm của Hoa Kỳ vào vấn đề nội bộ để gia tăng sự đàn áp tôn giáo.
TS Flipse đồng ý với Ông Nguyễn Quốc Khải rằng Việt-Nam chưa hội đủ điều kiện để có thể gia nhập Chương Trình Ưu Đãi Thuế Quan Phổ Quát (Generalized System of Preferences – GSP). TS Thắng nói rằng ông đã yêu cầu được họp với DB Christ Smith và DB Frank Wolf để thảo luận về việc Việt-Nam xin được hưởng quy chế GSP để có thể xuất cảng tới khoảng 5,000 sản phẩm sang Hoa-Kỳ miễn thuế nhập cảng. TS Flipse tán thành và sẽ nghiên cứu thực hiện đề nghị của TS Nguyễn Đình Thắng về việc tổ chức một hội nghị của nhiều tôn giáo khác nhau để thảo luận về tình trạng vi phạm tự do tôn giáo trên thế giới, đặc biệt là Việt-Nam.
Tại Tòa Khâm Sứ Vatican tại Washington, Tổng Giám Mục Pietro Sambi, Đại Sứ (Apostolic Nuncio) của Tòa Thánh Vatican đã thảo luận khá lâu về tình hình tôn giáo tại Việt-Nam với phái đoàn Việt-Mỹ. Sau khi DB Trần Thái Văn, LS Nguyễn Quang Trung và DB Ed Royce trình bầy biến cố Thái Hà, Đức TGM Pietro Sambi nhận định rằng Tòa Thánh Vatican theo rõi biến cố Thái Hà và tình hình chung ở Việt-Nam.
Một cách khách quan ngài nói rằng vấn đề tranh chấp đất đai cần phải giải quyết trong hòa bình. Chế độ CSVN hiện nay chưa sẵn sàng sụp đổ. Những hoạt động ngoại giao ở hậu trường xem ra có ích lợi. Ngài sẽ viếng thăm Đại Sứ Việt Nam ở Washington trong những ngày sắp tới.
LS Nguyễn Quang Trung trình bầy với Đức TGM Pietro Sambi rằng chính quyền Hà Nội đã tung ra những bài báo chỉ trích Đức TGM Ngô Quang Kiệt. Đây có thể là dấu hiệu để chuẩn bị bắt giam ngài vì ngài đã lên tiếng bênh vực giáo xứ Thái Hà và phản đối nhà cầm quyền Hà Nội đã lấy đất của giáo hội.
Đức TGM Pietro Sambi cho rằng tự do tôn giáo là người mẹ của tất cả những tự do khác. Thiếu tự do là một dấu hiệu của sự yếu kém (free of freedom is the sign of weakness). Ngài khuyến cáo rằng trong hoàn cảnh tranh đấu khó khăn, nên có những sự lên tiếng tập thể như của Hội Đồng Giám Mục để giảm bớt sự đàn áp trên cá nhân. DB Trần Thái Văn, DB Ed Royce, và LS Nguyễn Quang Trung đều nhấn mạnh rằng người dân Việt-Nam mong đợi sự dẫn dắt tinh thần của Tòa Thánh Vatican. Một thông điệp của Tòa Thánh là một điều cần thiết để giáo dân Việt-Nam an tâm rằng sự tranh đấu gian khổ để bảo vệ tín ngưỡng được Tòa Thánh tiếp nhận.
Giải đáp một câu hỏi về LM Nguyễn Văn Lý hiện nay bị giam trong nhà tù vì tranh đấu cho nhân quyền và tự do tôn giáo, Đức TGM Pietro Sambi cho biết Tòa Thánh Vatican và cá nhân ngài rất lưu tâm về vấn đề này.
Trước khi chia tay, Đức TGM Pietro Sambi đã đọc lời cầu nguyện cho Việt-Nam bớt sự thống khổ cùng với phái đoàn Việt-Mỹ.
Tại Bộ Ngoại Giao, phái đoàn Việt-Mỹ vận động tự do tôn giáo đã được ông Scot Marciel, Phó Phụ Tá Bộ Trưởng Ngoại Giao (Deputy Assistant Secretary) đặc trách về Đông Nam Á Sự Vụ tiếp đón. Ông Marciel trình bầy lập trường không thay đổi của Bộ Ngoại Giao. Theo đó, Việt-Nam đã đạt được tiến bộ về mặt tôn giáo. Sự kềm chế đã được nỡi lỏng (so với vài thập niên trước). Dân tập họp biểu tình mà không bị đàn áp. Ông cũng nhấn mạnh về sự khác biệt giữa chính trị và tôn giáo.
Riêng về vụ Thái Hà, ông Marciel ám chỉ rằng Việt-Nam tiến tới hai bước lùi lại một bước. Ông không rõ ai thực sự làm chủ khu đất đang có tranh chấp. Theo ông biết quyền sở hữu đã thay đổi qua thời gian. Ngoài ra Ông Marciel bênh vực việc Hoa Kỳ ủng hộ Việt-Nam trở thành một thành viên không thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc với nhiệm kỳ 2 năm 2008-2009. Ở vị trí này, Việt-Nam được khuyến khích lãnh trách nhiệm quốc tế và hành sử theo luật pháp. Trong chin tháng vừa qua, Việt-Nam đã tham dự rất nhiều phiên họp ở cấp đại sứ và đã bầy tỏ lập trường về một số lãnh vực nhậy cảm như Iran, Palestine, nguyên tử.
Ông Marciel của Bộ Ngoại Giao đã không giải thich được về sự đối sử khác biệt của Hoa Kỳ đối với Việt-Nam và Burma khi TS Nguyễn Đình Tháng nêu lên sự kiện là khi các nhà sư Khmer Krom biểu tình tại miền Tây để phản đối chính sách tôn giáo của chính quyền Hà Nội và bị đàn áp, Hoa Kỳ xem đây là trường hợp “hạn chế” (restriction) tôn giáo. Đối với trường hợp tương tự ở Burma, Hoa-Kỳ đã dùng từ nặng hơn “lạm dụng / sỉ nhục” tôn giáo, tức là đặt Burma ở mức vi phạm tư dọ tôn giáo trầm trọng hơn. TS Thắng cho biết thêm răng so sánh Việt-Nam và Trung Quốc người ta cũng thấy chính sách phân biệt đối sử của Hoa Kỳ. Trường hợp LS Lê Thị Công Nhân và LS Nguyễn Văn Đài bị chính quyền Hà Nội bắt giam không được coi là “lạm dụng” mà chỉ là “giới hạn” nhân quyền.
Trả lời một câu hỏi của ông Nguyễn Quốc Khải về việc Việt-Nam đang xin gia nhập chương trình Ưu Đãi Thuế Quan Phổ Quát (Generalized Systems of Preferences - GSP) của Hoa Kỳ, Ông Marciel đồng ý rằng Việt-Nam chưa hội đủ điều kiện để được hưởng quy chế này. DB Ed Royce có cùng một nhận xét.
Nếu được gia nhập chương trình GSP, Việt-Nam có thể xuất cảng khoảng 5,000 sản phẩm qua Mỹ hoàn toàn miễn thuế. Tuy nhiên, chương trình GSP đòi hỏi Việt-Nam phải tôn trọng một số điều kiện, bao gồm việc tôn trọng luật lao động, như quyền tự do lập hội, tự do hội họp, tự do tổ chức và thương lượng tập thể. Người ta được biết rằng Ủy Ban Hoa Kỳ Bảo Vệ Người Lao Động Việt-Nam (CPVW.USA) đã đệ trình Văn Phòng Đại Diện Thương Mại Hoa Kỳ (USTR) ý kiến về chương trình GSP.
CPVW.USA ủng hộ mạnh mẽ yêu cầu của chính quyền Hà Nội tuy nhiên CPVW.USA công nhận rằng Hà Nội chưa tôn trọng những điều luật lao động căn bản như GSP đòi hỏi.
Phái đoàn Việt-Mỹ vận động tự do tôn giáo gồm 17 người. Từ California có DB Trần Thái Văn, LS Nguyễn Quang Trung (PCT, Hội Đồng Giáo Dục, Garden Grove), các bà Kiều Minh Châu (Diễn Đàn Giáo Dân), Trần Thanh Hiền (Tiếng Nói Giáo Dân) và các ông Lê Tinh Thông (Phong Trào Giáo Dân Hải Ngoại), và Nguyễn Xuân Tùng (Diễn Đàn Kitô-Hữu).
Từ miền Đông có LM Vũ Xuân An (Chánh Xứ, Giáo xứ Mẹ Việt-Nam, Maryland), các bà Ngô Thị Hiền (CT, CRFV), Kristine Phan (VARV), Sylvia Torrente (VAVR), các ông Nguyễn Đình Thắng (UBCNVB), Nguyễn Trung Châu (TH-CTNCT-VN) , Nguyễn Tường Thược (PCT, TH-CTNCT-VN) và Nguyễn Quốc Khải (CPVW.USA). Tham dự buổi họp tại Tòa Khâm Sứ Vatican và Bộ Ngoại Giao còn có thêm DB Ed Royce (CH, California), Tom Sheehey, Phụ tá Ngoại Giao, và Hunter Strupp, Phụ Tá Lập Pháp.