Hai năm sau dù không hẹn hò nhưng chúng tôi lần nữa lại gặp nhau tại một vùng kinh tế mới. Mộng Chi không còn hoa khôi như ngày nào, thân hình ốm yếu tàn tạ đi. Còn tôi cũng không còn phong độ như ngày xưa, chỉ còn lại tấm thân tàn ma dại, ngày hai buổi lo cuốc đất trồng lang để lần hồi kiếm ăn và phải thực hiện đúng khẩu hiệu "lao động là vinh quang" mà cộng sản đang hô hào. Một hôm, sau giờ giải lao, Mộng Chi đến gặp tôi, nàng lau mồ hôi, thở dài và nói: "Khổ quá anh ạ! Chẳng lẽ chúng ta cam phận giam hãm trong nhà tù lớn này cho đến lúc bị vùi thây dưới lớp cỏ hôi". Nàng còn mượn lời của Patrick Henry "Give me liberty or give me death" (Hãy cho tôi tự do hay là chết) để thuyết phục tôi ra đi tìm tự do. Thế là hai đứa tôi vứt bỏ lại cuốc, rìu, nắm tay nhau đi tìm lại sự sống trong cái chết.
Mộng Chi dẫn tôi đến tôi đến nhà người thân tại một xóm chài ở Nha Trang đúng lúc ông chủ chuẩn bị thuyền bè để vượt biên. Qua vài lời hỏi thăm, ông lão chủ nhà hỏi Mộng Chi:
- Ngày đó Dượng tưởng cháu đã được ra ngoại quốc rồi, té ra vẫn kẹt lại. Nay còn dạy học nữa không"
- Thưa Dượng Bảy, chúng dồn cả học trò lẫn thầy cô vào nhà tù lớn thì còn học hành gì được nữa.
- Cháu bị giam tại trại nào"
- Thì nhà tù kinh tế mới, Dượng chưa biết à"
Dịp này Mộng Chi cũng giới thiệu tôi là một anh lính thất trận đang phiêu bạt đây đó.
Ông lão đưa mắt nhìn Mông Chi rồi lại liếc mắt nhìn tôi ra chiều thương hại. Ông nói nhỏ:
- Dượng vừa đóng chiếc tàu để vượt biên, hai hai cháu ở lại đây cùng đi với dượng.
Nửa tháng sau, người nhà ông Bảy cùng một số khách hàng trong đó có Mộng Chi và tôi được núp kín ở trong tàu. Chiếc tầu vượt biên được nhập chung với tàu đánh cá trực chỉ ra khơi. Khi đến gần hải phận quốc tế, tàu chúng tôi gặp trân bão, gió cấp 7. Cả bầu trời tối tăm. Những luồng sét sáng loè chạy dọc ngang như cắt mặt biển ra từng mảng. Tiếng sấm hòa lẫn tiếng biển Đông vang dội. Những đợt sóng liên tiếp nổi lên như quả đồi cao nâng chiếc tàu lên rồi lại nhận chìm như đưa con tàu chúi xuống đáy biển. Con tàu lắc lư nghiêng ngả, nước biển, nước mưa tràn vào. Tiếng khóc la cầu trời khấn Phật. tiếng tuyệt vọng giã từ chồng con, người ói mửa nhày nhụa giữ sàn tàu. Trong lúc con tàu đang lâm nạn thì ba chiếc tàu lớn cắm cờ máu chạy dọc xung quanh. Một tên vạm vỡ lên tiếng:
- Muốn tụi này cứu không"
Trong cơn hoảng loạn mọi người như vớ được chiếc phao, họ van nài xin cứu giúp. Tên ấy nói tiếp:
- Muốn được cứu, có bao nhiêu vàng bạc đưa nộp hết lên đây.
Khi gom vàng bạc đầy túi, phần lớn đã được chuyển sang ba chiếc tàu Cộng Sản. Số thanh niên còn lại khước từ sự cứu giúp, họ cương quyết tiếp tục cuộc hành trình. Tên chỉ huy tàu thét lên:
- Tụi mày ngoan cố hử" Không lên tàu lớn, chúng tao kéo úp tàu xuống đáy biển bây giờ.
Nhìn trời cao, nhìn đất dầy, nhìn biển biển rộng, không cón cách gì để thoát, số người còn lại đành khuất phục trước bọn người lòng lang dạ sói. Ba chiếc tàu đổi hướng quay mũi vào Vũng Tàu. Tàu cập bến, chúng tôi bị áp tải vào nhà giam ở Bà Rịa để làm thủ tục "tống tiền". Họ cho phép nạn nhân được thư từ liên hệ với thân nhân để mang số vàng qui định đến chuộc mạng. Người không tiền bị di lý về địa phương để nhận lệnh tập trung hay bị truy tố về tội bỏ nước ra đi.
Tại phiên tòa xét sử tôi và Mộng Chi, người đến tham dự đông nghẹt. Trên hàng ghế các ông tòa ngồi chễm trệ. Mộng Chi được gọi lên vành móng ngựa để trả lời tội trạng của mình.
Tòa hỏi:
- Động cơ nào thúc đẩy bị cáo vượt biên"
Mộng Chi trả lời:
- Thưa tòa, động cơ Ép 1.
Đồng bào không nén được, phải phì cười. Còn quan tòa thì tía tai đỏ mặt, giơ cao chiếc búa nện mạnh xuống bàn:
- Có tội không hối lỗi, còn ngoan cố ngạo mạn à"
Mộng Chi đáp lễ ngay:
- Tại các ông dùng từ động cơ không đúng!
Tiếng cười lại nổi lên, có tiếng xầm xì "Con bé này to gan thật, mà cô ta nói cũng có lý". Người khác nói tiếp "Cô giáo thời Ngụy đó mầy, không khéo ông Tòa chỉ bằng trình độ học trò của cô ta".
Tòa không dám đối đầu với Mộng Chi sợ bị hố, đành tuyên phạt nàng 5 năm tù về tội bỏ nước ra đi, 2 năm tù vì tội ngạo mạn quan tòa. Còn tôi thì bị hai lệnh giây thun. Tất cả là 6 năm. Từ đó, từ ngoài đến trong trại tù, người ta đặt cho Mộng Chi một cái tên đặc biệt: Cô Ép 10.
Mãn hạn tù tôi đến gặp Ép 10 để từ giã nàng. Ép 10 nắm chặt tay tôi nhoẻn miệng cười:
- Ráng chờ em nghe, thua ván này mình bày ván khác.
Mùa thu năm 1984 tôi một mình với xị rượu bên chiếc bàn dã chiến lai rai để giải sầu. Từ ngoài xa có người cỡi con ngựa sắt mang tới cho tôi một cánh thư. Thoáng mắt nhìn qua góc trái bì thư, tôi thấy vỏn vẹn hai chữ "Ép 10", Bên trong bao thư có vài câu ngắn gọn: "Em trả nợ xong tù, còn chờ đợi anh ở Hải Sơn. Anh xuống gấp. Địa chỉ..."
Tôi đứng dậy cuộn tròn bộ đồ trận đã xơ xác bỏ vào xách tay, tìm đến địa chỉ trong thư. Từ đó hai chúng tôi lại đi tìm lẽ sống trong cái chết, chết mười sống một. Do sự vận động của Ép 10, người bác của cô đã chấp thuận cho hai chúng tôi được bước lên con tàu định mệnh.
Bọn lãnh thầu bãi đáp vốn tham vàng, và cũng tham ăn nên đã bị chủ tàu chơi gác.
Ông chủ tàu giả vờ tạo một lễ giỗ linh đình chủ đích mời bọn cai thầu và đệ tử chúng đến nhậu nhẹt. Chỉ mới nâng ly được vài đợt, rượu mạnh được pha vào một ít độc dược tuy không chết người nhưng tất cả bọn chúng đã phải "gục". Quan lớn say trước, quan nhỏ say sau, đứa gục xuống bàn, đứa ngoẹo cổ vắt ngang thành ghế... Trong khi đó bãi đáp im lặng như tờ, từng đoàn quân như những bóng ma lẹ làng vượt qua bãi đáp.
Chiếc tàu tăng vận tốc lướt sóng ra khơi. Ra đến hải phận quốc tế mọi người tràn đầy hy vọng, thì thình lình biển động, cơn bão mỗi lúc một lớn dần, từng đợt sóng nối đuôi nhau quần thảo với con tàu cũ kỹ.
Khi biển lặng gió êm thì máy tàu bị hư hại nặng không còn hoạt động được nữa. Từ đó, con tàu trôi dạt giữa biển Đông, nước uống cạn, gạo không còn, chúng tôi ngóng chờ không thấy con tàu nào qua lại để xin tiếp cứu. Những lúc trời mưa mọi người vắt áo ướt để uống. Hai người con chủ tàu căng bạt để hứng nước mưa, bị cơn lốc cuốn chìm xuống đáy biển.
Sang tháng thứ hai, đoàn người trên tàu đã kiệt sức vì đói khát, con số chết gần phân nửa. Những người còn sống sót đã dùng dao dóc thịt người đồng chủng để ăn, dầu vậy số người chết vẫn gia tăng tốc độ. Trong lúc thần chết đang đến gần với tôi thì Ép 10 nằm bất động, đôi mắt mở to đục mờ. Hai khoé mắt rớm lệ, tôi bò lê đến bên cạnh nàng. Hai tay tôi nắm chặt tay nàng, tôi nấc lên một tiếng rồi ngất lịm đi không còn hay biết gì nữa.
Lúc tỉnh dậy tôi thấy mình đang được các bác sĩ cấp cứu tại một bệnh viện nào đó. Tôi chẳng biết ai cứu mình và cứu bằng cách nào. Con tàu định mệnh chỉ còn sống được gần phân nửa. Tôi cố thăm dò Mộng Chi nhưng biệt vô âm tín. Chẳng biết nàng có diễm phúc được người cứu thoát hay đã yên giấc dưới tuyền đài"
Mười chín năm rồi, tuy sức khoẻ tôi đã có phần hồi phục, nhưng ác mộng vẫn còn theo đuổi hành hạ tôi. Mỗi lúc nhìn, hay nghe đọc qua bản tin có người bị tai nạn, chết chóc, một con thú chết, một dòng máu chảy, thì đêm đó cơn ác mộng lại xuất hiện. Cơn ác mộng không chỉ dành riêng cho tôi, nhưng rất có thể sẽ xuất hiện với những bạn đồng hành trên nhiều tàu định mệnh trong cuộc hành trình biển Đông.