Phố Nắng – Hoàng Nguyên & Hưng Việt phụ trách
Phố Nắng, nơi cống hiến quý độc giả những tin tức nóng bỏng về các sinh hoạt của cộng đồng người Việt, các sự kiện xã hội chính mạch ở Úc, đặc biệt là Queensland; cùng các bài tham khảo công phu, bình luận giá trị, chuyện phiếm lý thú về đủ loại đề tài. Mọi thư từ, bài vở, đóng góp ý kiến,... xin vui lòng gửi về Hoàng Nguyên (hoang4eb@ yahoo.com.au) hoặc Hưng Việt (viettran.qld@gmail.com), hoặc tòa soạn Sàigòn Times.
*
Lời Tòa Soạn: Nhìn vào những sinh hoạt của cộng đồng người Việt tại Úc, nhiều người vui mừng khi thấy sinh hoạt của cộng đồng người Việt tại QLD có nhiều điểm đặc biệt đáng quý. Một trong những điểm đặc biệt đáng quý đó là khả năng "bách gia tề phóng, bách gia tranh minh" trên các diễn đàn internet của đồng hương tại QLD. Chính sinh hoạt lành mạnh và dân chủ này đã thực sự mở ra viễn ảnh tươi sáng: Mỗi người dân là một nhà truyền thông. Sau thời gian chú tâm theo dõi các cuộc trao đổi trên diễn đàn của các nhà "truyền thông QLD", SGT ngưỡng mộ trước khả năng lý luận sắc bén, nắm bắt kịp thời những tin tức giá trị, và lập trường đấu tranh sáng suốt, vững vàng, thẳng thắn của ông Hưng Việt (bút hiệu của ông Trần Hưng Việt, Cựu Chủ Tịch CĐNVTD/QLD) và ông Hoàng Nguyên (bút hiệu của BS Nguyễn Văn Hoàng). Vì vậy, hạ tuần tháng 3 vừa qua, SGT đã trân trọng viết thư mời hai ông cộng tác. Ngay sau đó, chúng tôi vô cùng hân hạnh được hai ông nhận lời trong tinh thần một lòng cống hiến độc giả. SGT xin chân thành cảm ơn tấm lòng ưu ái của hai ông và sau đây xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả trang Phố Nắng do hai ông phụ trách.
*
Phố Nắng: Những Nguyên Do Thất Bại của Bà Hilary Clinton – Hưng Việt
Hôm nay, Phố Nắng kính mời quý vị cùng chúng tôi tạm rời thành phố nắng ấm Brisbane để làm một chuyến du lịch sang bên kia bờ biển Thái bình Dương, viếng thăm xứ Hiệp Chủng Quốc là nơi đang diễn ra một cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc mà hầu như tất cả các bình luận gia đều cho là hào hứng nhứt từ trước đến nay.
Phải nói cho rõ hơn là chúng tôi đang đề cập đến cuộc chạy đua sơ tuyển giữa hai ứng cử viên của đảng Dân Chủ là bà Hilary Clinton và ông Barack Obama.
Trong hơn nửa năm qua, hai vị Thượng nghị sĩ này đã thi đua tại từng tiểu bang một, với mục đích tối hậu là chiếm đủ số đại biểu đảng Dân Chủ cần thiết hầu sẽ được họ chọn làm ứng cử viên chính thức cho đảng này trong kỳ bầu cử Tổng Thống Hoa Kỳ diễn ra vào tháng 11 năm nay.
Thoạt tiên, bà Clinton đã khởi đi như một cơn lốc xoáy với ba lợi điểm so với các ứng cử viên khác. Trước nhứt, bà là đương kim Thượng nghị sĩ của một trong vài tiểu bang lớn nhất nước Mỹ và qua đó, đã thiết lập vô số liên hệ với các chính trị gia và các nhà đại tư bản, thường là hai thành phần chính yếu quyết định các cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ. Thứ hai, là một phụ nữ, bà mang một sắc thái mới lạ đến sinh hoạt chính trị của quốc gia này và ngay lập tức, bà đã chiếm được cảm tình của giới nữ cử tri. Cuối cùng, bà có cái họ là Clinton, một danh xưng vẫn còn nhiều âm hưởng, nếu không muốn nói là ảnh hưởng thuận lợi, trong lòng người dân Mỹ sau 8 năm chồng bà, ông Bill Clinton, đảm nhận trách vụ nguyên thủ quốc gia.
Trong những ngày đầu tiên đó, các bình luận gia đều cho rằng việc bà Clinton sẽ được chọn làm ứng cử viên đảng Dân Chủ là một "sự đã rồi" (fait d'accompli) và người ta chỉ chú tâm vào cuộc tuyển cử bên đảng Cộng Hòa.
Thế nhưng, nguyên cớ nào, và bằng cách nào, bà Clinton cùng đội ngũ của bà đã "chuyển thắng thành bại", để vuột mất một cơ hội kể như đã nắm chắc trong tay" Lần lượt, bà đã để thua hết tiểu bang này sang tiểu bang khác mặc dầu công bình mà nói, thỉnh thoảng bà cũng đã cố gắng vùng dậy để hạ được địch thủ ở một, hai tiểu bang khiến những ủng hộ viên lạc quan đã gọi bà là "The Comeback Kid #2", ngụ ý nhắc lại sự chuyển bại thành thắng của ông Bill Clinton trong lần đầu tiên ông vận động để ra tranh cử Tổng Thống vào năm 1992.
Tuy nhiên, cuối cùng, những chiến thắng rời rạc đó đã không cứu vãn được cả một chiến dịch vận động nên đến ngày 6/5 vừa qua, sau kỳ sơ tuyển ở hai tiểu bang Indiana và North Carolina, người ta thấy rõ là bà Clinton đã không còn hy vọng gì nữa và Barack Obama kể như sẽ là người đối đầu với John McCain, ứng cử viên của đảng Cộng Hòa vào tháng 11 tới đây.
Trong loạt bài hai kỳ này, chúng tôi sẽ giới thiệu cùng quý vị trước nhứt, bài phân tích của tuần báo TIME (Hoa Kỳ, số ra ngày 19/5/2008) về những nguyên nhân đưa đến sự thất bại của bà Hilary Clinton; và tuần tới, bài nói về con đường khó khăn trước mặt cho Barack Obama, theo tuần báo The Economist (Luân Đôn, số ra ngày 10/5/2008).
NHỮNG LỖI LẦM CỦA BÀ CLINTON
Hôm 5/5/2008, một ngày trước kỳ bầu cử sơ bộ ở tiểu bang Indiana, bà Hilary Clinton đến nói chuyện ở một đồn cứu hỏa. Như tất cả các cuộc nói chuyện khác, đây không phải là một sự chọn lựa tùy hứng, nhất thời mà đã được tính toán và có "đạo diễn" trước.
Người ta thấy phía sau bà Clinton là một xe cứu hỏa. Trên đó có nhiều anh lính cứu hỏa lực lưỡng đang đứng bên cạnh Stars and Stripe, quốc kỳ nước Mỹ.
Qua hình ảnh nói trên, người ta muốn nhắc nhở cử tri rằng bà Clinton là một người cứng rắn nhưng cũng rất thương lo cho dân và trên hết, là một người ái quốc. Bà Clinton muốn gởi đi một thông điệp rằng bà là một người chiến đấu, không bao giờ bỏ cuộc.
Tuy nhiên, chỉ một ngày sau đó, bà giống như một võ sĩ, tuy chưa hẳn là bị đo ván hoàn toàn nhưng đang lảo đảo, muốn ngả gục xuống sàn gỗ. Trong 2 cuộc bầu cử sơ bộ ngày hôm đó, bà chỉ thắng ông Obama sát nút ở tiểu bang Indiana (51% so với 49%) trong khi đại bại ở tiểu bang North Carolina (42% so với 56%).
Như vậy, cho đến giờ phút đó, ông Obama đã hơn bà Clinton 150 đại biểu và trong 6 tiểu bang còn lại, số đại biểu chỉ có tổng cộng là 217. Với thể thức số đại biểu được chia đồng đều theo số phiếu bầu (chứ không phải "được ăn cả, ngã về không"), bà Clinton phải thắng với tỷ lệ 70% ở cả 6 tiểu bang còn lại. Mission Impossible!!!
Lý do nào đã đưa bà Clinton từ một khởi đầu đầy hứa hẹn đến tình trạng gần như tuyệt vọng ngày hôm nay" Theo tuần báo TIME, có 5 lỗi lầm mà bà Clinton và nhân viên của bà đã phạm phải:
(1) Bà đã thẩm định sai lầm cảm tính của cử tri: Đây có lẽ là lỗi lầm lớn nhất của bà. Trong một chu kỳ mà tất cả đang tập trung vào chữ "Đổi Mới", bà Clinton đã chọn một chiến lược của người dang cầm quyền, chú trọng vào "kinh nghiệm", "sự sẵn sàng", "tình cảnh không thể tránh được", cùng với nhãn hiệu thế lực nhứt của guồng máy chính trị đảng Dân Chủ tên là "Clinton".
Thoạt đầu, chiến lược này hợp lý nếu ta nhớ bà là ai và sự cần phải thuyết phục những người còn dè dặt về việc bầu cho một phụ nữ làm Tổng Tư Lệnh Quốc Gia. Nhưng từ đó, khi chỉ tập trung thuần tuý vào chuyện thắng cử vào Tòa Bạch Ốc vào tháng 11 mà quên đi các cuộc bầu cử sơ bộ của đảng, bà Clinton đã nhận định sai lầm về ước muốn của cử tri đảng Dân Chủ. Họ đang muốn có một sự thay đổi.
Nhưng những sự tính toán sai lầm khác được nêu lên dưới đây mới làm cho tình trạng tồi tệ thêm.
(2) Bà đã không nắm vững luật chơi: Bà Clinton đã chọn những người làm việc dựa trên lòng trung thành của họ hơn là sự thông suốt về sự vận động bầu cử. Điều này đã được chứng tỏ một cách quá rõ ràng trong một phiên họp về chiến lược hồi cuối năm ngoái. Hai nhân chứng kể lại rằng trong khi các cộng sự viên đang nghiên cứu lịch trình vận động, chiến lược gia chính thức Mark Penn tiên đoán một cách tự tin rằng chiến thắng ở California sẽ giúp bà Clinton dẫn đầu vì bà sẽ gom hết 370 đại biểu của tiểu bang này.
Thoạt nghe thì thấy hay nhưng học sinh môn Công Dân ở bậc trung học cũng biết rằng đảng Dân Chủ, khác với đảng Cộng Hòa, không theo thể thức “được ăn cả, ngã về không” mà là chia số đại biểu theo tỷ lệ của số phiếu.
Một vận động viên lão thành của đảng Dân Chủ ngồi gần đó đã sững sờ, không thể ngờ một “chiến lược gia” chính yếu mà lại không biết được một điều căn bản như thế. Vậy mà rồi, chiến lược đó vẫn được tiếp tục thi hành, nhắm vào các tiểu bang đông dân và có nhiều số đại biểu.
(3) Chính bà Clinton đánh giá sai lầm các tiểu bang bầu theo đảng (caucus states): Bà Clinton đã gần như hoàn toàn bỏ qua các tiểu bang chỉ có đảng viên mới được bầu như Minnesota, Nebraska và Kansas.
Lý luận của bà là thành phần ủng hộ cho bà (gồm có phụ nữ, người lớn tuổi da trắng và giới thợ thuyền) sẽ không chịu khó mất một buổi tối trong tuần, theo điều lệ ấn định, để đi họp dảng và bầu chọn ứng cử viên. Nhưng làm như vậy, kể như bà đã chịu nhường trước cho đối thủ là ông Obama 12% số đại biểu, một con số không phải nhỏ.
Đến khi các cộng sự viên của bà nhận ra lỗi lầm trầm trọng này thì đã quá trễ vì:
(4) Bà đã dùng phương cách gây quỹ xưa cũ: Trong hàng chục năm, gia đình Clinton đã ấn định tiêu chuẩn gây quỹ trong đảng Dân Chủ, và hầu hết các ủng hộ viên trước đây của ông Bill Clinton vẫn tiếp tục đóng góp cho quỹ vận động của bà Clinton. Năm 2006, khi ra ứng cử Thượng Viện, bà đã được hỗ trợ một số tiền khổng lồ là $51.6 triệu đô la. Và ai cũng tin rằng đó chỉ là làm "nháp" cho kỳ ứng cử Tổng Thống lần này.
Nhưng họ đã quên một môi trường gây quỹ hiện đại: the Internet. Mặc dù tổng số tiền bà Clinton quyên được trong các buổi dạ tiệc vẫn là một con số đáng kể nhưng những ủng hộ viên bị giới hạn bởi con số $2,300 theo luật định.
Trong khi đó, hơn 800,000 người lên website của ông Obama, cứ đều đều đóng góp mỗi lần $5, $10, $50, cuối cùng cũng đã lên hơn $100 triệu đô la, hơn nửa tổng số tiền ủng hộ cho ông này.
Và điều này phản ảnh lỗi lầm sau cùng:
(5) Bà không chuẩn bị cho cuộc chiến lâu dài: Chiến lược của bà Clinton, như đã nói ở trên, là "Đánh Nhanh, Đánh Mạnh". Bà nghĩ rằng nếu bà thắng ở Iowa, cuộc chiến kể như xong. Bà đã tuôn tiền ra ở tiểu bang đó như nước nhưng chỉ về hạng Ba.
Một điểm nữa là phe của bà không biết chuẩn bị cho những trận đánh kế tiếp. Khi thủ hòa với ông Obama trong ngày "Siêu thứ Ba" (Super Tuesday), bà không còn quân để đi vận động ở các tiểu bang kế tiếp. Trong khi đó, tổng hành dinh của Obama ở Chicago luôn luôn sẳn sàng ứng chiến ở tiểu bang tiếp theo.
Với những lỗi lầm trên, câu hỏi bây giờ không còn là bà Clinton sẽ rút lui hay không, mà là khi nào thì bà Clinton sẽ rút lui. Bà vẫn tiếp tục đi vận động nhưng những lời kêu gọi bà hãy chịu thua càng ngày càng to hơn.
Song, như một cộng sự viên cho biết, có lẽ tiếng gọi lớn nhứt là trong đầu của bà: Bà đang nghĩ tới lịch sử nhiều hơn là chính trị.
Là người phụ nữ đầu tiên đi được một khoảng đường rất xa như thế này, bà muốn những người đã đặt hy vọng nơi bà hiểu rằng bà đã cố gắng hết sức của mình. Nhưng, có lẽ bà đang tự hỏi, trời đã sinh Hilary Clinton, sao lại còn sinh Barack Obama"
Kỳ tới: NHỮNG KHÓ KHĂN ĐANG CHỜ ĐỢI BARACK OBAMA.