Hằng năm vào ngày Rằm Tháng Tư Âm Lịch, các chùa trên thế giới nói chung và chùa Hoa Nghiêm nói riêng đều làm lễ tưởng niệm Ngày Phật Đản để nhớ công ơn hóa độ của Đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni. Tuy Ngài đã nhập Niết Bàn trên 2500 nhưng giáo lý của Ngài để lại vẫn còn sáng ngời cho đến ngày nay, không những phù hợp với sự phát triễn của khoa học hiện đại mà còn vượt xa hơn nữa, mà khoa học cần phải tìm hiểu và khám phá để minh xác giáo lý của Ngài là chơn lý.
Chùa Hoa Nghiêm đã trang trọng tổ chức Lễ Phật Đản vào lúc 12 giờ trưa ngày 18 Tháng Tư, 2008 trong khuôn viên chùa ở Fort Belvoir, VA.
Dưới cơn mưa tầm tã, khoảng ba trăm phật tử vân tập tại chùa, dưới những “lều giả chiến” do các em Gia Đình Phật Tử dựng lên. Chùa đã xin giấy phép xây chính điện mới mấy năm, nay mới được giấy phép và sẽ tiến hành việc xây cất trong vòng vài tháng nữa.
Sau ba hồi chiêng trống bát nhã, các em trong GĐPT dâng hoa cúng Phật, sau đó Đại Đức Thích Kiến Khai, trụ trì Chùa Hoa Nghiêm cùng phật tử đọc một thời kinh.
Trong đạo từ gởi phật tử, Thầy Kiến Khai nhắc lại, vào thời điểm 500 năm trước Công Nguyên, khi mà khoa học chưa phát triển, chưa có kính viễn vọng, chưa có kính hiển vi mà Đức Phật đã thấy vũ trụ bao la, có hằng hà sa số thế giới, và trong một bát nước có vô số vi trùng . Ngài đã thấy vạn pháp do nhân duyên sanh, đủ duyên thì có, hết duyên thì mất, do nhiều yếu tố hợp lại mà thành, không có chủ thể, phải nương nhau để tồn tại, cái này có mặt, cái kia có mặt, cái này diệt, cái kia cũng diệt. Ngài phủ nhận một PHÁP (vật) tự có và độc lập.
Đó là nói về hiện tượng vũ trụ vật lý, còn về hiện tượng tâm lý thì Ngài vượt hẳn các nhà tâm lý từ truớc đến nay. Giáo lý Duy Thức, Vi Diệu Pháp là những môn học quan sát, nghiên cứu về tâm và những phương pháp chuyển hóa những tâm niệm ác thành tâm niệm lành mạnh, từ một con người phàm phu trở thành một vị thánh hiền. Ngài cũng giải thích tại sao chúng ta có mặt trên đời và khi chết đi về đâu". Tại sao cùng sinh ra trên đời mà lại có người giàu kẻ nghèo, người sang kẻ hèn, kẻ thông minh người ngu dốt, ngưòi đẹp, kẻ xấu, người sống lâu kẻ chết yểu vv…Sở dĩ có sự sai khác giữa chúng sinh là do luật nhân quả chi phối. Gieo nhân gì thì gặt quả đó. Trồng cam ăn cam, trồng quít ăn quít.
Đức Phật có sự hiểu biết nói trên là do Ngài tu tập thiền định mà phát huệ. Chúng sinh vì vô minh thấy biết không đúng như thật, nên đau khổ và tạo nhân bất thiện mà phải chịu quả báo sinh tử luân hồi. Mục đích duy nhất của Phật hiện ra trong đời là chỉ cho chúng sanh ngộ nhập tri kiến Phật, tức thấy biết như Phật để giải thoát sinh tử và chấm dứt khổ đau.
Tưởng cũng nên nhắc lại về lịch sử của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Phật đản sinh vào ngày Rằm Tháng Tư ở Ấn Độ cách đây 2632 năm, Phật Lịch 2552. Lúc Ngài đang là một Thái tử sắp nối nghiệp cha trị vì thiên hạ, nhưng vì thương chúng si chìm nổi trong bể khổ sinh tử luân hồi không lối thoát, Ngài đã từ bỏ tất cả - một sự từ bỏ vô tiền khoáng hậu , bỏ cung vàng điện ngọc, quốc vương, thê tử, những gì thế gian cho là quý báu nhất - để một mình dấn thân vào rừng sâu núi thẳm, sưu tầm học đạo, tìm cho ra manh mối sinh tử và một con đường dẫn dắt chúng sinh ra khỏi sinh tử luân hồi. Còn sinh tử luân hồi là còn khổ, khổ về thân, sinh già bệnh tử, khổ về tâm khi gặp phải cảnh bất như ý.
Nói về giáo lý thì Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nghĩ rằng tất cả những gì xãy ra trên thế gian này đều có nguyên nhân của nó, không một vật gì ngẫu nhiên tự có. Vì vậy Ngài phải tìm hiểu cho ra manh mối tại sao chúng ta có mặt trên cõi đời này để rồi sanh già bệnh tử và lãnh thọ bao nhiêu đắng cay của cuộc đời.
Ngài đã tìm những đạo sư nổi tiếng nhất đương thời để học đạo nhưng không một thầy nào giúp Ngài đạt đến mục đích mà Ngài đang theo đuổi. Ngài đã áp dụng tu khổ hạnh cho đến gần kiệt sức nhưng vẫn không tìm ra manh mối của sinh tử. Ngài phải thực hành con đường trung đạo, không khắc khổ cũng không lợi dưỡng. Ngài ăn uống trở lại và đến ngồi thiền dưới cội bồ đề và thệ nguyện rằng:” Nếu chưa tìm được đạo thì dù xương tan thị nát, ta cũng không rời khỏi chổ này”.
Với lời thệ nguyện sắc đá như vậy Ngài ngồi thiền định, lắng đọng tâm tư đến 49 ngày đêm. Đến đêm cuối cùng Ngài đã bừng sáng và giác ngộ, rõ được nguyên nhân đã dẫn chúng sinh vào sinh tử và tìm ra một phương pháp dẫn chúng sinh giải thoát sinh tử.
Sau khi thành đạo, ròng rã 45 năm Ngài đã đi thuyết pháp độ sinh, Ngài thuyết giảng những gì Ngài đã chứng, đã đắc, để dẫn chúng sinh ra khỏi bể khổ luân hồi. Nếu chúng sinh nghe lời Ngài dạy và áp dụng tu hành thì được an vui, chấm dứt khổ đau sinh tử.
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni không phải là một Thần Linh, hay đấng tạo hóa mà chỉ là một Đạo Sư, chỉ cho chúng ta con đường nào dẫn chúng ta sống đựơc hạnh phúc an vui và giải thoát sinh tử nên theo, con đường nào đưa chúng ta đến khổ đau và đọa lạc để tránh. Đi đường nào là do chúng ta chọn lựa.
Vì công ơn sau dầy như vậy, nên hằng năm đến ngày Rằm Tháng Tư âm lịch, tất cả cơ quan Phật Giáo, các chùa, các tu viện đều có tổ chức ngày tưởng niệm Phật Đản. Không riêng gì cơ quan Phật Giáo cử hành lễ tưởng niệm mà cả cơ quan quốc tế Liên Hiệp Quốc cũng công nhận ngày Lễ Phật Đản là ngày lễ chung của nhân loại.
Trở lại buổi lễ Phật Đản ở Chùa Hoa Nghiêm, chương trình được tiếp nối với phần văn nghệ do các em trong GDPT trình diễn, trong lúc các phật tử thọ trai những món ăn chay thơm ngon, tinh khiết. Mặc dầu trời mưa ẩm ướt nhưng mọi người đều lộ nét hân hoan, vui trong niềm vui đồng đạo nhân ngày Phật đản.
Chương trình Đại lễ Phật Đản ở Chùa Hoa Nghiêm được chấm dứt vào lúc 2 giờ chiều.