(Hoa Thịnh Đốn - VNN) Hôm 14-5, một buổi điều trần về tình hình nhân quyền tại Việt Nam đã diễn ra tại Hạ Viện Hoa Kỳ, dưới sự chủ tọa của Dân biểu Zoe Lofgren thuộc đảng Dân Chủ (đơn vị San Jose bang California), đồng Chủ tịch nhóm Nhóm Tham Vấn Nhân Quyền Việt Nam tại Quốc Hội Mỹ (Vietnam Caucus), cùng với sự tham dự của các Dân biểu Ed Royce, Loretta Sanchez, Chris Smith, Ileana Ros-Lehtinen. Buổi điều trần nhằm thu thập các ý kiến đóng góp với phái đoàn Hoa Kỳ, trong cuộc đối thoại song phương Việt - Mỹ về vấn đề nhân quyền vào ngày 29-5 tới đây.
Thành phần diễn giả được mời tham gia buổi điều trần có ông Leonard Leo, chủ tịch Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế Hoa Kỳ (USCIRF); ông Đỗ Hoàng Điềm; Chủ Tịch Đảng Việt Tân; nữ Bác sĩ Nguyễn Thể Bình, Đồng Chủ Tịch Tổ Chức Quốc Tế Yểm Trợ Cao Trào Nhân Bản; và cô Tammy Trần, Chủ Tịch Liên Minh Việt Nam Chống Nạn Buôn Người.
Trong phần mở đầu buổi điều trần, đề cập đến tình trạng nhân quyền hiện nay ở Việt Nam, Bà Dân Biểu Zoe Lofgren cho biết hiện nay nhà cầm quyền CSVN vẫn tiếp tục giam cầm và kết án những người mạnh dạn nói lên nguyện vọng dân chủ của mình một cách ôn hòa.
Là người đầu tiên được mời thuyết trình, ông Leonard Leo nói rằng trong năm qua quyền tự do tôn giáo tại Việt Nam tiếp tục bị hạn chế, vì thế USCIRF đã phải kiến nghị chính phủ Mỹ đưa Việt Nam trở lại danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về quyền tự do tôn giáo, gọi tắt là CPC. Theo ông, từ khi được rút tên khỏi danh sách CPC thì CSVN đã tiếp tục đàn áp các tiếng nói dân chủ, giới hạn quyền tự do ngôn luận, ngăn cản hoạt động tôn giáo, cũng như chèn ép giới công nhân.
Ông Leo cho biết, qua phúc trình sau chuyến đi thăm Việt Nam năm 2004, cho thấy rằng CSVN vẫn còn nhiều thiếu sót trong những cam kết với Ủy ban về các vấn đề nhân quyền và tự do tôn giáo. Mặc dù có đề nghị của Ủy ban, nhưng chính quyền Tổng Thống Bush vẫn bỏ qua, và để Việt Nam trở thành thành viên Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới (WTO).
Trong chuyến thăm Việt Nam hồi Tháng Mười, 2007, Ủy ban đã có gặp một số nhà bất đồng chính kiến và cho rằng tình hình hiện nay tại Việt Nam chưa đủ để đưa quốc gia này ra khỏi danh sách CPC, và ông Leo đã đề nghị đưa CSVN trở lại danh sách này.
Sau đó sang phần điều trần của các diễn giả người Việt, với người điều trần kế tiếp là Bác Sĩ Nguyễn Thể Bình. Bà Bình đã nêu ra chi tiết về những vụ vi phạm nhân quyền của nhà cầm quyền CSVN trong những tháng gần đây. Bác sĩ Bình nói "nhà cầm quyền CSVN không được đàn áp, bắt bớ những nhà bất đồng chính kiến, và phải lập tức thả họ ra ngay, không thể dùng họ để mỗi lần khi có cuộc hội thảo hay họp bàn với chính phủ Mỹ thì lại thả một người hay hai người, rồi sau đó lại bắt bớ hai ba chục người khác để dùng mặc cả..."
Theo Bác sĩ Bình, người dân trong nước phải được hưởng quyền tự do tín ngưỡng, tự do sử dụng Internet, tự do báo chí, tự do viết, tự do xuất bản, là những điều đó không có phải là bạo động. Bà cũng đã khuyến cáo Hoa Kỳ nên đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC, cũng như cần phải cho người Mỹ gốc Việt có tiếng nói trong các cuộc thảo luận nhân quyền giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Sang phần điều trần của ông Đỗ Hoàng Điềm, ông đã đề cập vụ CSVN xử ba người của đảng Việt Tân tội "khủng bố" vào ngày 13-5 vừa qua ở Sài Gòn. Ông nói "những cáo buộc và luận tội của chính quyền Việt Nam đối với Tiến Sĩ Nguyễn Quốc Quân, ông Somsak Khunmi và ông Nguyễn Thế Vũ là không có căn bản. Những người này đấu tranh ôn hòa, không bạo động. Chính quyền Việt Nam không thể chụp mũ những người này."
Ông khuyến cáo Hoa Kỳ nên giúp cải tiến luật pháp ở Việt Nam để có thể bảo đảm tự do chính trị và nhân quyền, như xóa bỏ những điều khoản lờ mờ trong luật pháp Việt Nam mà các cơ quan an ninh thường dựa vào để bắt bất cứ ai.
Trong cuộc đối thoại giữa đôi bên sắp tới đây, ông Điềm yêu cầu Hoa Kỳ đặt vấn đề tôn trọng nhân quyền với Việt Nam, với đề nghị là làm sao phải giải quyết cái tình trạng vi phạm tự do báo chí, đây là một lãnh vực vô cùng quan trọng để đẩy mạnh những sự hoạt động xây dựng một xã hội dân sự cũng như một cái nền sinh hoạt lành mạnh trong xã hội. Ông cũng đưa ra đề nghị phải tạo áp lực để CSVN trả tự do cho tất cả những tù nhân chính trị còn đang bị giam giữ, trong đó phải kể đến Luật sư Lê Thị Công Nhân, Luật sư Nguyễn Văn Đài, Linh mục Nguyễn Văn Lý, cũng như các thành viên của Đảng Vì Dân, của Đảng Dân Chủ Nhân Dân, của Đảng Thăng Tiến Việt Nam.
Cô Tammy Trần thuộc Liên Minh Người Việt Chống Buôn Người, trong phần điều trần sau cùng, đã trình bày trước nghị trường về những phương cách giúp đỡ cho những người kém may mắn từng là nạn nhân của nạn buôn người. Theo cô Tammy, phải nhìn vào cái gốc của vấn đề để tìm ra cách ngăn ngừa cho những phụ nữ và trẻ em không bị rơi vào tình trạng hiện nay. Cần phải có những giải pháp về mặt chính trị, kinh tế cũng như vấn đề xã hội để giúp cho những cô gái và trẻ em đó không thể rơi vào các trường hợp đó một cách dễ dàng như vậy được. Cô hy vọng Hoa Kỳ khuyến khích mở rộng tự do thông tin và cho phép các tổ chức phi chính phủ hoạt động để giúp đỡ những người lao động này ở Việt Nam.
Liên quan đến buổi điều trần về trình trạng nhân quyền VN, tại buổi điều trần, Bà Dân Biểu Sanchez, đồng chủ tịch Nhóm Tham vấn Nhân quyền Việt Nam tại Hạ Viện Hoa Kỳ (Vietnam CauCus), cũng đã lên tiếng phát biểu tố giác những hành vi vi phạm nhân quyền đã trở nên quá bình thường tại Việt Nam hiện nay, và yêu cầu đưa Việt Nam vào lại danh sách CPC. Bà cũng kêu gọi CSVN phải ngừng việc đàn áp và buộc tội các nhà đấu tranh dân chủ ôn hòa ở Việt nam sau khi đã phóng thích công dân Hoa Kỳ
Dưới đây là lời phát biểu của Dân Biểu Sanchez tại buổi điều trần, do văn phòng bà DB Sanchez phổ biến.
*
"Dân Biểu Liên Bang Loretta Sanchez
Nhóm Tham Vấn Nhân Quyền Việt Nam
"Tình Trạng Nhân Quyền tại Việt Nam và Những Đề Nghị Cho Cuộc Đối Thoại Nhân Quyền Việt-Mỹ"
Ngày 14, tháng 5, 2008
Kính chào quý vị,
Xin cám ơn quý vị đã đến đây ngày hôm nay để chúng ta có thể xem xét về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam.
Tôi xin đặc biệt cám ơn các nhân chứng hiện diện nơi đây đã cung cấp sự hiểu biết và kiến thức của mình về vấn đền nhân quyền đến với Quốc Hội.
Đồng thời cũng xin cám ơn các đồng sự của tôi trong Nhóm Tham Vấn Việt Nam, Dân Biểu Lofgren, Dân Biểu Smith và Dân Biểu Davis.
Tôi rất hãnh diện vì chúng ta đã không ngừng làm việc để đem lại sự chú tâm về tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam.
Tôi hân hạnh được đại diện cộng đồng Việt Nam tại Quận Cam - một trong những cộng đồng đông cư dân Việt Nam nhất ở hải ngoại.
Nhân quyền là một vấn đề quan trọng đối với cá nhân tôi và cử tri của tôi.
Như chúng ta đã thấy, các hành vi vi phạm nhân quyền đã trở nên rất bình thường tại Việt Nam.
Chỉ trong tuần này, ba nhà dân chủ ôn hòa -- trong số đó có một công dân Hoa Kỳ, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Quân đã bị vu cáo tội "khủng bố" tại Việt Nam sau khi 6 tháng bị giam giữ vì đã phổ biến tài liệu đấu tranh dân chủ bất bạo động.
Tôi rất vui mừng được biết Tiến sĩ Quân sẽ sớm được đoàn tụ cùng gia đình ông tại Hoa Kỳ, nhưng tôi cũng rất tức giận khi thấy nhà cầm quyền Việt Nam vẫn tiếp tục gán tội và đàn áp các nhà đấu tranh dân chủ ôn hòa.
Tiến Sĩ Quân là người công dân Hoa Kỳ thứ 6 đã bị quấy rối và giam giữ bởi chính quyền Việt Nam.
Đây là hành vi không thể chấp nhận được.
Tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam đã càng ngày càng trầm trọng từ khi Việt Nam:
- được địa vị Quy Chế Thương Mại Bình Thường Vĩnh Viễn (PNTR)
- được xóa tên trên bảng danh sách các nước cần quan tâm (CPC)
- được làm thành viên của Tổ Chức Thương Mại Quốc Tế (WTO), và
- được trở thành thành viên không thường trực của Hội Đồng Bảo An.
Theo tôi thấy, các chính sách đó đều được Chính Quyền Bush tán thành -- đã cho nhà cầm quyền Việt Nam những món quà mà không thể bào chữa được mặt dù không có những sự cố gắng nào để cải thiện tình trạng nhân quyền.
Chính quyền Việt Nam nhận là đã cải thiện tình trạng nhân quyền và hứa sẽ tiếp tục cải thiện tình trạng nhân quyền nhưng không lời hứa nào được thực hành khi chúng ta thấy họ vẫn tiếp tục đàn áp các nhà đấu tranh dân chủ, làm ngơ về tệ trạng buôn bán người mà chúng ta không thể nói hết.
Việt Nam vẫn tiếp tục đi ngược lại công ước quốc tế về nhân quyền, buộc tội các nhà đấu tranh dân chủ ôn hòa là khủng bố. Đây là lý do tại sao tôi đã bảo trợ một nghị quyết kêu gọi Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao xem sét những quốc gia vi phạm nhân quyền như Việt Nam vào lại danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt. Chúng ta cần phải bỏ Việt Nam vào lại danh sách đó.
Tình trạng đàn áp nhân quyền tại Việt Nam vẫn còn là mối quan tâm lớn và chúng ta phải tiếp tục cộng tác để thay đổi tình trạng này.
Tôi chân thành cảm ơn tất cả những người đã âm thầm giúp đỡ và tranh đấu cho sự phóng thích an toàn của các nhà đấu tranh dân chủ.
Tôi biết tôi và các đồng sự của tôi trong Quốc Hội sẽ tiếp tục cùng các nhà dân chủ tranh đấu cho tự do và công lý tại Việt Nam.
Tôi mong rằng buổi điều trần hôm nay sẽ mang lại cho chúng ta nhiều kiến thức mới về vấn đề để chúng ta cùng nhau làm việc mang lại nhân quyền tại Việt Nam.
Xin cám ơn."