Tết Bính Thìn 1976 là cái tết đầu tiên của tôi ở Mỹ, buồn lắm. Ở thành phố Berkeley tôi chỉ biết hai gia đình người Việt. Có mấy người bà con ở bên, cũng không bố mẹ, nên chẳng tết nhất gì. Còn trong cơn sốc văn hóa, chưa quen thời tiết lạnh giá nên nghĩ đến tết, nhớ nhà mà khóc.
Đi học anh văn E.S.L., trong lớp có sinh viên từ Hong Kong, Đài Loan, Iran, Nhật nên giờ thảo luận cô giáo đưa nhiều đề tài để tạo cơ hội nói tiếng Anh với nhau. Dịp Chinese New Year cô cho viết bài, thảo luận về văn hóa, phong tục đón tết của các dân tộc. Qua đó tôi học được ít nhiều từ vựng tết: "lucky money" là tiền mừng tuổi, "New Year's Eve" là đêm giao thừa, "firecrackers" là pháo, "rice cake" là bánh chưng. Tôi cũng biết được người Nhật không đón tết ta như người Việt hay người Hoa. Cô giáo cũng cho biết về diễn hành đầu năm ở phố tàu San Francisco, nhưng tôi không đi xem vì ngại ra khỏi nhà buổi chiều tối, sợ lạnh.
Đến tết năm 1978 tôi mới có chút sinh hoạt tết. Mấy sinh viên quen, từ Quận Cam lên Đại Học Berkeley, có người nhà gửi cho ít bánh chưng, lõn chả, cuối tuần kéo tôi lại ký túc xá ăn uống, ca hát, đánh bài. Không khí tết vỏn vẹn có thế, rồi lại vùi đầu vào sách vở.
Cuối tháng Giêng năm 1979 hội sinh viên Việt Nam được thành lập, chỉ trước tết hơn một tuần nên ban chấp hành không có thời gian tổ chức tết. Số sinh viên Việt lúc đó khoảng 50 nên sau ngày đại hội tụ tập từng nhóm để đón tết. Tôi cùng mấy bạn kéo nhau đi chơi vườn Nhật, nhâm nhi nước gạo rang nóng, rồi qua phố tàu San Francisco xem diễn hành xuân của người Hoa thật đẹp, lộng lẫy xe hoa, lân đủ cỡ, nhiều ban trống kèn trỗi nhạc tưng bừng. Nghe pháo nổ liên hồi, giòn tan, mùi khói pháo mịt mù làm tôi nhớ nhà, nhớ tết xưa. Tối về chúng tôi ăn uống, đánh bài cho đến quá nửa đêm.
Tết Canh Thân 1980 là lần đầu tiên hội đứng ra tổ chức đón tết với gần trăm sinh viên đến dự đông kín phòng sinh hoạt của ký túc xá Ridge Project. Có bánh mứt, hạt dưa, sản xuất từ Hồng Kông, có cành mai giả do nữ sinh tạo dựng, có tiếng ghi-ta của Hùng Phạm, tiếng dương cầm của Trần Đình Bá và giọng hát sinh viên với nhạc xuân, nhạc cộng đồng: Việt Nam Việt Nam, Nối Vòng Tay Lớn, Đón Xuân, Ly Rượu Mừng, Xuân Ca. "Xuân đã đến rồi gieo rắc ngàn hồn hoa xuống đời ..." hay bản đồng ca đón xuân quen thuộc mà sinh viên ai cũng có thể hòa chung tiếng hát: "Xuân xuân ơi, xuân hỡi xuân ơi ..." Truyền thống đón tết của hội bắt đầu từ đó.
Đến với tết sinh viên các bạn chờ đợi màn Sớ Táo Quân vui nhộn. Phải khen sinh viên Berkeley thời đó có tài văn nghệ và óc hài phong phú, như Hùng Phạm, Hùng Ngô, Bảo Khanh, Thăng Nguyễn, Hùng Trần, Diệu Thúy, Minh D. Nguyễn, Hòa Đỗ, Thiên Nga, Túy Vân đã đàn hát, biên soạn, diễn kịch táo quân, đem đến cho sinh viên xa nhà không khí xuân và những trận cười vang như pháo nổ, dưới câu đối đỏ đậm tình tha hương: "Gom trăm cánh én về tổ ấm / Dựng một mùa xuân trên xứ người."
Sinh viên bản xứ thấy chúng tôi ai cũng cười nghiêng ngả, tò mò ghé xem, thắc mắc tại sao chiến tranh gây mất mát, chia lìa nhưng tinh thần sinh viên Việt sao vui thế thì được giải thích rằng ngày tết người Việt bỏ qua mọi chuyện buồn cũ để bắt đầu năm mới bằng những niềm vui. Chúng tôi bỏ quê hương ra đi và mang theo truyền thống đó.
Sinh hoạt tết mỗi năm càng thêm đông vui, thêm hương vị tết với hạt dưa, bánh chưng, bánh tét, củ cải muối, mứt, với những cành mai giấy, những cành đào nở hoa tươi hồng mà đêm qua mấy bạn lén vác dao đi chặt từ trong sân trường đem về.
Làn sóng người tị nạn đến Hoa Kỳ tăng, sinh hoạt tết trong cộng đồng cũng bùng lên. Tết Tân Dậu 1981 ở San Francisco có hội hội chợ tết 2 ngày tại một trường học do Trung Tâm Định Cư Đông Nam Á tổ chức có hơn chục gian hàng bán đồ ăn, bán vải, hàng mỹ nghệ, trò chơi lô tô chào đón ngàn khách du xuân. Tết Nhâm Tuất 1982 trung tâm cũng làm hội chợ, ở San Jose Hội Phụ Nữ Việt Nam họp mặt tất niên, sinh viên liên trường U.C. Berkeley, San Francisco State University, Contra Costa College, vũ đoàn Stockton thực hiện văn nghệ mừng xuân tại Contra Costa College ở thành phố San Pablo với gần một nghìn khán giả, hôm sau là văn nghệ của Cộng Đoàn Công Giáo Oakland tại Kaiser Auditorium.
Năm 1983 San Jose có Hội Tết lớn do Liên Hội Người Việt Quốc Gia miền Bắc California tổ chức với pháo nổ tưng bừng trong giờ phút khai mạc. Phòng ốc của San Jose High School đông nghẹt khách du xuân xem tranh ảnh, coi phim kháng chiến, thời sự cộng đồng, xin quẻ bói bài, xem chỉ tay và thưởng thức những hương vị ngày tết.
Kỹ nghệ điện tử bột phát, thu hút người Việt đổ về thung lũng hoa vàng, chọn San Jose làm nơi đất lành chim đậu. Ít năm sau Hội Tết vượt sông con ra con sông cả là Santa Clara County Fairground mới đủ lưu lượng chào đón 50,000 khách du xuân và biến San Jose trở thành thủ phủ đón tết của người Việt miền bắc California.
Hè 1983 tôi rời Hoa Kỳ qua Togo, châu Phi dạy học. Khi đi đã nhủ lòng là chấp nhận đời sống thiếu tiện nghi, vắng nét Việt Nam. Lạ thay, ở Togo tôi đã đón tết Giáp Tí 1984 đầm ấm, vui gấp nghìn lần so với cái tết đầu tiên ở Mỹ. Thủ đô Lomé có dăm bảy gia đình người Việt quốc tịch Pháp và mỗi năm đều ăn tết. Bên cạnh hồ nước trong sân nhà ông bà Dauban, giám đốc một ngân hàng Pháp, bàn thờ tổ tiên được dựng nên, với cành đào, nhang nến, có mâm hoa quả, heo quay. Mấy chị người Việt mặc áo dài lụa. Khách độ trăm người, hầu hết ngoại quốc. Phu nhân ông đại sứ Liên Hiệp Quốc cũng tha thướt trong tà áo dài đến dự. Ăn tết có heo quay, gỏi gà do mấy gia đình gốc Việt sửa soạn. Còn bánh chưng, nem chua, giò chả, rượu vang từ Pháp gửi xuống bằng chuyến Air France vừa đáp hồi chiều. Ăn xong, trẻ con được lì xì để chơi lắc bầu cua, người lớn binh xập xám, đánh xì dách, xì phé.
Những người Việt ở Togo đã cho tôi những niềm vui tết khi xa nhà và tình đồng hương nồng ấm. Tôi nhớ gia đình ông bà Dauban; nhớ anh Nguyễn Vũ cho hạt phượng đem về trồng ở trường Notsé; nhất là nhớ gia đình bác sĩ Dương Quang Đức - chị Đức nay đã quá vãng - đã cho tôi những bữa cơm mắm nam bộ tuyệt vời. Thật là điều thú vị cho tôi được đón tết 2 cái tết Giáp Tí và Ất Sửu, được thưởng thức mắm quê hương ở một xứ châu Phi bé nhỏ, xa lạ.
Tết Bính Dần 1986 tôi công tác ở trại Galang, Indonesia. Đêm giao thừa giật mình nghe tiếng nồi niêu, soong chảo khua vang đón năm mới mà ruột gan tôi cũng tan nát vì nhớ nhà: "Mẹ ơi hoa cúc hoa mai nở rồi, mà sao đời con đang còn lênh đênh ..." Lòng tôi còn buồn não nùng thì chữ nghĩa nào có thể diễn tả được tâm trạng ngày tết xa quê của cả vạn người tị nạn đang ở đảo chờ đợi tương lai.
Ở Hồng Kông tết còn buồn hơn vì hoàn cảnh trại cấm như ở tù. Đến Hồng Kông đầu năm 1987, thấy hai bên đường Nathan Road có nhiều hình đầu thỏ vểnh tai cao, đầu óc hơi lệch lạc khiến tôi tưởng tạp chí Playboy đang chụp hình, quay phim gì đây. Sau nhận ra đó là một trong mười hai con giáp, lịch Việt gọi là mèo, lịch Trung Hoa là thỏ. Tôi vào trại Chi Ma Wan dự văn nghệ mừng xuân. Sơ Christine Mỹ Hạnh đã giúp tổ chức một chương trình đón xuân phong phú với ca, vũ, nhạc, trang phục cổ truyền dù hoàn cảnh thiếu thốn. Ông tổng lãnh sự Mỹ Koppler và phu nhân là chị Mai, đến dự và ngỏ lời chúc tết. Ông nói tiếng Việt giọng miền nam sành sõi, nhưng lời chúc "sớm được định cư" của ông không biết làm phấn khởi được bao người vì đa số ở đây đã nhiều năm, từ sau ngày 1 tháng Bảy năm 1981, để chờ thanh lọc. Sau văn nghệ có hội chợ trong sân trại. Trẻ em còn chút hồn nhiên, vui đùa. Lòng tôi đầy thương cảm khi nhìn những ông bà cụ ngày xuân không được đoàn tụ cùng con cháu, ngồi im lìm dõi mắt qua rào sắt, nhìn ra hướng biển trông ngóng.
Nay trang sử tị nạn đang khép lại.
Tuần trước có liên hoan đón tết của văn phòng tổng lãnh sự Việt Nam tại San Francisco, 500 khách dự, đánh dấu 10 năm quan hệ Mỹ-Việt, mở cửa cho những giao thương, đi lại giữa hai bên bờ biển Thái Bình, rộn ràng nhất trong những ngày cận tết. Đây là lần thứ 8 đại sảnh Green Room bừng lên không khí tết, năm nay thêm nhiều nét truyền thống: trống đồng, đàn tranh, đàn cò, đàn t'rưng, chiêng trống, có áo tứ thân, khăn đống áo dài, có mai, trúc, có bánh chưng, bành khúc, nem rán, giò, sôi gấc, có rượu vang, có câu đối đỏ: "Trời thêm ngày tháng người thêm thọ / Xuân tỏa non sông phúc tỏa nhà." Văn nghệ có em-xi Thanh Tùng, tiếng hát Ái Vân, Trần Thu Hà, Trịnh Nam Sơn, ban nhạc cổ truyền Vân Ánh, nhưng thiếu pháo, vắng ca từ của "Ly rượu mừng," "Xuân ca" của "Đón xuân này, nhớ xuân xưa" hay "Anh cho em mùa xuân," phổ thông trong cộng đồng người Việt, nhưng chưa được phép hát.
Ba mươi năm xa xứ, hơn nửa đời người sống xa quê, bây giờ vùng vịnh San Francisco là quê nhà của tôi - "my home, sweet home" - không phải khu Ngã Ba Ông Tạ, Tân Bình, Sài-gòn, dù ở đó căn nhà nghèo nàn nơi tôi lớn lên đã được xây lại đẹp hơn, cao hơn, với cửa kính rộng mở và đã hơn một lần chào đón tôi trở về, nhưng không giữ chân tôi lại được. Bây giờ ở đây tôi có một mái ấm gia đình, có 200 nghìn đồng hương, có những ngày vui cuối tuần kéo dài từ Lễ Tạ Ơn, qua Giáng Sinh, tết Tây, tết Ta và Super Bowl là trận đọ sức giành cúp vô địch bóng cà na ở Mỹ mỗi năm.
Tết này tôi lại đưa gia đình đi hội chợ ở Oakland, ở San Francisco để nghe nhạc xuân, nghe pháo nổ, nghe dân bản xứ học câu "Chúc Mừng Năm Mới," đi hội tết, xem diễn hành ở San Jose, một sinh hoạt tết đặc thù nhất của người Việt trên toàn thế giới, một cuộc phô diễn màu sắc văn hóa, chính trị, kinh tế, xã hội của một cộng đồng vừa tròn 30 tuổi.
Đi học anh văn E.S.L., trong lớp có sinh viên từ Hong Kong, Đài Loan, Iran, Nhật nên giờ thảo luận cô giáo đưa nhiều đề tài để tạo cơ hội nói tiếng Anh với nhau. Dịp Chinese New Year cô cho viết bài, thảo luận về văn hóa, phong tục đón tết của các dân tộc. Qua đó tôi học được ít nhiều từ vựng tết: "lucky money" là tiền mừng tuổi, "New Year's Eve" là đêm giao thừa, "firecrackers" là pháo, "rice cake" là bánh chưng. Tôi cũng biết được người Nhật không đón tết ta như người Việt hay người Hoa. Cô giáo cũng cho biết về diễn hành đầu năm ở phố tàu San Francisco, nhưng tôi không đi xem vì ngại ra khỏi nhà buổi chiều tối, sợ lạnh.
Đến tết năm 1978 tôi mới có chút sinh hoạt tết. Mấy sinh viên quen, từ Quận Cam lên Đại Học Berkeley, có người nhà gửi cho ít bánh chưng, lõn chả, cuối tuần kéo tôi lại ký túc xá ăn uống, ca hát, đánh bài. Không khí tết vỏn vẹn có thế, rồi lại vùi đầu vào sách vở.
Cuối tháng Giêng năm 1979 hội sinh viên Việt Nam được thành lập, chỉ trước tết hơn một tuần nên ban chấp hành không có thời gian tổ chức tết. Số sinh viên Việt lúc đó khoảng 50 nên sau ngày đại hội tụ tập từng nhóm để đón tết. Tôi cùng mấy bạn kéo nhau đi chơi vườn Nhật, nhâm nhi nước gạo rang nóng, rồi qua phố tàu San Francisco xem diễn hành xuân của người Hoa thật đẹp, lộng lẫy xe hoa, lân đủ cỡ, nhiều ban trống kèn trỗi nhạc tưng bừng. Nghe pháo nổ liên hồi, giòn tan, mùi khói pháo mịt mù làm tôi nhớ nhà, nhớ tết xưa. Tối về chúng tôi ăn uống, đánh bài cho đến quá nửa đêm.
Tết Canh Thân 1980 là lần đầu tiên hội đứng ra tổ chức đón tết với gần trăm sinh viên đến dự đông kín phòng sinh hoạt của ký túc xá Ridge Project. Có bánh mứt, hạt dưa, sản xuất từ Hồng Kông, có cành mai giả do nữ sinh tạo dựng, có tiếng ghi-ta của Hùng Phạm, tiếng dương cầm của Trần Đình Bá và giọng hát sinh viên với nhạc xuân, nhạc cộng đồng: Việt Nam Việt Nam, Nối Vòng Tay Lớn, Đón Xuân, Ly Rượu Mừng, Xuân Ca. "Xuân đã đến rồi gieo rắc ngàn hồn hoa xuống đời ..." hay bản đồng ca đón xuân quen thuộc mà sinh viên ai cũng có thể hòa chung tiếng hát: "Xuân xuân ơi, xuân hỡi xuân ơi ..." Truyền thống đón tết của hội bắt đầu từ đó.
Đến với tết sinh viên các bạn chờ đợi màn Sớ Táo Quân vui nhộn. Phải khen sinh viên Berkeley thời đó có tài văn nghệ và óc hài phong phú, như Hùng Phạm, Hùng Ngô, Bảo Khanh, Thăng Nguyễn, Hùng Trần, Diệu Thúy, Minh D. Nguyễn, Hòa Đỗ, Thiên Nga, Túy Vân đã đàn hát, biên soạn, diễn kịch táo quân, đem đến cho sinh viên xa nhà không khí xuân và những trận cười vang như pháo nổ, dưới câu đối đỏ đậm tình tha hương: "Gom trăm cánh én về tổ ấm / Dựng một mùa xuân trên xứ người."
Sinh viên bản xứ thấy chúng tôi ai cũng cười nghiêng ngả, tò mò ghé xem, thắc mắc tại sao chiến tranh gây mất mát, chia lìa nhưng tinh thần sinh viên Việt sao vui thế thì được giải thích rằng ngày tết người Việt bỏ qua mọi chuyện buồn cũ để bắt đầu năm mới bằng những niềm vui. Chúng tôi bỏ quê hương ra đi và mang theo truyền thống đó.
Sinh hoạt tết mỗi năm càng thêm đông vui, thêm hương vị tết với hạt dưa, bánh chưng, bánh tét, củ cải muối, mứt, với những cành mai giấy, những cành đào nở hoa tươi hồng mà đêm qua mấy bạn lén vác dao đi chặt từ trong sân trường đem về.
Làn sóng người tị nạn đến Hoa Kỳ tăng, sinh hoạt tết trong cộng đồng cũng bùng lên. Tết Tân Dậu 1981 ở San Francisco có hội hội chợ tết 2 ngày tại một trường học do Trung Tâm Định Cư Đông Nam Á tổ chức có hơn chục gian hàng bán đồ ăn, bán vải, hàng mỹ nghệ, trò chơi lô tô chào đón ngàn khách du xuân. Tết Nhâm Tuất 1982 trung tâm cũng làm hội chợ, ở San Jose Hội Phụ Nữ Việt Nam họp mặt tất niên, sinh viên liên trường U.C. Berkeley, San Francisco State University, Contra Costa College, vũ đoàn Stockton thực hiện văn nghệ mừng xuân tại Contra Costa College ở thành phố San Pablo với gần một nghìn khán giả, hôm sau là văn nghệ của Cộng Đoàn Công Giáo Oakland tại Kaiser Auditorium.
Năm 1983 San Jose có Hội Tết lớn do Liên Hội Người Việt Quốc Gia miền Bắc California tổ chức với pháo nổ tưng bừng trong giờ phút khai mạc. Phòng ốc của San Jose High School đông nghẹt khách du xuân xem tranh ảnh, coi phim kháng chiến, thời sự cộng đồng, xin quẻ bói bài, xem chỉ tay và thưởng thức những hương vị ngày tết.
Kỹ nghệ điện tử bột phát, thu hút người Việt đổ về thung lũng hoa vàng, chọn San Jose làm nơi đất lành chim đậu. Ít năm sau Hội Tết vượt sông con ra con sông cả là Santa Clara County Fairground mới đủ lưu lượng chào đón 50,000 khách du xuân và biến San Jose trở thành thủ phủ đón tết của người Việt miền bắc California.
Hè 1983 tôi rời Hoa Kỳ qua Togo, châu Phi dạy học. Khi đi đã nhủ lòng là chấp nhận đời sống thiếu tiện nghi, vắng nét Việt Nam. Lạ thay, ở Togo tôi đã đón tết Giáp Tí 1984 đầm ấm, vui gấp nghìn lần so với cái tết đầu tiên ở Mỹ. Thủ đô Lomé có dăm bảy gia đình người Việt quốc tịch Pháp và mỗi năm đều ăn tết. Bên cạnh hồ nước trong sân nhà ông bà Dauban, giám đốc một ngân hàng Pháp, bàn thờ tổ tiên được dựng nên, với cành đào, nhang nến, có mâm hoa quả, heo quay. Mấy chị người Việt mặc áo dài lụa. Khách độ trăm người, hầu hết ngoại quốc. Phu nhân ông đại sứ Liên Hiệp Quốc cũng tha thướt trong tà áo dài đến dự. Ăn tết có heo quay, gỏi gà do mấy gia đình gốc Việt sửa soạn. Còn bánh chưng, nem chua, giò chả, rượu vang từ Pháp gửi xuống bằng chuyến Air France vừa đáp hồi chiều. Ăn xong, trẻ con được lì xì để chơi lắc bầu cua, người lớn binh xập xám, đánh xì dách, xì phé.
Những người Việt ở Togo đã cho tôi những niềm vui tết khi xa nhà và tình đồng hương nồng ấm. Tôi nhớ gia đình ông bà Dauban; nhớ anh Nguyễn Vũ cho hạt phượng đem về trồng ở trường Notsé; nhất là nhớ gia đình bác sĩ Dương Quang Đức - chị Đức nay đã quá vãng - đã cho tôi những bữa cơm mắm nam bộ tuyệt vời. Thật là điều thú vị cho tôi được đón tết 2 cái tết Giáp Tí và Ất Sửu, được thưởng thức mắm quê hương ở một xứ châu Phi bé nhỏ, xa lạ.
Tết Bính Dần 1986 tôi công tác ở trại Galang, Indonesia. Đêm giao thừa giật mình nghe tiếng nồi niêu, soong chảo khua vang đón năm mới mà ruột gan tôi cũng tan nát vì nhớ nhà: "Mẹ ơi hoa cúc hoa mai nở rồi, mà sao đời con đang còn lênh đênh ..." Lòng tôi còn buồn não nùng thì chữ nghĩa nào có thể diễn tả được tâm trạng ngày tết xa quê của cả vạn người tị nạn đang ở đảo chờ đợi tương lai.
Ở Hồng Kông tết còn buồn hơn vì hoàn cảnh trại cấm như ở tù. Đến Hồng Kông đầu năm 1987, thấy hai bên đường Nathan Road có nhiều hình đầu thỏ vểnh tai cao, đầu óc hơi lệch lạc khiến tôi tưởng tạp chí Playboy đang chụp hình, quay phim gì đây. Sau nhận ra đó là một trong mười hai con giáp, lịch Việt gọi là mèo, lịch Trung Hoa là thỏ. Tôi vào trại Chi Ma Wan dự văn nghệ mừng xuân. Sơ Christine Mỹ Hạnh đã giúp tổ chức một chương trình đón xuân phong phú với ca, vũ, nhạc, trang phục cổ truyền dù hoàn cảnh thiếu thốn. Ông tổng lãnh sự Mỹ Koppler và phu nhân là chị Mai, đến dự và ngỏ lời chúc tết. Ông nói tiếng Việt giọng miền nam sành sõi, nhưng lời chúc "sớm được định cư" của ông không biết làm phấn khởi được bao người vì đa số ở đây đã nhiều năm, từ sau ngày 1 tháng Bảy năm 1981, để chờ thanh lọc. Sau văn nghệ có hội chợ trong sân trại. Trẻ em còn chút hồn nhiên, vui đùa. Lòng tôi đầy thương cảm khi nhìn những ông bà cụ ngày xuân không được đoàn tụ cùng con cháu, ngồi im lìm dõi mắt qua rào sắt, nhìn ra hướng biển trông ngóng.
Nay trang sử tị nạn đang khép lại.
Tuần trước có liên hoan đón tết của văn phòng tổng lãnh sự Việt Nam tại San Francisco, 500 khách dự, đánh dấu 10 năm quan hệ Mỹ-Việt, mở cửa cho những giao thương, đi lại giữa hai bên bờ biển Thái Bình, rộn ràng nhất trong những ngày cận tết. Đây là lần thứ 8 đại sảnh Green Room bừng lên không khí tết, năm nay thêm nhiều nét truyền thống: trống đồng, đàn tranh, đàn cò, đàn t'rưng, chiêng trống, có áo tứ thân, khăn đống áo dài, có mai, trúc, có bánh chưng, bành khúc, nem rán, giò, sôi gấc, có rượu vang, có câu đối đỏ: "Trời thêm ngày tháng người thêm thọ / Xuân tỏa non sông phúc tỏa nhà." Văn nghệ có em-xi Thanh Tùng, tiếng hát Ái Vân, Trần Thu Hà, Trịnh Nam Sơn, ban nhạc cổ truyền Vân Ánh, nhưng thiếu pháo, vắng ca từ của "Ly rượu mừng," "Xuân ca" của "Đón xuân này, nhớ xuân xưa" hay "Anh cho em mùa xuân," phổ thông trong cộng đồng người Việt, nhưng chưa được phép hát.
Ba mươi năm xa xứ, hơn nửa đời người sống xa quê, bây giờ vùng vịnh San Francisco là quê nhà của tôi - "my home, sweet home" - không phải khu Ngã Ba Ông Tạ, Tân Bình, Sài-gòn, dù ở đó căn nhà nghèo nàn nơi tôi lớn lên đã được xây lại đẹp hơn, cao hơn, với cửa kính rộng mở và đã hơn một lần chào đón tôi trở về, nhưng không giữ chân tôi lại được. Bây giờ ở đây tôi có một mái ấm gia đình, có 200 nghìn đồng hương, có những ngày vui cuối tuần kéo dài từ Lễ Tạ Ơn, qua Giáng Sinh, tết Tây, tết Ta và Super Bowl là trận đọ sức giành cúp vô địch bóng cà na ở Mỹ mỗi năm.
Tết này tôi lại đưa gia đình đi hội chợ ở Oakland, ở San Francisco để nghe nhạc xuân, nghe pháo nổ, nghe dân bản xứ học câu "Chúc Mừng Năm Mới," đi hội tết, xem diễn hành ở San Jose, một sinh hoạt tết đặc thù nhất của người Việt trên toàn thế giới, một cuộc phô diễn màu sắc văn hóa, chính trị, kinh tế, xã hội của một cộng đồng vừa tròn 30 tuổi.
Gửi ý kiến của bạn