LND: Nghị hội toàn quốc của đảng Lao Động đã hoàn tất mỹ mãn hôm Chủ Nhật 29/4/07 vừa qua với một loạt chính sách dự thảo của đảng được hơn 400 đại biểu đồng ý thông qua sau ba ngày thảo luận tranh cãi để trở thành chính cương của đảng trong kỳ tổng tuyển cử liên bang sắp tới. Theo nhận xét của nhật báo The Age qua mục Editorial ngày 30/04/07 thì nghị hội này đã giúp cho cử tri có thể thấy được một cách thật rõ rệt những khác biệt giữa hai phe chính phủ liên đảng và Lao Động đối lập, đặc biệt là về một số vấn đề trọng yếu như cách đối phó với sự thay đổi khí hậu toàn cầu, giáo dục, và quan trọng nhất là quan hệ lao tư, vốn được nghị hội đồng ý thông qua mà không hề phải tranh cãi. Để có thể thấy rõ được những điểm khác biệt chính yếu giữa hai chính đảng về chính sách quan hệ lao tư, xin mời qúy độc giả theo dõi bản lược dịch bài giải thích của ký giả Brad Norrington về những thay đổi mà đảng Lao động muốn đưa ra, tựa đề Rudd’s Back To The Future Blueprint - Kế Hoạch Trở Về Tương Lai Của Ông Rudd được đăng trên nhật báo The Australian ngày 01/05/07.
*
Khi Work Choices được áp dụng từ tháng 3/06 thì đạo luật này có khẳng định rằng đối với khoảng 20& lực lượng lao động - từ công nhân đến viên chức văn phòng - vẫn còn đang hưởng lương theo quy chế (awards) với 17 điều kiện tối thiểu sẽ không bị thiệt thòi thay đổi gì cả. Thế nhưng, đối với tất cả những người rời khỏi quy chế và ký hợp đồng cá nhân - qua sự chọn lựa của chính họ hoặc vì thay đổi chỗ làm - thì số điều kiện tối thiểu bị tước bỏ chỉ còn lại 5 điều kiện mà thôi.
Chiếu theo 5 điều kiện này thì giới chủ nhân phải cung cấp: mức lương tối thiểu, 10 ngày nghỉ vì lý do cá nhân (personal leaves) bao gồm luôn lý do nghỉ bệnh, 4 tuần nghỉ thường niên (trong đó 2 tuần có thể được nhận tiền thay vì nghỉ - ”cashed out”), 12 tháng nghỉ không lương để chăm sóc con cái (parental leaves) cho người có nhiệm vụ chính trong việc nuôi con sau khi sanh sản và giờ giấc làm việc mỗi tuần trung bình 38 giờ cho những người làm việc toàn thời (LND: có nghĩa là chủ nhân có thể buộc công nhân làm việc 40-50 giờ một tuần trong thời cao điểm mà không cần phải trả mức lương giờ phụ trội - penalty rates - và khi ít việc thì công nhân sẽ phải làm việc ít giờ hơn, miễn sao khi tổng số giờ làm việc chia ra cho tổng số tuần thì trung bình mỗi tuần là 38 giờ!).
Ông Rudd đưa ra một ”mạng lưới an toàn” vốn sẽ cho phép các quy chế cho ngành nghề (awards) được hiện hữu song song với 10 điều kiện luật định tối thiểu.
Những điều kiện này bao gồm: giờ giấc làm việc căn bản là 38 giờ một tuần, thời gian nghỉ không lương để chăm sóc con cái được tăng gấp đôi thành hai năm, quyền được yêu cầu chủ nhân cho thay đổi giờ giấc làm việc cho đến khi con cái đến tuổi đi học, 10 ngày nghỉ vì lý do cá nhân và thêm hai ngày nghỉ compassionate leave (LND: nghỉ khi có người thân qua đời, bệnh nặng.v.v), tiền giờ cao hơn nếu phải làm việc trong những ngày lễ lạc (penalty rates for working on public holiday), tài liệu về công đoàn, thông báo khi đuổi việc và tiền nghỉ phép sau thời gian dài phục vụ (long service leave).
Quyền Thương Lượng Chung: Sau hơn một năm dưới luật lao tư của John Howard vốn thiên về việc thương lượng từng cá nhân nơi làm việc, ông Rudd muốn quay về lại với việc cho công nhân, viên chức có quyền thương lượng chung (collective bargaining). Bước đầu tiên là việc hủy bỏ hệ thống AWA - Australian Work Place Agreement - hệ thống hợp đồng thuê mướn từng cá nhân theo luật định của chính phủ Howard.
Chiếu theo mô thức mới của đảng Lao động thì quyền ưu tiên sẽ được dành cho những sự sắp xếp mà qua đó, nhân viên tại cùng một sở làm sẽ có quyền đòi hỏi được thương lượng chung với chủ nhân thay vì thương lượng riêng rẽ từng người.
Giới chủ nhân sẽ phải thương lượng thẳng thắn (in good faith) với những người đại diện cho toàn thể hãng xưởng, công ty, nếu đại đa số nhân viên yểm trợ chuyện này.
Quyền quyết định xem đại đa số có hiện hữu hay không sẽ thuộc về cơ quan Fair Work Australia - cơ quan thẩm quyền về vấn đề quan hệ lao tư sẽ được đảng Lao động thành lập sau khi thắng chính quyền. Sự quyết định của FWA sẽ được dựa theo chứng cớ về sĩ số thành viên của công đoàn, theo thỉnh nguyện thư của nhân viên hoặc một cuộc đầu phiếu kín cho toàn thể nhân viên của hãngxưởng, công ty.
Ngay từ khởi điểm của cuộc thương lượng thì giới chủ nhân phải thông báo cho toàn thể nhân viên biết rằng họ có quyền cử người đại diện cho họ trong việc thương lượng. Những nhân viên mới vào làm việc sẽ phải được thông báo về cách thức liên lạc với công đoàn đại diện cho ngành nghề của họ. Ngay cả tại những nơi mà đại đa số nhân viên không thuộc về công đoàn thì những thành viên của công đoàn cũng vẫn có quyền được công đoàn của họ đại diện để thương lượng chung về hợp đồng của họ.
Chủ nhân và nhân viên sẽ phải tuân thủ theo những quy luật về thương lượng một cách đầy ”thiện chí” (good faith), và phải tham dự những buổi họp mà ngày giờ đã được hai bên cùng chọn cũng như phải thật lòng thương lượng để đi đến một sự thỏa thuận chung.
Cả hai phe đều có quyền đưa vào bản thỏa tuận bất kỳ một vấn đề gì thích hợp cho họ - điều này đánh dấu việc xóa bỏ một loạt những điều kiện đã bị chính phủ Howard cấm đoán, tước bỏ, chẳng hạn như lệ phí thương lượng đối với những người không phải là thành viên công đoàn và việc thành viên công đoàn được trả lương khi tham dự những buổi họp của công đoàn để thảo luận về thương lượng.
Việc được mệnh danh là ”pattern bargaining” - thương lượng theo mô thức - qua đó thỏa thuận đồng loạt với nhiều chủ nhân khác nhau hoặc cho toàn thể một ngành nghề, một kỹ nghệ, sẽ một lần nữa trở thành hợp pháp.
Khi bản thỏa thuận được đúc kết, nó sẽ được Fair Work Australia kiểm tra để bảo đảm rằng nó đáp ứng đầy đủ các điều kiện tối thiểu.
Chủ nhân và nhân viên sẽ bị ràng buộc chặt chẽ bởi bản thỏa thuận này và chuyện đình công sẽ bị cấm cản ngoại trừ trong thời gian tái thương lượng cho bản thỏa thuận mới