Trang kinh dị: Con Ma Nhà Xác- Trần Bảo Châu
(Tiếp theo... và hết)
Tấu nép sau thân cây mít sát bên cái hàng rào sau nhà thận trọng quan sát chung quanh, để chắc chắn rằng không có người hàng xóm nào trông thấy hắn. Lợi dụng khoảng bóng tối âm u từ tàng lá rậm của cây mít, Tấu ngồi xổm xuống nhích dần từng tấc đất một đến gần cái hàng rào nhà gã. Những cây cọc rào dãi dầu mưa gió không được người chăm sóc, thêm bọn mối mọt đục khoét, đã nghiêng ngã thảm hại, chìm ngập dưới những loài dây leo dại mọc bò xum xuê. Bên trong sân, cỏ dại mọc đầy, nhất là loại cỏ ống lông tơ. Gặp đất tốt, chúng nảy nở thành một rừng cỏ cao dễ đến ngang bung người, nên cái sân sau nhà Tấu trở thành cái giang sơn cho bọn chuột bọ làm hang chi chít trong đó. Là đàn bà yếu đuối, muốn phát quang cái sân Hường cũng không làm nổi, dù nó chỉ nhỏ bằng cái bàn tay. Nàng nài nỉ Tấu bỏ một vài ngày dọn dẹp sân sau cho được khoáng đãng, Tấu ậm ừ hứa cho qua, rồi hắn lờ luôn. Tấu rất sẵn sàng bận rộn với những cuộc sát phạt và nhậu nhẹt với bọn bạn bến xe, còn chuyện nhà thì hắn cứ lần lửa mãi, vì chẳng có gì hứng thú hết.
Mỗi lần bê cái thau quần áo đã giặt xong ra phơi trên sợi dây kẽm bắt chéo ngang cái sân, Hường lo sợ lắm. Nàng sợ lũ chuột hoang, ăn gì chẳng biết mà con nào con nấy mập béo như một con mèo nhỏ, đến nổi lũ mèo nhà cũng khiếp hãi không dám làm gì chúng. Rồi bọn ếch, nhái, chao ơi, những con cóc da dẻ xù xì trông phát khiếp ẩn mình dưới sàn nước ngập đầy cỏ giương đôi mắt lồi thao láo nhìn nàng, mảnh da họng trắng nhợt của chúng phập phồng liên hồi, từ đó phát ra những chuỗi âm thanh oàm oạp gớm ghiếc.
Có chuột và cóc nhái, thì hẳn phải có rắn. Có một lần, Hường đang hí hoáy ngồi vo gạo trên sàn nước, thì, trời ơi nàng trông thấy một con rắn gì ghê quá. Nó dài phải hơn hai thước, cái thân nhờn nhợt đen bóng như bồ hóng lướt nhẹ bên dưới, luồn lỏi uốn éo giữa đám cỏ lông tơ, chiếc lưỡi dài có hai cái nhánh như một chiếc nĩa cứ rụt ra rụt vào trông thật ghê rợn. Trong trạng thái hãi hùng, Hường ngồi chết cứng như một tượng đá, mọi cảm quan đều hoàn toàn tê liệt, hai bàn tay bất động trong cái nồi gạo đầy nước. Một con cóc đang kêu uệch oạc trong đám cỏ, con rắn phóng đến táp lấy nhanh như chớp. Con vật khốn nạn chỉ kịp rít lên một tiếng ộp, giống như âm thanh của một chiếc bong bóng bể. Hường trợn trừng mắt nhìn hai cái chân xù xì của con cóc dẫy dụa tuyệt vọng trong cái miệng đang phồng to của con rắn. Một cảm giác buồn nôn dâng trào lên từ bụng, quặn thắt cả ruột gan, không kềm được, Hường gục đầu xuống ụa một tiếng lớn, rồi tất cả những thức ăn vọt ra khỏi cửa miệng nàng theo một đường vòng cầu rải xuống đầu con rắn. Con vật đang mê say trong bữa ăn thịnh soạn, bị tấn công bất ngờ, nó quày cái đầu đen ngòm gớm ghiếc tìm kiếm địch thủ, đôi mắt đỏ khé hừng lên những tia chết chóc. Hường kinh hãi ngã ngửa người ra phía sau, chân đá trúng cái nồi gạo đang vo dở lăn long lóc xuống sàn, xui xẻo làm sao lại đè lên cái đuôi con rắn. Con vật có lẽ là con rắn hổ mang chúa thì phải, là con vật hung dữ nhất trong loài rắn, nó xoay một nửa cái thân dài ngoằng mổ đánh bốp vào cái nồi. Hai cái hàm con rắn bạnh ra, trông như một chiếc dĩa tròn, đôi mắt nó nhìn trừng trừng vào mắt Hường, như muốn thôi miên nàng, thật giống như những con rắn mà Hường đã xem chúng trong những phim An Độ. Hường bò lê bò càng trên sàn nước ụa mửa liên tục, con rắn thở phì phì lắc lư đầu nhìn theo. Khi đã bò qua khỏi cánh cửa bếp, Hường đóng sập nó lại, rồi nàng nằm dài trên mặt sàn gạch nôn thốc nôn tháo, trong đầu chập chờn cái thân nhờn nhợt uốn éo của con vật. Hường đã mang thai được mấy tháng rồi, nên nàng hay bị nôn mửa, bất cứ cái gì bất bình thường, như một mùi tanh tưởi, một hình ảnh nhờm tởm, cũng đều là tác nhân hành hạ cái bao tử của nàng.
Buổi chiều, Tấu từ bến xe trở về, trông thấy vợ nằm đắp mền rên ư ử, bếp núc lạnh tanh, Tấu bất mãn lắm. Đã chẳng lo lắng hỏi han vợ ra nông nỗi làm sao, hắn còn hậm hực chửi mắng nàng. Sau chuyến xe đường dài từ Sài Gòn về, bụng đói cồn cào, Tấu định ghé hàng cơm bến xe kêu một dĩa cơm, nhưng khổ nỗi trong túi lại rỗng tuếch, bởi đã thua sạch trong cuộc đỏ đen với bọn tái xế và lơ xe trên bến xe Sài Gòn, nên Tấu lấy chiếc xe đạp gởi trong văn phòng hãng xe lếch thếch đạp về, lòng hy vọng vợ sẽ dọn cho một mâm cơm nóng sốt. Hường khóc lóc kể tình thật cho Tấu rõ chuyện bọn chuột rắn sau nhà, van xin Tấu làm ơn phát quang đám cỏ. Hường ôm bụng rên rỉ:
-Anh không thương em, em cũng không dám oán, nhưng xin anh hãy xót thương cái bào thai này, nó là của anh, em phải sống để con được mở mắt nhìn đời... Em sợ chuột với rắn lắm anh ơi...
Tấu sa sầm mặt chẳng nói năng gì, hắn ra sàn nước tìm nồi gạo, trong lòng định tự nấu lấy. Nhàn nhã đã lâu thành thói tật, cái gì cũng đã có Hường lo liệu cho, giờ đây Tấu thấy ngại ngùng không muốn làm gì hết, hắn đặt cái nồi gạo lên cái bàn tròn nhỏ, rồi đi trở vào phòng ngủ lạnh lùng hỏi vợ:
-Còn tiền không, đưa tao vài chục đi ăn tiệm coi, đói thấy mẹ...
Hường gượng ngồi dậy nắm chéo áo thấm nước mắt, sụt sùi:
-Em đâu còn đồng nào, nhà hết gạo rồi, anh còn cho em xin...
Tấu há hốc mồm nhìn vợ từ đầu đến chân, rồi hắn cười ha hả:
-Tức cười quá, tao hỏi tiền mầy, mầy lại xin tiền tao.
-Vậy chớ tiền đi xe của anh đâu"
Tấu trợn mắt:
-Hết rồi!
Hường tái xanh mặt mày:
-Trời ơi, rồi tiền đâu em mua gạo, em còn phải ăn cái gì cho con mình nữa chớ anh.
Tấu gãi đầu:
-Thì mầy qua nhà hàng xóm mượn đỡ năm ba chục coi"
Hường cúi đầu ủ rủ:
-Mượn hoài chưa trả hết, người ta không cho mượn. Anh chạy xe nhiều tiền lắm, làm sao mà hết được"
-Mày nói tức cười, lơ xe chớ bộ ông vua sao mà nhiều tiền!
-Nhưng ít ra anh cũng đem về cho em để em đi chợ chớ"
Đến lượt Hường nhìn chồng từ chân lên đầu bằng ánh mắt nghi ngờ:
-Hay là anh cho con nào ăn hết rồi"
Tấu nạt lớn:
-Nói bậy, con nào mà con hả.
Hường thút thít:
-Chớ sao không còn tiền, phải mà, Sài Gòn gái đẹp thiếu gì!
Tấu đứng dậy:
-Thôi để tao đi...
Hường hốt hoảng nắm tay chồng:
-Anh đi đâu, không đưa tiền là tui không cho anh đi.
Tấu hất tay vợ dùng dằng:
-Vài hôm nữa đã.
Hường vẫn bám nhủng nhẳng vào cánh tay chồng khóc lóc:
-Anh đưa tiền mua gạo, mẹ con tui đói quá...
Tấu nghiến răng tàn nhẫn xô Hường ngã chúi xuống giường:
-Tao nói để vài hôm nữa là vài hôm nữa...
Trong đầu Tấu hiện ra cảnh sát phạt hào hứng, ồn ào của bọn bạn trên chiếc chiếu trong văn phòng ngoài bến xe, hắn xoay đầu nhìn quanh tìm một vật gì đáng giá trong nhà để tháu cáy, với hy vọng sẽ gỡ gạc được ít tiền. Nhưng có còn gì nữa đâu, căn nhà trống trơn thảm thương quá rồi. Chợt ánh mắt Tấu sáng lên niềm hân hoan khi nhìn thấy sợi dây chuyền trên ngực Hường lấp lánh dưới ánh đèn đêm, hắn khệnh khạng bước tới âu yếm đỡ nàng lên, giọng mật ngọt:
-Anh xin lỗi em, để anh đi ra ngoài chút rồi đem tiền về, anh mua cơm về cho em ăn luôn. Bây giờ, e hèm... em làm ơn cho anh mượn sợi dây chuyền của em nghe"
Linh cảm một điều không lành, Hường vùng ra khỏi vòng tay chồng, nàng giương mắt trân trối nhìn Tấu hỏi gằn:
-Muốn nướng luôn hả, cái này là kỷ niệm của má tui, bà ngoại tui cho má tui, rồi má cho tui, con lớn lên lấy vợ lấy chồng thì tui cho con, anh không lấy được đâu.
Tấu trở mặt ngay, hắn biết Hường vốn yếu đuối, hắn sẽ hùng hổ làm dữ, thế nào nàng cũng chịu khuất phục:
-Tao bảo đưa là đưa, tao cần nó, mày không đưa tao giết mày!
Cơn uất ức mà nàng mang mển trong lòng bấy lâu nay bỗng vỡ bùng lên như con sóng thần vỗ vào ghềnh đá, Hường gào to:
-Ừ, mày giết tao đi, giết mẹ con tao đi... Mày là con người bạc nghĩa bạc hạnh, mấy năm nay sống với mày tao có được hạnh phúc ngày nào đâu...
Ngừng lại để thở, Hường khập khểnh đi xuống bếp, Tấu nắm vai vợ gầm lên:
-Mày đi đâu"
-Tao đi nấu cháo, đói quá rồi, mày muốn ăn thì ngồi đó chờ... Ái...
Hường cứ bù lu bù loa mày tao chi tớ với Tấu, trong lúc bất ngờ gã chồng giật đứt được sợi dây chuyền trên cổ nàng. Đâu thể để mất vật gia bảo truyền đời, Hường quay lại lao vào Tấu bằng tất cả sự thịnh nộ của một con người bị dồn vào đường cùng, nàng phóng lên vòng tay bám vào người Tấu, những cái móng tay nhọn cào cấu khuôn mặt đen nhẻm của hắn, dữ dằn như một con mụ điên:
-Trả lại cho tao, tao giết mày...
Làn da mặt sần sùi của Tấu đã ửng lên mấy đường dài rướm máu, thấm đòn đau, Tấu cũng nổi điên lên như Hường, hắn co gối lên thúc ngược vào ngực vợ. Hường hự lên một tiếng đau đớn loạng choạng ngã bật vào vách đánh thình một tiếng, đến đỗi bà già hàng xóm cùng chung vách đang lúi húi dưới bếp phải giật mình, bà già lẩm nhẩm:
-Rồi, lại đánh nhau nữa, ngày nào như ngày ấy, chặc, tội nghiệp quá, con nhỏ dễ thương mà lấy thằng chồng vô lại...
Bà già ngừng việc rón rén bước đến bên vách áp tai vào nghe. Hường đã hoàn toàn mất trí, nàng chỉ biết rằng nếu để Tấu thoát ra cửa thì sợi dây chuyền của mẹ nàng từ giây phút đó sẽ tan biến vào cõi hư vô, không bao giờ có thể tìm thấy lại được nữa. Hường không tiếc sợi chuyền vàng cho chính nàng, mà là cho đứa trẻ còn đang tượng hình trong bụng, sợi dây bảo vật này là của con nàng. Hường nhảy lên bám vào chiếc lưng to như tấm phản của Tấu, trông chẳng khác nào một con thằn lằn nằm trên cái cột đình làng, mười cái móng nhọn quấu chặc vào cổ hắn:
-Tao giết mày, thằng khốn nạn...
Tấu thúc cùi chỏ vào ngực vợ một cú như trời giáng. Một lần nữa, Hường lại rơi xuống, thảm thê như một cái bao cát mục. Tấu cười nhạt đưa sợi dây chuyền lên cao ngắm nghía:
-Làm gì dữ vậy, tao sẽ đem về trả mày cả vốn lẫn lời mà.
Hường bỏ chạy xuống bếp rút ngay con dao nhọn, nàng đuổi theo gã chồng đang đi nhanh ra cửa, căm hờn thét lên:
-Đứng lại, tao cho mày cái này!
Tấu ngơ ngác xoay người để xem Hường định đưa cho hắn cái gì, thì ánh thép của con dao đã lóe lên trước mặt. Là một tay anh chị đứng bến xe, Tấu còn lạ gì trò đánh nhau như trẻ con của Hường, bởi hắn còn đụng độ nhiều trận đổ máu kinh khủng hơn nhiều, gã vô lại lách qua một bên để tránh đường dao. Xoẹt, lưỡi dao lướt sát qua bụng Tấu cứa một đường dài. Một cảm giác nhói đau nóng hực ngay những rẽ xương sườn, Tấu biết mình đã ăn trúng dao của Hường, hắn gầm lên giận dữ:
-Mày tưởng tao không dám giết mày hả"
Nhanh như chớp, Tấu nắm lấy cánh tay Hường bẻ quặt về sau, bàn tay còn lại giật lấy con dao. Cơn đau cùng với bản năng hung ác của một con người, không còn kiểm soát được lý trí nữa, gã vô lại quành tay lên thít chặc cổ Hường, con dao đâm mạnh vào cái bụng mum múp của nàng, bàn tay hắn ấn mạnh sâu thêm vào. Hường rú lên thảm thiết:
-Bớ người ta... nó giết tôi...
Bà Lắm biết có chuyện to đến nơi rồi, tiếng kêu dẫy chết của Hường ghê rợn quá, bà già run cầm cập mở cửa chạy sang, vừa chạy vừa kêu:
-Chuyện gì... chuyện gì... thủng thẳng nói... đừng có...
Bà già quính quáng vấp cái ngạch cửa ngã nhào lăn trên nền nhà, nhưng vẫn nghe rõ chuỗi tiếng rú rùng rợn của Hường. Nghe động ở phía trước, Tấu buông cái xác đã mềm nhũn và gần như bất động của vợ cho rơi xuống đất rồi phóng ra cửa sau chạy băng băng qua khoảng sân ngập cỏ. Gã sát nhân dễ dàng nhảy qua cái hàng rào xiêu vẹo và mất biến vào cõi đêm đen đặc. Bà Lắm lập cập vừa bò vừa lết đến gần cái xác rũ rượi của Hường, bà thương nàng lắm vì lúc rãnh rỗi Hường thường qua bầu bạn, giúp đỡ bà những chuyện lặt vặt trong nhà. Bà lão ôm cô gái lên khóc rống:
-Hường, Hường... con làm sao rồi... đừng làm bác sợ... Trời ơi!
Bà Lắm đã nhìn thấy con dao oan nghiệt cắm sâu vào bụng cô cháu, máu thấm loang đỏ cả một khoảnh ngực áo của nàng. Hường cố mở hé đôi mắt đục ngầu nhìn bà Lắm, đôi môi tái nhợt thều thào:
-Con... con... đau quá bác... ơi, làm ơn... gọi xe... con không muốn... chết...
Từ cái càm móm mém của bà lão tuôn ra những chuỗi âm thanh nức nở:
-Con ráng nằm đây... bác chạy kêu người...
Bà lão đặt Hường nằm xuống, bà chạy ra trước cửa kêu cứu:
-Bớ hàng xóm... thằng Tấu đâm con Hường!
Mấy người đàn ông ở trong những căn nhà xa gần ngoài lộ, nghe tiếng cãi vả ầm ĩ cũng đã kéo nhau đến, bà Lắm bảo ngay:
-Mấy chú mạnh khỏe vô coi đỡ con Hường lên giường, để tui chạy ra đường kiếm xe...
*
Tấu đã bò sát được đến cái hàng rào đầy dây leo dại, hắn đưa tay mày mò tìm cái khoảng trống, mà dân gian gọi là cái lổ chó. Tấu không muốn đứng thẳng người leo qua hàng rào, vì sợ có người bắt gặp. Những kẻ sát nhân giết người không gớm tay, nhưng lại rất nhút nhát sau khi đã thực hiện xong tội ác. Được một lúc, Tấu khẽ kêu lên đắc ý. Hắn đã tìm thấy một cái lổ chó để chun vào sân sau nhà gã. Căn nhà sau cơn án mạng vắng tanh, chỉ có bọn ếch nhái đua nhau kêu oàm oạp trong đám cỏ ống. Tấu đã chạy trốn ẩn thân vào trong một khu vườn rậm rạp nằm kề bên một cái tịnh xá của những nhà tu khất sĩ. Thuở đó, hãy còn nhiều khu đất hoang vu ít người cư ngụ, chỉ có những vườn cây tạp, lẫn lộn các thứ cây cho trái như vú sữa, mít, măng cụt, xoài và chuối. Những năm về sau, khi cường độ chiến tranh lên cao, người dân miền quê dắt díu nhau chạy ra thành phố lánh nạn, những căn nhà lá đơn sơ đã dần mọc lên. Người ta dựng nhà vội vã không theo một trật tự nào, cứ thấy đất trống là cắm cọc, dựng nhà hỗn loạn tùy thích, nên những con hẻm đã dần hình thành từ phía sau của những con đường lớn.
Kiên nhẫn nằm giữa đám chuối rậm đến tận nửa đêm, Tấu lò mò luồn lỏi theo những ngõ hẽm quanh co trở về nhà. Hắn như một con chồn tinh quái, suy đoán rất đúng rằng, bọn cảnh sát đang bủa lưới giăng bắt hắn khắp thành phố, nhưng không ai có thể nghĩ rằng gã sát nhân lại dám mò về nhà ngay trong đêm án mạng. Nên Tấu được an toàn và ung dung bò vào. Tấu tìm kiếm cái gì trong căn nhà còn tanh nồng mùi máu của Hường. Gã hy vọng chiếc xe đạp vẫn còn nằm dựa vách, vì Tấu cần chiếc xe đạp để di chuyển được nhanh hơn. Tấu đã vạch ra một kế hoạch đào thoát hắn tự đắc cho là rất thần sầu. Trước hết, Tấu sẽ mò về nhà tìm cho bằng được chiếc hộp thiếc bánh biscuit đựng tiền mà hắn chôn dưới giường ngủ. Tuy là một gã vô lại cờ bạc và nhậu nhẹt bạt mạng, nhưng Tấu vẫn cẩn thận dấu ít tiền phòng khi thật nguy cấp. Cái cơ hội để Tấu moi chiếc hộp lên chính là lúc này đây. Khi đã có tiền rồi, thì Tấu sẽ đạp xe từng chặng lên Châu Đốc, từ đó tìm đường trốn sang Miên. Tấu có nghe nói người Việt sống quần tụ thành nhiều làng đánh cá đông dễ đến hàng trăm ngàn người quanh Biển Hồ. Ở đấy, người ta đánh cá làm khô. Cá trong Biển Hồ nhung nhúc đến nổi chỉ cần chèo ghe ra lấy rổ xúc, là đã có thức ăn cho một ngày, nhất là trong mùa cá linh. Cá linh là một loại cá nhỏ như cá cơm hay lòng tong, thịt ngọt nên người dân miền quê thích làm nước mắm cá linh, mùi vị thơm ngon chẳng kém nước mắm cá cơm Phú Quốc là mấy. Đến mùa hội, cá linh nhiều hằng hà sa số trong Biển Hồ và trên con sông Tonglé Sap chảy vào hồ. Nhưng cá lóc mới là nguồn lợi chính của dân chài vùng Biển Hồ. Người Việt lưới cá lóc xẻ ra ướp muối phơi làm khô, lái cá bên Việt Nam đi ghe sang mua khô đem về phân phối trong các chợ lớn thành phố. Một số người khác lại thích mua nhiều cái lu thật to để chứa cá làm mắm. Người Việt cần cù, chăm chỉ, thông minh nhiều mánh lới, người Miên hiền lành chất phác hơn, đã không cạnh tranh nổi với người Việt, đành phải phó mặt nguồn lợi Biển Hồ vào tay ngoại nhân. Tấu biết rằng kỹ nghệ lưới và làm cá lóc khô hay lằm mắm cần nhiều nhân công, nên hắn có thể sang đó cải tên đổi họ, sinh cư lập nghiệp ở đó, để làm lại cuộc đời.
*
Khi chiếc Jeep chạy vừa đến con hẽm Cây Mít, thì cô gái đã chồm người lên vỗ vào vai anh tài xế, Hải nhanh nhẩu thông dịch ngay:
-Dừng xe lại đi Tỏ, chắc đến nhà cô ấy rồi.
Hải phóng ra trước đứng chờ. Cô gái bước xuống gật đầu với mọi người tỏ vẻ cám ơn. Hải làm một điệu bộ mà cô gái hiểu ngay, rằng anh muốn đưa nàng vào tận nhà cho được an toàn. Hải nhìn Thân chờ cái gật đầu của chàng. Người thanh tra thở ra:
-Thôi được, tôi với anh Tỏ ngồi ngoài này chờ, anh nhớ trở ra nhanh đấy nhé.
Thân lơ đãng nhìn theo hai cái bóng người khuất dần trong con hẽm dài hun hút dầy đặc bóng đêm. Từ mặt sông, thỉnh thoảng một cơn gió thổi lên, Thân kéo cao cổ áo, chàng rút gói thuốc mời Tỏ, hai thầy trò ngồi trên xe phì phà thuốc. Thân đã hút hết hai điếu thuốc Ruby mà vẫn chưa thấy cảnh sát viên Hải trở ra, chàng sốt ruột vô cùng. Điếu thuốc đã tàn đến tận ngón mà Hải vẫn biệt tăm tích, Thân nhún vai rút ra một điếu thuốc nữa, lòng thầm nghĩ có lẽ cái nhà của cô gái ấy ở tận cuối con hẽm chăng. Nhưng khi điếu thuốc thứ hai đã tàn, mà Hải vẫn không chịu xuất hiện, thì Thân biết ngay là có chuyện chẳng lành. Ném mẫu thuốc còn cháy dở xuống đất, Hải vén áo bước ra khỏi xe:
-Anh ngồi đây chờ tôi, nhớ mở máy liên lạc, nếu tôi gọi thì anh trả lời và nghe theo lệnh tôi.
-Dạ, ông thanh tra cứ tin tôi.
Đã đi được mấy bước, Thân quay lại ngần ngừ:
-Nếu lâu quá mà không thấy tôi với Hải trở ra thì anh gọi cho Ty liền nghe!
Tỏ rùng mình ớn lạnh:
-Hay là thầy để tui đi theo hộ vệ"
Thân khoát tay:
-Không cần, anh cứ ở ngoài này và nhớ lời tôi dặn...
Đến lượt anh tài xế rút thuốc Bastos ra hút. Bắt chước người thanh tra, thầm nhủ lòng, tàn hai điếu thuốc mà thầy trò Thân không lộ diện thì Tỏ sẽ gọi về Ty xin tiếp cứu khẩn cấp ngay. Những hơi thuốc cuối cùng của điếu thuốc thứ hai đã được phóng ra khỏi mũi, mà Thân vẫn biền biệt, một sự kiện kinh dị trong đời lái xe đi tuần của Tỏ. Anh định bốc cái ống nói của hệ thống liên lạc gắn trên xe báo cáo về Ty, thì bỗng nhiên từ trong máy rè rè vọng ra tiếng gọi hốt hoảng của Thân:
-Cảnh sát viên 347, đây thanh tra Thân gọi, nghe rõ trả lời"
Tỏ mừng quính, anh áp miệng vào ống nói:
-347 nghe năm trên năm, chờ lệnh.
-Trời ơi, ghê quá... Anh... gọi Ty bảo đem xe cứu thương đến ngay...
-Có cần viện binh không"
-Không cần, gọi ngay đi...
Một vài giây phút sau.
-Chuyện gì vậy ông thầy"
-Một xác chết cộng với hai người ngất ngư trong căn nhà án mạng...
*
Đã quá nửa đêm, thời gian chậm chạp trôi trong màn đêm âm u bao phủ căn nhà xác Những con người trực nhà xác khốn khổ đang chìm sâu vào giấc ngủ sau những sự kiện hãi hùng. Công nằm phía ngoài cùng, quá mệt mỏi, chàng đã thiếp đi không biết là bao lâu, đột nhiên từ tiềm thức, Công nghe tiếng còi xe cứu thương rộn rã từ ngoài xa vọng vào. Tiếng còi hụ càng lớn dần, dường như đã ngay sát bên hiên nhà. Rồi có người nện thình thình vào cửa cùng tiếng gọi:
-Có ai trực không, ra mà nhận xác mới này!
Khi chiếc xe cứu thương đã quày đầu chạy ra khỏi khu nhà xác thì năm con người cùng ngủ chung trong căn phòng nhỏ đứng quây quần chung quanh cái thây của Tấu. Lệ lè lưỡi:
-Eo ơi, ghê quá, cái dáng của anh chàng này còn rùng rợn hơn của cô Hường nữa, giống như bị ai bóp cổ vậy đó.
Trong lòng Công đang nung nấu một dấu hỏi lớn về cái bóng ma của Hường lang thang ngoài hành lang nhà xác từ mấy tiếng đồng hồ trước, chàng quay qua hỏi Bác Tám:
-Bác Tám làm ơn mở cái ngăn chứa xác cô Hường cho con kiểm lại chút được không"
Ông lão đưa mu bàn tay lên quẹt dôi mắt kèm nhèm vì hãy còn ngái ngủ:
-Cậu sợ nó nhảy ra đi bóp cổ cái ông này à"
-Bác không nhớ chuyện con mèo đen hồi hôm sao"
-Ừ, vậy để tui mở coi sao"
Bác Tám lom khom đi đến bên những cái hộc chứa xác:
-Có thành ma thành quỷ gì thì ngày mai người ta cũng đem mấy cái xác trong này đi chôn rồi.
Nói là nói vậy, nhưng đang đứng đối diện với một cái thây ma thành quỷ nhập tràng, bác Tám cũng thấy rờn rợn lắm, bàn tay đầy những vết nhăn và đồi mồi của bác run run tra chìa khóa. Công bước đến gần nhón chân lên nhìn vào. Bác Tám kéo cái hộc ra, bỗng bác vui vẻ kêu lên:
-Còn nằm đây mà...
Công thở ra một hơi dài, tự chế giễu mình đã quá nhát sợ những ảo ảnh không có thật. Công tự hứa với lòng rằng, từ nay dù có bạn trực hay không, chàng sẽ vẫn ngủ một mình trong căn phòng phẫu nghiệm này.
Trưa ngày hôm sau, mấy chú y công nhận lệnh ban giám đốc, rằng cảnh sát đồng ý cho đem xác cô Hường mai táng ngoài nghĩa trang. Hung thủ giết cô Hường là Tấu cũng đã chết. Báo cáo phẫu nghiệm của Lệ đã được gởi sang cho Ty Cảnh Sát. Hường mồ côi cha mẹ, thân nhân không có, trong khi cái xác của Tấu được người nhà gã đến nhận đem về chôn cất. Cái thây của Hường được chú Ba và chú Sáu cho vào một cái hòm ghép bằng những mảnh ván xoài rẻ tiền. Trong lúc tẩn liệm, bỗng chú Sáu nhìn thấy sợi dây chuyền trên ngực Hường, chú nháy mắt với chú Ba, vì chú Ba cũng đang chằm chằm hướng mắt vào:
-Anh Ba nghĩ sao, chẳng lẽ bỏ nó thì uổng quá"
Chú Ba chặc lưỡi ngần ngừ:
-Trăng với sao gì nữa, cứ chơi đại một cú chia hai mua rượu nhậu, sơi dây coi bộ nặng nghe anh Sáu.
-Sức chơi sức chịu nghe, có gì thì tui với anh cùng lãnh đó.
Chú Ba xua tay:
-Ối, ăn thua gì, chỉ có tui với anh, ai biết!
Tuy nói cứng như vậy, nhưng khi nhìn đôi mắt hãy còn mở trợn trừng của Hường đang hướng lên, chú Sáu cũng thấy chột dạ:
-Anh lấy đi, tui sợ quá.
-Cái thằng cha này, bộ tướng coi hùng hổ vậy mà nhát như thỏ.
Vừa nói chú vừa đưa tay mở lấy sợi dây chuyền . Đột nhiên có một tiếng thở dài thườn thượt dưới bàn tay của chú Ba, làm chú giật mình xoay đầu nhìn người bạn:
-Thở gì dữ vậy cha"
Chú Sáu ngơ ngác lắc đầu:
-Đâu có, chắc là gió lùa bụi chuối đó ông!