Vụ Affair Vinashin Chống Phá Nhau Ở Trung Ương Để Giữ Ghế Chia Phần Trong Đại Hội 11
Âu Dương Thệ
Chỉ còn vài tháng nữa sẽ diễn ra Đại hội 11, nơi sẽ quyết định số phận danh vọng và tiền bạc của nhiều nhân vật trong chế độ độc tài toàn trị. Vì thế cuộc tranh đua giành giật giữ phần các ghế cao, các chỗ hái ra tiền ở trong Bộ chính trị, Nhà nước, Quốc hội…đang diễn ra rất ráo riết, quỉ quyệt và rất tàn bạo. Đầu tháng 7 Ủy ban Kiểm tra Trung ương của Đảng Cộng Sản đã công bố danh sách những sai phạm lớn của nhiều tổ chức Đảng và chính phủ. Trong số này phải kể tới Tập đoàn Công nghiệp Tầu thủy Việt nam thường được biết với cái tên Vinashin, đây là một doanh nghiệp Nhà nước. Gần một tháng sau Chủ tịch Hội Đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc điều hành Phạm Thanh Bình đã bị bắt tạm giam. Nhưng có lẽ Nguyễn Tấn Dũng đã cảm thấy đây là luồng gió độc có thể hại mình, nên chỉ một tuần sau khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương thông báo thì ông Dũng đã ra lệnh đình chỉ nhiệm vụ của Phạm Thanh Bình trong Vinashin để vừa chứng tỏ là ta cứng rắn đồng thời cũng để trừ hậu hoạn.
Chỉ trong thời gian vài năm Phạm Thành Bình đã trở thành một nhân vật quan trọng và có quyền lực từng cai quản trên 200 tổng công ti và công ti với số nhân viên lên tới trên 70.000 người. Đã có một thời gian sự ưu đãi của Chính phủ cho Vinashin đến nỗi “không biết dùng tiền đề làm gì“! Nhưng từ khi Phạm Thanh Bình bị bắt báo chí của chế độ mới bắt đầu moi ra cách mở rộng Vinashin rất ồ ạt ra đủ mọi ngành từ cửa hàng Auto Vinashin tới trại nuôi lợn Vinashin và nhất là các phương pháp chi tiêu hàng trăm tỉ đồng, do thuế của dân, một cách vô cùng phí phạm của Phạm Thanh Bình như vất bạc tỉ qua cửa sổ! Không những thế Phạm Thanh Bình còn cho con trai, em trai, em vợ vào giữ những chức vụ quan trọng trong Vinashin.
Ngày 4.8 trong cuộc họp nội các Nguyễn Tấn Dũng đã cho công bố Thông báo của Văn phòng Chính phủ về Vinashin và mãi 4 ngày sau (8.8) mới công bố Kết luận của Bộ chính trị ngày 31.7 về Vinashin. Mới thoạt đọc qua, người ta có cảm tưởng như nội dung hai văn kiện này khá giống nhau. Nhưng phân tích kĩ thì sẽ thấy có những điểm rất khác lạ từ nội dung cho tới cách xếp đặt thứ tự, thậm chí kình chống lẫn nhau và chứa đựng những câu hỏi lớn cho các quan sát viên theo dõi tình hình nội bộ nhóm lãnh đạo Đảng Cộng Sản VN. Hai bản văn của Bộ chính trị và Chính phủ cho thấy một bên đổ tội cho bên kia, trong khi ấy bên kia thì tìm cách lại đổ lỗi từ các yếu tố bên ngoài, dù rằng cả hai bên trong hai văn kiện quan trọng này không một nhân vật nào trong Bộ chính trị cũng như Chính phủ bị nêu đích danh. Nhưng nếu phân tích kĩ thì Bộ chính trị đã đưa ra cả một chuỗi những kết án và buộc tội ai đã là thủ phạm chính đứng đằng sau các vụ ném hàng chục ngàn tỉ đồng tiền thuế do mồ hôi nước mắt của người dân qua cửa sổ của Vinashin trong suốt bốn năm qua.
Hàng ngàn tỉ đồng tiền thuế của dân đã bị ném qua cửa sổ như thế nào "
Cả Kết luận của Bộ chính trị lẫn Thông cáo của Chính phủ cho biết, tổng số nợ của Tập đoàn Công nghiệp Tầu thủy Việt Nam (Vinashin) đã lên tới 86.000 tỉ đồng (khoảng 4,5 tỉ USD). Nếu so với tổng sản lượng của VN hiện nay khoảng 100 tỉ USD/năm thì đây là một món nợ rất lớn. Thử làm một sự so sánh: Nếu đem số nợ của Vinashin gây ra cho ngân sách nhà nước VN đối chiếu với tổng sản lượng của Mĩ (2008) là 14.265 tỉ USD thì số nợ sẽ lên tới trên 630 tỉ USD. Hãy thử tưởng tượng một cơ quan của chính phủ Mĩ hoạt động sai phạm đã gây ra món nợ 630 tỉ USD cho nhân dân Mĩ thì người dân Mĩ sẽ phản ứng như thế nào và chính phủ Mĩ sẽ bị điêu đứng và khiển trách ra làm sao"
Con số nợ thực sự của tập đoàn nhà nước Vinashin có lẽ còn cao hơn nhiều. Từ giữa tháng 6. 2006, chỉ ít ngày trước khi Nguyễn Tấn Dũng được cử làm Thủ tướng (TT) (khi ấy ông Dũng đang làm Phó Thủ tướng Thứ nhất phụ trách kinh tế thời TT Phan Văn Khải), Vinashin từ Tổng công ti đã được nâng cấp thành Tập đoàn. Từ đó suốt bốn năm làm TT, Nguyễn Tấn Dũng đã để cho Tập đoàn Vinashin được hầu như tự do hoạt động. Ông Phạm Thanh Bình vừa là Chủ tịch Hội Đồng Quản Trị còn kiêm cả Tổng giám đốc điều hành. Nghĩa là trong Vinashin ông Bình vừa thổi còi vừa đá bóng, toàn quyền trong mọi quyết định theo cách tiền trảm hậu tấu. Báo chí trong nước tường thuật, có những trường hợp hôm trước ông Bình vừa mới thông báo cho Nguyễn Tấn Dũng quyết định mua tầu thì chỉ ngày hôm sau ông đã đặt đơn mua hàng không cần chờ các cơ quan kiểm tra. Điều này cho thấy sự tin cậy cá nhân đã thay thế qui chế điều hành của Chính phủ đối với một doanh nghiệp nhà nước. Nguyễn Tấn Dũng đã khoán trắng cho Phạm Thanh Bình đến mức độ như thế nào trong các hoạt động của Vinashin! Nhưng mặt khác cũng cho thấy sự lẫn lộn giữa công và tư, nói một cách khác là các qui định của chính phủ trong việc điều hành các doanh nghiệp nhà nước đã bị coi thường. Nghĩa là người đứng đầu chính phủ hoàn toàn thiếu trách nhiệm trong việc theo dõi các hoạt động của Vinashin . Cũng như Nguyễn Tấn Dũng, Phạm Thanh Bình là người Cà mâu. Nhưng cho tới nay chưa thấy tiết lộ là hai người này đã có những liên chặt chẽ với nhau như thế nào và từ bao giờ.
Đúng ra nhiệm vụ chính của Vinashin là đóng tầu thủy mới và sữa chữa tầu. Mục tiêu của nhóm lãnh đạo đưa ra là Vinashin phải trở thành mũi nhọn của kinh tế VN, nhất là sau khi Hội nghị Trung ương một số năm trước đã có quyết định là từ nay tới 2020 kinh tế biển phải trở thành trọng tâm của kinh tế VN. Trong một cuộc phỏng vấn trước bị bị bắt tạm giam Phạm Thanh Bình đã mô tả mục tiêu to lớn và lâu dài của Vinashin là muốn dùng đường vận chuyển biển thay cho đường bộ và đường sắt, ông đã thuyết phục những người trên ông về mục tiêu này. Có lẽ vì thế cho nên thay vì lo đóng tầu (đòi hỏi thời gian rất dài cả hàng chục năm –từ khi học tập kĩ thuật đóng tầu biển cho tới khi phát triển) từ năm 2006 Phạm Thanh Bình đã biến Vinashin thành nơi nhập khẩu các tầu của nước ngoài, đặc biệt lại là những loại tầu cũ.
Báo chí trong nước đã cho biết, chỉ trong vòng hai năm 2006-07 Phạm Thanh Bình đã kí quyết định cho mua tới 10 tầu ngoại quốc cũ với tống số là trên 3.000 tỉ đồng. Trong số này có những tầu cũ đến nỗi đã phải bỏ ra hàng trăm tỉ đồng để tu sửa và canh tân trở thành “khách sạn 3 sao“ trên biển chở khách Bắc-Nam, như tầu Hoa sen trị giá 60 triệu Euro nhưng chỉ dùng được vài lần đã phải buộc neo ở hải cảng Nha trang. Hay tàu Bạch Đằng giang trị giá trên 168 tỉ đồng, sau nhiều lần tu sửa và nâng cấp thành “khách sạn 4 sao“ nhưng sau thời gian dài để phơi nắng phơi sương, cuối cùng phải bán thanh lý phần thân vỏ tàu sắt vụn để thu được 66 tỉ 190 triệu đồng. Chỉ riêng hai việc này ngân sách Nhà nước, tức thuế của nhân dân, đã mất hàng trăm tỉ đồng… Sở dĩ Phạm Thanh Bình đã có thể chi tiền rộng rãi như thế là vì chính phủ của Nguyễn Tấn Dũng đã ưu đãi đặc biệt về tài chánh cho Vinashin. Vinashin đã được Chính phủ đứng bảo lãnh để vay nước ngoài 750 triệu USD. Chỉ tính riêng từ 9.2006 đến 4.2007, Vinashin đã phát hành 6 đợt trái phiếu trong nước với tổng số tiền huy động lên đến 8.300 tỉ đ. và các khoản vay khác tổng giá trị lên tới 13.672 tỉ đ... . Ngay cả năm 2009 Chính phủ lại vẫn cho Vinashin phát hành thêm 3.000 tỉ đồng trái phiếu.
Nói tóm lại, so với vụ tham nhũng nghiêm trọng PMU 18 trước đây 5 năm thì vụ tiêu sài phí phạm và gây món nợ cho nhà nước 86.000 tỉ đồng của Vinashin còn cao hơn nhiều. Đứng về phương diện quản trị tài chánh công và phát triển kinh tế thì các hoạt động của Vinashin trong bốn năm qua rõ ràng là đã phá hoại tài sản của nhân dân, lũng đoạn tài chánh công và làm tan nát kinh tế VN!
Nhưng so với vụ tham nhũng nghiêm trọng PMU 18 trước đây thì trong vụ Vinashin cho tới thời điểm này các bên còn tự kiềm chế chưa nêu tên các nhân vật chính. Có lẽ các phe sợ rằng, nếu làm quá thì phía bên pkia cũng có thể có phản ứng quá mạnh ngược lại, vượt qua tầm kiểm soát cho cả hai bên, từ đó có thể đưa tới thiệt hại chưa thể lường được. Cho nên các bên chỉ tập trung đổ tội một mình cho Phạm Thanh Bình.
Trong khi ấy các báo chí của chế độ cũng giữ thái độ tránh né, viết theo “lề phải”. Cho tới nay các bài báo chỉ tập trung tố cáo sự lạm dụng quyền hành của Phạm Thanh Bình trong việc chi tiền và cất nhắc cả con trai, em trai… Các báo không dám nêu ai đứng đằng sau bảo vệ cho ông Bình chi tiêu hàng ngàn tỉ đồng trong vài năm qua. Có thể họ rút kinh nghiệm đau khổ của một số đồng nghiệp trong vụ PMU 18 vì đã dám viết bài tố một số tham quan lớn đính lúi ăn bẩn, nên sau ĐH 10 một số Tổng biên tập đã bị cách chức và một số nhà báo đã bị bắt giam.
Bộ chính trị đổ lỗi cho Chính phủ
Ngày 31.7 Ban cán sự Đảng Chính phủ, đứng đầu là Nguyễn Tấn Dũng đã phải báo cáo Bộ chính trị về các nguyên nhân đưa tới tình trạng nợ nần quá lớn của Vinashin trong thời gian ông Dũng làm TT. Trong Bộ chính trị hiện nay vai trò của Nguyễn Phú Trọng rất mạnh và ai cũng biết hai ông Trọng và Dũng không ưa nhau, một người gian thâm và một người thích nổ. Trong bốn năm qua ông Trọng đã phê bình và chế diễu ông Dũng một số lần công khai, không những thế phe Nguyễn Phú Trọng ít nhất đã hai lần buộc tội Nguyễn Tấn Dũng đã có những sai lầm trong lãnh vực mình phụ trách. Lần thứ nhất khi Nguyễn Tấn Dũng đã để xẩy ra nạn lạm phát phi mã trong hai năm 2007-08, lần thứ hai mới xẩy ra vào giữa tháng 6 khi Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội “bác“ Siêu Dự án đường sắt cao tốc của Chính phủ. Chính trong việc này tờ Quân đội đã phải viết bài bình luận bênh vực và giàn hòa cho cả hai bên.