Đọc ‘Thắp một ngọn nến cho Thái Hà’, Tiểu luận của LM Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh ofm
Trần Phong Vũ
Một nhóm làm truyền thông, văn hóa Công Giáo ở Úc Châu và Hoa Kỳ vừa ấn hành tác phẩm “Thắp Một Ngọn Nến Cho Thái Hà” của Linh mục Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh thuộc Dòng Thánh Phanxicô Việt Nam, còn được gọi là Dòng Anh Em Hèn Mọn. Đây là tập tiểu luận dày 250 trang với 30 bài viết mang tính thời sự liên quan tới những biến cố quan trọng gần đây tại Tổng Giáo Phận Hà Nội. Khởi điểm của biến cố này là những buổi thắp nến cầu nguyện, hát Kinh Hòa Bình vào hạ bán niên 2007 của hàng chục ngàn giáo dân từ khắp nơi đổ về tòa Khâm sứ cũ và Giáo xứ Thái Hà để đòi CSVN trả lại đất đai tài sản của Giáo Hội, và qua đó, đòi phục hồi tự do, công lý, nhân quyền, nhân phẩm cho toàn dân Việt Nam.
Trang 3 tác phẩm là tấm hình màu in trên giấy láng những khuôn mặt hiền hậu, nghiêm trang, thành khẩn của những bà mẹ già tiêu biểu cho miền bắc nghèo nàn, đói khổ với những tấm áo nâu sồng, những cành thiên tuế trên tay, ngực đeo hình Nữ Vương Công Lý, ngước nhìn lên trời cao. Dưới tấm hình ghi chú, Bất chấp bản án bất công, anh chị em Thái Hà vững một niềm tin, đang làm chứng cho Công Lý và Sự Thật.” Qua trang 4, tác giả trích dẫn những câu nói thời danh: “Tự do tôn giáo là quyền chứ không phải ân huệ”, của TGM Ngô Quang Kiệt; “Giáo Phận Vinh không chỉ có một Cao Đình Thuyên, nhưng có tới 500 ngàn Cao Đình Thuyên” của GM Giáo phận Vinh; “Tự do hay là chết!” của linh mục Nguyễn Văn Lý; và “Trong tù, Chúa là bạn, là thày, và là người đồng đội của tôi” của luật sư Lê Thị Công Nhân.
Trong những trang cuối sách, tác giả chọn đưa vào 4 phụ lục gồm Thư Chung 1980 của HĐGMVN, Thư Ngỏ của các Giám Mục Việt Nam năm 2002, Thư của ông Nguyễn Thế Thảo gửi HĐGMVN và Thư trả lời của HĐGMVN. Sách in bên Đài Loan, đóng chỉ, bìa offset bốn màu, hai mép gấp vào cách trang trọng. Mặt trước, ngoài tựa sách, tên tác giả là những nét phác thảo bóng cây đèn cầy lung linh trên hình bản đồ Việt Nam, mặt sau là tấm hình màu chụp những giáo dân Thái Hà lên đường ra tòa ngày 27-3-2009. Sách có hai ấn bản: Úc Châu và Hoa Kỳ.
Một cách tóm tắt: đây là chứng từ của một linh mục thuộc Dòng Anh Em Hèn Mọn hiện sống ở Việt Nam. Nó mang giá trị cao về mặt thời sự để nói thay cho những tín hữu Công Giáo hằng quan tâm tới thân mệnh Giáo Hội và Quê Hương Việt Nam trong thời điểm vô cùng nghiêm trọng, còn mất hiện nay.
Trong mấy lời “Trước khi vào sách”, nhóm thực hiện viết:
“Gương sống đạo của những con người không có “chiều sâu” về kiến thức chỉ biết đạo của mình là đạo thà-chết-chẳng-thà-bỏ-đạo, đã lay động Lm Nguyễn Ngọc Tỉnh và như đánh bật Lm ra khỏi tháp ngà của một người từ gần 40 năm nay dành hết thời gian, sức lực cho công việc của Nhóm Phiên dịch Kinh Thánh và Các Giờ Kinh Phụng Vụ.
“Từ gần hai năm nay, Lm đã không ngừng làm tiếng vọng cho Thái Hà và những gì xảy ra sau Thái Hà, bên cạnh Thái Hà. Tiếng nói của Lm chân thành, khiêm tốn nhưng không nể nang. Lm biết nơi Lm “điểm kính các Đấng Bậc không cao” và Lm “không phải là người khéo ăn khéo nói”.
Chỉ với vài ba nét chấm phá trên đây, Nhóm Thực Hiện tác phẩm “Thắp một ngọn nến cho Thái Hà” đã phác họa cho người đọc thấy được khá đầy đủ chân dung tác giả, người mục tử già thuộc Dòng Anh Em Hèn Mọn Việt Nam. Đấy là một tu sĩ trí thức, từng du học nhiều năm ở Pháp, đã hiến dâng quá nửa đời mình cho những công trình tim óc trong Giáo Hội quê nhà, ngoài những giờ cầu nguyện, chiêm niệm, kể cả lao động thể xác theo luật Dòng. Đời Lm sẽ tiếp tục như thế cho đến ngày được Thiên Chúa gọi ra khỏi thế gian, nếu không có những biến động liên quan tới thân mệnh Giáo Hội trong mấy năm gần đây. Những biến động dẫn tới những chia xé trong lòng Hội Thánh Công Giáo Việt Nam mà cao điểm là những thay bậc đổi ngôi bất ngờ ở Tổng Giáo Phận Hà Nội tháng 5-2010.
Chính những buổi Cầu Nguyện thiết tha và lời Kinh Hòa Bình của Thánh Phanxicô Assisie vẳng lên từ tòa Khâm sứ, từ giáo xứ Thái Hà cuối năm 2007, đầu năm 2008 đã thức tỉnh người tu sĩ già gốc Quỳnh Lưu, kéo ông ra khỏi nếp sống thường nhật để bắt đầu lên tiếng.
Đấy là tiếng nói đơn thành, mộc mạc, nhưng can đảm, cương trực và dứt khoát. Tác giả không giữ lại bất cứ điều gì cho chính mình, kể cả sự an toàn bản thân, trong đạo cũng như ngoài đời, giữa một xã hội nhiễu nhương, luân thường đảo ngược, đầy bất trắc. Ba mươi bài viết là ba mươi tâm tình rướm máu, gói ghém những suy tư, những băn khoăn, thao thức sâu lắng của người viết trước những nghịch cảnh đang bày ra trong lòng Giáo Hội Công Giáo và quê hương Việt Nam. Ở một góc cạnh nào đó, nó mang âm hưởng một bản trường ca, xưng tụng những tấm gương anh hùng, quả cảm của LM Giuse Ngô Quang Kiệt, TGM Hà Nội, Lm Phaolô Cao Đình Thuyên, GM Vinh, tập thể Linh Mục Đoàn Dòng Chúa Cứu Thế và niềm tin son sắt của đông đảo giáo dân hiện diện –có lúc lên tới cả trăm ngàn người- trong những cuộc đấu tranh bất bạo động bằng lời cầu nguyện ở khắp nơi thuộc Tổng Giáo Phận Hanội mà điển hình là ở Thái Hà.
Tự nhận mình là người “không khéo ăn khéo nói”, cũng không có “điểm cao” trong thái độ “tôn kính, tâng bốc” các Đấng Bậc trong Giáo Hội theo thường tình, trong rất nhiều bài viết, linh mục Pascal đã thẳng thắn vạch trần những gì ngài nhận ra là trái với đạo lý, với đạo làm người, bất kể xuất phát từ đâu, từ hàng dân giả, giai cấp quan quyền chế độ hay hàng giáo sĩ, giáo phẩm.
Trong bài “Cứ Phải nói, dù không biết nói”, trang 130, linh mục Nguyễn Ngọc Tỉnh đã không ngần ngại lên tiếng công khai chỉ trích thái độ thiếu sòng phẳng (nếu không muốn nói là thiếu lương thiện trí thức) của Đức Cha Bùi Văn Đọc, Giám Mục Giáo phận Mỹ Tho, khi cố tình trích dẫn chỉ một phần đầu lời Tiên Tri Gêrêmia trong bài giảng tại nhà thờ Thánh Phaolô ngoại thành Rôma hồi tháng 6-2009 để biện minh cho sự im lặng của hàng Giám Mục trước những hiện tượng phản Tin Mừng đang diễn ra từng ngày, từng giờ trong lòng Giáo Hội và Đất Nước Việt Nam lâu nay. Tác giả bài viết đã trình thuật lại bối cảnh và nguyên văn đoạn Kinh Thánh liên hệ mà GM Đọc đã trích dẫn trong bài giảng, để từ đấy, nêu lên câu hỏi:
“Khi lời Đức Tổng Bình, hay gần đây là lời Đức Tổng Kiệt bị báo đài Nhà Nước cắt xén thì chúng ta phẫn nộ, nhưng khi chính Lời Chúa bị cắt xén, ta phải hiểu thế nào"”
Trong bài “Đôi điều suy nghĩ nhân đọc thư chúc Xuân Canh Dần 2010” của những vị cầm đầu TGP Sài Gòn, ở trang 179, sau khi nhắc lại những chi tiết về những điểm dị thường của lá thư liên quan tới ngày tháng (công bố trên mạng ngày 14-01-2010, cuối thư đề ngày 25-12-2009, tức là trước cả Tết Dương Lịch, 3 tuần trước ngày phổ biến và chẵn 7 tuần tính tới Tết Nguyên Đán Canh Dần là ngày 14-02-2010!) khiến dư luận từng xôn xao bàn tán, nhấn mạnh tới sự cố tình né tránh để khỏi phải bày tỏ thái độ về vụ CS đập nát Thánh Giá ở Đồng Chiêm ngày 06-01-2010, linh mục Nguyễn Ngọc Tỉnh đã thẳng thắn lên tiếng phê bình đồng tác giả lá thư Chúc Xuân là HY Phạm Minh Mẫn và GM phụ tá Nguyễn Văn Khảm về hai điểm: thứ nhất là áp đặt suy nghĩ và lập trường của mình lên người khác và thứ đến là con đường đối thoại và hợp tác hay đối đầu.
Đóng lại những suy tư của mình, ở trang 184, Lm Tỉnh viết:
“Thay vì đối đầu, hãy đối thoại và hợp tác. Nguyên tắc trừu tượng đó, ai cũng chấp nhận. Vấn đề là trong chế độ độc tài chúng ta đang sống hôm nay, đối thoại thế nào để không phải là cúi đầu xin xỏ, hợp tác thế nào để không đồng lõa với các xấu, cái sai, để được làm điều tốt, điều thiện mà không bị cấm cản, người tín hữu Thiên Chúa Giáo đang nóng lòng chờ đợi những hướng dẫn cụ thể của các vị lãnh đạo của mình”.
Nhận định về thái độ của HĐGMVN qua bài “Lên Tiếng hay không Lên Tiếng” đăng trên mạng lưới của cơ cấu này hôm 13-01-2010, khi vụ Núi Chẽ (còn gọi là Núi Thờ) ở Đồng Chiêm bị CS công khai đưa cơ giới, nhân sự, chó nghiệp vụ tới cô lập, ngăn cản giáo dân rồi đập nát Thánh Giá mới xảy ra một tuần, nơi trang 167, Lm Nguyễn Ngọc Tỉnh viết:
“Có vẻ như bản ‘Lên Tiếng’ cố tình không bàn đến vụ Đồng Chiêm (…) Đây là một chuyện động trời khiến bất cứ Kitô hữu nào cũng sững sờ và đau xót, nhưng lại chỉ có các GM giáo tỉnh miền Bắc và một GM giáo tỉnh miền Trung lên tiếng, còn tất cả các vị khác hoàn toàn làm thinh. Đây mới là điều gây thắc mắc và bất bỉnh cho mọi Kitô hữu. Khi đánh vào Thánh Giá Đồng Chiêm, nhà cầm quyền CS muốn làm một phép thử nhằm đo sức mạnh của khối CGVN. Và nay thấy thái độ của các GM trong vụ việc này, họ có thể kết luận rằng: nếu không hẳn là một con cọp giấy thì CGVN cũng chỉ là một con cọp con chưa đến tuổi mọc rằng!”
Bàn tới chủ trương “chia để trị” của CSVN, tác giả viết:
“Chia để trị’ hay ‘bẻ từng chiếc’ là sách lược của mọi chế độ độc tài. Khi chủ trương ‘chuyện địa phương nào, địa phương đó lo’ HĐGMVN đã sa vào bẫy. Và trong hoàn cảnh đó mà mong đối thoại, là tự ru ngủ mình. Làm sao đối thoại khi ở vào thế yếu, khi bị coi thường, thay vì được kính nể"”
Chưa hết, nơi trang 165, trong một bài viết ngắn dưới tựa đề “Giáo dân hơn linh mục” linh mục Pascal đã nhắc lại gương can đảm của người tín hữu giáo dân tên JB Nguyễn Hữu Vinh khi anh bị “cướp máy ảnh, bị đánh trọng thương giữa thanh thiên bạch nhật, mà những người đánh lại là những nhân viên công lực, mặc sắc phục đàng hoàng”. Sau khi cho biết: anh Vinh vốn là một kỹ sư ngành xây dựng, bình thường không thiếu cơ hội để thành công cách lương thiện, ngài viết:
“Nhưng anh ‘lỡ dại’ chui vào hàng ngũ những tín hữu Chúa Kitô (…) Anh ‘lỡ’ theo Chúa Giêsu trên bước đường thập giá (…) theo Chúa Giêsu, không phải như các ông Kinh Sư, với bao pho sách thông thái, với những kiến thức đầy mình, mở miệng ra là vi vu bao nhiêu lời đẹp đẽ. Anh cũng không so đo tính toán kiểu thực dụng, không dùng những lời hoa mỹ để biện minh cho thái độ hèn nhát của mình. Nhưng anh theo Chúa với tất cả khối óc, với cả con tim, với ngòi bút của người suy nghĩ từ những chuyện tai nghe mắt thấy, rồi ghi lại, rồi viết ra, với mục đích duy nhất là làm chứng cho Tin Mừng. Và anh đã làm những chuyện đó ngay trên đất nước của anh, của chúng ta, trên đất nước Việt Nam mang danh xã hội chủ nghĩa…”
Tác giả kết luận:
“Hơn bao giờ hết, tôi tâm đắc lời Đức cha Lê Đắc Trọng (1), ‘giáo dân thì hơn linh mục. Và giáo dân cỡ như anh, nếu không sợ hỗn, tôi sẽ nói: hơn cả giám mục nữa”.
Bên cạnh những mảng tối phát hiện trong hàng ngũ giáo sĩ, giáo phẩm, tác giả cũng hết lời ca ngợi những hành vi quả cảm của Đức Cha Cao Đình Thuyên, Giám Mục Vinh, TGM Ngô Quang Kiệt, con chim đầu đàn được tập thể giáo dân Hà Nội hết lòng yêu mến, linh mục Nguyễn Văn Lý, cô Lê Thị Công Nhân cũng như các linh mục, tu sĩ thuộc Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam. Người đọc có thể tìm thấy những ý tưởng lạc quan, tốt đẹp này qua những bài “Một vị lãnh đạo có tầm cỡ” trang 48; “Giám Mục bị tù” trang 93; “Hiện tượng Cao Đình Thuyên” trang 115; “Nỗi lòng người giáo dân Hà Nội” trang 123; “Tỏa sáng niềm tin” trang 186… Những lời tuyên bố thời danh như “Tự do tôn giáo là Quyền chứ không phải ân huệ Xin/Cho”, “Nếu có ai vì tranh đấu cho Tự Do Tôn Giáo mà phải đi tù thì tôi tình nguyện đi tù thay cho họ” của TGM Giuse Ngô Quang Kiệt; “Chuyện của Thái Hà cũng là chuyện của Vinh”, “Không phải chỉ có một Cao Đình Thuyên, mà có 500 ngàn Cao Đình Thuyên” của GM giáo phận Vinh; “Tự do hay là chết” của linh mục Nguyễn Văn Lý; “Trong tù, Chúa là bạn, là thày tôi và là người đồng đội của tôi”, “Tôi sẽ chiến đấu tới cùng cho dù chỉ còn một mình tôi”, “Đã quyết định hy sinh thì phải hy sinh đến cùng” của cô Lê Thị Công Nhân đã được linh mục Pascal lập đi lập lại nhiều lần trong các bài viết của ngài trong tác phẩm “Thắp Một Ngọn Nến Cho Thái Hà”.
Trong thư ngỏ gửi Đức Cha Nguyễn Văn Tân, GM Vĩnh Long, dưới tiêu đề “Ăn nói sao với thế hệ mai sau” được đưa vào sách trang 68, tác giả đã hết lời ca ngợi thái độ cương trực của Đức Cha Tân khi ngài công khai giãi bày sự cảm thông sâu sắc với các Nữ Tu Dòng Thánh Phaolô khi các chị “không chỉ mất nhà cửa mà còn mất cả danh dự vì bị nhà nước kết tội là đã góp phần đào tạo lớp trẻ bất hạnh trở thành ‘lực lượng chống đối cách mạng giải phóng dân tộc’ (sic!)”. Linh mục Tỉnh đã lập lại những giòng tâm sự xót xa nhưng chứa đầy hào khí của người cầm đầu Giáo phận Vĩnh Long qua những lời lẽ sau đây của Đức Cha Tân:
“Có thể tiếng nói của tôi hôm nay cũng sẽ chỉ là ‘tiếng kêu trong sa mạc’ (Mát-thêu 3,3) Nhưng tôi cần phải nói lên để các thế hệ mai sau được biết mà không cười nhạo chúng tôi là hạng người có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe, có miệng mà không nói”.
Giãi bày niềm thông cảm sâu xa với Đức GM Vĩnh Long, tác giả viết:
“Khi Đức cha tự ví mình như ‘tiếng kêu trong sa mạc’, con cảm nhận được nỗi cô đơn của Đức cha.Có điều con nhớ cách đây một hai năm gì đó, Ủy Ban Truyền Thông của HĐGM ra mắt rầm rộ. Nhưng xem ra đây chỉ là một cỗ máy có thể rất tốt, nhưng coi như chưa vận hành. Giá mà tiếng nói của Đức cha được UB này tiếp sức, để đến được với cộng đồng Dân Chúa, không những trong nước nhưng còn ở nước ngoài, chắc chắn Đức Lm sẽ được sự hỗ trợ rất lớn”.
Chấm dứt thư ngỏ, linh mục Tỉnh cũng bày tỏ nỗi tiếc xót của mình về sự thiếu vắng Ủy Ban Công Lý & Hòa Bình trong HĐGMVN, trong khi hầu hết các Giáo Hội địa phương kể cả nhiều Dòng Tu khắp thế giới đều có. Ở một đoạn khác trong bài “Nhân vụ Tam Tòa” trang 106, khi đề cập hai Ủy Ban trên, tác giả viết thêm:
“Chúng ta cần cầu xin cho tinh thần Công Đồng Vaticanô II đi vào trong cơ cấu, đi vào trong đời sống của Hội Thánh Việt Nam. Chẳng hạn chúng ta có Ủy Ban Truyền Thông Xã Hội, nhưng khi xảy ra các sự kiện như Thái Hà hay Tam Tòa thì xem ra Ủy Ban đó chỉ là một cỗ máy trùm mền mà thôi. Còn một Ủy Ban lẽ ra phải có mà đến giờ này chưa có, đó là Ủy Ban Công Lý Hòa Bình. Có được Ủy Ban đó, Giáo Hội Thiên Chúa Giáo Việt Nam sẽ có điều kiện góp phần chống tham nhũng, giảm thiểu các vụ án oan sai, trợ giúp người dân oan mỏi mòn đi tìm công lý”.
Mặc dầu sống giữa một đất nước đang bị một chế độ sắt máu vây hãm, công an trị, mọi hành vi, lời nói của người dân đều bị theo dõi và những ai bày tỏ tinh thần yêu chuộng tự do, công lý có thể bị khủng bố, bị tống giam bất cứ lúc nào, nhưng qua 30 bài viết trong tập sách của ông, linh mục Nguyễn Ngọc Tỉnh đã can đảm thọc sâu ngòi bút chỉ trích tới những nhân vật cũng như những cơ cấu cao nhất của đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam. Đối với những vấn đề chế độ thường tỏ ra úy kỵ, coi là “nhậy cảm” không muốn ai đụng chạm đến như chuyện liên quan đến Hoàng Sa, Trường Sa, chuyện ngư dân bị hải quân Tàu hà hiếp, bắt bớ, chuyện nhường cho Trung Cộng quyền khai thác mỏ Bô-xít ở Cao nguyên, thuê rừng ở đầu nguồn, kể cả tình cảnh khốn khó của đám đông Dân Oan ngày ngày kéo về vườn hoa mai Xuân Thưởng, Hà Nội, Nhà thờ Đức Bà, Sài Gòn để khiếu kiện đòi lại đất đai tài sản…, cũng thường xuyên được tác giả nhắc đến. Dưới mắt của người mục tử già Dòng Anh Em Hèn Mọn, đấy chính là những vấn đề then chốt Giáo Hội Công Giáo phải quan tâm, vì nó ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi thiết thân của Con Người vốn là đích điểm phục vụ hàng đầu của Hội Thánh.
Chắc chắn không phải ngẫu nhiên tác giả chọn đưa Thư Chung 1980 của HĐGMVN và Thư ngỏ của các GMVN năm 2002 vào phần Phụ lục tác phẩm “Thắp Một Ngọn Nến Cho Thái Hà” của ngài. Hiển nhiên tác giả muốn cung cấp cho người đọc hai chứng từ được coi là quan trọng và hết sức giá trị của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam. Dĩ nhiên, khi nhấn mạnh về tầm quan trọng và giá trị cao, chúng tôi không nói tới khía cạnh thực tiễn áp dụng qua dòng thời gian 30 năm qua mà chỉ muốn nói tới giá trị nội dung tự thân của văn kiện. Và đấy cũng là nỗi băn khoăn, thao thức của linh mục Nguyễn Ngọc Tỉnh được tỏ bày trong nhiều bài viết mỗi khi có dịp đề cập nội dung và ý nghĩa hai văn kiện này.
Bài “Đồng hành với Dân tộc” nơi trang 59, tác giả đã bàn sâu vào nội dung cả hai chứng từ trên đây để từ đấy nêu lên những nghịch lý được công luận phát hiện xuyên qua cung cách hành sử của những vị có quyền, có thế trong hàng giáo phẩm thuộc cơ cấu HĐGMVN. Qua ba bài tiếp cùng chủ đề “Ai đồng hành với dân tộc” trang 74, “Đồng hành với dân tộc: Một cơ hội lớn” trang 80, và “Giữa lòng dân tộc” trang 145, trước hết, linh mục Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh đã lột tả mặt tích cực của Thư Chung 1980. Tác giả viết:
“…Khi đọc Thư Chung 1980 ta như có cảm tưởng như đang hít thở không khí trong lành, lạc quan của Hiến Chế ‘Vui mừng và Hy vọng’ của Công Đồng Vaticanô II (…) Thư chung 1980 không chỉ có giá trị vào thời điểm được viết ra và công bố, nhưng còn có giá trị cho bất cứ giai đoạn nào, bất cứ hoàn cảnh nảo” (trang 147).
Vấn đề quan trọng và thiết yếu là cách nhìn và cách hiểu từ “Dân Tộc” như thế nào. Cũng vì thế, qua trang 149, tác giả viết:
“Tưởng cũng cần nói thêm rằng: khi Thư Chung 1980 được công bố, không phải chỉ có người Thiên Chúa Giáo mới vui mừng và hãnh diện, nhưng ngay các cán bộ Nhà nước VNCS cũng rất thích thú khi nhắc đến cụm từ ‘Đồng hành với Dân tộc’. Là vì đối với họ, ‘yêu Nước, yêu Dân tộc là yêu Xã hội chủ nghĩa’. Ta không thể cấm họ suy nghĩ theo cách của họ, nhưng đối với ta thì mọi chuyện khá rạch ròi, dân tộc và chế độ là hai phạm trù khác nhau”.
Bài viết cuối cùng đóng lại tác phẩm là bài “Đạo để làm gì"” trang 238 đề ngày 13-5-2010. (Được biết vào lúc nửa khuya hôm 12 rạng 13, Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt được đưa ra phi trường Nội Bài lên phi cơ ra nước ngoài với lý do “chữa bệnh”). Nội dung bài viết tác giả đã lược trình lại tất cả biến cố trong vụ thay bậc đổi ngôi ở TGP Hà Nội, quang cảnh giáo dân bày tỏ lòng yêu mến, quý trọng đối với TGM Kiệt, những hiện tượng bẽ bang của vị tân cử. Sau khi loan báo tin giờ chót “chứng nhân của Chúa Kitô, chứng nhân của sự thật, của công lý là cây tùng, cây bách Ngô Quang Kiệt không chỉ bị đốn ngã, bị trốc gốc, mà còn bị bứng đi khỏi nước Việt Nam cho khuất mắt nhà cầm quyền Hà Nội. Cây bị đốn vì cây bị bệnh, nhưng đó chỉ là cái cớ…” tác giả cay đắng viết:
“Nay thì không ai ‘bắt đạo’ đâu. Nhưng đạo muốn tồn tại thì phải ‘biết điều’! Sẽ có những cuộc lễ linh đình, trọng thể, với đầy đủ trống phách, với các tư tế mũ cao, áo rộng, sẽ có những cơ sở hoành tráng (…) Miễn sao đạo đừng ra khỏi nhà thờ, đừng đụng chạm gì tới chế độ độc tài, bât nhân, mặc cho xã hội hoàn toàn băng hoại, dân nghèo bị nghiền nát, trong khi một nhóm tư bản đỏ tự do tung hoành, mặc cho dân tộc ngày càng chui đầu vào vòng nô lệ giặc Tàu, nợ nần quốc gia cứ cao như núi, vì người đi vay biết chắc: người trả nợ sẽ không phài là mình…”
Trước khi chấm dứt bài viết, đóng lại 250 trang sách, tác giả ngậm ngùi nêu lên câu hỏi, không chỉ cho chính ông, một tín hữu, hơn thế - một tu sĩ Thiên Chúa Giáo - mà cho 7 triệu đồng đạo của ông, trong số có mấy chục Giám Mục, Tổng Giám Mục, một Hồng Y và khoảng 5000 linh mục…. và một cách nào đó, tuồng như cho cả tín đồ các đạo khác nữa:
“Trong một xã hội như thế mà người có đạo chỉ vòng tay ngậm miệng đứng nhìn thì câu hỏi đặt ra là: Đạo để làm gì"”
“Người có đạo” trong văn mạch, dĩ nhiên với linh mục Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh là các tín đồ Công Giáo, nhưng nói chung, hẳn cũng bao gồm luôn cả các tín hữu Tin Lành, Phật Giáo, Phật giáo Hòa Hảo và Cao Đài.
Nam California một ngày cuối tháng 6-2010
Trần Phong Vũ