Nhà Văn Du Miên Thuyết Trình Tại Vancouver, B.C., Canada: Thánh Gióng: Kinh Dịch Ghi, 1 Mẹ 100 Con: Tổ Bách Việt
Chị Tuệ Hương Nguyễn Đặng-Mỹ, một khuôn mặt quen thuộc trong sinh hoạt văn học, nghệ thuật và cộng đồng tại Canada, nhận xét về tác phẩm "Vietnam: The Springhead of Eastern Cultural Civilization" trong buổi ra mắt tại Vancouver, B.C., Canada ngày 17 tháng 4 năm 2010.
VANCOUVER.- Trên 250 cụ cao niên cùng quan khách đã tề tựu về Trung Tâm Britannia ở thành phố Vancounver, Canada để dự lễ Giỗ Tổ vua Hùng truyền thống do Hội Cao Niên Việt Nam vùng Greater Vancouver, B.C., Canada tổ chức.
Sau bài diễn văn chào mừng quan khách và quý cụ hội viên của cụ Nguyễn Văn Thông, chủ tịch Hội Cao Niên, ban hợp ca quy tụ các cụ ông, cụ bà mở đầu chương trình bằng bài hát "Hùng Vương" được nhiệt liệt hoan nghênh. Tiếp đến, các cụ ông chỉnh tề trong quốc phục, áo dài khăn đóng, long trọng cử hành lễ tế tổ với chiêng trống, trà rượu, heo quay và bánh trái.
Về phía quan khách, có sự hiện diện của quý đại diện Cộng Đồng Người Việt Vùng Greater Vancouver, Hội Thân Hữu VN vùng Fraser Valley, Gia Đình Cựu Quân Nhân QL/VNCH, Hội Ái Hữu Không Quân VNCH, Hội Ái Hữu Phụ Nữ vùng Greater Vancouver, Hội Ái Hữu Quốc Gia Hành Chánh, Hội Ái Hữu Cựu Sinh Viên Luật Khoa, Đài Phát Thanh Tiếng Nước Tôi. Đặc biệt có phái đoàn quý cụ cao niên và ông bà Võ Thành Đông, chủ nhiệm tuần báo Đông Phương Times từ thành phố láng giềng Seattle, Washington, Hoa Kỳ.
Ông Nguyễn Phiên, điều hợp chương trình buổi lễ đã giới thiệu sơ lược về diễn giả và mời ký giả Du Miên lên thuyết trình.
Sau khi cung kính quỳ lạy bàn thờ Quốc Tổ, diễn giả Du Miên vào ngay phần thuyết trình của mình qua một số sử kiện dưới thời các vua Hùng.
CHUYỆN PHÙ ĐỔNG THIÊN VƯƠNG CÓ THẬT
Ông Du Miên cho biết ông chọn hình đền vua Hùng thứ Sáu để in vào tác phẩm của ông vì đó là thời kỳ người Tàu xua quân xâm lấn bờ cõi tổ quốc Việt Nam nhưng bọn chúng bị Đức Thánh Anh Hùng Dân Tộc làng Phù Đổng đánh tan.
Ông nói: "Xưa nay chuyện Phù Đổng Thiên Vương hay Thánh Gióng thường được xếp vào "Cổ Tích", mang tính huyền thoại và chỉ được ghi thoáng qua trong vài bộ sử nước nhà. Nay Trung Tâm Nghiên Cứu Văn Hóa Việt Nam chúng tôi trưng chứng cớ, nêu rõ niên đại của sự kiện lịch sử này để chúng ta cùng hiệu đính, ghi sử tích Phù Đổng Thiên Vương vào chính sử nước nhà."
Diễn giả trưng bằng cớ trong Kinh Dịch, một trong Ngũ Kinh:
"Trong Kinh Dịch, quẻ số 63 tức quẻ “Thủy Hỏa Ký Tế”, có ghi: “Cửu Tam, Cao Tông phạt Quỉ phương tam niên, khắc chỉ, tiểu nhân vật dụng.”
"Qua đến quẻ 64 tức quẻ “Hỏa Thủy Vị Tế”, Kinh Dịch lại một lần nữa nhắc đến việc vua Cao Tông nhà Ân đánh nước Xích Quỉ (Quỉ phương ) tức là tên mà người Tàu gọi nước ta thời ấy: “Cửu Tứ, trinh, cát, hối vong; chấn dụng phạt Quỉ phương tam niên; hửu thưởng vu đại quốc.”
"Kinh Dịch ghi rõ tên vị vua cho quân qua đánh nước ta là Cao Tông nhà Ân.
"Giặc Ân trong sử tích Thánh Gióng tức quân Tàu viễn chinh dưới thời nhà Thương, triều đại đầu tiên được công nhận còn dấu tích.
"Vì khi Bàn Canh, vua thứ 19 của nhà Thương, dời đô đến đất Ân, nên được gọi là nhà Ân hoặc gọi cả là Ân Thương. Bàn Canh trị vì từ 1401 đến 1374 BC và dời đô đến đất Ân vào năm 1384.
"Bàn Canh là vua thứ 19 và Cao Tông tên là Vũ Đinh mà Kinh Dịch đề cập đến trong 2 quẻ 63 và 64 nói trên là vua thứ 22.
"Bàn Canh chết năm 1374 trị vì 28 năm, Tiểu Tân lên thay là vua thứ 20. Tiểu Tân chết sau 21 năm ở ngôi tức năm 1353 BC. Tiểu Tân chết, Tiểu Ất thay và làm vua thứ 21, trị vì 28 năm thì chết năm 1325 BC. Tiểu Ất chết, Vũ Đinh (tức Cao Tông) lên thay và làm vua thứ 22, trị vì 59 năm tức đến năm 1266 BC.
"Như vậy, chiến trận xảy ra giữa quân viễn chinh Ân Thương trên đất Việt đã xảy ra trong khoảng thời gian từ 1325 đến 1266 trước Tây Lịch.
"Khi Vũ Đinh chết, được truy phong là Cao Tông nhà Ân Thương. Sử cũ lúc ghi là Vũ Đinh, lúc ghi là Cao Tông là do đó."
Diễn giả hùng hồn: "Quân Tàu thời Ân Thương xua quân sang đánh nước ta, dưới thời vua Hùng thứ sáu là có thật, diễn ra trong 3 năm. Thế nhưng, kết cục của sử tích uy linh này là, sau khi làm tròn bổn phận công dân, đánh giặc cứu nước, vị anh hùng dân tộc làng Phù Đổng không nhận sự phong thưởng chiến công đến từ nhà vua mà Ngài đã thăng thiên, lên trời...
"Vậy thì, thưa quý cụ và quý vị, chuyện thánh ngài lên trời có phải quá huyễn hoặc, quá mê tín dị đoan chăng""
Ông tiếp liền: "Để chúng tôi kể quý cụ và quý vị nghe có lần chúng tôi sinh hoạt với các bạn trẻ tín hữu Ki-tô-giáo. Câu hỏi về Thánh Gióng lên trời như trên được nêu ra. Chúng tôi hỏi lại: Trong các bạn đây có ai mà không tin Chúa Giê-su sống lại và lên trời, ngự bên hữu Đức Chúa Cha”"...
"Chúa của thiên hạ, Tiên Phật của mọi người được lên trời, được thiên biến, vạn hóa trong khi hiền nhân, quân tử, đại thánh Việt Nam lại bị phân biệt đối xử, lại còn bị cho là "mê tín dị đoan". Thật là thiếu công bình, phải không quý cụ và quý vị""
Cả hội trường vang dội tiếng vỗ tay tán thưởng.
SỰ TÍCH MỘT MẸ TRĂM CON
Diễn giả rất ít khi nhìn giấy, dường như suốt buổi, ông "xuất khẩu thành văn", trầm ấm nhưng khi cần cũng đanh thép, hùng hồn:
"Đối với cội nguồn dân tộc, từ khi Trung Tâm Nghiên Cứu Văn Hóa VN, Thư Viện VN tại Little Saigon, California tìm ra được bộ cổ sử Bách Việt Tiên Hiền Chí, dịch và in cuốn sách này qua Việt ngữ thì chúng ta có thêm bằng chứng để thấy rõ cổ tích Một Mẹ Trăm Con, sự tích Con Rồng Cháu Tiên trùng khớp với sự kiện lịch sử."
Bách Việt là có thật. Đó là tộc Việt xưa kia hùng cứ một vùng lãnh thổ bao la, hơn 1 nửa bản đồ Tàu ngày nay, cả vùng châu thổ Trường Giang/Dương Tử. Cuối thể kỷ 20 và đầu thế kỷ 21 này, giới nghiên cứu Đông Tây đều công nhận có sự hiện diện của các tộc Việt, và gọi chung là Bách Việt.
Nói đến Bách Việt chúng ta liên tưởng đến truyện tích “Một Mẹ Trăm Con” với chuyện tình diễm tuyệt của tổ ông Lạc Long Quân và tổ bà Âu Cơ của chúng ta.
Như thế, chúng ta thấy rằng truyền thuyết thời lập quốc và sự thật lịch sử nay đã được chứng minh là có sự liên hệ thuận lành nhứt quán chớ hổng có khác biệt trời vực như của một số dân tộc khác, điển hình là dân du mục Tàu.
"Và như thế, là giống dân gieo lúa đầu tiên của nhân lọai, như tài liệu của National Geographic mà chúng tôi trưng dẫn, tổ tiên của Việt Nam chúng ta là Thần Nông tức vị thần của nghề nông, không dính dấp gì đến tổ của dân Tàu du mục sống trên lưng ngựa mà sau này họ tự nhận bằng những tên như Hoa Hạ, Hán Tộc cả. Người Tàu du mục, ăn bốc trong khi người Việt ăn cơm nấu từ gạo, dùng chén đũa đàng hoàng."
Diễn giả tiếp: "Xưa nay vẫn có người vin vào tích Tổ Ông chia tay Tổ Bà để cho rằng ngày nay người Việt ta thường chia rẽ là bắt nguồn từ tích này. Thật là không đúng! Đó là vì có người chỉ hiểu ở đàng ngọn, không thấu triệt hàm ý của tổ tiên. Rõ ràng là tổ tiên chúng ta nêu cao sự bình quyền nam nữ, Tổ Ông lãnh 50 người con thì Tổ Bà cũng được lãnh 50 người con như thế. Đẹp biết bao, tuyệt vời biết bao. Đâu cần phải tốn biết bao năm tháng các giống dân khác trên thế giới, kể cả Hoa Kỳ này, mới đòi được nữ quyền! Và cũng thế, đến bình quyền trong việc chăn dân giữ nước, chia đều các con trấn nhiệm các vùng. Còn nữa, cũng qua truyện Con Rồng Cháu Tiên, khi cần tức là khi quốc biến, gọi nhau, cứu nhau, cùng nhau bảo vệ giang sơn gấm vóc. Lịch sử đã chứng minh hùng hồn biết bao lần quốc biến, toàn dân ta một lòng đoàn kết keo sơn, cuối cùng đã đánh bại tất cả mọi kẻ thù để bảo toàn được biên cương đất nước, bảo chùng được dòng giống Tiên Rồng."
Trước khi kết thúc buổi thuyết trình, diễn giả trình bày sử kiện chứng minh giữa Tàu và Việt từ thời nhà Chu là 2 quốc gia biệt lập. Diễn giả diễn tả biên cương nước Tàu lúc ấy "như hột đậu li ti" tận mạn bắc trong khi giang sơn gấm vóc của Việt tộc mênh mông toàn vùng châu thổ Trường Giang/Dương Tử ở phương nam.
Sau gần nửa tiếng thuyết trình, diễn giả kết luận:
"Nhân đề tài hôm nay, trong buổi lễ giỗ Tổ thiêng liêng này, dưới sự chủ trì của quý bậc bô lão, là thành phần luôn được trọng vọng, luôn được kính nể trong truyền thống dân tộc, chúng tôi đề nghị quý cụ hãy cùng hô hào hiệu đính Việt sử cho thích hợp với các khám phá mới. Các nhà nghiên cứu của chúng ta sẽ lãnh trách nhiệm và sẽ đề ra phương cách thực hi ện. Đây là cách biết ơn Tổ Tiên chúng ta vậy. Đã đến lúc chúng ta cùng nhau gọi Tổ như lời dặn của Ngài, xin Tổ phù hộ cho đàn con Việt nhận chân được giá trị văn hóa rực rỡ của giống nòi và cháu con thích ứng tinh hoa văn hóa ấy vào cuộc sống, đem được cái lẽ sống tình người của truyền thống Việt mà cải hóa nhân loại đang trên đà phá sản vì sa đọa, vì ngược tính người."