Cải Tổ Y Tế: Một Vài Điểm Cần Sáng Tỏ
Vũ Linh
...số người chống đã tăng chứ không giảm, và lên tới 50%...
Suốt cả năm qua, cải tổ y tế đã là đề tài sôi động, tạo nên tranh cãi rất hăng trong dư luận Mỹ. Điều đó cũng dễ hiểu vì đây là chuyện trực tiếp ảnh hưởng đến cuộc sống của mỗi người.
Ngay trong cộng đồng tỵ nạn chúng ta, vấn đề cũng gây tranh luận mạnh mẽ. Nội trên tờ Việt Báo đã có hơn nửa tá tác giả viết về đề tài này. Ủng hộ cũng có mà chống đối cũng không thiếu. Cũng là điều tốt vì chứng tỏ tính đa dạng của Việt Báo, giúp độc giả có được cái nhìn từ mọi phiá. Khác các báo Nhân Dân và Công An chẳng hạn.
Riêng kẻ viết này cũng đã nhận được khá nhiều ý kiến của độc giả. Không kể đến các đề tài khác, chỉ riêng về cải tổ y tế không, đã có cả trăm email từ vài tháng qua. Dĩ nhiên là ý kiến ủng hộ có nhiều, nhưng chỉ trích cũng không ít.
Không bàn đến những ý kiến ủng hộ, mà hãy nói qua về những ý kiến chống đối.
Có nhiều độc giả chống đối và chỉ trích trên một tinh thần không mấy xây dựng. Có một vị chỉ trích tôi là “dân Cộng Hoà mù quáng”. Có vị khác thắc mắc không hiểu tại sao tôi là dân tỵ nạn da vàng mũi tẹt, mà lại chạy theo mấy ông Cộng Hòa da trắng kỳ thị, coi dân mình như rác. Cũng có người nhắc cho tôi là tôi “chắc chắn không làm lương trên 250.000 đô, không phải là nhà giàu sao lại đi chống lại việc nhà giàu phải đóng thuế theo luật mới”" Có người lại cho là tôi “giỏi lắm chỉ có cái bằng cử nhân ở Việt Nam, qua đây đọc tiếng Anh chưa xong mà bầy đặt bố láo”, và “không biết thì dựa cột mà nghe”. Còn nhiều chỉ trích nặng nề hơn nữa, chứng tỏ cải tổ y tế đã trở thành đề tài rất nhạy cảm, tạo nên những phản ứng rất mạnh.
Bỏ qua một bên những chỉ trích cá nhân, ta hãy bàn đến một vài ý kiến của độc giả về vấn đề cải tổ y tế, thật sự không hoàn toàn đúng, do hiểu lầm hay do thiếu dữ kiện.
***
Một độc giả Bắc Âu không thể hiểu được sao Mỹ lại chưa có bảo hiểm toàn dân trong khi cả Âu Châu đều đã có từ lâu lắm rồi. Sao dân Mỹ lại chống một chuyện cần thiết như vậy"
Trước hết phải nói cho rõ, dân Mỹ không chống bảo hiểm toàn dân, kể cả mấy ông bảo thủ Cộng Hoà. Lý do hai phần ba dân Mỹ hiện chống luật cải tổ y tế của TT Obama là vì họ thấy cải tổ quá tốn kém, tới hơn một ngàn tỷ đô la trong mười năm tới trong khi nước Mỹ còn đang trực diện với khủng hoảng kinh tế và thất nghiệp tràn lan. TT Obama xài sang không đúng chỗ, không đúng lúc, và không đúng cách. Họ lo sợ chi phí y tế của Mỹ, hiện nay cao nhất thế giới, sẽ còn lên cao hơn nữa. Họ cũng lo sợ TT Obama đi nhanh quá, trong một thời gian ngắn, có thêm 30 triệu người có bảo hiểm y tế, trong khi sự đào tạo bác sĩ và xây cất nhà thương sẽ không thể theo kịp, đưa đến tình trạng xếp hàng chờ dài người, kèm theo tăng giá của các dịch vụ y khoa, thuốc men, v.v… Có độc giả còn lo sợ tình trạng bệnh nhân sẽ phải ngủ chung giường như bên xứ văn minh của ta nữa.
Chi phí y tế của Mỹ cao nhất thế giới thật, nhưng dưới khía cạnh phẩm chất thì không xứ nào có thể so sánh được với Mỹ. Những phương tiện tối tân nhất, thuốc men hiệu quả nhất, bác sĩ giỏi nhất, nhà thương đầy đủ nhất, lấy hẹn mau mắn nhất, v.v…
Hơn 85% dân Mỹ đang có bảo hiểm hiện nay thỏa mãn với tình trạng hiện hữu của họ, và đang lo sợ tình trạng sẽ suy đồi mau chóng, phẩm chất sẽ xuống, giá cả sẽ tăng, và thời gian chờ đợi sẽ tăng vọt.
Họ cũng nghĩ đến tình trạng thất nghiệp. Hiện nay tỷ lệ thất nghiệp cao nhất từ hơn hai chục năm nay. Với luật cải tổ y tế, rất nhiều công ty lớn sẽ lỗ nặng, do đó sẽ phải sa thải nhân viên. Có nghĩa là tình trạng thất nghiệp, ưu tư hàng đầu và cụ thể nhất của đại đa số dân Mỹ, sẽ không giảm mà gia tăng. Nạn thất nghiệp đe dọa hầu hết 300 triệu dân Mỹ, trong khi bảo hiểm y tế toàn dân sẽ giúp được 30 triệu người, trong đó hơn một nửa không thấy có nhu cầu có bảo hiểm. Đâu là ưu tiên"
Nói về con số những người không có bảo hiểm, ban đầu, người ta lấy số liệu của cuộc Census Bureau năm 2007 mà nói đến 45,7 triệu người, trong đó có những người không được bảo hiểm trọn năm. Sau này, Chính quyền mới điều chỉnh lại cho sát hơn là khoảng 30 triệu. Theo cuộc khảo sát của cơ quan The National Institute of Health Care Management Foundation, 26% trong số này có quyền được bảo hiểm công cộng nhưng lại không dùng. Theo Kaiser Family Foundation, 21% không có bảo hiểm là di dân, số di dân bất hợp pháp trong tỷ lệ này là bao nhiêu thì không ai rõ. Cũng theo Foundation này, 40% là những người trẻ. Còn Census Bureau cho biết là 20% những người không có bảo hiểm lại có lợi tức gia đình trên 75 ngàn đô la một năm.
Những số liệu trên cho thấy tình hình thực tế nó rắc rối hơn là chúng ta nghĩ và người viết phải điều chỉnh lại một nhận thức có thể là sai lạc trong một bài viết trước: không phải tất cả những người thiếu bảo hiểm sức khoẻ là thành phần mắc bệnh xì ke ma túy! Không ai lại có thể nghĩ như vậy.
Dù sao, cũng có một điểm quan trọng là ta khó có thể so sánh Mỹ với Âu Châu.
Hai hệ thống văn hoá, xã hội, kinh tế, và nhất là giá trị nhân bản khác nhau xa. Chẳng hạn dân Mỹ chấp nhận án tử hình trong khi dân Âu Châu cho đây là chuyện mọi rợ. Dân Mỹ coi khẩu súng là vật sở hữu gần như thiêng liêng, trong khi dân Âu Châu chẳng ai có súng hết. Dân Âu Châu đặt nặng trách nhiệm xã hội của Nhà Nước, trong khi nước Mỹ tuyệt đối tôn trọng tự do và sáng kiến cá nhân.
Quan trọng hơn nữa là chuyện thuế. Dân Âu Châu đóng thuế lợi tức 50% là thường, ví dụ như thuế đánh trên tài sản thừa kế ở các xứ Bắc Âu là 90%! Dân Mỹ trung bình đóng thuế lợi tức dưới 20% sau khi khấu trừ đủ mọi thứ. Hơn nữa, một nửa dân Mỹ chẳng đóng đồng xu thuế nào hết, trong khi hầu hết dân Âu Châu đều phải đóng thuế, không nhiều thì ít.
Một bên là tất cả mọi người dùng nửa tiền lương để đóng thuế bất kể tình trạng sức khỏe cá nhân, và đi nhà thương bác sĩ miễn phí; một bên là đóng rất ít thuế, rồi tự trả tiền nhà thương bác sĩ khi nào có nhu cầu. Đằng nào tốt hơn" Khác biệt này vừa dựa trên lý luận kinh tế (cách nào tiết kiệm hơn"), vừa bị chi phối bởi quan niệm về tương quan giữa trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm của xã hội.