Tội ác: Nữ Sinh Xấu Số Và Nghi Phạm Hung ác - Vũ Hải
Từ đầu tháng 3/2010, tại quận San Diego- California, Hoa Kỳ đã không ngớt dấy lên những làn sóng chỉ trích, phản đối kịch liệt nhà chức trách địa phương về trách nhiệm giám sát hành vi của những tù nhân hình sự nguy hiểm trong thời gian được ân xá, tạm thả. Bởi vì đây có thể là nguyên nhân đưa đến cái chết thương tâm của một nữ sinh trung học trẻ đẹp xảy ra tại vùng Rancho Bernardo ở phía Bắc San Diego, do tên nghi phạm từng có tiền án về tội cưỡng hiếp gây ra vào cuối tháng 2/2010. Đồng thời, dư luận của cư dân địa phương cũng đặt nghi vấn về chính sách tạm thả các tù nhân, nhất là những tên tội phạm hung ác từng giết người cưỡng dâm, có thực sự mang lại hiệu quả cảm hóa và tạo cơ hội cho họ làm lại cuộc đời hay ngược lại chỉ là dịp tốt để họ tiếp tục gây thêm tội ác sau những ngày tháng nung nấu lòng căm hờn trong bốn bức tường của nhà giam"
Đây là một vụ án cưỡng hiếp sát hại trẻ vị thành niên nên gây rúng động toàn vùng Rancho Bernardo vì nơi đây xưa nay vốn nổi tiếng yên tĩnh và rất hiếm khi xảy ra tội ác ở cấp độ giết người. Do đó, ngay sau khi tin tức về sự mất tích bí ẩn của nạn nhân trong vụ án này là nữ sinh 17 tuổi tên Chelsea King được loan truyền trên các phương tiện truyền thông vào buổi tối ngày 25/2/2010, đã có đến hàng ngàn cư dân trong vùng tình nguyện giúp đỡ lực lượng cảnh sát và các nhân viên Cục Điều Tra Liên Bang FBI truy tìm hành tung nạn nhân.
Chelsea King, học sinh trường trung học “Poway High School”, được mô tả là một cô gái xinh đẹp, hiền lành đang sống yên vui hạnh phúc cùng cha mẹ là ông Brent King và bà Kelly King tại một căn nhà khang trang ở vùng Rancho Bernardo. Thế nhưng, vào buổi tối định mệnh 25/2/2010 khi trở về nhà sau buổi tập thể dục ở một trung tâm Fitness trong vùng cư ngụ, ông Brent và bà Kelly đều cảm thấy bồn chồn lo lắng vì mãi trông đợi Chelsea nhưng cô vẫn chưa về kịp giờ ăn tối như thường lệ. Hơn nữa, dù ông Brent liên tiếp gọi số điện thoại di động của Chelsea nhiều lần nhưng không có ai bắt máy nên ông và vợ càng thêm lo âu. Cho đến khoảng gần 9 giờ tối, ông bà Brent mới thông báo cho Sở Cảnh Sát quận San Diego trình báo sự việc. Ngay sau đó, lực lượng an ninh địa phương được lệnh huy động hàng trăm cảnh sát để chia nhau lục soát, tìm kiếm khắp nơi trong vùng Chelsea mất tích. Đồng thời, các nhân viên FBI cũng đến trường Poway điều tra để tìm thêm manh mối. Qua đó, theo lời tường thuật những bạn học Chelsea thì cô có nói với họ rằng sau giờ tan học cô sẽ chạy bộ tại công viên “Rancho Bernardo Community Park” trước khi về nhà.
Từ những chi tiết quan trọng này, nhân viên cảnh sát đã cùng những cư dân thiện nguyện chia nhau khám xét chung quanh khu vực công viên “Rancho Bernardo Community Park” kèm theo sự hỗ trợ của lực lượng trực thăng và đoàn người nhái dò tìm tại hồ nước Hodges rộng lớn gần đó. Sau khoảng vài tiềng đồng hồ lục soát, cảnh sát đã tìm thấy chiếc xe hơi BMW do Chelsea sử dụng đậu phía bên ngoài chu vi công viên trong tình trạng các cửa xe đều khóa kín. Sau khi mở cửa xe, cảnh sát cũng xác nhận điện thoại di động cùng các đồ vật cá nhân của Chelsea đều còn nguyên vẹn, nhưng cô vẫn biệt tăm.
Trong khi cuộc tìm kiếm kéo dài sang ngày 28/2/2010, tức trải qua ba ngày kể từ khi Chelsea mất tích, kèm theo niềm hy vọng mong manh về sự sống sót của Chelsea thì cảnh sát tình cờ phát hiện được những mảnh y phục của cô bị vất tại một bụi rậm ở địa điểm cách xa công viên “Rancho Bernado Community Park” khoảng hơn 1km. Lập tức, các mẫu quần áo được nhanh chóng chuyển đến phòng khám nghiệm sinh hóa học với kết quả tìm thấy mẫu DNA trong chất tinh dịch lưu lại trên y phục của Chelsea. Từ đó, cảnh sát biết được mẫu DNA này trùng hợp với DNA của một thanh niên 30 tuổi tên John Albert Gardner III, từng bị án tù với tội danh hành hung và cưỡng hiếp.
Nhờ chứng cớ quan trọng và xác thực là mẫu DNA, cảnh sát quận San Diego đã tìm ra nghi phạm của vụ án và bắt giữ John Albert Gardner III khá dễ dàng trong cùng ngày 28/2/2010 khi anh ta đang đi bộ lững thững trước một nhà hàng tại thành phố Escondido ở phía Tây Nam tiểu bang California. Một đìều trùng hợp khá hy hữu là do tên của thành phố Econdido xuất phát từ nguồn gốc tiếng Tây Ban Nha và có ý nghĩa là “chạy trốn” nên dư luận truyền thông Hoa Kỳ đều cho rằng sự hiện diện của John Albert Gardner III tại nơi đây cũng nằm trong mục đích chạy trốn sự săn lùng của cảnh sát sau khi ra tay gây án. Do từng có tiền án hành hung, cưỡng hiếp và đặc biệt là đang trong tình trạng bị tình nghi là hung thủ của vụ án mất tích chưa tìm được chân tướng nên John Albert Gardner III bị bắt giam kèm theo điều kiện không được đóng tiền thế chân để tại ngoại hầu tra. Hơn nữa, khi đến khám xét nhà của John Albert Gardner III cũng ở trong vùng Rancho Bernado vốn là nơi anh sống chung với người mẹ ruột và bố dượng, cảnh sát còn nhìn thấy hàng chữ viết bằng loại bình xịt màu đỏ trên cánh cửa garage màu trắng với nội dung: “Máu của Chelsea dính trên người của mi, hãy trốn đi” (nguyên văn: Chelseas blood is on you, move out.). Do đó, cảnh sát đi đến kết luận rằng khả năng gây án của John Albert Gardner III hoặc ít nhất anh ta cũng có liên quan trực tiếp đến vụ án này hầu như đã được chứng thực. Theo suy luận của nhân viên điều tra Brad Garrett thì tuy chưa có bằng cớ chứng minh John Albert Gardner III viết những hàng chữ này nhưng điều có thể khẳng định là Chelsea đích thực bị hung thủ tấn công khi đang chạy vào công viên. Tình trạng này cũng được suy diễn theo hai trường hợp: thứ nhất, Chelsea đã bị theo dõi từ lúc cô bước xuống xe và trong khi chạy bộ cô bị hung thủ ra tay tấn công; thứ hai, sau khi xuống xe và chạy được một đoạn thì Chelsea tình cờ gặp hung thủ nên trở thành con mồi xấu số.
Tuy nhiên, sau khi bị bắt John Albert Gardner III vẫn một mực phủ nhận lời cáo buộc của nhà chức trách và hoàn toàn không khai nửa lời về các chi tiết liên quan đến vụ án mất tích của Chelsea mặc dù cảnh sát trưng dẫn bằng chứng mẫu DNA của anh dính trên quần áo nạn nhân. Chính vì vậy, cuộc điều tra tông tích của Chelsea vẫn không đi đến một kết quả khả quan nào và càng cho thấy khả năng sống còn của cô hầu như đang trong tình trạng tuyệt vọng. Cuối cùng, vào ngày 2/3/2010 thi hài của Chelsea cũng được tìm thấy trong một ngôi mộ được chôn cất khá cạn tại địa điểm cách nơi đậu chiếc xe hơi của cô khoảng nửa dặm, tức chỉ hơn 500m và rất gần hồ Hodges. Kế đến, qua kết quả khám nghiệm pháp y cũng cho thấy trước khi bị chết vì nghẹt thở, Chelsea đã bị hãm hiếp.
Từ những chi tiết này, nhân viên điều tra của FBI Brad Garrett đã đưa ra lời suy đoán rằng: “Qua những chứng cớ như thi thể của nạn nhân được tìm thấy gần nơi đậu xe hoặc cách chôn dấu thi thể của hung thủ sau khi cưỡng hiếp sát hại nạn nhân, có thể nhận định được nạn nhân chỉ mới chạy được một đoạn ngắn thì gặp nạn. Sau khi gây án, vì vội vã muốn bỏ trốn nên hung thủ đã chôn dấu thi thể nạn nhân một cách khá sơ sài ở địa điểm gần nơi gây án. Tuy nhiên, cần phải đợi thêm nhiều kết quả điều tra tại hiện trường tổng hợp với lời khai của nghi phạm mới có thể biết được hung thủ đã chôn dấu nạn nhân ngay sau khi giết hại hoặc đợi thêm một khoảng thời gian sau đó”.