Sách mới của Gs. Nguyễn Tiến Hưng: “Mở Cửa Bắc Kinh, Đóng Cửa Sàigòn”(2)
Chuyện Mật TRONG CHUYẾN ĐI BÍ MẬT
Trên cột báo này, những ngày qua có loạt bài về trận chiến mới giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Nhân Tháng Tư đang tới, xin cùng nhìn lại trang sử cũ của chính chúng ta, khi Hoa Kỳ dùng Việt Nam làm bàn đạp để nói chuyện với Trung Quốc. Rồi cho bàn đạp này tuột xuống biển đỏ.
Bài viết sau đây trích từ cuốn sách mới của Giáo sư Nguyễn Tiến Hưng -tác giả “Hồ Sơ Mật Dinh Độc Lập” và “Khi Đồng Minh Tháo Chạy”- đề cập tới những đổi chác của Tổng thống Richard Nixon khi cần bắt tay Trung Quốc. Hoặc nói như Giáo sư Nguyễn Tiến Hưng: "Mở cửa Bắc Kinh, Đóng cửa Sàigòn". Hình bên: Kissinger-Chu Ân Lai
Kissinger đi Tầu
Cuộc du hành được quyết định vào các ngày 9-11 tháng 7, 1971. Để đánh lạc hướng báo chí, trước khi lẻn đi Bắc Kinh ông lại bay vào Sàigòn, lý do chính thức là để thăm viếng Tổng Thống Thiệu nhưng thật ra là để vận động thay ông Thiệu trong cuộc bầu cử Tổng Thống sắp tới. Tại Sàigòn lúc ấy việc chuẩn bị bầu Tổng Thống đang gặp khó khăn giữa các ứng cử viên. Tốt đẹp nhất cho Kissinger là nếu ông Thiệu thất cử kỳ này là xong chuyện, khỏi phải mật đàm về giải pháp chính trị . Bởi vậy, Kissinger đi gặp đủ mặt các chính trị gia ở Sàigòn, kể cả Tướng Dương Văn Minh. Nhưng kết quả là ông Thiệu cứ tranh cử dù là độc diễn.
Trong chuyến Bắc Kinh đầu tiên này, ta tạm gọi là Bắc Kinh I, dù mục đích chỉ là để sắp xếp cho chuyến đi của Nixon, Kissinger lại làm thêm việc là thông báo cho Bắc Kinh nhượng bộ ở Paris (ngày 31 tháng 5, 1971). Đây là cơ hội tốt để ông rỉ tai cho Chu Ân Lai biết lập trường thực sự của ông, nhờ cậy Trung Hoa giúp đỡ. Ông tiết lộ với họ Chu hai điểm:
* Thứ nhất, "Chúng tôi sẽ rút quân đơn phương".
Hai mươi bẩy năm sau khi Miền Nam sụp đổ, ngày 28 tháng 2, 2002, tờ New York Times tiết lộ một sự kiện động trời: Biên bản buổi họp giữa Chu Ân Lai và Kissinger ngày 9 tháng 7, 1971, ghi nhận Kissinger đích thân nói cho họ Chu biết: "Thương thuyết hay không thương thuyết với Bắc Việt, sớm muộn gì chúng tôi cũng sẽ rút quân - đơn phương."
Khi được hỏi về chuyện này, ông Stanley Karnow, một sử gia có tiếng về Việt Nam, đã nói: "Đơn phương là điểm chính yếu, và đó là điều mới mẻ đối với tôi." Ông Karnow kết luận rằng lập trường trước sau của Hoa Kỳ về việc rút quân vẫn là cả hai bên đều phải rút.
Mới đây, lại có những tài liệu giải mật về chuyến đi này. Trong buổi họp ngày 9 tháng 7, 1971 với Chu Ân Lai, Kissinger nói rất rõ ràng (xem phụ lục):
"Thay mặt Tổng Thống Nixon, tôi muốn thông báo hết sức trịnh trọng để Thủ Tướng hay rằng, trước hết, chúng tôi sẵn sàng rút quân hoàn toàn khỏi Đông Dương và ấn định ngày giờ rút, nếu có một cuộc ngưng bắn và phóng thích tù binh của chúng tôi (gạch dưới cho tác giả). Thứ đến, chúng tôi sẽ để mặc cho tình hình chính trị ở Nam Việt Nam diễn biến và để cho người Việt tự giải quyết với nhau."
Kissinger còn bảo đảm với họ Chu rằng: "Chúng tôi sẽ không tái nhập Việt Nam và sẽ tôn trọng tiến trình chính trị." Ông luôn nói tới một Tiến trình chính trị , tiến trình lịch sử , hay diễn biến chính trị tất cả đều chỉ có một ý nghĩ là bắn tin cho đối tác biết rằng cứ để cho việc gì phải đến thì nó sẽ đến, tức là chính phủ Miền Nam sẽ bị gạt đi.
* Thứ hai, "Chúng tôi chỉ cần một thời gian chuyển tiếp".
Nhưng tiến trình chính trị ấy đòi hỏi một thời gian coi cho được. Bởi vậy, ngay hôm sau, ngày 10 tháng 7, 1971, ông minh xác với ông Chu:
"Điều chúng tôi cần là một khoảng thời gian chuyển tiếp giữa sự rút quân và diễn biến chính trị. Không phải là để chúng tôi có thể trở lại, nhưng là để cho dân tộc Việt Nam và các nơi khác ở Đông Dương tự quyết định lấy số phận của mình... Tôi đã nói với Thủ Tướng ngày hôm qua, và tôi muốn nhắc lại rằng, nếu sau khi quân đội Mỹ rút lui hoàn toàn, mà các dân tộc Đông Dương thay đổi chính quyền của họ, chúng tôi sẽ không can thiệp."
Ông Kissinger luôn luôn chối rằng mình đã chỉ sắp xếp với Hà Nội một khoảng thời gian coi cho được A decent interval giữa việc Mỹ rút hết quân và việc Miền Nam sụp đổ. Như vậy là bây giờ thì lịch sử đã có đủ bằng chứng là ông đã nói dối. Trong phiên họp ngày hôm trước, ông còn cố gắng thuyết phục họ Chu:
"Lập trường của chúng tôi là không duy trì một chính quyền nào ở Miền Nam, và nếu chính quyền Nam Việt Nam không được nhiều người ưa thích như ông nghĩ thì sự rút quân càng nhanh bao nhiêu, chính quyền ấy càng bị lật đổ mau lẹ bấy nhiêu. Và nếu nó bị lật đổ sau khi quân đội chúng tôi đã rút đi thì chúng tôi sẽ không can thiệp nữa."
* OK, chúng tôi sẽ rút hết quân trong vòng 9 tháng.
Chỉ một tháng sau khi ăn mừng tin vui từ Bắc Kinh, cánh cửa vào Sàigòn lại đóng thêm một nấc. Ngày 16 tháng 8, 1971, ông Kissinger bí mật đưa ra một đề nghị mới về hòa bình. Trong hồi ký, ông chỉ nói lơ mơ về cuộc họp này, không đá động gì tới vụ 9 tháng nhưng chúng tôi đã tìm ra được chứng cớ trong một tài liệu ít người để ý, TT Nixon hằng năm phải báo cáo cho Quốc Hội về lãnh vực ngoại giao, chính ông đã tiết lộ rằng ngày hôm ấy, ông Kissinger đã đề nghị (như để đáp lại sự lo ngại của ông Xuân Thủy). (10) -không thấy số (9)-
- Triệt thoái toàn bộ quân đội Mỹ và Đồng Minh trong vòng 9 tháng kể từ ngày ký hiệp định; bởi vậy,
- Nếu chịu ký hiệp định vào ngày 1 tháng 11, 1971 thì ngày chót để rút hết toàn bộ là ngày 1 tháng 8, 1972.
(Ghi chú: Như vậy, ta thấy lẽ ra Hiệp định Paris đã kết thúc vào ngày Quốc Khánh VNCH năm 1971 chứ không phải tháng 1, 1973).
* Rút Quân: Từ 9 tháng giảm xuống còn 7 tháng.
Nhưng giảm xuống 9 tháng cũng chưa đủ. Theo Tổng Thống Nixon thì "Tại cuộc họp ngày 13 tháng 9, 1971, Hà Nội bác bỏ đề nghị của chúng ta vì hai lý do: thứ nhất, thời gian (9 tháng) là quá lâu, và Hoa Kỳ không định nghĩa thế nào là rút đi toàn bộ; và thứ hai, họ cho nguyên tắc giải quyết vấn đề chính trị là chưa đầy đủ." (11)
Bởi vậy, ngày 11 tháng 10, 1971, theo chỉ thị của ông Kissinger, Tướng Vernon Walters đem ra một đề nghị mới, theo đó thời gian rút quân được giảm từ 9 xuống 7 tháng, và việc rút quân được định nghĩa chi tiết hơn: "Tất cả quân đội Hoa Kỳ và Đồng Minh, trừ một số nhỏ cần thiết cho những công tác kỹ thuật và tiếp liệu sẽ rút hết vào ngày 1 tháng 7, 1972 nếu hai bên ký một lời tuyên bố trên nguyên tắc vào ngày 1 tháng 12, 1971." (gạch dưới là do tác giả) (12)
* Từ 7 tháng xuống 6 tháng.
Trước khi đi Bắc Kinh vào những ngày 21-28 tháng 2, 1972, Tổng Thống Nixon lên tivi tiết lộ việc ông Kissinger bí mật hòa đàm với Hà Nội từ 1969, đồng thời tuyên bố một đề nghị hòa bình mới. Điều quan trọng của đề nghị là thời gian rút quân của Hoa Kỳ được ấn định là 6 tháng. Đâu có ai biết là từng bước từng bước âm thầm, Hoa Kỳ đã rút quân đơn phương, rồi đặt ra thời hạn là 9 tháng, sau đó, rút xuống 7 tháng, và bây giờ là 6 tháng"
* Giảm xuống thành 4 tháng.
Ngày 8 tháng 5, 1972 trước khi đi họp thượng đỉnh ở Moscow, Tổng Thống Nixon lên tivi đưa ra một đề nghị mới là quân lực Hoa Kỳ sẽ rút khỏi Miền Nam Việt Nam trong vòng 4 tháng và chỉ với hai điều kiện, đó là ngưng bắn và trao trả tù binh.
* Sau cùng là 2 tháng.
Ngày 8 tháng 10, 1972 là ngày lịch sử của mật đàm (xem chương sau). Trong buổi họp mật ở Paris, ông Lê Đức Thọ đề nghị một thời gian là 2 tháng. Như vậy là dung hòa: 4 tháng chia đôi là 2 tháng. Ông Kissinger liền vui vẻ chấp nhận. Tới đây thì vấn đề căn bản về rút quân coi như đã được giải quyết hoàn toàn.
Kỳ tới: Kịch bản ba bước đẩy VNCH xuống hố
NGUYỄN TIẾN HƯNG