Bạo Hành Học Đường: Vấn Đề Không Thể Làm Ngơ
Họp báo vụ Học Sinh Á châu bị hành hung tại Philadelphia hômy Chúa Nhật 17-1-2010 do Ông Nguyễn Đ. Toàn, CTHĐ Đại biểu CĐ VN Philadelphia, Nhà văn Trần Q. Niệm, Chủ tịch CĐ NVQG Nam New Jersey, Ông Nguyễn T. Thường, Giám Đốc đài VN Hải Ngoại New Jersey kiêm chủ nhiệm tờ báo VN Hải Ngoại.
Nguyễn Tâm Dũng, M.P.A
(LTS: Tác giả Nguyễn Tâm Dũng hiện đang giữ chức vụ Ủy Viên Giáo Dục- Khu học chánh Pennsauken, New Jersey)
Bạo hành ở trường Trung Học Phía Nam Philadelphia vào tháng 12 năm qua là một sự kiện đáng tiếc và gây nhiều bức xúc cho phụ huynh và quan ngại cho các cơ quan chức năng, trường học, đoàn thể cộng đồng, đặc biệt đối với bản thân và gia đình của các nạn nhân. Sau vụ bạo hành, các cơ quan liên đới đã tổ chức nhiều buổi điều trần để tìm hiểu và lắng nghe ý kiến của phụ huynh và đoàn thể cộng đồng để tìm giải pháp cho tình trạng bạo hành. Nhiều đoàn thể cộng đồng Á châu và giới truyền thông Việt-Mỹ đã loan tải và phổ biến về vụ bạo hành này. Văn phòng Human Relations của bang Pennsylvania đã chính thức mở phiên điều tra độc lập để phân tích và thẩm định bản chất của vụ bạo hành xem có mang tính bạo động chủng tộc hay không. Văn phòng này sẽ phúc trình bản báo cáo của họ trong những tuần tới.
Vụ bạo hành đã đánh thức nhiều cơ quan thẩm quyền, đoàn thể, cộng đồng và phụ huynh về hiện tình an ninh học đường trong hệ thống trường công Philadelphia. Nhờ vụ khủng hoàng này mà nhiều vấn đề phức tạp, hiện hữu lâu dài trong khu học chánh đã được phơi bày trước công luận. Điều đáng đề cập ở đây là thái độ chia sẻ, quan tâm và ủng hộ của các đoàn thể Việt, Á châu và giới truyền thông Việt, Mỹ đối với các em nạn nhân qua những buổi điều trần với ủy ban cải cách giáo dục đã tạo nên những áp lực chính trị lên các giới chức giáo dục và chính quyền, buộc họ phải nghiêm túc tham khảo và tìm hiểu những thiếu sót của chính sách và chương trình hiện giờ, ngõ hầu đi đến những giải pháp cải cách cho trình trạng khủng hoảng an ninh học đường.
Vì vậy, chúng ta cần tham gia giải quyết tình trạng bạo hành trên tinh thần cải cách,cởi mở, hiểu biết và xây dựng để mang lại nhiều thành tựu trước mắt và lâu dài cho con em cộng đồng chúng ta. Thêm vào đó, chúng ta cần biến vụ khủng hoảng trở thành một cơ hội để đẩy mạnh công cuộc cải cách giáo dục lâu dài và sâu rộng cho khu học chánh Philadelphia, để các em học sinh trong thành phố Philadelphia có được một môi trường học hành hiện đại, thân thiện, chất lượng và an toàn.
Cội nguồn bạo hành
Nạn bạo hành ở học đường Hoa Kỳ khá phổ biến và gây nhiều hoang mang lo sợ cho học sinh và phụ huynh. Chúng gây nhiều tổn thất kinh tế, thời gian thậm chí sinh mạng của các em học sinh và nhân viên học đường. Do đó, bạo hành là một trong những mối bận tâm và lo âu lớn không chỉ cho cơ quan chức năng mà cả xã hội. Tổng thống Obama đã ký đạo luật chống hiếp đáp ở học đường trong năm qua.
Theo nhiều nghiên cứu giáo dục về tình trạng bạo hành ở học đường, nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến nạn bạo hành ở trong học đường. Chẳng hạn như:
- Dị biệt văn hoá, tập tục và quan niệm sống
- Xâm nhập trái phép các hoạt động băng đảng (gangsters) và xì ke vào học đường
- Hoàn cảnh kinh tế-xã hội-gia đình khó khăn của một số gia đình trong khu học chánh-nhiều học sinh xuất thân từ những gia đình kinh tế khó khăn và bố mẹ thiếu quan tâm, hướng dẫn con cái, hay tội nghiệp hơn những trẻ em này phải lớn lên trong môi trường hoặc cha hay mẹ thậm chí cả hai nghiện xì ke-ma túy, rượu chè và bạo động gia đình. Do đó, chúng thường có hành vi thù nghịch xã hội (anti-social behavior). Khiến chúng trở thành những đứa bé hoang nghịch quậy phá và gây phương hại cho các em học sinh hiếu học và chăm chỉ khác
- Môi trường học quá phức tạp và lớn- ban quản trị và thầy cô giáo không đủ sức để kiểm soát vì số học sinh theo học quá đông (riêng trường trung học South Phila có hơn 1,600 học sinh; trong đó khoảng 1,000 gốc Phi châu; 300 Á châu; và 150 Hispanic và 150 da trắng)
- Luật pháp, chính sách và chương trình giáo dục (bao gồm liên bang, tiểu bang và thành phố) phức tạp, chằng chịt và đặt nặng quyền lợi bảo vệ học sinh rất cao. Do thiếu quân bình giữa quyền bảo vệ trẻ em và quyền hạn nhân viên giáo dục, mà trong nhiều trường hợp ban quản trị và giáo viên phải sợ học trò bởi vì an toàn của bản thân, phiền toái luật pháp, bị đuổi việc vân vân. Giáo viên của nhiều khu học chánh ở trên nước Hoa Kỳ tỏ ra khá dè dặt khi can thiệp vào chuyện ẩu đả bạo hành giữa học sinh.