Cứu nguy Kinh tế trong nền Dân chủ
Nguyễn Xuân Nghĩa & RFA
...hai năm tới, mỗi năm kinh tế Mỹ sản xuất ít hơn chừng một ngàn tỷ đô la...
Ngay trong mấy ngày đầu năm Kỷ Sửu, giới chức lãnh đạo Hoa Kỳ đã ráo riết vận động việc kích cầu kinh tế giữa cơn suy trầm, và đấy là một ưu tiên của Chính quyền Barack Obama, mới nhậm chức được có một tuần. Diễn đàn Kinh tế tìm hiểu cùng lúc hai vấn đề gắn bó là cứu nguy kinh tế và tranh luận chính trị về chính việc cứu nguy đó. Cuộc trao đổi với nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa sẽ do Việt Long thực hiện sau đây hầu quý thính giả.
Hỏi: Xin kính chào ông Nguyễn Xuân Nghĩa. Cách đây đúng hai tuần trên diễn đàn chuyên đề này, chúng ta đã tìm hiểu tiến trình thông tin, tranh luận và quyết định về một kế hoạch cấp cứu kinh tế trong một thể chế dân chủ như tại Hoa Kỳ. Tuần qua, Tổng thống Barack Obama đã tuyên thệ nhậm chức và một trong những việc ưu tiên và đầu tiên của ông là vận động kế hoạch cứu nguy kinh tế. Cho nên chương trình kỳ này sẽ tìm hiểu riêng về việc vận động ấy, và câu hỏi đầu tiên là vì sao khi tình hình kinh tế đang khó khăn như vậy và một tổng thống vừa được một đa số bầu lên cùng một Quốc hội cũng thuộc đảng Dân Chủ mà lại phải ráo riết vận động"
- Thông thường, khi kinh tế gặp khó khăn trong năm bầu cử, và khó khăn ấy có chi phối kết quả tranh cử thì ta cứ tưởng rằng đảng đa số đã được dân bầu lên để khắc phục các khó khăn này. Vì nghĩ vậy, mình có thể ngạc nhiên khi một nhân vật được cử tri bầu lên với nhiều kỳ vọng như Tổng thống Barack Obama lại còn phải vận động cho kế hoạch cứu nguy kinh tế. Sự thật trong một nền dân chủ là phe chiến thắng vẫn không toàn quyền quyết định về mọi việc. Nhờ vậy mà lãnh đạo các quốc gia dân chủ mới tránh được nhiều sai lầm tai hại. Quả là chúng ta nên tìm hiểu hiện tượng này và đối chiếu với những gì mình đã thấy tại Việt Nam từ năm 1975 cho đến nay.
Hỏi: Nếu vậy, xin đề nghị ông trình bày trước bối cảnh kinh tế và chính trị tại Hoa Kỳ trong một giai đoạn cực kỳ đặc biệt như ngày nay, là kinh tế bị sa sút nặng trong khi chính trị lại báo hiệu nhiều đổi thay với một chính đảng đang nắm cả Hành pháp lẫn Lập pháp với một đa số khá lớn. Nói vắn tắt, kinh tế hoạn nạn ra sao và chính trị có thể làm được gì để cứu nguy kinh tế"
- Kinh tế Hoa Kỳ vừa qua một trận khủng hoảng tài chính nguy ngập ngay giữa chu kỳ suy trầm khởi sự từ 13 tháng qua. Hậu quả là trong thời gian trước mặt, sản lượng bị suy sụp, mức sản xuất sút giảm gần 7% so với tiềm năng tự tại của nền kinh tế. Một cách cụ thể là hai năm tới, mỗi năm kinh tế Mỹ sản xuất ít hơn chừng một ngàn tỷ đô la so với tổng sản lượng chừng 14 ngàn tỷ. Bài toán cụ thể là làm sao giải quyết cơn dư chấn của khủng hoảng tài chính và kích thích kinh tế hầu phục hồi sản lượng, nôm na là để sản xuất thêm chừng một ngàn tỷ đồng một năm"
Hỏi: Đó là về tình hình kinh tế. Còn về hoàn cảnh chính trị thì sao"
- Về chính trị, cuộc bầu cử năm ngoái đã đưa đảng Dân Chủ lên nắm quyền bên Hành pháp và chiếm một đa số lớn hơn bên Lập pháp trong Quốc hội. Chiến thắng của ông Obama thật ra tùy vào khả năng tranh cử rất cao của ông, hơn là nhờ lực đẩy của các Dân biểu Nghị sĩ Dân Chủ. Vì thế, dù là trong cùng một đảng, ông Obama vẫn có tư thế mạnh trong mối quan hệ với Lập pháp chứ không nhất thiết chấp hành đường lối của các đại biểu bên Quốc hội Dân Chủ.
- Đồng thời, dù đảng Dân Chủ chiếm đa số khá cao - gần 60 trong số 100 Nghị sĩ Thượng viện và 255 Dân biểu trong số 434 Dân biểu Hạ viện - cả Hành pháp lẫn Lập pháp đều không thể đơn giản đề nghị kế hoạch cứu nguy kinh tế rồi bỏ phiếu chấp thuận là xong. Lý do là đảng cầm quyền phải lắng nghe quan điểm của đối lập trước sự thẩm xét của công chúng hầu tránh được sai lầm khiến họ có thể thất cử trong cuộc bầu cử kế tiếp, sẽ lại được tổ chức vào mùng hai tháng 11 năm tới để chọn lại tất cả các Dân biểu Hạ viện và chừng một phần ba Nghị sĩ ở Thượng viện.
- Sau cùng cần nói thêm rằng trong khi ấy, thực tế kinh tế vẫn xoay chuyển hàng ngày với tin tức kinh tế và các lời bình nghị thường xuyên xuất hiện một cách công khai, làm thay đổi cách suy tư của dân chúng hay phản ứng của thị trường. Vì vậy, vấn đề không đơn giản là chỉ biểu quyết một kế hoạch kích cầu kinh tế trên cơ sở kinh tế hay chính trị của tháng 11, mà phải vừa điều chỉnh vừa thuyết phục cả cử tri lẫn thị trường. Đây là một hiện tượng rất lý thú trong nền dân chủ.
Hỏi: Nếu ta cho rằng thực tế kinh tế không mấy khả quan là một cơ sở nhất định, việc cấp cứu tình hình kinh tế ấy là một tiến trình vận động, tranh thủ và thuyết phục, xin ông cho biết một số dữ kiện về kế hoạch cấp cứu do Chính quyền của Tổng thống Obama vừa đề nghị với Quốc hội và qua đó với quốc dân Hoa Kỳ.
- Ngày mùng 10 vừa qua, ban tham mưu kinh tế của ông Obama có nêu ra một số đường hướng cấp cứu, nhưng sau đó, phe Dân Chủ trong Quốc hội đã khai triển và bổ xung nhiều chi tiết làm nền tảng cho việc vận động. Trong khi ấy, Hành pháp trong tay Tổng thống Obama còn chờ Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm các viên chức trong nội các và đây cũng là cơ hội tranh luận hay điều chỉnh các biện pháp kinh tế sẽ áp dụng. Trên cơ sở đó, từ Thứ Sáu tuần trước, ông Obama đã trình bày trước quốc dân rồi hội họp với giới lãnh đạo Quốc hội, kể cả các nhân vật bên đảng Cộng Hoà để thuyết phục việc phê chuẩn kế hoạch cứu nguy kinh tế.
- Giữa cả trăm chi tiết mỗi ngày được trình bày rõ hơn, ta có thể biết rằng ngoài việc sử dụng ngân khoản 350 tỷ là phân nửa còn lại của kế hoạch cứu nguy tài chính đã được phê chuẩn từ đầu tháng 10, đảng Dân Chủ đề nghị kế hoạch kích thích kinh tế trị giá 825 tỷ đô la áp dụng càng sớm càng hay trong thời hạn hai năm sắp tới. Kế hoạch đang gây tranh luận khiến ông Obama phải vận động quần chúng và Quốc hội, kể cả trong đảng Cộng Hoà đối lập, để được thông qua trong thời gian sớm nhất.