Ngày Xuân của Obama
Nguyễn Xuân Nghĩa
...Obama đã mau mắn cầm bỏ túi (khăn Khatag) trước khi...đọc lời tuyên thệ...
Non sông tỉnh giấc mơ huyền...
Do nhiều ngẫu nhiên, khi một vị Tổng thống tuổi Sửu xăn tay áo lo việc triều chính thì tấm lịch cũng bóc qua năm Sửu. Vui như Tết.
Mọi người Mỹ đều mong là Barack Obama thành công. Nếu thất bại, ông chỉ là Tổng thống một nhiệm kỳ - chuyện hết vui mà thật ra cũng nhỏ - nhưng Hoa Kỳ sẽ loạn to vì đang ở vào một khúc quanh cực kỳ hiểm nghèo ở nhiều mặt. Vào ngày đầu năm, ta hãy điểm qua mấy mặt hiểm nghèo ấy để thấy ra bài toán đầu Xuân phơi phới của Obama. Phần đầu nói đến chuyện tương đối - tương đối thôi - đơn giản, là đối ngoại. Phần sau, về chuyện kinh tế thì xin để... ra Giêng!
Đầu năm ai nói chuyện xui bao giờ!
TIÊU SÁI RỒI TIÊU HAO
Từ khi tranh cử đến ngày lãnh đạo, mọi Tổng thống đều phải huy động được hậu thuẫn của nhiều thành phần khác nhau hầu đạt đa số phiếu, trước hết là của cử tri đoàn. Khi tranh cử, nghệ thuật hứa hẹn được tận dụng cao độ, ai ai cũng thấy có mình trong đó. Khi cầm quyền, chuyện hứa hẹn sẽ gây nghẹn ngào vì cầm quyền là phải dung hòa nhiều mâu thuẫn từ hậu thuẫn đa diện ấy. Dễ xảy ra nhất là một chính sách ôn hoà có thể thuyết phục được một số người đông đảo nhưng lại gây phản ứng từ các nhóm cực đoan đã tích cực vận động tranh cử ngay từ những ngày đầu.
Vì vậy, khác hẳn thời tranh cử, mỗi quyết định của Tổng thống tân nhậm đều là một chọn lựa, cân nhắc, và có khi gây vấn đề. Thời tiêu sái đê mê của quyền lực sẽ là thời rất dễ tiêu hao hậu thuẫn chính trị. Barack Obama không thoát khỏi bài toán cổ điển ấy và vì vậy, nếu thấy dư luận phản ứng hay kết án những quyết định đầu tiên của ông, mình không nên ngạc nhiên.
Điển hình là quyết định trong nội một năm tới sẽ đóng trại giam Guantanano. Hoặc pháp lệnh mở rộng tài trợ cho các tổ chức ủng hộ kế hoạch hoá gia đình, trong đó có chuyện phá thai. Dù sao, đây chỉ là loại quyết định nhỏ, nặng tính biểu kiến để thoả mãn cánh tả và còn có thể sửa sai nếu thấy là bất cập. Chúng ta còn thời giờ trở lại hồ sơ Guantanamo - việc đóng cửa một trại tù gây tai tiếng cho Mỹ sẽ ảnh hưởng thế nào tới việc ngăn ngừa khủng bố và bảo vệ nước Mỹ.
Chuyện lớn là các hồ sơ nghiêm trọng khác của Hoa Kỳ. Nhưng muốn thấy ra, hãy nhìn trước vào bộ máy mà ông Obama vừa chỉ định xử lý các hồ sơ này.
QUẢN LÝ HILLARY
Sau khi Barack Obama thắng cử, ta được biết Nghị sĩ Hillary Clinton đã hoàn toàn thay đổi.
Bà nhận lời làm Ngoại trưởng và có thể đã thành tâm từ bỏ ước mơ làm Tổng thống, hoặc ít ra hết dự tính tranh cử Tổng thống vào kỳ tới (2012). Đến kỳ sau, năm 2016 nếu như Oabma thắng hai nhiệm kỳ, thì Hillary đã gần tuổi thất thập cổ lai hy nên hy vọng đắc cử sẽ thành xa vời. Hãy tin rằng Hillary thực tâm phục vụ đất nước trong Nội các Obama.
Nhưng tâm là một chuyện, chí hay trí là chuyện khác.
Hillary là người có tham vọng và ráo riết học bài để hoàn thành trách vụ Ngoại trưởng, nhưng bà cũng đòi hỏi một quyền hạn rộng lớn hơn. Dễ hiểu thôi, ở vòng loại bà là người thắng phiếu cử tri đoàn cao nhất, hơn hẳn ông Phó Joe Biden và các ứng cử viên khác. Quyền hạn rộng lớn có nghĩa là sẽ có sự tiếp cận hoặc phân giải trách nhiệm rõ ràng với Phủ Tổng thống (Tổng thống, Phó Tổng thống, Cố vấn An ninh Quốc gia), bộ Quốc phòng và các cơ quan an ninh. Dường như Tổng thống Obama được hiểu vậy và đồng ý như vậy.
Nhưng ngay lập tức, người ta thấy ra nguy cơ mâu thuẫn.
Tổng thống đã chỉ định hai vị đại sứ phụ trách hai hồ sơ nóng.
Người thứ nhất, Đặc sứ Hoà bình Trung Đông là nguyên Trưởng khối Dân chủ tại Thượng viện, Nghị sĩ George Mitchell. Năm nay 75 tuổi, ông Mitchell đã từng xử lý hồ sơ Israel-Palestine từ 2000 và góp phần hòa giải tại Bắc Ái Nhĩ Lan. Người kia, Đại biểu Toàn quyền về Afghanistan và Pakistan là nhà ngoại giao lão thành Richard Holbrooke. Ông từng khởi nghiệp từ Việt Nam, hai lần làm Phụ tá Ngoại trưởng và đã gói ghém thỏa ước Dayton vãn hồi hòa bình trong vùng Balkans. Ông Holbrooke hơn Phó Tổng thống Biden một tuổi, hơn Tổng thống Obama hai chục tuổi.
Đặc sứ George Mitchell khó thể giải quyết mâu thuẫn Israel-Palestine vì đây là vấn đề không có giải pháp mà Hoa Kỳ khả dĩ đề nghị hay áp dụng. Chuyện ấy, hãy tạm gác một bên, chỉ cần ghi thêm rằng tại khu vực Trung Đông, một nhà ngoại giao dày kinh nghiệm mà không cùng cấp bậc với hai người kia là Đại sứ Dennis Ross, sẽ phụ trách riêng về Iran.
Đại sứ Ross không được Tổng thống Obama, Phó Tổng thống Biden và Ngoại trưởng Clinton long trọng giới thiệu trong ngày 22 tại bộ Ngoại giao nhưng sẽ phụ trách riêng về mối quan hệ với quốc gia trực tiếp liên hệ đến hoà bình Trung Đông. Là người của bộ Ngoại giao sẽ phải tường trình với Ngoại trưởng Clinton, ông sẽ chia sẻ quyền hạn với Đặc sư Mitchell của Tổng thống như thế nào"
Nhân vật được chỉ định cho hồ sơ kia mới đáng chú ý.
Ra khỏi ngành ngoại giao, ông Holbrooke đã hoạt đông hơn 10 năm trên doanh trường Wall Street và thường được nhắc tới như một Ngoại trưởng tương lai trong các Chính quyền Dân Chủ, kể từ nhiệm kỳ hai của Tổng thống Clinton. Điều ấy có nghĩa là ông đã từng nghĩ tới ngày sẽ làm Ngoại trưởng cho Obama, trước khi có chuyện Hillary Clinton nhảy dù vào trụ sở Foggy Bottom của bộ Ngoại giao. Nói nôm na, Holbrooke dày kinh nghiệm hơn cả Ngoại trưởng lẫn Phó Tổng thống cộng lại và nay giữ trách nhiệm là đại biểu toàn quyền của Tổng thống để phối hợp chinh sách Hoa Kỳ trên một chiến trường nóng là Afghanistan và một hồ sơ nóng là Pakistan với hậu quả sẽ lan tới Ấn Độ và cả Liên bang Nga.
Ông sẽ nhận chỉ thị từ ai và phối hợp những gì để tường trình với ai"
Holbrooke là vị Đại diện Đặc biệt (Special Representative for Afghanistan and Pakistan) của Tổng thống Hoa Kỳ nên nhận chỉ thị từ tòa Bạch Cung và phối hợp các hoạt động về quân sự, tình báo, ngoại giao và kinh tế để thi hành một chánh sách thống nhất trên một khu vực nóng nhất thế giới bao trùm từ Trung Á tới Nam Á. Khi ấy, ông sẽ phối hợp thế nào phần vụ của các bộ Ngoại giao, Quốc phòng - kể cả Quân khu Trung ương CENTCOM của Đại tướng David Petreaus - và các cơ quan phụ trách về tình báo, viện trợ, v.v... Ông sẽ báo cáo ra sao cho Ngoại trưởng Clinton, Cố vấn An ninh Quốc gia hay Tổng thống Obama" Còn Phó Tổng Biden, người vẫn tự cho là dày kinh nghiệm ngoại giao" Ông sẽ biểu diễn khả năng nói hớ ở đâu, với ai"
Chúng ta đều biết, một Ngoại trưởng chỉ có thế giá trên trường quốc tế khi là người thân cận nhất với Tổng thống và trong quá khứ, đã xảy ra mâu thuẫn hay dị biệt quan điểm giữa Ngoại trưởng và Cố vấn An ninh Quốc gia khi hai người cần thuyết phục vị lãnh đạo Hành pháp. Ở giai đoạn áp dụng chính sách, mâu thuẫn về trách nhiệm cũng thường xảy ra giữa bộ Ngoại giao và bộ Quốc phòng. Cuộc chiến Iraq thất bại một phần ngay từ hai năm đầu do sự thiếu phối hợp và đùn đẩy trách nhiệm giữa Ngũ giác đài và bộ Ngoại giao trong thời Bush.
Tổng thống Obama có học bài học đó của người tiền nhiệm chưa" Ông là cái trục chính của bánh xe, trung tâm xuất phát mọi chuyển động, qua hai vị đặc cứ. Nhưng Ngoại trưởng Clinton lại không dễ dàng nhượng bộ khi trách nhiệm bị thu hẹp trong các lãnh vực mà quân sự chỉ là một mặt của chính trị.
Vì vậy, trong danh mục đầu tiên về các vấn đề của Chính quyền Obama, có chuyện nhân sự phụ trách về đối ngoại và vai trò then chốt của Ngoại trưởng Clinton. Barack Obama có nhiều biệt tài nhưng rất mỏng kinh nghiệm về ngoại giao và quản trị nhân sự. Nhân sự về ngoại giao có thể thành vấn đề cho ông. Người ta đã thấy ngay điều ấy trong cuộc họp báo của Obama, Biden và Clinton tại bộ Ngoại giao ngày 22 tháng Giêng. Nếu có nghi ngờ, xin cứ xem lại!
Như vậy, chỉ hai ngày sau khi nhậm chức, về hai hồ sơ nóng nhất của Hoa Kỳ thì Obama đã mở ra một bài toán nhức đầu về quản trị - và chính trị nội bộ - với ba vị Đại sứ sẽ phối hợp và cố vấn ông về chánh sách.
Nếu còn hoài nghi, mình có thể vào trang nhà của Tòa Bạch Cung, một webiste được đổi mới hoàn toàn từ ngày ông nhậm chức, để kiểm chứng về khả năng quản trị ấy. Trong mấy ngày Obama phải bung ra vận động kế hoạch kích cầu thì trang nhà của White House vẫn lặng như tờ, không có thông tin gì mới về kế hoạch đang thành hình mỗi ngày. Nói gì tới chuyện ở xa. Dường như ra khỏi vạt áo Obama là một mờ ảo phổ biến. Mà Tổng thống Obama sẽ phải ra khỏi vầng mây ngũ sắc để bước xuống trần thế và tháo gỡ những gút mắc chằng chịt của Hoa Kỳ.
Trong đó có quan hệ Mỹ-Hoa, giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, mát mẻ như một cơn hờn mát.
NHỮNG GÚT MẮC HOA-MỸ
Ngoài lời hứa hẹn - hay hăm dọa, tùy cách nhìn - trong bài diễn văn nhậm chức, rằng Hoa Kỳ sẽ phủi bụi, đứng dậy và tiếp tục lãnh đạo thế giới, Tổng thống Obama chưa phát biểu gì nhiều về mối quan hệ của Hoa Kỳ với các đối thủ tiềm thế và trước mặt, là Liên bang Nga, Trung Quốc hay Iran.
Thế nhưng, đúng ngày ông nhậm chức, Bắc Kinh công bố Bạch thư về Quốc phòng của Trung Quốc!
Trước đây, các phúc trình hai năm được công bố một lần đã xuất hiện vào tháng Bảy, tháng Chín hoặc ba lần vào tháng 12. Năm nay, Bắc Kinh đưa ra một thiệp mừng được phổ biến ngày 20 tháng Giêng, rất đúng thời điểm đăng quang của Obama.
Chưa rõ ông Obama sẽ ứng xử thế nào nhưng chú ý đến việc nhà ngoại giao Kurt Campbell được chỉ định là Phụ tá Ngoại trưởng Đặc trách Á châu Thái bình dương. Ông là người dày kinh nghiệm, muốn củng cố liên minh Mỹ-Nhật và có lập trường uyển chuyển mà không mơ hồ về Trung Quốc. Và hiều tường tận nhiều bài toán của Hà Nội.
Chưa biết quan hệ Mỹ-Hoa sẽ xoay chuyển ra sao - trong đó có vấn đề Bắc Hàn và cả chuyện Việt Nam mà người Việt quan tâm - ta chỉ thấy Bắc Kinh bắn tiếng từ tuần trước là sẽ không bỏ tiền ra mua trái phiếu Mỹ để cứu nguy kinh tế Hoa Kỳ! Thiên triều hờn mát. Một tuần sau, trong buổi điều trần trước Thượng viện để được phê chuẩn làm Tổng trưởng Ngân khố, ông Timothy Geithner nói ngay đến việc Bắc Kinh cố tình hạ giá đồng Nhân dân tệ và gây lệch lạc trong quan hệ ngoại thương. Đấy đã muốn mát thì đây cho mát luôn!
Việc kết ước giữa hai nước, vừa nhu vừa cương, hầu Trung Quốc trở thành một quốc gia biết điều và có trách nhiệm với toàn cầu là mục tiêu Hoa Kỳ theo đuổi từ lâu. Việc đó có thành không khi hai bên đều cần nhau và kỵ nhau"