LE GIO TT NGUYEN VAN THIEU |
Căn phòng đựơc trang hoàng với nhiều cờ các quân binh chủng, cờ các Vùng Chiến Thuật và Sư đoàn, màu sắc rất rực rỡ. Bàn thờ có nhang đèn rất trang nghiêm. Có khoảng ba trăm người tham dự, trong đó có sự hiện diện của Trưởng nữ của Tổng Thống Thiệu là Bà Nguyễn Thị Tuấn Anh và phu quân, Ông Hoàng Đức Nhã, Cựu Đại Sứ Bùi Diễm, Cựu Trung Tướng Linh quang Viên, Phó Đề Đốc Đinh Mạnh Hùng, Cựu Thiếu Tướng Nguyễn Duy Hinh… cùng nhiều tướng lãnh và đại diện các quân binh chủng trong QLVNCH. Phía dân sự có đại diện tôn giáo Hòa Hảo, Cao Đài , Chủ Tịch Cộng Đồng HTĐ và phụ cận, đại diện Liên Minh Dân Chủ và nhiều đoàn thể thể chính trị. Phía trước bàn thờ có bốn cựu sĩ quan Trừ bị Thủ Đức trong lễ phục đứng dàn chào, bên trái có nhiều phụ nữ trong quốc phục áo dài vàng, khăn vành vàng và bên phải có nhiều phụ nữ trong áo dài xanh dương, khăn vành xanh dương. Cuối phòng, đối diện với lễ đài là một hàng cựu quân nhân các quân binh chủng Hải, Lục, Không Quân, Cảnh Sát, Cán Bộ Xây Dự Nông Thôn…Ông Bùi Mạnh Hùng và Ông Tạ Cự Hải điêù hợp chương trình.
Mở đầu là lễ rứơc di ảnh Cố Tổng Thống Thiệu, gồm có Ông Lê văn Hiếu TQLC thủ lệnh kỳ, Ông Nguyễn Văn Mùi, Nhảy Dù thủ Tướng Kỳ và Ông Lâm Duy Tiên, Biệt Động Quân cầm di ảnh Cố Tổng Thống Thiệu. Trước bàn thờ Ông Hoàng Đức Nhã được mời an vị di ảnh Cố Tổng Thống Thiệu lên bàn thờ. Kế tiếp là lễ rước Quốc Quân Kỳ với đại diện các quân binh binh chủng Hải Lục Không Quân, theo sau là lễ chào quốc kỳ và một phút mặc niệm.
Sau đó Ông Nguyễn Xuân Tám, Tùy viên của Tổng Thống Thiệu được mời lên chào mừng quan khách. Bằng một giọng hùng hồn, ông Tám đã lôi cuốn mọi người chú ý lắng nghe và tán đồng ý kiến của ông với nhiều tràng pháo tay vang dội. Ông nói: “ Dù gì Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cũng là biểu tượng chống Cộng của Miền Nam VN bên cạnh một quân đội anh hùng. Dưới bất cứ hình thức nào đi nữa thì Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cũng là một chiến sĩ chống Cộng hơn ai hết. Gần một thập niên, trên cương vị lãnh đạo quốc gia Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã điều khiển đất nước trong một hoàn cảnh đầy oái oăm và nghiệt ngã. Ngoài kẻ thù truyền kiếp từ Miền Bắc đầy gian manh và xảo quyệt, ông còn phải chống đỡ một đồng minh đầy tráo trở và bất nhất...”
Ông Tám nói tiếp: “cũng nhân ngày giỗ này ta thử bỏ qua những đố kỵ, tỵ hiềm của những người vô trách nhiệm với đất nước để thấy rằng Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã làm hết sức mình cho sự tồn vong của Miền Nam . Cũng nhân lễ giỗ này ta thử công bình với chính chúng ta để thấy rằng Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã làm tất cả những gì phải làm , ông đã không bỏ bất cứ một nhân tài nào kể cả dân sự cho đến quân sự, từ hạ tầng cho đến thượng tầng, từ những cán bộ xây dựng nông cho đến các Trưởng Ty , Quận trưởng , Phó Tỉnh trưỏng được đào tạo ở Quốc Gia Hành Chánh…những nhà cách mạng lão thành cũng được Tổng Thống Thiệu mời ra chung lo việc nước. Về quân sự, có một sĩ quan tài giõi nào mà Tổng Thống Thiệu cho ngồi chơi xơi nước hay không" Cố nhiên không. Tất cả những người tài giõi đã được sử dụng đứng người, đúng việc, đúng chỗ, đúng lúc…
Với tất cả bổn phận và trách nhiệm của một công dân trên cương vị lãnh đạo quốc gia, với tất cả tấm lòng yêu nước tuyệt đối của ông, miền Nam VN không thể tránh khỏi sự bức tử . Từ Tết Mậu Thân, người bạn đồng minh đã phủi tay. Dưới sự lãnh đạo của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu quân dân Miền Nam đã chứng tỏ cho thế giới phải nghiêng mình và kẻ thù cũng phải khâm phục. Tầt cả những cố gắng ấy, những quyết tâm ấy , tất cả những sự hy sinh cao cả đó đã không đánh động được lương tâm và lương tri của những người đang mặc cả miền Nam ở bàn Hội Nghị. Việc gì đến, đã đến .
Đến nay thời gian đủ dài để cho một người với một lương tâm lương thiện thấy những gì đã xãy ra và tại sao chúng ta phải bỏ nước ra đi. Thời gian và lịch sử sẽ mãi mãi là một quan tòa vô tư và công chính. Nhưng quan tòa đó sẽ mãi mãi không có trong những người đầy dã tâm và ác ý .
Để kết luậ n, Ông Tám đã lập lại lời nói của Tổng Thống Thiệu trước đây : ”Đất nước còn thì còn tất cả, đất nước mất thì mất tất cả”.
Sau đó Ông Phan Hòa Hiệp đọc tiểu sử của Cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Cố Tổng Thống Thiệu sinh ngày 11 Tháng 12, 1924 tại làng Trí Thủy gần tỉnh lỵ Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận. Ông lập gia đình tại Mỹ Tho với Cô Nguyễn Thị Mai Anh, có ba con và một con nuôi. Ông thụ huấn Khóa Sĩ Quan Căn Bản Bộ Binh tại trường Coetquidan (Pháp quốc, 1949 và tốt nghiệp tháng Sáu 1950). Ông được bổ nhiệm Chỉ huy trưởng Trường Võ Bị Đà Lạt QGVN tại Đà Lạt tháng 3, 1955. Ông đi Okinawa, Nhật năm 1962 thụ huấn tại trường Chỉ Huy Tham Mưu Thái Bình Dương, sau giữ chức Tư Lệnh Sư đoàn 5 Bộ Binh Biên Hòa . Năm 1964 được vinh thăng Thiếu tướng, rồi Trung Tướng năm 1965 và bắt đầu vào chính trường với chức vụ Phó Tổng Thống kiêm Tổng Trường Quốc Phòng trong chính phủ Phan Huy Quát, kiêm luôn chức vụ Chủ Tịch Hội Đồng Quân Lực. Năm 1965 ông được tín nhiệm trong chức vụ Chủ Tịch Uỷ Ban Lãnh Đạo QG. Đắc cử Tổng Thống nền Đệ Nhị CH trong hai nhiệm kỳ kể từ tháng 9, 1967.
Tháng Tư, 1975 trước áp lực của HK và CS Hà Nội ông từ chức Tổng Thnốg VNCH. Sau khi rời quê hương ông sống một thời gian tại Luân Đôn, Anh Quốc. Năm 1985 ông định cư tại HK và sống tại West Newton và sau đó Foxboro thuộc tiểu bang Massachusetts.
Ông tạ thế ngày 29 tháng 9, 2001 tại Bệnh viện Beth Israel Deaconess, Thành phố Boston, MA, hưởng thọ 78 tuổi.
Bác sĩ Nguyễn Sơ Đông trình bày ý nghĩa lễ giỗ. Ông Đính Hùng đọc điếu văn. Ba hồi chiêng trống của Giáo Sư Kim Oanh và Bà Tuyết Ngọc ngân vang. Hai ngọn nến được thắp sáng, trầm hương bay tỏa nghi ngút. Trước hết gia đình Cố Tổng Thông Thiệu niệm hương rồi lần lượt đến các đại diện tôn giáo, đạì diện các hội đoàn, đồng hương dâng hương, lễ bái, các nhóm quân binh chủng kính cẫn chào tay trước bàn thờ.
Nhiều vị đại diện như Chủ Tịch CĐVN/HTĐ Ông Lý Văn Phước, Ông Đoàn Hữu Định, Chủ Tịch Liên Hội Cựu Chiến Sĩ QGVN/HTĐ và phụ cận cùng đại diện các Quân chủng Hải , Lục, Không Quân, Binh chủng TQLC, Dù, Cán Bộ Xây Dựng Nông Thôn, Cảnh Sát… các Tôn giáo, các đoàn thể chính trị, Liên Minh Dân Chủ…lần lượt được mời lên phát biểu cảm tưởng.
Trước khi chương trình chấm dứt, Bà Nguyễn Thị Tuấn Anh , Trưởng Nữ của Tổng Thống Thiệu , đại diện cho thân mẫu có lời cảm tạ quan khách. Bà nói, “ Hằng năm, nhiều tổ chức khác nhau, nhiều đoàn thể khác nhau cũng đã tổ chức lễ giỗ cho thân phụ chúng tôi dưới nhiều hình thức khác nhau. Năm nay, nhóm thân hữu và Liên Hội Cựu Chiến Sĩ VNCH vùng HTĐ đã cử hành lễ một cách trân trọng với đầy đủ những lễ nghi cho một vị Nguyên Thủ Quồc Gia, một vị Tổng Tư Lệnh Quân Lực đã nói lên lòng ưu ái và thân tình mà toàn thể quý vị đã dành cho thân phụ chúng tôi, nói riêng và gia đình chúng tôi nói chung.
Một lần nữa xin thay mặt cho gia đình, tôi chân thành cảm ơn toàn thể quý vị quan khách và kính chúc quý vị nhiều sức khỏe và vạn sự cát tường”.
Ông Hoàng Đức Nhã cũng đại diện cho phu nhân của Cố Tổng Thồng cảm ơn. Ông nói vì lý do sức khỏe bà không đến dự và cảm ơn quý đồng hương đã tỏ niềm thương mến Cố Tổng Thông Thiệu nhân ngày giỗ thứ bảy của ông.
Ông Nhã nói ông rất vui mừng và xúc động, ông cũng đặc biệt cảm xúc thấy những em trong Quốc Gia Nghĩa Tử có mặt trong hội trường này. Ông nói, không lời nói nào của ông có thể diễn tả được cảm xúc của gia đình và sự hãnh diện được quý đồng hương ôn lại một số việc, những gì mà trên ba mươi mấy năm nay nhiều người đã nói hay đã viết.
Ông nói : “Những gì đã viết về Tổng Thống của chúng ta, dù bằng tiếng Việt hay tiếng Mỹ cũng không nói lên được sự quyềt tâm của Cố Tổng Thống Thiệu, cũng như không nói lên được sự cô đơn của Tổng Thống ở cương vị chỉ huy phải đối phó với một cuộc chiến đa dạng, với một kẻ thù đa diện. Tổng Thống lúc nào cũng quyết tâm thực thi lý tưởng bảo quốc an dân, không những để bảo vệ đất nước mà còn cải thiện đời sống cho tât cả nhân dân”.
Cuối cùng Ông Nhã cảm ơn các đồng hương đã đến chia sẻ với gia đình ông.
Chương trình được chấm dứt vào lúc 2 giờ chiều cùng ngày.
VIDEO LỄ GIỖ CỐ TỔNG THỐNG THIỆU