*
Bước vào ngưỡng cửa của tháng 9, trong khi nước Úc mênh mông bát ngát của chúng ta đang đưa tiễn những ngày tháng giá lạnh lùi dần vào quá khứ với nhiều kỷ niệm như còn vương lại đâu đây trong tiềm thức để bước vào mùa Xuân ấm áp, thì tại các châu lục khác nhất là vùng châu Á lại ở trong giai đoạn chuyển tiếp với những hiện tượng biến đổi thiên nhiên, tuần hoàn khí hậu để nhường chỗ cho không khí ôn hòa tươi mát ngự trị không gian kèm theo những cảnh sắc đượm nét trầm buồn êm ả nhưng rất quyến luyến trữ tình. Vâng! Đó chính là mùa Thu!
Và đầu mùa Thu năm nay, hãng quảng cáo thời trang và mỹ phẩm “Roem” của Đại Hàn đã tung ra ấn bản đặc biệt với chủ đề “Người Đẹp Mùa Thu” mà qua đó hình ảnh của nhân vật chính xuất hiện trong những bộ y phục thời trang vừa tân kỳ, trang nhã vừa thích hợp với thời tiết se lạnh của tiết Thu được gửi đến độc giả là nữ diễn viên điện ảnh lừng danh “Tống Huệ Kiều” (Song Hye Kyo).
Danh hiệu thương phẩm nổi tiếng “Roem” của xứ Hàn chuyên về những mặt hàng mỹ phẩm, đồ trang sức và y phục dành cho phái đẹp không xa lạ gì với giới yêu chuộng thời trang ở châu Á. “Roem”, tên gốc là “Thủy Tiên”, có đến 142 cửa tiệm trên toàn quốc Đại Hàn, chưa kể các cửa hàng chi nhánh tại những siêu thị lớn ở các đô thị chính. Và giới thưởng ngoạn càng không lấy làm ngạc nhiên khi nhìn thấy người đẹp Tống Huệ Kiều được “Roem” chọn làm người mẫu sống động trong những kiểu quần áo tiêu biểu cho mùa Thu năm nay, vì cô chính là một trong những nữ minh tinh tỏa sáng ngay từ đầu thập niên 2000, và còn được xem là một khuôn mặt đóng góp nhiều tài năng làm thăng hoa nghệ thuật điện ảnh của Đại Hàn nhất là thể loại phim “tình cảm và tâm lý xã hội”.
Khởi đầu sự nghiệp đóng phim với tác phẩm “Mối Tình Đầu” (Sơ Luyến) do đài truyền hình KBS trình chiếu từ tháng 9 năm 1996 đến tháng 4 năm 1997, Tống Huệ Kiều được khán giả biết đến qua vai diễn đầu tiên xuất hiện trên màn ảnh nhỏ cùng với đôi nam nữ tài tử hàng đầu của Đại Hàn là Bae Yong Joon (Bùi Tuấn Dũng) và Choi Ji Woo (Thôi Trí Hữu). Đây cũng là bộ phim truyện có tỷ lệ khán giả xem trực tiếp nhiều nhất tại Đại Hàn ở đợt trình chiếu lần thứ 66, tức tập cuối của phim, với mức kỷ lục 65,8%. Từ đó, trong vườn hoa nghệ thuật đầy màu sắc quyến rũ của nền điện ảnh Đại Hàn lại có thêm đoá “Huệ” tỏa hương thơm ngây ngất, kích thích khứu giác ưa tìm tòi “hoa thơm cỏ lạ” của khán giả và nhất là càng tô điểm thêm cho những sắc thái diễm ảo muôn màu của trào lưu “Văn Hóa Xứ Hàn” trong thời kỳ cực thịnh. Đồng thời, tên tuổi của Tống Huệ Kiều cũng bắt đầu đi vào tâm thức của giới ái mộ qua hình ảnh của một phụ nữ với chiều cao 160cm, duyên dáng, xinh tươi ngoài đời nhưng lại đa dạng và sâu sắc qua các vai biểu hiện nét mặt trầm buồn, suy tư, ẩn chứa sự pha trộn tâm lý phức tạp của tình cảm nội tâm khiến biết bao con tim đã và đang bước vào thế giới của ái tình phải rung động mãnh liệt. Ngay từ khi bước vào nghề Tống Huệ Kiều đã được khán giả ái mộ đường nét ngoại hình gợi cảm nay lại càng nhận được sự tán thưởng nhiệt liệt qua khả năng diễn xuất thiên phú kết hợp với niềm đam mê nghệ thuật của cô.
Tống Huệ Kiều chào đời ngày 26/2/1982, là ái nữ duy nhất trong một gia đình trung lưu tại Hán Thành. Trong thời kỳ trung học, cô có nhiều sở thích về âm nhạc và được câu lạc bộ cùng bộ môn của nhà trường nhận xét là có năng khiếu căn bản về ca hát với chất giọng trong và đạt đến những âm vực cao của thể loại nhạc ca kịch. Vì vậy, cô cũng được tuyển lựa là một giọng ca có triển vọng và thu âm một vài ca khúc thuộc loại nhạc “thời trang” đương thời nhưng không gây được tiếng vang đáng kể. Năm 14 tuổi cô nhận được giải thưởng đặc biệt “SunKyung Smart” trong kỳ thi trình diễn đồng phục nữ học sinh trung học do công ty may dệt “SunKyung” (SK Group: xí nghiệp cổ phần Tiên Kinh) tổ chức. Sau đó không lâu, Tống Huệ Kiều được chọn làm vai chính của vở kịch dành cho lứa tuổi thanh thiếu niên “Happy Morning”.
Đến đây là giai đoạn “trổ mã” của Tống Huệ Kiều với nét hồn nhiên của lứa tuổi ngây thơ mộng mơ ngày nào đã dần biến dạng thành một đóa hoa rực rỡ trong ánh bình minh tỏa sáng ánh mắt long lanh cùng dáng đi mềm mại của cặp chân thon thả mượt mà. Nụ cười tràn đầy sức sống của tuổi trẻ thể hiện trên khuôn mặt “búp bê” của cô đã gây được nhiều sự chú ý trong làng quảng cáo y phục thời trang. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến cho Tống Huệ Kiều nhận ra được mình phải nên quyết định một trong hai con đường tương lai trước mặt: hoặc là nghệ thuật âm thanh hoặc là đèn mầu sân khấu! Sau đó, ngành “Mỹ Thuật Điện Ảnh” của trường Đại Học Sejon (Thế Tôn) đã đón nhận cô nữ sinh Tống Huệ Kiều và cô tạo một kỷ lục đầu tiên mang vinh dự về cho nhà trường vào năm 1996: được tuyển chọn diễn xuất trong bộ phim “Mối Tình Đầu” trong khi chưa tốt nghiệp!
Vào cuối thập niên 1990, thị trường tuyển lựa tài tử Đại Hàn chợt bùng nổ với nhiều tác phẩm gây ảnh hưởng toàn khu vực châu Á với cách gọi “chỉ thành danh một đêm”, tức là có rất nhiều ngôi sao chợt tỏa sáng qua một vài phim rồi chìm vào dĩ vãng qua sự chọn lọc và đào thải nhanh chóng của giới làm phim dựa vào thị hiếu của khán giả. Thế nhưng, trường hợp nổi tiếng của Tống Huệ Kiều lại không thuộc vào dạng “bộc phát” nhất thời này và những bước tiến trên đường danh vọng của cô tuy thong thả chậm rãi nhưng lại rất vững chắc trên nền tảng của sự phát triển năng khiếu thực sự. Điển hình là mãi cho đến năm 1998 Tống Huệ Kiều mới nhận được giải thưởng “Tân Nữ Minh Tinh Xuất Sắc” do đài SBS trao tặng mặc dù cô nổi danh qua phim “Mối Tình Đầu” của đài KBS. Điều này được giới bình luận nghệ thuật Hán Thành lý giải một cách khá hợp lý rằng bên cạnh các ngôi sao như Bùi Tuấn Dũng hoặc Thôi Trí Hữu là những khuôn mặt tiêu biểu cho những đợt tiên phong của “cơn sóng thần Hàn Quốc”, Tống Huệ Kiều được chú mục ở mức độ kém hơn cũng là chuyện đương nhiên. Tuy vậy, năm 1996 cũng đánh dấu sự thành công vượt bực của Tống Huệ Kiều khi cô được xí nghiệp “Tiên Kinh” phát giải hạng Nhất của cuộc thi tuyển chọn người mẫu trong năm.
Sau đó, cùng với nhịp sóng vang danh với những tài tử điện ảnh Đại Hàn khác, tên tuổi của Tống Huệ Kiều ngày càng được tiếp tục ái mộ qua nhiều tác phẩm thuộc loại TV Serie lần lượt ra mắt khán giả quốc nội và lan truyền khắp thế giới cho đến hiện nay như:
- Năm 1997: phim “Áo Cưới” (Wedding Dress) do đài KBS sản xuất.
- Năm 1997: phim “Sáu Anh Chị Em” do đài KBS sản xuất
- Năm 1998: phim “Người bạn đồng hành” (Partner) do đài SBSsản xuất.
- Năm 1998: phim “Đôi Mắt Sợ Hãi” do đài SBS sản xuất.
- Năm 1998: phim “Bạch Dạ” (Baekya) do đài SBS sản xuất.
- 1998: phim “Tôi Là Ai” (Na Eottae) do đài SBS sản xuất.
- Năm 1999: phim “Cô Dâu Đáng Yêu” do đài SBS sản xuất.
- Năm 1999: phim “Phòng Mạch Thuận Phong” (Sungpung Clinic) do đài SBS sản xuất.
Xem tiếp trang 65
Tiếp theo trang 53
- Năm 2000: phim “Trái Tim Mùa Thu” (Autumn In My Heart) do đài KBS sản xuất.
- Năm 2001: phim “Người Quản Lý Khách Sạn” (Hotelier)
- Năm 2001: phim “Thủ Hộ Thiên Thần” (Guardian Angel) do đài SBS sản xuất.
- Năm 2003: Phim “Một Trong Tất Cả” (All In) do đài KBS sản xuất.
- Năm 2004: Phim “Ánh Sáng Tình Yêu” (Sunlight Pours Down) do đài SBS sản xuất.
- Năm 2004: Phim “Ngôi Nhà Hạnh Phúc” (Full House)
- Năm 2008: Phim “Thế Giới Của Chàng” do đài KBS sản xuất.
Trong vô số tác phẩm này, đối với khán giả thế giới nói chung và đặc biệt là những khán giả Việt Nam yêu chuộng phim bộ Đại Hàn nói riêng thì 2 bộ phim do Tống Huệ Kiều thủ diễn được nhắc nhở nhiều nhất vẫn là “Trái Tim Mùa Thu” và “Ngôi Nhà Hạnh Phúc”.
Qua “Trái Tim Mùa Thu”, Tống Huệ Kiều đã lột tả toàn diện tâm lý của nhân vật Thôi Ân Hy trải qua nghịch cảnh đầy trớ trêu của một cuộc tình bi thương, khơi dậy niềm u uẩn xa vắng trong những trái tim mẫn cảm đa sầu. Hơn nữa, khung cảnh đầy màu sắc trong khối tình hoài niệm lưu luyến của mùa Thu cùng những đợt sóng vỗ tràn vào bãi biển thơ mộng của một thời kỷ niệm ấu thơ được lồng vào đoạn kết của phim, tiễn đưa Thôi Ân Hy vào cõi vĩnh hằng trên lưng người tình là Doãn Tuấn Hy do nam tài tử Song Seun Hung (Tống Thừa Hiền) thủ diễn, đã làm rơi lệ hàng vạn khán giả say mê theo dõi.
Trong khi đó, “Ngôi Nhà Hạnh Phúc” lại là một kịch bản vui nhộn với nhiều pha hài hước xen lẫn vào cuộc tình nẩy sinh bất ngờ giữa 2 nhận vật chính là Hàn Tri Ân (Han Ji Eun) và Lý Vinh Tể (Lee Yong Jea). Tống Huệ Kiều đã làm người xem thích thú trong vai cô gái Hàn Tri Ân ở những đoạn “ngớ ngẩn” với nét mặt ngạc nhiên sửng sốt rất đáng yêu khi cô trở về căn nhà của chính mình sau chuyến du lịch Hồng kông, nhưng ngôi nhà đã bị đổi chủ. Trước khi đi du lịch, Hàn Tri Ân giao cho hai người bạn trông coi và bị họ lường gạt, đem bán căn nhà cho một diễn viên điện ảnh nổi tiếng là Lý Vinh Tể do nam tài tử kiêm ca sĩ lừng danh Bi Rain đảm nhiệm. Sau khi nghe giải thích tường tận, Lý Vinh Tể đồng ý cho Hàn Trí Ân ở lại căn nhà “làm việc” cho đến khi cô tìm được đủ số tiền mua lại căn nhà của chính mình. Từ đó là những trận cười thú vị do những xung đột va chạm trong cuộc sống giữa hai người cho đến khi một nhân vật thứ ba xuất hiện là người bạn trai mà Hàn Trí Ân từng để ý thương thầm nhớ trộm là Liễu Dân Học (Yoo Min Hyok: do nam tài tử Kim Thừa Tứ đóng) thì lại tạo thêm nhiều chi tiết vui nhộn hơn.
Ngoài lối diễn xuất trẻ trung tự nhiên rất linh động trong bối cảnh xã hội hiện thực của Đại Hàn, Tống Huệ Kiều còn phản ảnh được những nhân sinh quan mới mẻ của giới trẻ giữa thời đại kỹ nghệ hóa tràn đầy những toan tính, cạm bẫy của tiền tài và danh vọng qua nhân vật Hàn Tri Ân lúc thì cứng rắn kiên cường khi thì nghịch ngợm dí dỏm nhưng lại không kém phần thông minh đáng yêu. Đặc biệt, sự xuất hiện của nam tài tử Bi Rain, tức nam danh ca Trịnh Trí Huân (Jung Ji Hoon) càng làm tăng mức độ “bảo đảm” sự thành công cho bộ phim mang nội dung mới mẻ này. Bởi vì, Bi Rain vốn là một thần tượng của giới trẻ nổi danh khắp Châu Á với sở trường trình diễn các loại nhạc Pop và R&B (Rhythm & Blue) và tài nghệ nhảy múa các điệu “hippop” quay cuồng trên sân khấu. Bi Rain từng được tạp chí “Time” chọn vào danh sách 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới vào năm 2006 sau khi bước vào làng nhạc giải trí từ năm 2002. Tóm lại, “Ngôi Nhà Hạnh Phúc” là một trong những bộ phim nhiều tập của Đại Hàn rất được ưa thích tại nhiều quốc gia Châu Á như: Nhật Bản, Đài Loan, Singapoore, Trung Hoa, Hồng Kông, Malaysia, Việt Nam, Philippines v.v..
Trở lại với sự nghiệp đứng trước ống kính của “Người Đẹp Mùa Thu” Tống Huệ Kiều thì một trong những sự kiện nổi bật nhất được xem như “thành tích” độc đáo về đường nét ngoại hình của cô là qua cuộc thăm dò ý kiến của 15.537 phụ nữ độc thân và đã lập gia đình tại Đại Hàn tổ chức vào đầu năm nay qua câu hỏi: “Theo bạn, ai là người có bộ ngực mà bạn ao ước nhất"”, cô đã được chọn là đối tượng hạng Nhất với 3462 người bỏ phiếu (22, 2%) (hạng Nhì là nữ diễn viên Kim Huệ Tú (Kim Hye Soo) và hạng Ba là Hàn Thái Anh (Han Chea Yong). Với trọng lượng khoảng 45kg, Tống Huệ Kiều còn là một người mẫu lý tưởng qua tiêu chuẩn của những vòng đo “ngực, eo, mông” là 34-24-35 tính theo đơn vị inch. Đồng thời, cô cũng thường xuyên đến với khán giả qua các đoạn phim quảng cáo trên truyền hình, đa số là các loại kem mỹ phẩm do Tống Huệ Kiều có được một làn da trắng mịn màng. Do đó, ngoài mỹ danh “Người Đẹp Mùa Thu”, người ta còn biết đến Tống Huệ Kiều qua cách gọi “Nữ Hoàng Bạch Tuyết Quảng Cáo”.
Bước sang lĩnh vực điện ảnh, bộ phim “My Girl And I” được trình làng năm 2005, đánh dấu sự thử thách lần đầu tiên của Tống Huệ Kiều trên màn ảnh lớn, đem lại những thành công bất ngờ. Hai năm sau đó, một tác phẩm mang giá trị văn hóa thuộc thể loại “kịch trường cận đại” là phim “Hwang Jin Yi” (Hoàng Chân Y) lại một lần nữa xác định địa vị đỉnh cao của Tống Huệ Kiều trong giới điện ảnh Á Châu.
Phim Hoàng Chân Y (Hwang Jin Yi) dựa theo nguyên tác của quyển tiểu thuyết nổi tiếng cùng tên của nhà văn Bắc Hàn Hồng Tích Trung (Hong Sook Jung), miêu tả những mặt tiêu cực của khung cảnh xã hội Đại Hàn trong thế kỷ thứ 16 thuộc vương triều Cao Ly vốn mang nặng thành kiến phân biệt giai cấp và kỳ thị nam nữ. Qua đó, nhân vật chính trong truyện là một phụ nữ tên Hoàng Chân Y tuy sinh trưởng trong giới quý tộc (tiếng Đại Hàn gọi là “Yanban”) nhưng sau đó biết được quá khứ xuất thân của mình và cô đã chọn lựa con đường trở về giai cấp của cha mẹ ruột là những người bình dân. Từ một địa vị cao sang trong xã hội được kính trọng, hầu hạ, nuông chiều, Chân Y trở thành một ca kỷ dùng lời ca điệu múa để mưu sinh. Vào thời bấy giờ, những cô gái hành nghề ca kỷ được gọi là “Giseang” (Kỷ Tính) và bị coi là thuộc tầng lớp thấp kém nhất trong xã hội, nhưng Chân Y lại được các vị quan đại thần triều đình ái mộ vì tài nghệ đàn ca và sắc đẹp thùy mị của nàng. Trong cuộc sống tiếp xúc với giới bình dân lao động, Chân Y càng cảm nhận được những nỗi thống khổ của thường dân bị quyền lực của bọn tham quan chèn ép và càng nhìn thấu được mặt trái của những lớp son phấn hào nhoáng bên ngoài của giới trưởng giả quý tộc che đậy những âm mưu đen tối. Từ đó, Chân Y lại tỏ ra kiên cường chiến đấu với nghịch cảnh để sinh tồn và cứu giúp người bạn trai của cô vốn là một nô lệ bị truy nã gắt gao vì tội danh tạo phản.
Hồng Tích Trung là cháu ruột của Hồng Mệnh Hy (Hong Myong Ji), một văn hào nổi danh của nền văn học Đại Hàn vào thời kỳ bị Nhật Bản xâm chiếm. Đồng thời, ông cũng là một ngòi bút sắc bén có khuynh hướng phê phán xã hội vua chúa thời phong kiến. Ông sinh năm 1941 tại Hán Thành nhưng sau đó cùng với gia đình bên nội chuyển cư đến Bình Nhưỡng. Năm 1970, Hồng Tích Trung được cả hai miền Nam Bắc biết đến qua tác phẩm đầu tay “Hoa Đỏ” (Hồng Hoa), sau đó trở thành Ủy Viên Trung Ương Công Đoàn Nhà Văn Bắc Hàn và càng được chú ý qua bộ trường thiên tiểu thuyết “Gió Đông Bắc”. Đến năm 2002, quyển “Hoàng Chân Y” của ông ra đời, và cũng được xuất bản tại Nam Hàn trong cùng thời điểm. Ông là nhà văn đầu tiên của Bắc Hàn nhận được Giải Thưởng Văn Học “Vạn Hải” (Man Hee) của chính phủ Đại Hàn kể từ khi đất nước này bị chia cắt.
Với kinh phí khoảng 10 triệu đô la, bộ phim “Hoàng Chân Y” được Tống Huệ Kiều diễn lại cuộc đời sóng gió của nữ danh kỷ này rất xuất sắc cùng với sự phụ họa của nam tài tử Lưu Tri Thái (Yoo Ji Tae) trong vai người bạn trai Chân Y, càng làm tăng phêm phần hấp dẫn cho một tác phẩm thuộc thể loại tương đối khá mới mẻ trong làng điện ảnh vốn sở trường về phim tình cảm của xứ Hàn.
Sau khi hoàn thành bộ “Hoàng Chân Y” với những lời khen tặng nồng nhiệt của khán giả quốc nội, Tống Huệ Kiều đã sang Hoa Kỳ để rèn luyện thêm Anh ngữ và được biết là “Người Đẹp Mùa Thu” rất siêng học. Lập tức, trong giới bình luận văn nghệ Hán Thành liền nổi lên những lời đồn cho rằng Tống Huệ Kiều có ý định “tấn công” vào các phim trường tại Hollywood, vì xưa nay hầu hết các minh tinh hoặc ca sĩ thành danh của Đại Hàn thường đến Hoa Kỳ để du lịch hoặc thu hình, chứ chỉ với mục đích học Anh ngữ như Tống Huệ Kiều thì quả thật hiếm có. Liên quan đến chi tiết này, “Tống mỹ nhân” mỉm cười cho biết: “Trong thời đại bây giờ, ngoại ngữ là một phương tiện tốt nhất để bạn truyền đạt những thông điệp đến khán giả trên toàn thế giới. Tuy tôi chưa hoàn tất chương trình chuyên ngành văn hóa bậc đại học nhưng tôi luôn tự nhủ mình phải cố gắng học thêm”.
Tuy Tống Huệ Kiều không chính thức xác nhận nhưng giai đoạn cô thực sự bước vào thế giới màn bạc của Hollywood chỉ còn là vấn đề thời gian vì quá trình diễn xuất từ trước đến nay của Tống Huệ Kiều đã đủ chứng minh cho điều này trong tương lai.
Mặc dù là một người mẫu Á Châu với chiều cao thua xa các đồng nghiệp Âu Mỹ nhưng Tống Huệ Kiều đã được hãng sản xuất quần jeans danh tiếng Levis chọn làm người mẫu giới thiệu sản phẩm quần jeans của phái nữ. Ngoài ra, các nhà thiết kế thời trang của Roem cũng đã quảng cáo thành công sản phẩm thời trang của công ty khi đưa ra hình ảnh một Tống Huệ Kiều tươi mát trong những bộ quần áo mùa thu ôm gọn thân hình cân đối của cô. Đa số các bộ áo cô mặc đều có màu sắc hài hòa thí dụ như áo mặc bên trong bằng lụa màu tím nhạt, áo khoác ngoài bằng da có màu tím sậm và chuỗi hột đeo trên cổ màu tím thật tươi tạo cho bộ áo một sắc thái đằm thắm nhưng không sặc sỡ. Cô cũng mặc những bộ áo đầm với kiểu tay áo rộng mang màu sắc vui tươi hoặc áo in hình kỷ hà màu sắc nhu nhã nhưng luôn được kèm theo chiếc thắt lưng to bản, càng làm nổi bật hơn vòng eo thon thả của cô.
Thay lời kết, xin được mượn những vần thơ cảm ý từ danh khúc “Thu Quyến Rũ” của hai nhà soạn nhạc tiền chiến trứ danh Đoàn Chuẩn và Từ Linh, để đồng cảm với ý Thu trong những bộ y phục thời trang mùa Thu mà Tống Huệ Kiều giới thiệu:
“Thu về mơ chốn thiên thai
Nỗi niềm mong đợi cùng ai tâm tình
Môi hồng nở rộ đẹp xinh
Cùng đàn bướm lượn cánh chim ngập ngừng
Mùa Thu quyến rũ tưng bừng
Mây bay cuối nẻo anh dừng bước chân
Đàn xưa ngân bởi tình nhân
Nhưng nay mưa xuống bẽ bàng, lá phai
Anh đã trót lỡ đắm say
Màu Thu xanh ngát em bay về trời
Thu về hồn rũ tơi bời
Như mơ anh ngỡ gặp người tri âm
Hoàng hôn buông xuống rộn ràng
Người mơ không đến ngỡ ngàng xót xa
Thu ơi, đừng quyến rũ ta
Hãy như cơn gió rời xa kiếp người…”