Bìa sách |
Nhưng, phải nói là cuốn thứ hai của bạn tôi, đáng được quan tâm - bởi đây là một "Giông Tố" của Vũ Trọng Phụng, nhưng rộng luợng hơn, lạc quan hơn, và tôi thưởng thức. Đối với tôi, tôi chỉ dám kể ra đây vài nhận xét, như là một đôc giả muốn đọc sách … không dở, để người khác có thể thấy là đáng xem - thế thôi.
Trước hết, tôi xin giới thiệu với quý vị Trần Trị Chi (TTC) là người coi trọng việc viết lách - ông không viết vớ vẩn để tự xưng là nhà văn (như một số người thích danh hiệu văn nghệ sĩ trong thành phần có ít nhiều chữ nghĩa của cộng đồng VN - khổ quá). TTC viết, và viết đàng hoàng sau khi nghỉ hưu (non, trước tuổi luật định - nhờ benefit tốt của nghề thợ tiện). TTC có thì giờ "đi thực tế", và tập trung tư tưởng, làm chủ kỹ thuật khi viết. Tôi muốn nói đến một số trường hợp "sống và viết" không nhiều lắm, như Hemingway tham gia nội chiến Tây Ban Nha đánh chủ nghĩa độc tài, phiêu lưu đỉnh Kilimanjaro ở châu Phi tự thử thách mình … Là dân di cư, trước ngày miền nam thất thủ, TTC là sĩ quan VNCH, dạy trường thiếu sinh quân Vũng Tàu từ 1968 đến 1975, TTC bỏ công đi Hà Nội mấy lần, nhìn và nghe nhịp sống của dân Hà Nội sau nhiều biến đổi : dân vô sản tràn ngập sau năm 1954, và phe chiến thắng đưa chiến lợi phẩm từ miền nam ra và biết rằng phiá nam vĩ tuyến 17 quả là có phát đạt (như Dương Thu Hương nhận xét), rồi đến sau đổi mới, sau ngày bang giao với Hoa Kỳ, con cháu đảng viên cấp cao "phất" lên, một phần đua đòi ăn chơi, một phần công nhận các giá trị dân chủ tự do mà họ nhận biết sau khi được tiếp xúc với thế giới bên ngoài nhiều hơn. Bối cảnh cuốn "Cải Ngồng Non" là miền bắc đã trải qua hơn hai muơi năm cai trị của đảng CS trước khi là phe chiến thắng. TTC vốn là người bắc nên giọng văn bắc khá tự nhiên, người đọc không để ý thì tưởng tác giả là "Bắc 75". Kể chuyện Hà Nội, thì phải nói giọng Hà Nội, hẳn rồi - nhưng, "Cải Ngồng Non" hiền hoà, không dùng những tiếng lóng một chữ cụ ngủn. Và, "Cải Ngồng Non" là một công phu của tác giả, khi ông nói với tôi : đọc riêng từng đoạn cũng đuợc.
Tôi (rất chủ quan) thấy TTC khác với Vũ Trọng Phụng kể chuyện "Giông Tố" với giọng vô cảm - ông có tình cảm hơn, có thể thấy rõ ràng ý tưởng "nhân chi sơ tính bản thiện". Lạc quan, tha thứ. Lại thêm hành văn ngắn, gây ấn tượng, không dài dòng, gò ép, biểu diễn chữ nghĩa nhiều hình dung từ. Thử xem một đoạn (trang 254) : " Chợ nhỏ chỉ dăm buớc là tới hàng của vợ thằng Pháo, con dâu của bà Thìn, chuyên bán thịt chó. Nhưng, ông vừa đi vưà nghĩ tới Tý ; miên man về mối tình của nó. Ông hơi vui trong bụng, khi thấy thằng con cũng giống y ông hồi còn trẻ, nghĩa là hấp háy con mắt, nháy nhó với người con gái bên hàng xóm …".
Một đoạn khác "…Nhưng cái Mun không dại như mẹ nó, ông đội trưởng ạ. Thôi ông đội trưởng để tôi bán hàng (xuống dòng). Đay nghiến. (xuống hàng) Bẽ bàng". TTC lạc quan thấy rõ - trang cuối đánh số 490, ông viết "Cuộc đời quả là đáng sống" và câu cuối trang "Cuộc đời quả là đáng sống, khi lòng người có được những hai nơi, không phải để đi. Nhưng để về".
Ai cũng biết, tác giả có thừa quyền hạn để nặn các nhân vật đóng từng vai trong kịch bản của mình, thì "Cải Ngồng Non" cho chúng ta thấy người xấu không nhiều, và có lỡ xấu thì cũng biết là lỡ, và quay lại. Và để tạo một biện giải (như là đoạn kết có hậu), TTC cho cô Mun rủ rê người yêu là Tý trở về sống trong vùng thiểu số, nơi không cần đến những người đàn ông gây bạo lọan và biến động không cần thiết cho loài người.
Thú thật, "Cải Ngồng Non" như tôi xem, như thế là đẹp lắm rồi. Rất gần với đời sống thật, và không thiếu phần nhân bản.
Người giới thiệu : BẠN CŨ