Hoa Kỳ và Việt Nam đã kết thúc hội nghị thường niên về vấn đề nhân quyền và các nhà ngoại giao Mỹ cho biết vấn đề hàng đầu được mang ra thảo luận là vấn đề liên quan tới hai nhà báo Việt Nam bị bắt vì tường thuật về vụ tai tiếng tham nhũng PMU 18. Từ Hà Nội, thông tín viên Matt Steinglass gởi về bài tường thuật sau đây.
Trợ lý ngoại trưởng Mỹ, ông David Kramer, đã đến Hà Nội để tham dự cuộc đối thoại hàng năm về nhân quyền giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Hôm nay, ông Kramer cho biết rằng ông đã đề cập với các nhân vật tương nhiệm phía Việt Nam về vụ bắt giữ hai nhà báo.
Ông Kramer nói: "Chúng tôi đã nhấn mạnh rằng các nhà báo phải được tường thuật và viết hoặc phát thanh phát hình mà không phải lo ngại về sự an toàn của mình, mà không phải lo ngại về việc bị bắt giam mỗi khi tường thuật về một vấn đề nhạy cảm."
Hai nhà báo Nguyễn Văn Hải và Nguyễn Việt Chiến đã tích cực làm việc để tường thuật về vụ tai tiếng PMU 18, bùng ra ở Bộ Giao thông hồi năm 2006. Một viên thứ trưởng bị bắt trong vụ án này đã được tòa xử trắng án hồi cuối tháng 3 vừa qua, và đến ngày 13 tháng 5 thì hai nhà báo vừa kể bị bắt.
Nhiều người ở Việt Nam e rằng vụ bắt giữ này là một hành động trả đũa đối với những hoạt động tường thuật của ông Hải và ông Chiến, và điều này sẽ mang lại một ảnh hưởng khá tiêu cực cho giới báo chí Việt Nam -- vốn đang trên đà cởi mở.
Cuộc đối thoại nhân quyền diễn ra trong tuần này cũng bàn tới các vấn đề như pháp trị, tự do tôn giáo và tự do diễn đạt. Ông Kramer nói rằng phía Hoa Kỳ hài lòng với những tiến bộ của Việt Nam trong một số lãnh vực.
Ông Kramer nói: "Tôi nghĩ rằng đã có tiến bộ trong lãnh vực tự do tôn giáo."
Tại cuộc họp này, phía Việt Nam đã đáp lại những mối quan tâm của Hoa Kỳ bằng cách nêu lên những mối quan tâm của họ đối với quyền kinh tế và xã hội ở Mỹ, chẳng hạn như cứ 7 người Mỹ thì có một người không có bảo hiểm sức khỏe.
Tại cuộc họp báo ngày hôm nay ở Hà Nội, các ký giả Việt Nam đã nêu lên câu hỏi là tại sao phái đoàn Hoa Kỳ không gặp những người Việt Nam bị khuyết tật vì bị phô nhiễm với hoá chất da cam/dioxin mà quân đội Mỹ đã rải ở Việt Nam trong thời chiến tranh.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Michael Michalak, nói rằng chính phủ Mỹ có một đường lối khác để giải quyết vấn đề này.
Đại sứ Michalak nói: "Chúng tôi đã sử dụng 43 triệu đô la để giúp đỡ cho những người khuyết tật, bất kể nguyên do gây bệnh, và hiện giờ chúng tôi có một chương trình với kinh phí ước chừng 3 triệu đô la để hỗ trợ cho các nỗ lực về y tế và khắc phục hậu quả."
Chương trình 3 triệu đô la mà Hoa Kỳ dành cho nỗ lực khắc phục hậu quả của hoá chất da cam đang được thực hiện.