Bạn,
Theo ghi nhận của báo Sài Gòn, tại khu vực các tỉnh phía Bắc của miền Trung, dịch heo (lợn) tai xanh đã tràn đến tỉnh Hà Tĩnh như một cơn bão tàn phá dân nghèo tỉnh này suốt từ giữa tháng 3 đến nay. "Bão" dịch đang dần qua đi thì người dân lại đối mặt với nỗi lo mới, đó là heo đến tuổi xuất chuồng mà không được phép bán ra thị trường, và nhiều gia đình đã bỏ đói heo vì hết tiền mua cám. Báo Nông Nghiệp Việt Nam ghi nhận thảm trạng này qua đoạn ký sự như sau.
Trong cơn đại dịch, thiệt hại nặng nhất là huyện Cẩm Xuyên và 2 xã Thạch Hội, Thạch Thắng của huyện Thạch Hà. Ông Nguyễn Văn Thanh, một người dân xã Cẩm Bình (Cẩm Xuyên) nói trong thất vọng: "Nhà tui nghèo, chỉ nuôi 2 con lợn mà đã không kiếm đủ cho chúng ăn huống hồ các hộ chăn nuôi trang trại quy mô cả trăm con. Thời buổi thóc cao gạo kém này, nhiều nhà đứt bữa nói chi đến mua thức ăn cho lợn. Mà đầu tư vào mai mốt dịch trở lại thì nguy, nghĩ vậy nên tôi chỉ cho chúng ăn rau cầm cự qua ngày."
Chị Hoa, người cùng xã với ông Thanh có 10 con lợn thịt may mắn không bị dịch kể: "Tôi thường mua lợn giống cỡ 10kg/con, và chỉ nuôi sau 3 tháng đã xuất chuồng. Nay lợn đã 5 tháng, mỗi con trên tạ cả rồi mà vẫn chưa được bán. Từ trước đến nay, tôi thường được các đại lý thức ăn gia súc cho mua nợ, đến khi bán lợn mới trả. Nhưng giờ nhiều đại lý cũng chết dây chuyền theo dịch "tai xanh" vì người nuôi lợn trắng tay nên không thể thanh toán nợ cho đại lý. Cứ nhìn đàn lợn con nào con nấy to như bò mộng suốt ngày đói ăn mà tôi như ngồi trên lửa..".
Gần với Cẩm Bình là xã Thạch Hội. Xã này có tổng đàn lợn 8.572 con lợn thì 3.127 con bị bệnh phải tiêu huỷ. Số còn lại, các gia đình đang "tiến thoái lưỡng nan" vì người dân không còn tiền mua thức ăn cho lợn. Thậm chí có nhiều hộ bỏ đói đàn lợn trong chuồng đã quá thời kỳ xuất bán. Đến thăm gia đình ông Nguyễn Minh Dư ở thôn Nam Thái, nuôi tới 150 con lợn. Khi dịch xảy ra, gia đình ông phải tiêu huỷ 32 con. Theo ông Dư nếu không có dịch, đàn lợn này xuất chuồng ông có thể thu về trên 30 triệu đồng.
Nhìn số lợn còn lại nằm chen chúc nhau, bụng lép kẹp, ông Dư ngẹn ngào: "Gia đình tôi chỉ trông chờ vào đàn lợn, nhưng lợn đầy chuồng mà không bán được trong khi thức ăn cho chúng thì phải chạy vạy từng bữa, đi vay thì không ai cho, mua nợ thức ăn các đại lý không bán. Cả gia đình hầu như chẳng đêm nào ngủ được bởi đàn lợn đói ăn kêu gào, cấu xé nhau. Thương chúng lắm nhưng cũng không thể kham nổi. Vả lại người còn chịu đói nữa là lợn".
Bạn,
Cũng theo báo Nông Nghiệp, không riêng gì ông Dư, tại xã nói trên, rất nhiều gia đình chăn khác cũng lâm vào cảnh khốn đốn, trớ trêu như thế. Họ mong được vay vốn ngân hàng, khôi phục đàn heo còn sót lại để khi hết dịch, các gia đình này có cơ hội tiếp tục chăn nuôi, góp phần "kéo" lại số heo đã mất.