(Sài Gòn - VNN) Sau nhiều ngày đi "nghỉ ngơi" ở Hà Nội vì tình trạng đàn áp căng thẳng ở Sài Gòn trong thơì gian nhà cầm quyền CSVN tổ chức rước đuốc Bắc Kinh, nữ đạo diễn Song Chi khi đến làm việc tại hãng phim TFS đã được Ban giám đốc hãng chính thức thông báo rằng "bên an ninh đã đến làm việc với Tổng Giám Đốc Đài và Ban GĐ hãng phim để đề nghị không tiếp tục mời đạo diễn Song Chi cộng tác nữa", với lý do nêu ra là "có vấn đề về chính trị, phức tạp về mặt tư tưởng..."
Theo đạo diễn Song Chi trình bày trên đài BBC và trên trang blog của chị, rằng toàn bộ công việc chuẩn bị hơn nửa năm nay cho bộ phim truyện truyền hình dài 36 tập dự tính có thể thu hình vào khoảng tháng 7 tới đây đã bị ngừng lại và bộ phim sẽ được chuyển giao cho một đạo diễn khác!
Ở Việt nam, một khi an ninh CSVN đã nói như thế thì từ bây giờ trở đi, chắc chắn TFS hay các đài khác cũng không dám mời một đạo diễn "có vấn đề về chính trị" như nữ đạo diễn Song Chi làm phim nữa. “Và nếu các hãng phim tư nhân có mời tôi thì cũng sẽ có một cú điện thoại nào đó can thiệp ngay.” Sự cấm đoán này không bao giờ có văn bản chính thức, chỉ có những lệnh miệng nhưng chỉ cần một cái lệnh miệng như thế là đủ để cho mọi thứ "đâu vào đó"ngay.
Được biết, bên an ninh đã mang theo một sấp hồ sơ bài viết của đạo diễn Song Chi đến gặp hãng phim TFS, nói rằng cô "đã viết bài cho các trang web phản động, trả lời báo đài nước ngoài, có mối liên hệ với các phần tử phản động...". Theo đạo diễn Song Chi, từ trước tới giờ, toàn bộ những việc mà cô đã làm chỉ là có mặt trong cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc vụ Trường Sa Hoàng Sa vào ngày 19-1-2008 trước cửa Nhà hát Thành phố, và viết một số bài bày tỏ những suy nghĩ trước tình hình chính trị-xã hội của đất nước trên blog của mình với tên thật một cách công khai chứ cá nhân bà không gửi bài đi đâu cả.
Cũng theo đạo diễn Song Chi, qua sự việc này suy cho cùng thì cũng chẳng có gì là ngạc nhiên, vì đang sống ở Việt Nam, nơi mọi chuyện đều có thể xảy ra. Không kể đến thời Nhân văn Giai phẩm khi mà một số văn nghệ sĩ như Trần Dần; Lê Đạt, Hoàng Cầm, Hữu Loan, Phùng Quán... đã phải trả giá cho sự dám lên tiếng của họ bằng cả một đời người và đời văn phải "ở bên lề", "chìm trong bóng tối"... hay thời của nhà văn Vũ Thư Hiên, Dương Thu Hương... cũng phải trả giá cả một đời; ngay trong thập niên 80 thôi, nhà thơ Hoàng Hưng chỉ vì có giữ cuốn thơ Hoàng Cầm vào thời điểm đó và có làm một số bài thơ không được "đúng đường lối" đã phải bị 3 năm tù giam từ 82-85 chẳng hạn...
Trong những ngày vừa qua, nhất là trong tháng 4, để bảo đảm an toàn cho lễ rước đuốc Olympic Bắc Kinh 2008 ngang qua Sài Gòn, cả một mạng lưới công an, an ninh VN đã được huy động tối đa, trong đó có việc kiểm soát, khống chế, trấn áp tất cả những sinh viên, văn nghệ sĩ, blogger... nào đã từng có thái độ phản ứng về vụ Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa Trường Sa hoặc phản đối lễ rước đuốc Olympic qua Sài Gòn hoặc có những quan điểm không "vừa tai"chính quyền. Nhẹ nhất là "mời" lên cơ quan công an ngồi từ 12 tiếng, 24 tiếng, 30 tiếng trước ngày rước đuốc cho đến khi xong lễ thì ra, nặng hơn thì đi tới đi lui "làm việc" vài lần, giữ lâu ngày hơn, hoặc làm cho mất việc... Một số nhóm blogger bị xách nhiễu, trấn áp khá nặng như nhóm x-café ở SG, nhóm CLBNBTD ở Sài Gòn, nhóm Thanh Niên Lạc Việt...Và trong số đó phải kể đến blogger Điếu Cày (tức Hoàng Hải) của nhóm CLBNBTD vừa bị bắt là lập tức đã có mấy bài báo buộc tội, bêu riếu đủ điều về nhân cách, đời tư... mặc dù theo pháp luật, người nào chưa bị tòa xét xử thì vẫn chưa được coi là phạm tội và ngay cả nếu có phạm tội "trốn thuế" như báo đưa ra thì cũng chả có lý do gì để lôi đời tư người đó ra mà bêu riếu, chưa kể là có đúng như vậy hay không nữa.