Khi bị áp bức, bóc lột, con người đương nhiên phải đối kháng. Đấu tranh là hình thức đối kháng dứt khoát và triệt để nhất vì nhắm tới mục tiêu chấm dứt tình trạng áp bức và bóc lột. Từ tình trạng đối kháng tiến lên tình trạng đấu tranh, con người bị áp bức phải đi qua nhiều tiến trình khác nhau, ngày một triệt để và quyết liệt hơn. Bởi vì trong một xã hội bị một thiểu số thống trị, từng người có thể có những hành động đối kháng với ít nhiều kết quả tùy theo phạm vi liên hệ; nhưng đã nói đến đấu tranh, phải nói đến số đông, nói đến một tập thể cùng chia xẻ khát vọng chung. Nói cách khác, trong đấu tranh, ta có hai lực lượng đối đầu nhau: một bên là đại đa số người trong xã hội bị thống trị muốn chấm dứt áp bức để có một đời sống tự do. Một bên là thiểu số thống trị sử dụng bạo lực để luôn luôn duy trì tình trạng sợ hãi và thói quen tuân phục đã có từ lâu của người dân.
Đối kháng lại những hành vi tra tấn, thủ tiêu và khủng bố của thiểu số độc tài, người ta thường nghĩ là chỉ có bạo lực mới có thể kết thúc một chế độ độc tài. Nhưng trong thực tế, những cuộc bạo loạn dễ châm ngòi cho những trấn áp tàn bạo của kẻ độc tài, để lại những hậu quả to lớn cho người dân vì đã chọn cách đấu tranh mà những kẻ đàn áp hầu như luôn luôn chiếm ưu thế, với đầy đủ trang bị để đánh phủ đầu bằng bạo lực. Do đó, đối kháng bằng vũ lực không những không đánh đúng vào điểm yếu của chế độ độc tài mà còn đánh vào chỗ mạnh nhất của họ, khiến người dân dù có dũng cảm đến đâu, chỉ làm tăng khổ đau và chết chóc do những đợt trả thù tàn bạo của thiểu số độc tài.
Trong tương quan đối kháng, thiểu số độc tài rất sợ những phản kháng tập thể - không phải bằng vũ lực -- mà bằng những thái độ bất hợp tác và bất tuân phục một cách tiệm tiến của quần chúng. Nghĩa là thay vì dùng súng đạn, dao búa, tạo lý cớ cho kẻ độc tài đàn áp, người dân sẽ dùng các hình thức biểu tình, đình công, lãng công, bãi thị, cầu nguyện tập thể, vận động chữ ký, tẩy chay,... để tạo áp lực và nhất là gây ra tình trạng tiến thoái lưỡng nan cho chính chế độ độc tài trong cách đối phó. Người ta gọi đây là hình thức phản kháng chính trị trong khuôn khổ đối đầu bất bạo động.
Đối đầu bất bạo động, do đó là cuộc đấu tranh của người dân, do người dân và vì người dân.
-Của người dân là vì những phương thức như biểu tình, đình công, cầu nguyện tập thể, tẩy chay... là vũ khí đấu tranh căn bản, do chính người dân xử dụng để bày tỏ thái độ bất phục tùng, bất hợp tác của người dân đối với những hành xử vô lối của một chế độ độc tài.
-Do người dân là vì những nỗ lực tranh đấu không thể do những áp đặt từ một cá nhân hay một nhóm người nào mà phải xuất phát từ những ước muốn thay đổi, những khát vọng được sống một cuộc đời tự do, dân chủ trong xã hội công bằng và công lý của chính mỗi người dân, gom lại thành một sức mạnh tổng hợp.
-Vì người dân là bởi những nỗ lực tranh đấu không nhằm phục hồi một chế độ hay một chính thể nào mà là để chính người dân bằng lá phiếu của mình, chọn lựa một thể chế mới, một chính quyển mới nhằm xây dựng một trật tự mới, phục vụ hiệu quả cho những nguyện vọng của chính người dân.
Khi cuộc đấu tranh dựa trên ý chí của người dân, tất nhiên đây là cuộc chiến đấu có chính nghĩa. Nhờ có chính nghĩa nên mới huy động được nhiều người tham gia, tạo thành một cuộc đối kháng của số đông. Vì thế, yếu tố đầu tiên và then chốt nhất của phương thức đối đầu bất bạo động bắt buộc phải có sự tham dự của số đông. Số đông là sức mạnh then chốt không những cần thiết trong giai đoạn làm tê liệt khả năng trấn áp của guồng máy độc tài mà còn rất quan trọng trong giai đoạn bảo vệ những thành qủa mà quần chúng đã đạt được để không rơi vào tay một nhóm độc tài nào khác. Đương nhiên, khởi đầu của mọi cuộc đối kháng đều do một thiểu số can đảm xướng xuất; nhưng sau đó, nếu không thu hút sự đồng lòng ủng hộ của nhiều người và không lôi cuốn được sự hăng hái tham gia của số đông thì cuộc đối kháng trước sau gì cũng sẽ tàn lụi. Ngược lại, khi người dân bất chấp những đàn áp, tích cực vận động nhau tham gia các cuộc phản đối ôn hoà và công khai để đẩy chế độ độc tài rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan kéo dài, thoạt đầu các chỉ dấu về kết quả không rõ ràng và chắc chắn nhưng sau đó sự xuống dốc quyền lực của chế độ sẽ hiện rõ. Theo thời gian, sự tê liệt của bộ máy bạo lực sẽ gia tăng theo mức độ nhập cuộc ngày một đông đảo của quần chúng xuyên qua các cuộc biểu tình, đình công, lãng công... diễn ra ngay trên các đường phố.
Một lý thuyết gia người Anh về luật pháp, ông John Austin vào thế kỷ 19 đã viết về tình trạng một chế độ độc tài đối đầu với khối quần chúng bất mãn. Ông John Austin cho rằng nếu số đông quần chúng quyết tâm đối đầu công khai ôn hòa để chấm dứt ách độc tài và sẵn sàng chịu đựng những cảnh đàn áp, thì sức mạnh của chính quyền - kể cả bộ máy bạo lực bảo vệ nó -- không thể nào tiếp tục duy trì nổi cái chế độ mà lòng dân đang chán ghét, ngay cả khi nó được sự trợ giúp hay bảo hộ của ngoại bang. Ông John Austin đã kết luận rằng: không ai đẩy nổi một dân tộc phản kháng lùi trở lại tình trạng vâng lời và tuân phục vĩnh viễn khi số đông bắt đầu bày tỏ thái độ phản kháng. Hình ảnh các cuộc biểu tình đông đảo tại Đông Âu (1989), Serb (2000), Georgia (2003), Ukraine (2004) và Kyzgystan (2005) làm tê liệt xã hội và mới đây nhất là cuộc thắp nến cầu nguyện của hàng ngàn giáo dân Hà Nội trước Toà Khâm Sứ kéo dài hơn một tháng và vẫn còn ầm ỉ đến hôm nay là những minh chứng hùng hồn về nhận xét của ông Austin.
Những bài học nói trên, cho chúng ta rút ra những đặc tính rất cơ bản của đối đầu bất bạo động:
-Vừa đòi hỏi, vừa giúp số đông quần chúng vượt qua sự sợ hãi đối với chế độ và những hành vi đàn áp tàn bạo của công an. Khi người không còn sợ nữa thì chế độ sẽ phải bó tay; từ không sợ người dân mới bắt đầu gan dạ để nghĩ ra những cách phản đòn thích hợp, đẩy thiểu số lãnh đạo độc tài rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan. Vượt thoát hay kiềm chế được lòng sợ hãi là yếu tố then chốt để quy tụ số đông quần chúng tham gia trong việc phá hủy quyền lực của thiếu số độc tài.
-Để có số đông tham gia và giảm thiểu sợ hãi, mọi hoạt động trong chế độc tài phải công khai. Thật vậy, nhìn từ góc độ của phong trào quần chúng đấu tranh, bí mật không chỉ bắt nguồn từ sự sợ hãi mà còn góp phần làm gia tăng sự sợ hãi, và chính sợ hãi sẽ làm suy giảm tinh thần kháng cự và làm giảm số người tham gia vào hành động. Hơn nữa, bí mật, một khi bị lộ dễ mang đến những nghi ngờ, trách móc và cáo buộc trong nội bộ của phong trào quần chúng mà thường là oan uổng về việc ai đã là nội gián cho đối phương. Ngược lại, công khai về chủ trương và kế hoạch không những tạo được ảnh hưởng ngược với các hậu quả nêu trên mà còn góp phần tạo hình ảnh là phong trào đối kháng có sức mạnh thật sự. Đương nhiên có những lãnh vực hệ trọng liên quan đến tiềm lực của phong trào sẽ không bao giờ công khai như soạn thảo, in ấn và phổ biến tài liệu, thành phần lãnh đạo, nguồn thu tài chánh...
-Đòi hỏi tính kỷ luật rất cao mới có thể giữ vững phương thức đối đầu bất bạo động khi bị chế độ độc tài đàn áp, và bị áp xuất trả thù, gây bạo loạn bởi những quần chúng bị công án tấn công. Trong tiến trình phản kháng chính trị, chế độ độc tài luôn luôn tìm những lý cớ bạo động, phá hoại để tấn công và dập tắt các cuộc tập trung của số đông. Thường thì khi số người tham gia còn thấp, mức tự chế và kiểm soát được nhau còn cao. Nhưng khi số người càng đông, khả năng kiểm soát bạo động rất khó và dễ tạo cớ cho chế độ độc tài ra tay đàn áp. Do đó, kỷ luật trong đối đầu bất bạo động là chìa khóa của thành công và phải được duy trì bất chấp mọi sự khiêu khích và đàn áp của công an.
-Không chạy theo những thế trận do giới lãnh đạo độc tài đưa ra khi họ bị đẩy vào thế phải đối thoại. Nghĩa là lực lượng quần chúng phải cứng rắn và chủ động trong những đòi hỏi leo thang để từng bước lột trần chế độ, tước dần từng thẩm quyền một, cho đến khi đốn ngã toàn bộ quyền lực của thiểu số lãnh đạo độc tài. Trong phản kháng chính trị, thương lượng không thể được chọn là một giải pháp. Vì những kẻ độc tài một khi kiểm soát toàn thể xã hội và giữ chặt quyền lực cai trị trong nhiều thập niên dài sẽ không bao giờ muốn chia quyền lực cho bất cứ ai, bất cứ phe nhóm nào không phải là họ nên sẽ không bao giờ chịu đối thoại hay thương lượng với phía các lực lượng dân chủ. Nếu có những vụ thương lượng xảy ra thì đó phải coi là những cuộc gài bẫy nguy hiểm mà chế độ độc tài dựng ra để triệt tiêu tư thế chính trị của lực lượng dân chủ hoặc để thủ tiêu những kẻ muốn đi đường tắt. Ngay cả trong trường hợp lực lượng dân chủ rất mạnh đang đẩy chế độ độc tài rơi vào hoàn cảnh bị đe dọa thật sự, những kẻ độc tài có thể muốn thương lượng để cố vớt vát quyền lực và tài sản được bao nhiêu hay bấy nhiêu, phía lực lượng dân chủ và quần chúng đấu tranh không bao giờ chấp nhận giúp nhóm độc tài thực hiện ý định này.
-Sau cùng, tập thể đấu tranh có khả năng trải rộng nhưng cũng có thể tập trung vào một mục tiêu nhất định khiến cho chế độ độc tài khó có thể đánh lại khi số đông làm tệ liệt một phần hay toàn phần sinh hoạt xã hội. Trong chiều hướng đó, đối đầu bất bạo động còn có khả điều hướng nhiều mũi tiến công nhằm xoáy thêm vào những nhược điểm của chế độ và ngay cả việc cắt đứt những quyền lực chính trị của họ, đẩy thiểu số lãnh đạo liên tục phạm những sai lầm này đến sai lầm khác trong cách đối ứng các yêu sách của nhiều thành phần quần chúng.
Nói tóm lại, đối đầu bất bạo động là một phương thức phản kháng chính trị dựa trên sự tụ họp của số đông quần chúng bị áp bức chống lại một thiểu số lãnh đạo độc tài. Trong suốt tiến trình đối kháng này, việc duy trì kỷ luật, can đảm không sợ hãi và công khai đối đầu là ba yếu tố then chốt. Nhưng yếu tố quan trọng bậc nhất là phải có số đông tham gia thì mới đủ áp lực để tạo thay đổi; và số đông này sẽ chỉ trở thành một lực lượng đối kháng dứt điểm độc tài khi ba yếu tố nói trên được tuyệt đối tôn trọng.